Thức cùng Trường Sơn.

Ngày đăng: 11:02 20/05/2015 Lượt xem: 596
Nhân kỉ niệm 56 năm ngày mở đường Trường Sơn. Báo điện tử Bắc Ninh đăng bài “Thức cùng Trường Sơn” viết về Đại tá Nguyễn hữu Đạo nguyên Trưởng phòng thông tin BTL 559. Hiện nay là BCH tỉnh hội TS Bắc Ninh, Chủ tịch hội TTTS Thị xã Từ ...

 

 

 

“Thức cùng Trường Sơn”

 

Về Cẩm Giang, phường Đồng Nguyên (thị xã Từ Sơn) tìm đến nhà cựu chiến binh Trần Hữu Đạo. Trải tấm bản đồ Hệ thống đường chiến lược Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông hào hứng trải lòng về những năm tháng trực tiếp tham gia xây dựng và bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc trên tuyến đường mang tên Bác.

 

 

Cựu chiến binh Trần Hữu Đạo giới thiệu về hệ thống đường dây thông tin liên lạc trên Đường Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh.

 

         Cựu chiến binh, Đại tá Trần Hữu Đạo có vẻ ngoài trẻ hơn cái tuổi 74 và 53 năm tuổi Đảng. Ông nhập ngũ năm 1959 rồi được cử đi học Sĩ quan chỉ huy thông tin tại Trường Sĩ quan Lục quân. Hòa vào khí thế “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, năm 1965, chàng sĩ quan trẻ Trần Hữu Đạo đang công tác ở Cục Thông tin Liên lạc đã làm đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu. 

        Ngày chia tay gia đình, vợ ông đang mang thai con đầu lòng. Trời còn chưa sáng, bà xách chiếc đèn bão đưa ông đến cổng làng, bịn rịn phút chia ly không ai nói nên lời, mắt cứ nhòa lệ.… Hình ảnh quê hương, những người thân yêu luôn trong tâm trí, động viên từng bước chân chinh chiến.

        Vượt chặng hành quân, ngỡ ngàng đặt chân tới đại ngàn Trường Sơn trùng điệp, hoang sơ, ông được biên chế về Đoàn 559, làm trợ lý Phòng Thông tin.

        Ông Đạo cho biết: “Lúc đó, thông tin, liên lạc của ta chủ yếu dùng điện đài vô tuyến điện và một số ít điện thoại dây bọc cho một số nội bộ cơ quan các cấp. Chỉ đạo qua điện đài và mật mã là một phương thức quan trọng của thời kỳ đầu. Đến khi nhiệm vụ phát triển, không gian mở rộng, thời gian khẩn trương chiến đấu trong binh chủng hợp thành, một đòi hỏi cấp bách xuất hiện là phải mắc đường thông tin dây trần tải ba để tiến lên lấy phương thức liên lạc chỉ huy làm chủ yếu. Với một chiến trường rộng lớn, địch đánh phá quyết liệt, địa hình, thời tiết cực kỳ nghiệt ngã, việc mắc đường dây trần tải ba liệu có đủ sức làm, đủ sức giữ là những thách thức to lớn”.

           Với quyết tâm cao nhất, được hỗ trợ về cán bộ kỹ thuật, vật tư, thiết bị, đầu năm 1967, Bộ đội Thông tin Trường Sơn vượt thử thách ban đầu, kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo ra quân xây dựng đường dây trần tải ba bắt đầu từ Khe Ve (Minh Hóa, Quảng Bình). “Chúng tôi lặn lội men theo các tuyến đường ô tô vận tải, vượt đèo, lội suối, băng sông để khảo sát và mắc dây thông tin, đặt máy liên lạc. Mưa ngàn, suối lũ, nắng hạ, đói cơm, nhạt muối, sốt rét, bom rơi, đạn nổ, hy sinh, tổn thất và thông tin khi thông suốt, khi trắc trở cứ diễn ra liên tục, nối tiếp nhau trong từng ngày, cả tháng, suốt năm, tưởng như không chấm dứt”, ông Đạo nhớ lại.

           Qua những bỡ ngỡ ban đầu, đường dây trần tải ba không ngừng vươn ra, vượt qua Tây Trường Sơn phát triển mau lẹ đến ngã ba Đông Dương, xuyên qua Tây Nguyên, chọc thẳng đến Lộc Ninh (Đông Nam Bộ). Sau đó, Bộ đội Thông tin Trường Sơn phối hợp với Bộ Tư lệnh Thông tin nối dây trần từ Khe Ve theo đường Đông Trường Sơn đến Bù Đăng, chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Lúc đỉnh điểm, đường thông tin dây trần tải ba Đông, Tây Trường Sơn có độ dài trên 4.000km liên hoàn, khép kín ở khu vực Lộc Ninh bên cạnh Trung ương Cục ở Đông Nam Bộ.

            Liên tục 10 năm sống, công tác và chiến đấu trên tuyến lửa Trường Sơn hằn in trong tâm trí người cựu binh những kỷ niệm gian khổ, ác liệt không thể nào quên. Đó là những ngày được giao nhiệm vụ đi tổ chức bảo đảm thông tin ở các trọng điểm ác liệt Cốc Ma- Văng Mu, Cua chữ A, Tà Lê, Phu La Nhích, rồi A Sầu, A Lưới ở mặt trận Trị Thiên, chiến dịch Đường 9 Nam Lào… Những nơi đã diễn ra trăm, ngàn trận chiến đấu ác liệt chống chiến tranh ngăn chặn của địch. Bom đạn dội xuống liên tục suốt ngày đêm. Mặt đất có lúc chao đảo như đưa võng, núi rừng bị cày xới, đào lên, lấp xuống tưởng như không thể nào tồn tại được sự sống con người. Nhưng cũng chính nơi đây, Bộ đội Thông tin Trường Sơn cùng binh chủng bạn đã làm nên kỳ tích anh hùng. Người này mất, người khác thay thế, bám trụ đến cùng giữ vững mạch máu thông tin liên lạc bảo đảm chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu chiến thắng quân địch, khơi thông trọng điểm cho nườm nượp đoàn xe ra trận, đoàn quân đến chiến trường.

           Sau phút trầm tư, giọng người cựu chiến binh xúc động nhớ về những đồng đội đã không tiếc máu xương bảo vệ cho đường dây thông tin: “Đồng chí Nho, chiến sĩ khảo sát đường dây bị mảnh bom vào bụng. Đồng chí Trương Công Bào bị bom cướp đi mất một chân khi đang chỉ huy bộ đội mắc dây. Cơ vụ B16 cùng lúc 13 người hy sinh vì bom. Chiến sĩ tổng đài Lương Thị Trúc trên đường khôi phục dây trúng bom hy sinh vào lúc tuổi đẹp nhất cuộc đời. Cả Ban Thông tin và Tổng đài Sư đoàn 473 bị bom B52 cướp đi sự sống trong lúc đang làm nhiệm vụ… Và hàng trăm, hàng nghìn đồng đội của tôi đã kiên cường, anh dũng chiến đấu, hy sinh hoặc để lại một phần thân thể nơi chiến trường...”.

        Chính những hy sinh to lớn ấy đã góp phần xây dựng hàng vạn km dây trần tải ba, dây bọc hữu tuyến, tổng đài, máy lẻ, kết hợp vô tuyến điện tiếp sức, vô tuyến điện sóng ngắn, thông tin vận động tạo thành một mạng lưới thông tin đa phương thức đã cải thiện một cách cơ bản công tác chỉ huy từ gián tiếp sang trực tiếp, từ thung dung sang khẩn trương. Từ đây, chỉ huy chiến đấu binh chủng hợp thành mới hình thành, các đợt công kích, các chiến dịch tổng công kích vận tải trên toàn tuyến mới tổ chức được. Có thể khẳng định, hệ thống thông tin liên lạc giúp công tác chỉ huy phát huy hiệu quả cao nhất trong chiến đấu và công tác.   

          Từng giây cố gắng, từng phút nỗ lực, từng ngày quyết tâm và suốt hơn 20 năm nêu cao tinh thần quyết chiến từ hậu phương đến tiền tuyến, quân và dân ta đã làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.  Ông Đạo phấn chấn: “Tin vui chiến thắng dồn nén đến ngạt thở rồi vỡ òa với những người lính thông tin. Liên tục 16 năm trời, các nam nữ chiến sĩ thông tin trên toàn tuyến đã không chùn bước trước bom đạn kẻ thù, vượt mọi hiểm nguy, gian khó, thay nhau “thức cùng Trường Sơn” để giữ vững mạch máu thông tin liên lạc trên tuyến đường mang tên Bác… góp phần giải phóng miền Nam, non sông thu về một mối”.

           Năm tháng cứ đi qua nhưng những đóng góp của Bộ đội Trường Sơn nói chung, Bộ đội Thông tin Trường Sơn nói riêng và của những cựu chiến binh như ông Trần Hữu Đạo mãi được khắc ghi trong những trang vàng lịch sử dân tộc. Như lời của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn: “Binh chủng Thông tin Trường Sơn là một bộ phận trọng yếu trong tập đoàn Binh chủng hợp thành của Bộ đội Trường Sơn… Đường Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước được thế giới và trong nước đánh giá là một công trình huyền thoại. Mạng thông tin đa phương thức, lấy đường dây trần tải ba làm chủ lực là một công trình huyền thoại trong huyền thoại”.

                                     

                                                                               Theo Báo  điện tử Bắc Ninh

 

tin tức liên quan