Sư đoàn 968 trong Tổng tấn công Xuân 1975

Ngày đăng: 09:43 30/03/2016 Lượt xem: 1.135

 

SƯ ĐOÀN 968

TRONG CUỘC TỔNG TẤN CÔNG MÙA XUÂN 1975

 

       Cuối tháng 12/1974, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Nam Lào, Sư đoàn 968 Quân tình nguyện Việt Nam (Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh) được điều về Tây Nguyên, tham gia chiến dịch giải phóng Tây Nguyên vào đầu năm 1975. Lúc này, trong đội hình Sư đoàn 968 chỉ có 2 trung đoàn là E19 và E29 (E9 đã sang Tây Nguyên từ tháng 1/1974, còn E39 ở lại tiếp tục giúp Lào).

      Tại Tây Nguyên, E29 về thay chân Sư 10 ở địa bàn tỉnh Kon Tum, E19 tiếp quản địa bàn của Sư 320A, hoạt động tại phía tây thị xã Plây-ku, tỉnh Gia Lai. Còn hai sư đoàn bạn (F10 và F320A) bí mật chuyển về Nam Tây Nguyên để phối hợp với F316 và các đơn vị khác giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột và các mục tiêu khác ở Nam Tây Nguyên.

Ngày 1/3/1975, được lệnh của Sư đoàn, E19 tấn công các cứ điểm ở ngoại vi thị xã Plei-ku, như Đồn Tầm - Chốt Mỹ, Chư Gôi, Chư Kra, điểm cao 605, uy hiếp quận lỵ Thanh An và căn cứ Thanh Bình... vào những ngày sau đó, thực hiện ý đồ nghi binh của Bộ Tư lệnh Chiến dịch.

Phối hợp với Sư đoàn 968, đêm 3 rạng ngày 4/3, Trung đoàn 95A diệt căn cứ Ayun và một số điểm chốt giao thông của địch trải dài trên 20 km Đường 19, từ ngã ba Plei-bon đến ấp Phú Yên (Tây An Khê). Cũng trong thời gian này, Trung đoàn 9 (Sư đoàn 968, trong đội hình Sư đoàn 320A) cắt Đường 14 ở Ea H'Leo (Bắc Cẩm Ga). Ngày 4/3, Sư đoàn 3 Sao vàng (thiếu) của Quân khu 5 tấn công 11 chốt do 2 đại đội bảo an đóng giữ, chiếm đoạn Đường 19 từ đèo Thượng An đến cầu số 13 ở Đông An Khê. Đêm 4 rạng ngày 5/3, Trung đoàn 25 phục kích một đoàn xe vận tải của địch tại Chư Cúc, cắt đứt Đường 21 ở tây Khánh Dương, đông Buôn Ma Thuột. Đến ngày 8/3, Tây Nguyên đã bị cô lập với đồng bằng ven biển miền Trung và Nam Trung bộ về đường bộ (trừ Đường số 7 rất xấu, đã lâu không sử dụng). Ngày 7 và 8/3, Trung đoàn 48 (sư đoàn 320A) tấn công đánh chiếm Chư Sê và Thuần Mẫn (căn cứ Cẩm Ga) loại khỏi vòng chiến đấu một tiểu đoàn bảo an địch, cô lập Buôn Ma Thuột với bắc Tây Nguyên. Đêm 8 rạng ngày 9/3, Sư đoàn 10 (thiếu) tấn công cụm cứ điểm Đức Lập, làm chủ các cứ điểm này vào ngày 10/3. Cũng vào ngày 10/3, ta tấn công mục tiêu chính của chiến dịch là Buôn Ma Thuột và giải phóng Buôn Ma Thuột vào ngày 11/3.  

Ở hướng Sư đoàn 968 (bắc Tây Nguyên), sau nhiều ngày chiến đấu với nhiều tổn thất, hy sinh, đến mờ sáng 17-3, E19 dứt điểm xong Thanh An, rồi thừa thắng giải phóng Bàu Cạn, Hòn Rồng. Cùng ngày, E29 ở hướng Kon Tum, cắt đường 14 đoạn Tân Phú đi Chư Thoi, chặn đánh tiểu đoàn 253 Bảo an...

     Trưa ngày 17/3, E19, E95A (QK5) đã tiến vào giải phóng thị xã Plây Cu và E29 giải phóng thị xã Kon Tum. Tiếp đó, E19 được lệnh truy kích địch về hướng Phú Bổn, thay F320 bắt tù binh, thu vũ khí.

     Sau Chiến dịch Tây Nguyên, F968 được Sư đoàn ô tô 471 cơ động tiến xuống đồng bằng, tham gia giải phóng 4 tỉnh duyên hải Khu 5: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận.

Vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/1975, lực lượng Sư 968 được tăng cường, gồm có: E19, E29, E25 (MT Tây Nguyên), E95 (QK5), E4 pháo binh (thành lập đầu tháng 4-1975). Sư đoàn được giao nhiệm vụ và đã đánh thắng trên thực địa như sau:

- E29: Làm nhiệm vụ quân quản thị xã Buôn Ma Thuột, ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn Tây Nguyên;

- E19: Đánh chiếm sân bay Phù Cát (Bình Định), sau đó tham gia giải phóng và tiếp quản quân cảng Cam Ranh;

- E25: Cùng F325 giải phóng thị xã Phan Rang và sân bay Thành Sơn;

- E95: Tham gia giải phóng TP. Quy Nhơn, giải phóng và tiếp quản TP. Nha Trang. Tiếp đó, 1 tiểu đoàn của E95 phối hợp với bộ đội Hải quân giải phóng toàn bộ các đảo ven biển miền Trung.

       Cùng thời gian này, E9 (trong đội hình F320A) truy kích địch ở tây Phú Bổn, giải phóng Củng Sơn, quận lỵ Phú Nhơn, quận lỵ Phú Tiên (tỉnh Phú Bổn). Ngày 1/4, E9 giải phóng thị xã Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên). Tham gia chiến dịch HCM, sáng 29/4, E9 đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, thừa thắng tiến vào giải phóng Tân Quy, giải phóng quận lị Củ Chi, tạo điều kiện cho các đơn vị bạn đánh thẳng vào trung tâm Sài Gòn.

       Đây là những trận đánh cuối cùng của Sư đoàn trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975, góp phần vẻ vang vào thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

       Một điều đáng tự hào là Sư đoàn được "sự lựa chọn" của lịch sử, đã đánh trận mở màn chiến dịch Tây Nguyên, tiêu diệt căn cứ Đồn Tầm - Chốt Mỹ, một trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô vừa, đạt hiệu suất cao, góp phần để chiến dịch Tây Nguyên mở ra cục diện mới cho mùa Xuân 1975 toàn thắng.

       Với những chiến công giành được kể từ khi có mặt trong cuộc trường chinh của dân tộc, ngày 3/6/1976, Sư đoàn vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân". Riêng trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Lời tuyên dương công trạng viết: "Sư đoàn đảm nhiệm một hướng phối hợp chiến dịch, đã khôn khéo đánh địch, lừa địch, thu hút, kìm chân địch ở Bắc Tây Nguyên, tạo điều kiện cho hướng chính đánh to, thắng lớn; sau đó Sư đoàn đã nhanh chóng cơ động xuống Đồng bằng Khu 5, tham gia giải phóng các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận...; diệt và làm tan rã 34.000 tên địch, thu 700 xe quân sự, 75 máy bay, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".

         Kỷ niệm 41 năm ngày Toàn thắng 30/4, những CCB của Sư đoàn luôn tự hào có một thời đã sống, chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Sư đoàn và đã góp phần xây dựng nên truyền thống của đơn vị. Chúng ta cũng không bao giờ quên những đồng chí, đồng đội thân yêu đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 

                                                                    Nhà báo Bùi Thượng Toản

                                                                               (CCB F968)

 


 

 

 

 

tin tức liên quan