"Kỷ niệm với Nhà thơ Phạm Tiến Duật" - Đoàn Hải Hưng. Hội Trường Sơn tỉnh Phú Thọ

Ngày đăng: 11:26 07/07/2016 Lượt xem: 652

 

KỶ NIỆM VỚI NHÀ THƠ PHẠM TIẾN DUẬT

 

Đoàn Hải Hưng

Ủy viên Ban Thường vụ Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Thọ

 

 

 

Tác giả bài viết và nhà thơ Phạm Tiến Duật

Chụp ảnh kỷ niệm tại trường THPT Hùng Vương Phú Thọ

nhân dịp nhà trường đón nhận Danh hiệu “Anh hùng Lao động” (tháng 12/2004)

 

***

            Tôi học cùng trường cấp 3 với anh Duật, cùng là Bộ đội Trường Sơn thời chống Mỹ song trước năm 1975 tôi ít gặp anh. Anh Duật hơn tôi 6 tuổi, học cấp 3 trước tôi 4 năm. Nhà thơ Phạm Tiến Duật sinh năm 1941, quê ở thị xã Phú Thọ (còn Thanh Ba là nơi gia đình anh tản cư trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp), anh là học sinh trường cấp 3 Hùng Vương (nay là trường THPT Hùng Vương, thị xã Phú Thọ) khoá học 1958-1961. Có bài viết, có công trình nghiên cứu viết rằng: “Nhà thơ Phạm Tiến Duật là học sinh trường THPT Chuyên Hùng Vương - Phú Thọ” là không chính xác vì tỉnh Vĩnh Phú (sau tách thành Phú Thọ và Vĩnh Phúc) năm 1986 mới chính thức thành lập trường THPT Chuyên Hùng Vương.

 

            Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm I Hà Nội năm 1964, nhà thơ đã xung phong lên đường nhập ngũ, trở thành người lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phục vụ trong Quân đội 14 năm thì có 8 năm chiến đấu ở Trường Sơn, nơi Phạm Tiến Duật “không chỉ trở thành một Nhà thơ lớn mà còn là một chiến sĩ xuất sắc luôn có mặt ở những nơi bom đạn ác liệt nhất”.

 

            Trước khi vào Trường Sơn, anh Duật là giáo viên văn hóa Trung đoàn ô tô 225, Tổng cục Hậu Cần. Năm 1965, “Trung đoàn ô tô 225 được chỉ đạo xây dựng thành hai Tiểu đoàn xe, một vào Binh trạm 10, một vào Binh trạm 12 hoạt động trên địa bàn Quảng Bình, theo đường 12 lên Cổng Trời sang Lào”(1). Lúc này Quảng Bình, Vĩnh Linh và nhiều trọng điểm trên địa bàn hoạt động của Binh trạm 12 ở Trường Sơn đang bị máy bay Mỹ đánh bom, rải thảm dữ dội. Trung đoàn cần một số cán bộ chính trị, hậu cần về công tác ở binh trạm 12, anh Phạm Tiến Duật là người đầu tiên của Trung đoàn đã xung phong đi Binh trạm.

 

            “Vào Binh trạm 12, hoạt động trong đội Văn hóa lưu động làm nhiệm vụ phổ biến chủ trương chính sách, động viên chiến đấu bằng hình thức văn nghệ”(2), anh Duật đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cán bộ - chiến sĩ Binh trạm, các đơn vị xe, Công binh, Thanh niên xung phong... tin yêu mến phục. Thời kỳ ở Binh trạm 12 và sau này ở Binh trạm 34, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã sáng tác được nhiều bài thơ hay. Chùm thơ bốn bài: “Nhớ”, “Lửa đèn”, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, “Gửi em, cô thanh niên xung phong” của anh đạt giải nhất cuộc thi thơ do báo Văn nghệ tổ chức năm 1969-1970 đã được sáng tác trong thời kỳ này.

 

            Tôi vào chiến trường từ tháng 12 năm 1965. Ở Trường Sơn, tôi ở đơn vị Cảnh vệ, Đoàn bộ, Đoàn 559. Đầu năm 1967, trung tá Đoàn Lược, Trưởng ban quân lực của BTL 559 (sau này là Đại tá, Tham mưu phó BTL Trường Sơn) có chuyến đi công tác, thăm một số Binh trạm và một số đơn vị Công binh của BTL. Chuyến đi công tác này tôi được cử đi cùng. Trung tá Đoàn Lược quê ở Hạ Hòa, Phú Thọ. Thủ trưởng Lược người cao to, trông dữ tướng nhưng lại rất hiền, luôn gần gũi quan tâm đến cán bộ, chiến sĩ các đơn vị. Trên đường công tác, Thủ trưởng Đoàn Lược và tôi đã gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật. Cuộc gặp gỡ giữa chiến trường thật cảm động vì cả ba người đều quê ở Phú Thọ, tôi lại học cùng trường cấp 3 với anh Duật. Ở chiến trường, tình đồng hương là tình cảm sâu nặng nghĩa tình. Tôi đưa anh Duật xem 3 bài thơ tôi mới sáng tác (Bài ca Cảnh vệ, Thơ viết trước giờ ra trận, Tiếng hát trên đường Trường Sơn), anh đọc kỹ và góp nhiều ý kiến sâu sắc. Bài thơ “Bài ca Cảnh vệ” sau đó được in trong tập “Hoa thắm Trường Sơn” do Cục chính trị, BTL 559 xuất bản năm 1967.

 

            Kết thúc chiến tranh, từ năm 1976 tôi về dạy môn Ngữ Văn trường cấp 3 Hùng Vương. Năm 1980, nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trường Hùng Vương, tôi được nhà trường cử đi Hà Nội mời anh Duật về nói chuyện với giáo viên và học sinh toàn trường. Sau đó các năm 1985, 1990, 1996, 2004 tôi đều được cử đi Hà Nội mời và đón anh Duật về trường…

 

            Đúng ngày kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường THPT Hùng Vương (1/12/1945-1/12/1985), anh đăng trên báo “Nhân Dân” bài thơ “Giếng trường”, gửi gắm những tình cảm sâu nặng của mình đối với nhà trường. Anh đã gửi tặng hai tờ báo Nhân Dân có đăng bài thơ này (1 tờ tặng trường, 1 tờ tặng tôi).

 

            Năm 1983, xuất bản tập thơ “Vầng trăng và những quầng lửa” anh cũng gửi tặng nhà trường và tặng tôi tập sách quý này.

 

            Trong những lần gặp gỡ, tôi và anh Duật thường ôn lại những kỷ niệm ở Trường Sơn, trao đổi về thơ văn, về thế thái nhân tình.

 

            Thời kỳ làm Tổng Biên tập “Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam”, để bổ sung kinh phí hoạt động cho Tạp chí, có những khi anh phải trực tiếp đi vận động các Doanh nghiệp làm quảng cáo. Có Giám đốc từng là lính Trường Sơn rất tình nghĩa, nhiệt tình giúp đỡ; nhưng cũng có Giám đốc doanh nghiệp coi trọng tiền hơn tình, thiếu tôn trọng Văn nghệ sỹ, anh bức xúc nói với tôi: “Những loại Giám đốc này, dù có ký hợp đồng quảng cáo cho Tạp chí đến một tỷ đồng (VNĐ) anh cũng không nhận, không cần”.

 

            Nhà thơ Phạm Tiến Duật và nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh cùng học một khóa trường cấp 3 Hùng Vương, cùng quê Phú Thọ, cùng học khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm I Hà Nội (khóa 1961-1964), cùng nhập ngũ năm 1964, cùng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến ngày đại thắng.

 

            Ngày 2/12/2006 anh Ảnh qua đời. Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Phú Thọ và tôi gọi điện báo cho anh Duật biết tin. Anh xúc động, đau buồn trước tin anh Ảnh mất. Những ngày này ở Hà Nội và Phú Thọ trời mưa, rét đậm. Là Tổng biên tập “Tạp chí diễn đàn Văn nghệ Việt Nam”, xe con của cơ quan bận đi công tác, anh Duật đã một mình một xe máy đi trên 100 cây số từ Hà Nội về Vân Phú, Việt Trì để kịp về viếng bạn. Khi đến Việt Trì, mặt anh tím tái vì lạnh buốt...

 

            Ngày 4/12/2007 nhà thơ Phạm Tiến Duật đã đi vào cõi vĩnh hằng. Nghe tin anh mất, cán bộ - chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn, Thanh niên xung phong Trường Sơn, các Văn nghệ sĩ, các thế hệ giáo viên - học sinh trường THPT Hùng Vương ... rất đau buồn. Lễ tang nhà thơ Phạm Tiến Duật đã được tổ chức trọng thể, xúc động sáng 11 tháng 12 năm 2007 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng. Trên 1.000 người (trong đó có các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, Hội Nhà văn Việt Nam, Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn Toàn quốc, Lãnh đạo thành phố Hà Nội - tỉnh Phú Thọ, Hội Văn học nghệ thuật Phú Thọ, Trường THPT Hùng Vương ...) đã đến viếng và dự lễ truy điệu nhà thơ.

 

            Dự lễ viếng và truy điệu, tôi xúc động sáng tác bài thơ “Khóc thương một nhà thơ” viết về cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của nhà thơ Phạm Tiến Duật, trong bài thơ có đoạn:

 

"...Cả đời ít nghĩ đến mình

Say mê cái đẹp, lợi - danh chẳng màng

... Anh đi về cõi vĩnh hằng

Đường xa “Quầng lửa - vầng trăng” rạng ngời..."

 

            Lễ an táng nhà thơ được tổ chức cùng ngày tại nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội. Kết thúc lễ tang, một điều đặc biệt xưa nay chưa từng có đã có ở lễ tang này. Để tưởng nhớ nhà thơ Phạm Tiến Duật - người con ưu tú của đất Tổ vua Hùng, một nhà thơ Quân đội mà tên tuổi gắn liền với con đường Trường Sơn huyền thoại, “một Nhà thơ lớn, xuất sắc của nền thơ ca chống Mỹ cứu nước”, khi kết thúc lễ an táng, nhiều người đã nghẹn ngào xúc động hát vang bài hát “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây” (Nhạc: Hoàng Hiệp, Thơ: Phạm Tiến Duật).

 

            Với “Lửa đèn”“Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây” - hai bài thơ được xếp trong những bài thơ hay nhất của Việt Nam thế kỷ XX, với các tác phẩm mãi đi cùng năm tháng: “Vầng trăng quầng lửa” (tập thơ, 1970), “Thơ một chặng đường” (tập thơ, 1971), “Ở hai đầu núi” (tập thơ, 1981), “Vầng trăng và những quầng lửa” (tập thơ, 1983), “Nhóm lửa” (tập thơ, 1996), “Tiếng bom và tiếng chuông chùa” (trường ca, 2000), “Vừa làm vừa nghĩ” (tiểu luận, 2003), “Tuyển tập Phạm Tiến Duật” (thơ và trường ca, 2007) vv... nhà thơ Phạm Tiến Duật xứng đáng được đề nghị trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật... (3)

 

Phú Thọ, ngày 22 tháng 10 năm 2011

 

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------

(1), (2) Nguồn: “Phạm Tiến Duật - thuở ban đầu”, ghi chép của Đại tá - Nhà văn Nguyễn Việt Phương, nguyên Chính uỷ binh trạm 12, Bộ đội Trường Sơn

(3) Tháng 5/2012, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuât.

 

 

Đoàn Hải Hưng

Số 10, phố Tân An, phường Hùng Vương, thị x Ph Thọ, tỉnh Ph Thọ

ĐT: 0988 027 547

tin tức liên quan