"Ngày giờ chính xác giải phóng Đông Hà, Quảng Trị năm 1972" - Ghi chép của Phạm Đăng Kiểm
---------------------------------------------------
NGÀY GIỜ CHÍNH XÁC
GIẢI PHÓNG ĐÔNG HÀ, QUẢNG TRỊ NĂM 1972
(Ghi chép của Phạm Đăng Kiểm nguyên tiểu đội trưởng, trung đội trưởng bộ binh thuộc đại đội 3, tiểu đoàn 1, trung đoàn 36, sư đoàn 308, người trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng Đông Hà)
LỊCH SỬ CẦN PHẢI TRẢ LẠI CHO BỘ ĐỘI CHỦ LỰC C3D1E36F308 – HỌ ĐÃ ANH DŨNG CHIẾN ĐẤU, ĐÃ HY SINH 8, BỊ THƯƠNG 20 CÁN BỘ CHIẾN SỸ ĐỂ CHIẾM ĐƯỢC LÔ CỐT 3 TẦNG TẠI NGÃ 3 ĐÔNG HÀ . LÚC ẤY LÀ 10 GIỜ 30' NGÀY 28/4/1972 CHỨ KHÔNG PHẢI 15 GIỜ NHƯ CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA CÔNG AN QUẢNG TRỊ ĐƯA TIN, VỚI BÀI BÁO LẠ HOẮC:
“Gặp lại người cắm cờ ngày giải phóng Đông Hà”. Đăng lúc: 08h11’ Thứ sáu ngày 21/08/2015 - Người đăng bài viết: Nguyễn Nam Hải. Bài viết có đoạn: “15h ngày 28/4/1972, lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc lô cốt- vị trí cao nhất giữa trung tâm “quân trấn” Đông Hà. Đông Hà được hoàn toàn giải phóng. Người cắm lá cờ trong thời khắc thiêng liêng ấy là ông Võ Thanh Thủy, nguyên cán bộ trinh sát Ban An ninh Quảng Hà.”
Kính mời các đồng chí an ninh Quảng Trị xem bài viết của tôi sẽ rõ ngọn nguồn mà đính chính bài viết cho đúng sự thật lịch sử, đừng để anh linh 8 Liệt sỹ và xương máu của 20 Thương binh chiến sỹ Sư đoàn quân Tiên Phong (308) trở thành vô nghĩa (?)
Chiến tranh Việt Nam (1954 - 1975) nếu kể từ trận đầu tiên là trận Ấp Bắc (ngày 31 tháng 12 năm 1962) cho đến trận cuối cùng là Chiến Dịch Hồ Chí Minh (ngày 26 tháng 4 năm 1975) thì gồm cả hàng trăm trận đánh lớn-nhỏ như trận Đồng Xoài, trận Pleime, trận Làng Vây (trong thập niên 1968), trận Lam Sơn 719, trận Ban Mê Thuột, trận Xuân Lộc (trong thập niên 1975)...v..v nhưng giới nghiên cứu quân sự thế giới đồng ý chỉ có 3 trận đánh chính, cần quan tâm đó là các trận:
1- Trận Mậu Thân 1968 (Hoa Kỳ gọi là Tet Offensive 1968)
2- Trận Quảng Trị 1972 (Hoa Kỳ gọi là Easter Offensive, miền Nam VNCH gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, lính Bắc Việt gọi là trận "Cối xay thịt").
3- Trận 30 tháng 4 năm 1975 (Bắc Việt gọi là Chiến Dịch Hồ Chí Minh).
Và, tôi cũng nghiệm ra rằng: "Không có tiếng nói dũng cảm, chân thành của những người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu; không có những sử gia chân chính, sự thật lịch sử dù lớn, hay nhỏ sẽ vĩnh viễn nằm trong bóng tối"
MẤT ĐÔNG HÀ LÀ MẤT QUẢNG TRỊ.
Tỉnh Quảng Trị ở bờ nam Sông Bến Hải – phía nam vĩ tuyến 17 - ranh giới tạm thời chia cắt hai miền Nam - Bắc Việt Nam; thị xã Đông Hà thuộc tỉnh Quảng Trị, là vị trí tiền đồn để Mỹ - ngụy thiết lập căn cứ chỉ huy, là hậu cứ vững chắc để thực thi các chiến dịch “ Bắc tiến”, “tìm diệt”, “bình định”… của Mỹ - ngụy.
Địch đã tập trung xây dựng Đông Hà thành cụm cứ điểm mạnh nhất chiến trường Trị - Thiên, với diện tích khoảng 10 km2 chiều dài từ Km 0 đến Km 6 đường 9. Địch bố trí ở đây 4 trận địa pháo 175 mm; 1 quân cảng rộng lớn 4 ha; 3 chi đoàn thiết giáp 147, 269, 312; 1 lữ đoàn thủy quân lục chiến; lực lượng bộ binh có lúc địch huy động tương đương với 4 trung đoàn; 6 đại đội bảo an cùng với 1 lực lượng mật vụ, cảnh sát, bình định nông thôn, dân vệ… với hệ thống đồn bốt, hầm ngầm, căn cứ kiên cố, bố trí trên các vị trí trọng yếu từ ngã tư Sòng đến cầu Lai Phước. Cụm cứ điểm Đông Hà- Ái Tử - Quảng Trị là một trong những “lá chắn thép” “bất khả xâm phạm” của vùng I chiến thuật của quân ngụy Sài Gòn.
Theo mật lệnh của chỉ huy chiến dịch: suốt đêm, (xin mọi người nhớ là..."suốt đêm") 27 tháng 4 năm 1972 cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 (Quân Tiên phong), QĐNDVN chia làm nhiều mũi bí mật, với tư thế bò trườn, lặng lẽ…tiến quân vào thị xã Đông Hà. Do trời tối chúng tôi nhiều lần đã “cưỡi” lên biết bao xác người chết, bò lợn chết… đang thối rữa bên đường. Thật khủng khiếp, mọi người phải lấy dầu Con hổ nhét hai cục to tướng vào 2 lỗ mũi, hòng át đi mùi vị ghê rợn của chiến tranh(?), và bò, và trườn…các đơn vị lần lượt vào vị trí tập kết.
Giờ G đã điểm: Sau... suốt đêm bí mật bò, trườn "theo đúng các động tác, tư thế đã được huấn luyện ngoài miền Bắc", chúng tôi tới vị trí tập kết. 5 giờ 15 phút ngày 28-4-1972, cuộc tấn công quy mô, toàn diện và quyết định vào cụm cứ điểm Đông Hà đã bắt đầu với sự tham gia của trên hai mươi nghìn chiến sỹ. Đó là Sư đoàn chủ lực 308 cùng các đơn vị tên lửa, tăng thiết giáp, pháo mặt đất, pháo phòng không, bộ đội hoá học, súng phun lửa; tiểu đoàn 3 bộ đội địa phương, các đội biệt động của thị đội Quảng - Hà, lực lượng du kích các xã Cam Giang, Cam Thanh, Triệu Lương, Triệu Lễ…Mở màn trận đánh quyết định này là pháo binh 130 ly, 122ly, ĐKZ 75, hoả tiễn A12, DKB…của bộ đội ta đã nã "liên hồi kỳ trận" vào các mục tiêu chủ yếu: trung tâm chi khu quân sự Đông Hà, cứ điểm Trung Chỉ, Đại Áng, Lai Phước …
Sau 15 phút pháo kich cấp tập, đúng 5 giờ 30 phút, các đơn vị bộ binh Sư đoàn chủ lực 308 từ các vị trí tập kết cùng xe tăng và các lực lượng bộ đội địa phương...đồng loạt tiến công theo các hướng tiến vào thị xã. Quân ta nhanh chóng áp sát các mục tiêu. Cuộc chiến diễn ra khốc liệt, nhưng thế mạnh đã thuộc về QĐNDVN.
Sáng 28-4-1972 bộ binh sư 308 cùng du kích đã tấn công địch ở cứ điểm Trung Chỉ, Đại Áng, diệt 2 xe tăng và hơn 100 tên địch, sau đó tiếp tục tiêu diệt địch ở khu vực Đại Áng...
Các mũi tiến quân khác của Sư đoàn Quân Tiên phong và các lực lượng phối thuộc cũng nhanh chóng giành được thế chủ động và giành thắng lợi giòn giã
Vậy là sau gần 1 tháng vây lấn, sau nửa ngày huyết chiến, khoảng 10 giờ 30' ngày 28/4/1972 chiến sỹ Đại đội 3, Tiểu đoàn 1,Trung đoàn bộ binh 36, Sư đoàn 308 đã làm chủ trung tâm thị xã - khu vực nhà Bưu điện, lô cốt 3 tầng ngã 3 Đông Hà.
Lô cốt 3 tầng ngã 3 Đông Hà
.
Chúng tôi hỉ hả bước vào lô cốt ba tầng nằm chình ình giữa ngã ba. Đập vào mắt tôi trước tiên là hình ảnh… đôi giày vải cao cổ quen thuộc dính đầy bùn đất đang… đung đưa, đung đưa, ngước nhìn lên...thì ra một chiến sỹ QĐNDVN vừa bị địch tra tấn và treo cổ ngay tầng một lô cốt (thi thể anh vẫn còn mềm và ấm), cạnh đó là súng ống, lựu đạn…vứt bừa bãi; những lồng gà có tới vài chục con đang táo tác… đòi ăn. Chúng tôi cắt dây đưa xác đồng đội xuống… đặt ngay ngắn bên ngoài lô cốt. Lúc này ai cũng đói, đói cồn cào, nên chúng tôi phải cử người giúp anh nuôi… thịt gà, mổ lợn (!). Gà đã sẵn trong lồng, bò, lợn chỉ… đòm! một phát, là xong(?). Lần đầu tiên những người lính Miền Bắc trố mắt nhìn chú trư lông trắng như cước, to… khủng khiếp đang nguễu nghện, thủng thẳng đi trên đường nhựa(?). Tôi trèo lên tầng ba lô cốt, thị xã im ắng lạ thường, nắng nóng bao trùm mặt trận, chỉ thấy những đám khói to, nhỏ đang bốc lên nghi ngút... lẳng lên trời xanh những dấu chấm hỏi rồi cũng nhanh chóng tan biến theo những cơn gió Lào đang hầm hập thổi về (!), lác đác phía chân trời… có tiếng súng bộ binh nổ đì đẹt. Quân ta đã toàn thắng.
Bên kia đường là nhà Bưu điện, khi chúng tôi bước vào, hầu như tòa nhà vẫn còn nguyên vẹn, vẫn những bì thư, báo, tạp chí, bưu phẩm… chưa kịp gửi, xếp đống một chỗ. Tiền ngụy, tiền USD từng xếp, từng xếp, ai cũng... coi như giấy lộn, chẳng thèm nhặt, vì miền Bắc đâu biết... tiêu tiền này (?). Lính ta chỉ ra sức lục lọi, tìm kiếm mỗi thằng giấu vài bức ảnh, album có hình …các cô gái cởi truồng đang mỉm cười với các chàng lính trẻ(!).
Đứng bóng.
“Buồn ngủ gặp chiếu manh”- nhà Bưu điện có tầng hầm kiên cố, rộng rãi là nơi chúng tôi chọn làm chỗ… dọn mâm ăn mừng chiến thắng. Tiệc đã bày ra, toàn đồ chiến lợi phẩm: đùi bò hầm, gà luộc, lợn quay, đủ các loại thịt hộp, giò hộp, cá hộp… bánh kẹo hảo hạng. Chỉ tiếc không có rượu bia, mà có đầy lon, chai ra đấy, toàn chữ Mỹ ai …dám dùng(?). Sau một tháng trời, đây là bữa ăn đầu tiên có đầy đủ bát, đũa, thìa, dĩa… anh nuôi đã kỳ công kiếm được cho từng “thực khách”. Mọi người “nâng bát” chúc mừng nhau còn sống (!). Tiệc chưa đầy… hai phút, có lệnh tập trung... truy kích !. Ai lấy đều vội vã… và cho hết bát cơm, bụng vẫn đói meo, phải lục đục nhô lên khỏi hầm.
Tôi nhìn đồng hồ: lúc ấy là 11 giờ 30 phút, toàn Đại đội (còn khoảng 30 người) tập trung hàng dọc dưới chân lô cốt ba tầng. Bỗng từ đâu...xoèn xoẹt, âm âm, u u, và đất, và trời ...ngả nghiêng, chao đảo, ..pháo, pháo! hàng loạt pháo giàn, pháo chụp cấp tập ập đến, và B52 từ trên chín tầng mây thản nhiên trút “trận mưa” gang thép xối xả xuống đầu chúng tôi. Khói lửa mịt mù, tiếng kêu, tiếng khóc gọi mẹ ( tôi để ý mọi người trước khi chết đều gọi Mẹ), gọi vợ con vang lên thảm thiết… Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 gần như bị xóa sổ: 20 người bị thương, 8 cán bộ Đại đội, Trung đội... hy sinh đó là các đồng chí : Khanh (Chính trị viên quê Thái Bình) , Hãn (liên lạc quê Hải Hưng), Dung, Sử, Như, Tôn, Được, Hảo (đều là cán bộ Đại đội, Trung đội quê Thái Bình, Vĩnh Phú), xác 8 Liệt sỹ được chúng tôi - những thương binh sống dở, chết dở lôi, kéo, đẩy, gom lại, xếp đống cạnh xác một chiến sỹ vừa bị địch treo cổ, dưới chân lô cốt 3 tầng. Họ được ai chôn, và chôn cất ở đâu? Chúng tôi không được biết, nhưng ngày, giờ họ hy sinh… là chính xác.
Không biết các đồng chí An ninh Quảng Trị sẽ nghĩ gì khi đọc bài viết chân thực này? Không biết những người viết sử cho sư đoàn Quân Tiên Phong, lịch sử QĐND VN có ai biết và viết về trận chiến bi hùng này không?.
Tôi và khẩu RPD đều bị thương, em…RPD phải vứt lại Đông Hà vì đã cong nòng, gẫy báng, còn "anh chủ" được chuyển ra bệnh xá Sư đoàn 308, đóng bên bờ bắc sông Bến Hải, nơi đó là đội 6, Nông trường Quyết Thắng, Vĩnh Linh để điều trị và an dưỡng.
Trận giải phóng Đông Hà tác giả được Sư trưởng, thượng tá Nguyễn Hữu An tặng một Bằng khen "ngay tại trận", bằng khen ghi dòng chữ "ĐỒNG CHÍ ĐÃ DŨNG CẢM BẮN TRUNG LIÊN TIÊU DIỆT NHIỀU ĐỊCH CHO BỘ ĐỘI XUNG PHONG"
Đó là phần thưởng thiết thực, vô giá, tôi còn ...yêu mến hơn mọi tấm huy chương niên hạn (?)
26.4.2022
Phạm Đăng Kiểm
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam