Về Chính ủy Sư đoàn 968 - Thượng tá Vũ Quang Bình

Ngày đăng: 10:51 20/07/2022 Lượt xem: 586
-----------------------------------------------------------------------

       Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ, CCB sư đoàn 968 anh hùng Quân tình nguyện Nam Lào thực hiện nhóm bài viết này thay nén nhang thắp cho Chính ủy Đặng Tính, Chính ủy Vũ Quang Bình và các đồng chí cùng đi đã anh dũng hy sinh ngày 3/4/1973 ở Nam Lào.
 
VỀ CHÍNH ỦY SƯ ĐOÀN 968 GIAI ĐOẠN 1972-1973,
THƯỢNG TÁ VŨ QUANG BÌNH

Bs Lê Lợi.

 
       Ngày 27/6/2022, sau khi đăng tải danh sách các Chính ủy, Phó Sư đoàn trưởng về chính trị của sư đoàn 968, trang Cựu chiến binh Sư đoàn 968 anh hùng của chúng ta nhận được nhiều phản hồi tích cực với bài viết. Để làm rõ thêm, tôi bổ xung mấy điểm sau:
       Danh sách được đăng tải trong cuốn Sư đoàn bộ binh 968, (6/2018). Về cấp bậc thì hầu hết các bậc tiền bối khi giữ chức vụ cấp trưởng Sư đoàn mới chỉ là Thượng tá hoặc Trung tá (trước năm 1985) sau này khi nghỉ hưu hoặc chuyển đơn vị mới được phong cấp bậc cao hơn. Sau khi đọc bài viết, anh Bùi Thượng Toản có nhắn tôi, đại ý là chú viết thiếu mất một Chính ủy. Tôi đọc lại thấy đúng là vậy. Đúng là có một Chính ủy của F968 không được ghi trong danh sách ở cuốn Sư đoàn bộ binh 968, đó là Thượng tá Vũ Quang Bình, Chính ủy đến ngày 3/4/1973.
Tuy nhiên vai trò của ông vẫn được ghi trang trọng ở trang 119, dòng 14 ở trên xuống (sách đã dẫn) như sau: Ngày 5/10/1972, Đảng ủy Sư đoàn 968 họp bàn về nhiệm vụ lãnh đạo trong tình hình mới. Hội nghị có các đồng chí Vũ Quang Bình, Phạm Thanh Sơn, Hồ Sỹ Lộc, Nguyễn Tiến Thưởng, Hà Đức Dục, Lê Văn Á, Hùng Sơn do đồng chí Vũ Quang Bình chủ trì. Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện-Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh 559 đến dự họp... Lúc này Phạm Thanh Sơn đang là Sư đoàn trưởng mà Vũ Quang Bình chủ trì, vậy ông phải là Chính ủy.
       Sau đây là đọan nói về Chính ủy Vũ Quang Bình của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn trong cuốn Đường xuyên Trường Sơn: "Gần sáng, nhân viên cơ yếu đi cùng chuyển cho tôi bức điện vẻn vẹn mấy chữ: Chính uỷ Đặng Tính hy sinh ngày 3 tháng 4 ở Pắc Xoòng. Cầm bức điện, mắt tôi nhoà đi. Một nỗi đau không nói thành lời. Tôi quyết định tạm dừng chuyến đi, trở về sở chỉ huy. Nhưng vì đường xa, trắc trở, chúng tôi cũng không kịp ra dự lễ tang của anh Đặng Tính, do Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức ở Hà Nội. Liền sau đó, tôi ra viếng mộ anh, chia buồn cùng chị Tính và gia đình. Thắp nén hương lên phần mộ người đã khuất, tôi thấu tận cùng nỗi đau; thương tiếc người đồng chí mẫu mực, thân thiết đã sớm vĩnh viễn ra đi, đem theo bao tâm huyết, hoài bão của một tầm nhìn chiến lược, có tính toán. Theo anh em trong đoàn do anh Tính chỉ huy kể lại: Đúng lộ trình đã định, anh Tính vào làm việc với Bộ Tư lệnh các Sư đoàn: 471, 472, 565, 968, Quân khu Hạ Lào, kết hợp khảo sát, nắm tình hình đường sá và bàn biện pháp xây dựng vùng giải phóng. Sáng ngày 3 tháng 4, trên đường xuống thăm một đơn vị thuộc Sư đoàn 968 chốt giữ tại Pắc Xoòng - một vị trí quan trọng ở Nam Lào vừa được giải phóng, xe anh Tính trúng mìn của địch. Hy sinh cùng anh Đặng Tính còn có thượng tá Chính uỷ Sư đoàn 968 - Vũ Quang Bình, Cục phó Cục Tham mưu công binh - Nguyễn Xuân Yên, nhạc sĩ Trịnh Quý - Đoàn phó đoàn văn công Trường Sơn, một bác sĩ và đồng chí lái xe. Đây là một tổn thất lớn nhất về cán bộ của Bộ Tư lệnh Trường Sơn".
       Rất mong các bậc tiền bối của F968, của BTL Trường Sơn có ai từng công tác với Chính ủy Vũ Quang Bình lên tiếng để không ai có thể bị lãng quên.

Nhà báo Bùi Thượng Toản, CCB F968

       Có lần, tôi đọc được một bài báo viết không đúng sự thật về sự hy sinh của Đại tá Đặng Tính, vị Chính ủy danh tiếng của Bộ đội Trường Sơn. Tôi đã viết bài phản biện đăng trên báo Đại Đoàn Kết ngày 2/3/2009. Trong bài, tôi có nhắc đến cả sự hy sinh của Chính ủy Vũ Quang Bình. Sau đó, Tòa soạn nhận được bài viết của bạn đọc L.A.K, cũng là một CCB Sư đoàn 968. Bên cạnh việc tô đậm sự kiện, anh còn viết: Chính vì phải chịu trách nhiệm về cái chết của Đại tá Đặng Tính mà Chính ủy Vũ Quang Bình dù đã hy sinh vẫn phải chịu kỷ luật và không được nêu tên như các vị Chính ủy khác của sư đoàn (!). Nhận thấy vấn đề khá nhạy cảm nên tôi đã “đục bỏ” ý kiến này khi đăng bài và cũng vì vậy, tôi bắt đầu quan tâm tìm hiểu về Chính ủy Vũ Quang Bình.
       Lọc từ Lịch sử Đảng bộ Sư đoàn 968 và hồi ức của Đại tá Hoàng Xiển, nguyên Phó phòng Cán bộ của BTL Trường Sơn, tôi bổ xung thêm vài nét về Chính ủy Vũ Quang Bình.
       Vào đầu mùa khô năm 1972-1973, BTL Trường Sơn điều động Thượng tá, Chính ủy Đoàn 968 Nguyễn Ngọc Sơn đi nhận nhiệm vụ mới. Thay vào đó, trung tá Vũ Quang Bình từ Sư đoàn 470 được điều về làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đoàn 968. Đồng chí Vũ Quang Bình đã cùng BTL Đoàn 968 lãnh đạo cán bộ chiến sỹ trong chiến dịch 128 ngày đêm ở Nam Lào, góp phần bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng của Lào liên hoàn giữa các tỉnh Khăm Muộn, Xavannakhet, Xalavan, Atopư; bảo vệ vững chắc tuyến vận tải Trường Sơn.
       Tiếc thay, ngày 3/4/1973, đồng chí Vũ Quang Bình hy sinh. Vì vậy, đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn được điều trở lại làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đoàn 968.
      Thi hài Chính ủy Bình được đưa về Quảng Bình, nơi BTL Trường Sơn đóng quân. BTL Trường Sơn đã tổ chức lễ tang, sau đó an táng Chính ủy tại NTLS xã Hiền Ninh, huyện Lệ Ninh, Quảng Bình. Vợ của ông là bà Phương Hội Tố đã vào dự lễ tang.
       Như vậy, dù thời gian giữ cương vị Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đoàn 968 của đồng chí Vũ Quang Bình chỉ ngắn ngủi khoảng 6 tháng (từ tháng 10/1972 đến tháng 4/1973) nhưng đó là thời gian oanh liệt nhất của Đoàn 968 (13/4/1973 là Sư đoàn 968) ở Nam Lào. Chiến dịch 128 ngày đêm giải phóng Xalavan, cao nguyên Bôlôven thắng lợi do ông và BTL Đoàn 968 lãnh đạo đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của cách mạng Lào, buộc địch phải ký Hiệp định Viêng Chăn về lập lại hòa bình, hòa hợp dân tộc ở Lào (21/2/1973).
       Thật đáng buồn, thời gian trôi qua chưa lâu, nhưng tên tuổi Chính ủy Vũ Quang Bình chỉ còn rất ít người biết tới.
        Đồng đội nào có tư liệu về ông, xin cung cấp thêm để mọi người cùng biết.
       Bài báo của nhà báo Bùi Thượng Toản năm 2009


* CHIA SẺ CỦA MỘT SỐ NGƯỜI TRONG CUỘC

Đại tá Lê Quang Huân, nguyên Trung đoàn trưởng trung đoàn 19, F968
       Đúng, sư đoàn 968 có chính ủy Vũ Quang Bình. Tôi trực tiếp tham gia lễ tang chính ủy với cương vị trung đoàn trưởng.

Nguyễn Văn Trọng CCB f968
       Đại tá Đặng Tính hi sinh trên đường 23 cách Pắc Sòng khoảng 4 km gần Phù Thê-pa-da. Em với anh Vinh (Hà Tây) đã hi sinh, vào tận nơi xác chiếc xe con vẫn còn. Đợt ấy em ở C15 đi lấy đạn trên trung đoàn là con đường từ pắc sòng đi Huội Còng, anh Toản đăng lên em mới nhớ lại chuyến công tác ấy...thanks anh một kỉ niệm đời lính. Lâm Nguyễn (Nguyễn Lâm, Trung tá)
Loi Le 
       Sử sư đoàn ghi cuộc họp đảng uỷ sư ngày 5/10/1972 có thiếu tướng Hoàng Thế Thiện dự là không chính xác về cấp bậc vì khoảng giữa tháng 10/1972 trung đội tôi và Bùi Thượng Toản được đi bảo vệ khi đ/c Hoàng Thế Thiện đi công tác mấy ngày qua tỉnh Saravan, lúc ấy đ/c Hoàng Thế Thiện mới là thượng tá (vả lại lúc ấy tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và chính uỷ Đặng Tính cũng mới là đại tá. Sau này đ/c Đồng Sỹ Nguyên mới được thăng vượt cấp lên trung tướng)  
Binh Van
Hôm đại tá ĐĂNG TÍNH hy sinh, tiểu đội tôi (trung đội 3, C1, D4, F968) đang chôt trên Thê Pa Da nam.. Thấy có tiếng mìn nổ, khói bụi ngợp trời, hôm sau mới biết là xe của chính ủy BTL 559, đại tá Đặng Tính, xe của ông trúng mìn của địch hay của ta không rõ. Hai xe Zin chở bộ đội vệ binh đi trước không dính, xe con u-oat của đại tá lại dính mìn…
Tangtien Nguyen
       Lính d9 e102b chúng tôi có đến Bảo vệ vòng ngoài đã chứng kiến hiện trường xe chở hai chính ủy (ĐẶNG TÍNH 559 và QUANG BÌNH 968...) bị trúng mìn nổ hôm đó trên đường đi pắc xoòng
Lâm Võ Phi (Đại tá, nguyên Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 968)
       Chính xác, chúng tôi là những người lính trung đoàn 19 chứng kiến vụ tai nạn đó ở bắc chân Phù Thê pa đa hôm đó có một xe gát 63 đi trước, xe chính uỷ Đặng Tính đi sau thì bị trúng mìn.
       Lâm Nguyễn (Nguyễn Lâm, Trung tá)
Hôm chính uỷ Đặng Tính và các đồng chí cùng đi hy sinh, chúng tôi đang làm hầm kiên cố ở phù Noong kin thì nghe một tiếng nổ rất lớn ở phía phù Thê Pa Đa. Hôm sau thì biết tin các đồng chí ấy hy sinh. Mấy hôm sau đi lấy gạo dưới Huội coong, khi đi ngang phù Thê va Đa còn thấy xác xe chở các đồng chí ấy nằm cách đường 23 mấy mét. Về sau nghe kể lại là đi trước xe chính uỷ là một xe Gat 63, nhưng nó là xe tải nên rộng hơn xe con, xe con đi sau, bánh xe bên phải đúng vệt bánh phải của xe Gát, nhưng bánh trái xe con không đúng vệt bánh trái xe Gát nên trúng quả mìn tăng 10, toàn bộ các đồng chí trên xe hy sinh

 
tin tức liên quan