"CỦA CÁC ANH BỘ ĐỘI NĂM XƯA ĐẤY,
CÁC ANH LINH THIÊNG LẮM..."
Từ năm 1970, sinh viên các trường đại học bắt đầu nhập ngũ, vào Nam đánh giặc, gọi là đi B. Đến năm 1971 thì rầm rộ.
Năm 1972, khi sự khốc liệt của cuộc chiến tại Thành cổ Quảng Trị lên đến đỉnh điểm thì số lượng sinh viên các trường đại học đi bộ đội lên đến hàng vạn người. Sinh viên Hà Nội nhập ngũ mang đến cho quân đội một màu sắc khác hẳn, vui nhộn, nghịch ngợm, thậm chí phá phách theo nghĩa vui!.
Quân phục được phát, các chàng thường đem chữa đi để mặc cho đẹp, mũ ít khi đội thẳng mà cứ phải hơi lệch một chút... Và lính Hà Nội rất hay đàn hát, ba lô nhiều người luôn giắt cây sáo trúc hoặc chiếc kèn harmonica. Họ rất thích tấu hài và giỏi “tự biên tự diễn” các bài hát Tôi là Lê Anh Nuôi, Đưa anh đi hái măng rừng...
Hồi đó hầu như ai cũng có cuốn sổ nhật ký riêng, ai cũng linh cảm đó là bút tích cuối cùng của mình vậy.
Những người lính sinh viên xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, bước vào cõi chết nhẹ tựa lông hồng... Khi nghe lệnh vượt sông, dưới ánh sáng hỏa châu của địch, tiếng gầm rú của đại bác bắn từ Hạm đội 7 ngoài biển vào, trong làn mưa đạn, những người lính - sinh viên Hà Nội chỉ với chiếc mũ tai bèo, quần cộc, áo cộc, băng đạn đeo trước ngực, thủ pháo giắt lưng, khẩu AK cầm tay... lao mình xuống dòng sông Thạch Hãn lạnh buốt bơi sang bờ Nam để vào trận đánh...
Đặc biệt, trong ba lô lính sinh viên người nào cũng có cuốn nhật ký kèm theo chiếc khăn tay của một thiếu nữ... Và trong cuốn nhật ký nào hầu như cũng có những bài thơ về tình yêu quê hương, tình đồng đội, nỗi thương mẹ nhớ cha và lời hẹn ngày chiến thắng trở về.
Ngày nay, mỗi khi mùa mưa lũ đến, nước sông Thạch Hãn lên cao rồi rút hay những lần bờ sông Thạch Hãn bị sạt lở, người dân ở đây lại tìm thấy những ngòi bút, mũ tai bèo, những khẩu súng AK đã hoen gỉ hay đôi dép cao su, những bức thư được giữ kín trong lọ thủy tinh... lộ ra bên ngoài.
"Của các anh bộ đội năm xưa đấy, các anh linh thiêng lắm".
Nguồn: QĐND
(PS sưu tầm)