"Huyền thoại một con đường" - Hồi ký Trường Sơn của Hoàng Văn Kính (16)
(Tiếp theo)
Chương XVI:
VƯỢT ATP
Đầu mùa khô năm 1970-1971 tôi được bổ nhiệm Chính trị viên Đạị đội 3, đơn vị phụ trách phụ trách 2 trọng điểm ngầm Ta-lê và đèo Phu-la-nhích. Để chủ động nắm bắt tình hình, khi giao nhiệm vụ thủ trưởng Tiểu đoàn gọi ý nên bố trí ngồi trên xe vượt trọng điểm để hiểu rõ về con đường đơn vị phụ trách.
Muốn vào chiến trường bằng đường 20 Quyết-thắng nhất thiết phải qua ATP. ATP là tên gọi tắt, lấy chữ đầu của 3 trọng điểm liên hoàn gồm: cua chữ A, ngầm Ta-lê và đèo Phu-la-nhích. Toàn bộ hệ thống trọng điểm này kéo dài khoảng 8 km. Bắt đầu từ km 77 xuống đến ngầm Ta-lê km 82. Qua ngầm là km 37+600, phải leo ngược dốc sang đến chân đèo bên kia Phu-la-nhích là km 34 ( tính từ trong ra).
Vì là chỗ thân quen nên tôi đón bắt chiếc Zin 157 do Thực cầm lái. Thực người Ha Nội, vui tính, hài hước và là một tay lái kì cựu. Hai anh em ngồi cùng xe chuyện trò rôm rả theo mỗi vòng lăn của bánh xe.
Tôi chê chiếc xe nát như một thứ đồ cổ, một bên Ba-đờ-xốc bị bẻ cong, nắp cabô vênh váo va đập nghe rõ tiếng lạch cạch, thân xe có nhiều chỗ méo mó, vết xước, vết chém của mảnh bom, đất đá ném vào. Kính ở 2 bên cửa và phía trước đã vỡ, tóc và 2 bên lỗ mũi bám bụi đất đỏ quạch. Gió lùa dần dật, lạnh cóng. Thực bảo: Xe nhận đầu mùa khô, mới chạy được hơn 2 tháng. Bị quăng quật trông tàn tã vậy thôi chứ máy móc còn ngon lắm, cõng trên lưng 5 tấn hàng mà cứ lao phăng phăng.
Anh chia sẻ: Đêm nào cũng chạy mãi thành quen, chỗ nào hẹp, xấu, cua gấp, từng mét đường đã hằn sâu trong trí nhớ, việc sử lí như một phản xạ tự nhiên chả thế mà đêm nào cũng bon bon leo đèo, vượt suối cả đi và về gần 200km vẫn an toàn tuyệt đối.
Như một chiếc lô cốt di động. Xe nào cũng vậy, đều được gia cố thêm giàn chống bom bi bằng thân cây tre được chẻ ra ép vào khung dầy 20 cm phủ toàn bộ phần cabin, đầu và 2 bên cửa xe, chỉ còn chừa lại một khoảng đủ tầm nhìn cho lái xe . Những viên bi, mảnh bom, đất đá ném vào đấy thì chỉ có… chào thua. Mặc thêm áo giáp, đầu đội chiếc mũ sắt nữa là “ Ung dung buồng lái ta ngồi”.
Có ngồi trên xe mới thấy hết sự căng thẳng, vất vả của lính lái xe. Cả chân, tay, đầu, hai tai phải đồng thời cùng làm việc cho một chuyến đi an toàn. Thoăn thoắt như làm xiếc, tay bẻ lái, tay liên tục đảo số, lúc nào cần nhấn ga, khi nào phải chậm lại, gặp pháo sáng ngay trên đầu hoặc gặp lúc địch đang đánh phá phía trước, phía sau, trúng đội hình; lúc vào cua gấp, gặp đường nghiêng, đường hẹp phải sử lí thế nào, mọi thao tác thuần thục cứ như đã được lập trình sẵn. Tầm nhìn rất hạn chế, lúc nào cũng phải căng mắt vào khoảng sáng vàng vọt, lờ mờ chỉ khoảng 3m từ chiếc đèn gầm ở đầu xe hắt ra. Chao đảo, oằn mình nghiêng phải, ngả trái, lúc thì sóc lộn cả ruột, nẩy cả người, đầu dội lên trần cabin. Khi thì bồng bềnh xuyên mây, lúc thì mò mẫm như đang chui dưới âm phủ. Cứ như thế ngày này qua tháng khác chiếc xe lầm lũi quay vòng tăng chuyến. Trừ khi bị bom đánh tắc đường bắt buộc phải dừng còn lai dù là pháo sáng hay các loại bom to bom nhỏ cánh lái xe không chấp. Đường ta ta cứ đi. Cái chết không được báo trước, nó luôn rình rập và ập đến bất kì lúc nào. Có thể do bom đạn, cũng có thể do đường kém hoặc sơ ý, thiếu tập trung lao xuống vực sâu.
Từ km số 0 trên Đường 20-Quyết thắng, qua chập trùng núi đá đến km 70-75 cung đường chạy trên một thung lũng tương đối bằng phẳng. Đến km số 76 là tới chân cua chữ A. Bắt đầu cuộc leo dốc, lên đến đỉnh km 78 bắt gặp một loạt các khúc cua gấp men theo đường bình độ. Do có nhiều khúc cua ngoặt hình tay áo nối nhau nên lính ta gọi là cua chữ A. Gọi mãi rồi thành quen, có A mẹ, A con. Có 5 cái cua gấp khúc nối tiếp nhau trong đó A mẹ là khúc cua lớn nhất, dài nhất còn lại là A con. Cả trọng điểm cua chữ A chỉ dài khoảng 800m, còn nếu tính theo đường chim bay thì chưa đến 200m. Thế hiểm ở đây là đường đi chênh vênh, một bên là vực sâu thẳm, lỡ chẳng may… thì chỉ có nước bỏ. Nếu bị trúng bom mặt đường sẽ bị cắt làm đôi, không thể lấp mà phải đào sâu vào vách núi. Cũng do các cua kề sát nhau nên một khi máy bay Mỹ đã đánh là trúng, không trúng đoạn ở cua này thì sẽ trúng đoạn ở cua khác hoặc không thì cũng làm sát lở hàng trăm m3 đất. Đánh phá trọng điểm này địch thường dùng kết hợp bom phá và bom nổ chậm. Đầu, giữa và cuối trọng điểm đều có lực lương công bính chốt trực sẵn sàng ứng cứu trong mọi tình huống.
Qua khỏi cua chữ A xe đổ 4 km đường dốc xuống ngầm Ta-lê ở km 82. Đoạn này có chỗ đường hẹp chỉ vừa đủ cho bánh xe lăn, có lần cả lái xe và chiến sỹ công binh đã hy sinh khi đứng bám vào bên cửa hướng dẫn xe đi. Xe bị đổ xuống vực, đè lên các loại mìn thi nhau nổ. Cách đầu ngầm chừng 150m ở phía bắc có Trung đội công binh trực và một trạm barie goị là T82. Ngầm Ta-lê được kè bằng đá, chìm dưới mặt nước chừng 0,5m. Chiều ngang khoảng 5m, chiều dài trong mùa khô chừng 30m. Mặt ngầm lổn nhổn đá. Điểm yếu nhất là 2 bên mố ngầm. Một khi đã đánh thì bao giờ máy bay Mĩ cũng nhằm vào đấy. Trúng mố ngầm là trúng tử huyệt của cả con đường. Việc san lấp, khắc phục vô cùng khó khăn vì phải sử lí một hỗn hợp nhão nhoét gồm đất trộn nước, trộn đá. Khi đã khai thông để những chuyến xe hàng cả tấn đi qua không bị mắc lầy là cả một vấn đề. Là một trọng điểm đánh phá của máy bay Mĩ nhưng ngầm Ta-lê lại nằm sâu giữa 2 chân núi, được che chắn bởi một bên là cua chữ A và một bên là dèo Phu-la-nhích nên việc đánh phá ngầm cũng gây cho địch nhiều khó khăn. Bởi vậy chúng đã phải dùng đến công nghệ tiên tiến nhất thời đó là bom Lase. Cách đánh của bom Lase là: Một chiếc máy bay lượn vòng ở độ cao trên tầm với của pháo cao xạ chiếu Lase xuống điểm chúng có ý định đánh phá, sau đó máy bay phản lực lao đến cắt bom, Lase sẽ hướng quả bom vào trúng mục tiêu. Nếu trời quang mây tạnh chúng đã nhằm vào đâu là trúng đó.
Mặt ngầm nhấp nhô toàn đá hộc xe đi như rùa bò, lúc thì chúi xuống, khi thì chồm lên. Thành xe lắc lư nghiêng ngả, nước tràn cả vào buồng lái, chỉ một chớp mắt thiếu tập trung hoặc tay lái không vững là cả xe và người sẽ xuôi theo dòng nước.
Có một câu chuyện vui: Hai người lính ngồi nói chuyện. Cậu lính cũ tỏ vẻ thông thạo giới thiệu với cậu lính mới về địa hình của 3 trọng điểm liên hoàn. Nghe anh bạn giải thích, cậu lính mới sốt ruột nói:
Anh giới thiệu dài dòng quá. Khái quát, ngắn gọn dễ hiểu xem nào!
-Đơn giản: Hai lồi, một lóm
Anh lính mới ngớ người ra: Sao lại 2 lồi 1 lõm.
-Thế này nhé: Sông Ta-le chảy dưới khe, giữa 2 chân núi hình thành 2 trọng điểm cua chữ A và đèo Phu-la-nhích, không 2 lồi 1 lõm là gì.
-Anh chỉ khéo tưởng tượng.
Vượt qua ngầm Ta-lê là lập tức xe leo dốc vượt Phu-la-nhích. Vì ngầm Ta-lê là biên giới 2 nước Việt-Lào nên bên kia ngầm là đất của Bạn. Bắt đầu từ km 37+700, con đường đi sâu vào đất Bạn, nối với đường 128b ở ngã ba Lùm-Bùm thuộc Huyện Bu-la-pha, Tỉnh Khăm-muôn. Vượt qua con đèo dài trên 3 km đến chân đèo bên kia có một trạm barrie T34. Ở khu vực này có nhiều núi đá vôi, nhiều hang đá, nếu là mùa khô có hang đủ sức chứa cả một Trung đoàn. Trung đội “ Nữ công binh thép”* đóng quân ở một trong những cái hang đá như thế. Cấu tạo địa chất ở con đèo này là đá gan-gà. Loại đá này nếu dùng thuốc nổ thì không hiệu quả bằng đá vôi. Đá có màu nâu xẫm, mềm hơn đá vôi dễ bị lốp xe mài mòn tạo thành lớp bụi dầy 15-20 cm. Ngay giữa mùa khô khi xe lên dốc cũng có thể bị patine bụi. Lúc ấy thì cả một khoảng tời mù mịt bụi đỏ. Có nhiều đêm cả Trung đội phải túc trực để xúc bụi cho xe đi. Còn khi xe chở hàng xuống dốc nếu kĩ năng sử lí không tốt thì rất dễ bị trượt xuống vực sâu. Cả đường lên và đường xuống đều ngắn nhưng dốc lại cao. Đoạn còn lại hầu hết đi trên đỉnh Trường Sơn, chênh vênh ở giữa là đường, hai bên đều là vực sâu. Nếu bị trúng bom là con đường bị cắt làm đôi. Cách khắc phục là phải đóng cọc kè 2 bên rồi lấp đầy bằng đất đá. Đấy là những điểm yếu của đèo Phu-la-nhích mà máy bay Mĩ tập trung khai thác.
Kéo dài từ cua chữ A qua ngầm Ta-lê sang đèo Phu-la-nhích là một màu đất đỏ quạch, không còn sự sống, những hố bom chồng chất lên nhau. Tiểu đoàn có một đài quan sát trên đỉnh núi đối diên cua chữa A, có thể bao quát được cả 3 trọng điểm. Những lúc trời quang đãng đứng trên đỉnh cua chữ A có thể nhìn thấy đỉnh đèo Phu-la-nhích. Hầu như không lúc nào vắng tiếng máy bay L19, OV10, vè vè lượn lờ, nhòm ngó, xăm soi 3 trọng điểm này. Mọi sự nghi ngờ lập tức chúng bắn đạn khói chỉ điểm là phản lực mang bom đến đánh phá. Nếu là B52 thì bao giờ cũng cắt bom từ chân đèo phía Nam Phu-la-nhích vắt qua ngầm Ta-lê và kết thúc đợt đánh phá ở cua chữ A.
Ở dẫy trọng điểm liên hoàn này, trong suốt mùa khô hầu như không có đêm nào thiếu vắng ánh đèn pháo sáng săn lùng xe và cũng chẳng có đêm nào vắng tiếng bom nổ. Trừ bom nguyên tử, còn lại trong kho vũ khí của quân đội Mỹ có loại bom mìn gì hiện đại nhất, phát minh gì mới nhất chúng đều đã mang ra thi thố.
Khi đã ngồi vào buồng lái là không có đường lùi, âm thanh duy nhất là tiếng máy xe. Phía trước là con đương, trên là bầu trời và phía dưới chân là vực sâu. Chỉ khi bỗng dưng có một quầng lửa sáng rực lên lúc ấy mới biết địch đang đánh phá. Mặc, cứ thế mà nhấn ga tiến lên vì nếu dừng lại thì cả đoàn xe đi phía sau sẽ làm mồi cho máy bay Mĩ.
Có ngồi trong buồng lái đi cùng các chiến sỹ lái xe mới thấy hết những bất cập trên cung đường mình phụ trách. Đoạn nào cần phải mở rộng cua, chỗ nào cân phải hạ độ nghiêng, hạ độ dốc, đoạn nào cần phải duy tu, gia cố thêm, cần phải cắm cọc tiêu…để vừa bảo đảm an toàn vừa nâng tốc đọ xe.
Có ngồi trong buồng lái mới thấy hết được sự căng thẳng, bên cạnh sự dũng cảm các chiến sỹ lái xe vượt Trường Sơn còn phải có thần kinh thép, một tâm lí vững vàng, một ý chí kiên cường, một sức chịu đựng phi thường và sự thông minh, lanh lẹ. Có thế những chuyến hàng mới đến được đích. Sau tay lái không có chỗ cho sự nhu nhược và sợ hãi.
Lính công binh, lính lá xe tuy hai mà một vì chúng tôi đều phải sống và chiến đấu với bom đạn kẻ thù trên mỗi mét đường. Tất cả đều hướng ra chiến trường, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------
*“ Trung đội nữ công binh thép” là tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt cho Trung đội nữ công binh bám trụ trên đỉnh Phu-la-nhích lúc Đại tướng đi thi sát chiến trường.
(Còn nữa)