Nguyễn Thế Lợi – Người chỉ huy “Dũng sỹ đồi xanh” năm ấy - Ký của Phạm Huy Chương

Ngày đăng: 09:18 05/05/2024 Lượt xem: 324

Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024)

NGUYỄN THẾ LỢI - NGƯỜI CHỈ HUY DŨNG SỸ ĐỒI XANH NĂM ẤY!
Ký của Phạm Huy Chương.

 
       Tôi còn nhớ, để thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên truyền kỷ niệm 55 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ ( 7/5/1954 – 7/5/2009). Năm đó đài Phát thanh Truyền hình Bắc Ninh chúng tôi mời 3 vị khách là chiến sỹ Điện Biên có thành tích chiến đấu tiêu biểu trở lại chiến trường xưa để kể lại với khán giả những kỷ niệm sâu sắc trên chiến trường Điện Biên năm xưa. Đoàn gồm có: CCB Hoàng Đăng Vinh ( chiến sỹ Điện Biên vào hầm bắt sống tướng Đờ Cát; CCB Trịnh Sưu, Trung đội phó công binh thuộc Trung đoàn 174 đã cùng đồng đội thay nhau đào hầm xuyên đồi A1, đánh quả bộc phá ngàn cân làm hiệu lệnh xung phong toàn chiến dịch; vị khách thứ ba là CCB Nguyễn Thế Lợi nguyên Trung đội trưởng, người trực tiếp chỉ huy trận đánh Đồi Xanh “1 đánh  50”, đã làm quân thù kinh hoàng bạt vía. Rất tiếc đến ngày chót để lên đường, do sức khỏe tuổi cao ông Lợi xin được lỗi hẹn.
       Theo địa chỉ, trước ngày lên đường chúng tôi đến thăm ông tại nhà riêng. Ngôi nhà nhỏ xây một tầng nằm ngang đồi, trên ngách phố nhỏ sầm uất thuộc Khu 3, phường Thị Cầu. Cảm động đón khách, hai tay ông rung rung, nắm chặt tay tôi bằng giọng xúc động: “ Cảm ơn các đồng chí, cảm ơn đài Truyền hình tỉnh vẫn nhớ đến anh em chiến sỹ Điên Biên năm xưa!..” rồi ông nhìn lên 3 hàng Huân, Huy chương treo thẳng tắp trên bức tường hồi, đặt vị trí trang trọng nhất, bộc bạch với chúng tôi: Đây là những tấm Huân chương Chiến thắng Hạng nhất, Huân chương Chiến chiến công hạng Ba, Huân chương Chiến công Hạng Hai, Huân chương Quân công Hạng Ba, Huân chương Quân công Hạng Hai, Huân chương kháng chiến Hạng nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng… những tấm Huân chương này tôi được tặng thưởng chủ yếu trong chiến dịch Điện Biên Phủ..”.
       Nhắc về Điện Biên Phủ, nét mặt ông như bừng sáng lên, sống lại trong không khí hào hùng của một thời khói lửa cùng đồng đội làm nên chiến thắng Điện Biên, lững lẫy năm châu, trấn động địa cầu. Ông kể: được sinh năm 1926, gia đình nông dân nghèo nhưng yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng. Ngay từ trước năm 1945 ông đã hăng hái tham gia thanh niên Cứu quốc, năm 1946 ông nhập ngũ vào lực lượng vũ trang nhân dân, cùng du kích bộ đội địa phương tham gia diệt ác, phá tề, đánh bốt. Sau chiến dịch Biên giới, năm 1951 ông trở thành lớp cán bộ chiến sỹ đầu tiên của Đại đoàn 316 ( Đại đoàn Đồng Bằng), thuộc biên chế Đại đội 28, Tiểu đoàn 439, Trung đoàn 98, được cùng đơn vị hành quân ngược lên Tây Bắc đánh địch tại Sơn La. Trận đánh đầu tiên Đại đội ông được giao nhiệm vụ đánh đồn Bản Trại vào đêm 14 tháng 10 năm 1952, chỉ trong 40 phút Đại đội xung phong như vũ bão diệt gọn toàn bộ đồn địch, giải phóng các bản làng rộng lớn trong khu vực thoát khỏi ách kìm kẹp của địch.
       Năm 1953 đơn vị ông nhận nhiệm vụ hành quân theo đường Quốc lộ đi qua ngã ba Cò Lèn, ngược lên Sơn La, vượt dốc Pha Đin, đèo Lũng Lô… lên tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngay từ mùa đông năm 1953 đơn vị của ông đã có mặt ở những trận đánh ác liệt nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Một kỷ niệm không thể nào quên, theo ông đi suốt cuộc đời. Đó là trận đánh Đồi Xanh lịch sử: Lúc đó chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào giai đoạn ác liệt nhất, Trung đội 12 thuộc Đại đội 28, Tiểu đoàn 439 do ông trực tiếp chỉ huy, với 24 cán bộ chiến sỹ, được lệnh chốt giữ cao điểm 781, chính là Đồi Xanh, cạnh bản Tà Lèng. Đồi Xanh có vị trí quan trọng chiến lược được ví như “con mắt” của mặt trận, Đồi Xanh chỉ cách cánh đồng Mường Thanh vài cây số theo đường chim bay, đứng trên đồi Xanh có thể bao quát toàn bộ khu vực phía Đông của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bởi vậy trên Đồi Xanh ta đặt trạm Thông tin liên lạc. Để bảo vệ an toàn trận địa, trước khi vào chiến dịch toàn đơn vị đã phát động 10 ngày thi đua cao điểm, ngày đêm đào hầm, đào hào, đào công sự chiến đấu, từ cấp cá nhân đến cấp Tiểu đội, Trung đội và Đại đội. Hai cái hầm nghỉ ngơi của anh em được đào sâu tới 5 mét ở phía sau, trong cao 3 mét, trên đắp dày 2 mét đất nữa, đủ mỗi hầm chứa được hơn chục người đảm bảo cho cả Trung đội phòng tránh pháo kích an toàn. Thấy rõ vị trí lợi hại của cao điểm 781 này, ngay ngày đầu tiên mở màn chiến dịch mồng 3/3/1954, địch đã phát hiện ra quân ta án ngữ khu vực Đồi Xanh. Nhiều lần chúng mở đợt tấn công bằng cả pháo binh, bộ binh hòng chiếm lại Đồi Xanh nhưng đều bị các đơn vị của ta phối hợp đánh bật địch trở lại.

 
Đại tá Nguyễn Thế Lợi nguyên Trung đội trưởng " dũng sỹ đồi Xanh" Him Lam Điện Biên Phủ 1954.
                                                        
DŨNG SỸ ĐỒI XANH, 1 THẮNG 50
XỨNG DANH “ĐỒI HUÂN CHƯƠNG”.

       Đỉnh điểm diễn ra sáng ngày 5/3/1954, khác với những ngày hôm trước, mới tờ mờ sáng quân địch từ hướng Tập đoàn cứ điểm đã nã pháo dữ dội lên đồi xanh, tiếp đó chúng cho cả máy bay ném bom phá, bom cháy hòng hủy diệt trận địa của ta, rừng cây ngút ngàn lá xanh tươi tốt như thế mà chỉ sau hơn tiếng đồng hồ, đủ các loại bom, đạn pháo trút xuống cánh rừng, đã làm cho cây cối, đất đá bật tung đổ xuống, cỏ cây cháy rụi trở nên xơ xác… cả Đồi Xanh biến thành màu đỏ, tưởng không gì có thể sống sót nổi sau đợt đánh phá ấy. Do chủ động làm sẵn hầm hào công sự vững chắc, kiên cố nên toàn bộ chiến sỹ trong Trung đội vẫn an toàn. Ngớt trận oanh tạc bằng bom, pháo kích của địch, Nguyễn Thế Lợi nhanh chóng chỉ huy anh em toàn Trung đội củng cố, tu sửa lại hầm hào công sự, chuẩn bị vào trận chiến đấu mới. Trung đội được trang bị hai máy liên lạc điện thoại, một máy điện đàm, bởi thế mà nghe qua máy của các tín báo viên, đã phát hiện được cả lệnh chuẩn bị tiến công của địch trong từng đợt. Thật lợi hại khi “dùng đài địch đánh địch”, lúc này Nguyễn Thế Lợi bình tĩnh, chủ động chỉ huy Trung đội đánh địch theo quy luật như chúng đã định. Khi nào pháo của địch nã vào trận địa, anh em nhanh chóng vào nơi tránh ẩn an toàn, chỉ để tổ cảnh giới ở vị trí tác chiến bên ngoài. Khi thấy pháo địch chuyển làn, biết đấy là nó sắp tấn công, Trung đội trưởng Lợi lại lệnh cho tất cả ra giao thông hào vào vị trí sẵn sàng chiến đấu.
       Khác với những đợt tấn công các ngày hôm trước, cả về quy mô và trang bị vũ khí. Lần này địch mở đợt phản công ta với 2 Tiểu đoàn bộ binh, một đi cánh bên phải, một trực tiếp đánh thẳng vào điểm cao 781 nơi Trung đội 12 đang chốt giữ; ngoài 2 Tiểu đoàn, địch còn tăng cường 3 xe tăng được trang bị hỏa lực phòng hộ từ dưới bắn lên nhằm phá nát các đường giao thông hào, công sự và uy hiếp trận địa của ta. Trước tình thế địch đông hỏa lực mạnh, trong khi đó chỉ có một Trung đội mà chặn đánh với cả hai Tiểu đoàn địch. Ông Lợi hội ý chớp nhoáng phân công các hướng án ngữ đánh địch với các Tiểu đội trưởng rồi quán triệt toàn Trung đội: Phải bình tĩnh, táo bạo, cứ để địch kéo lên thật gần mới nổ súng.  Chờ 15 phút, 10 phút, kia rồi! Phía trước anh em trong Trung đội đã nhìn thấy quân địch lố nhố đen ngòm, dàn hàng ngang hung hăng xông lên bao vây, áp sát kín cả ba mặt Đồi Xanh. Địch lên cách ta 300 mét, rồi 200 mét, anh em giục Trung đội trưởng đánh thôi, ông Lợi nghiêm lệnh: “chờ địch đến thật gần mới đánh”.  Địch tiến đến càng gần, 100 m, 70 m, rồi 50 m.  Ông Lợi ra lệnh nổ súng, cùng lúc 3 khẩu trung liên, và khẩu cối 60, phối hợp với AK, CKC trong đội hình Trung đội thi nhau dội lửa lên đầu thù, địch chưa kịp trở tay thì lựu đạn từ các tổ nằm ở vị trí thuận lợi nhất cứ tới tấp ném thả từ trên đỉnh đồi xuống, quân địch chết nằm như ngả rạ, hàng hàng, lớp lớp địch xông lên đến đâu bị ta tiêu diệt đến đó, có lúc ta và địch như cùng đánh lấn, giành giật nhau từng mét đất. Địch cậy đông quân, chủ quan, bị ta đánh bất ngờ, lại ở thế bất lợi (từ dốc núi lên), hàng chục lần địch rút lui rồi lại phản công nhưng vẫn không chiếm được trận địa của ta. Gần buổi sáng quần nhau với địch, ta bẻ gẫy nhiều đợt phản công tiêu diệt hàng trăm tên, thu nhiều vũ khí của địch. Thấy tổn thất nhiều chúng đành tháo lui, rút ra xa trận địa chừng hơn 100 mét, rồi tiếp tục gọi pháo cấp tập bắn vào trận địa ta, ông Lợi lại lệnh anh em vào hầm tránh ẩn, Pháo địch dội vào trận địa gần nửa tiếng đồng hồ, làm cây cối gẫy đổ cháy rụi như không còn sự sống. Rồi địch chuyển làn, bắn pháo về phía sau, nhận biết được ám hiệu chúng chuẩn bị tấn công tiếp lần hai, ông Lợi lại lệnh toàn Trung đội ra giao thông hào, sửa sang lại công sự tiếp tục chiến đấu. Mạo hiểm hơn lần tấn công trước, lần tấn công này có một số tên dám liều mạng mang lựu đạn đột kích nhảy vào chiến hào giáp chiến quân ta. Liền ngay đó, chiến sỹ cảnh giới của Trung đội là Hoàng Văn Tuấn từ trong công sự vụt lên lao thẳng cả khẩu tiểu liên vào tên địch, rồi cả hai lăn nộn vật nhau trên chiến hào, không may một quả pháo địch dập bắn rơi ngay hai người đã làm cả Tuấn và tên địch đều trúng đạn, Tuấn hy sinh vẫn trong tư thế hai tay ghì chặt tên lính Lê Dương, hai hàm răng anh vẫn nghiến chặt, cắn nát mũi quân thù.
       Trận đánh diễn ra suốt từ tờ mờ sáng đến mặt trời đã đứng bóng, địch dội bom, pháo kích, mở đợt tấn công; ta kiên cường phòng ngự, chốt chặn, tiêu hao sinh lực địch, bẻ gẫy từng đợt phản công của chúng. Trận chiến cứ giằng co như thế, gần chục lần... nó bắn pháo thì mình vào hầm; pháo chuyển làn, địch phản công thì mình lại ra đánh. Chỉ có một Trung đội, các anh vẫn quả cảm, kiên cường bám trận địa, dũng mãnh đánh địch không một phút ngơi nghỉ, kể cả anh nuôi mang cơm lên trận địa cũng tham gia đánh địch luôn, nhiều chiến sỹ bị thương băng trắng cuốn kín đầu, băng bó chân, băng cánh tay nhưng kiên quyết không một ai chịu rời trận địa.  Trận đánh kéo dài suốt từ sáng đến bóng nắng quá trưa, địch vẫn không thể chiếm được điểm cao 781 Đồi Xanh, lực lượng địch tổn thất nhiều, gần 1/3 quân số thương vong, nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật ta thu được. Gần 3 ngày giao tranh khốc liệt địch vẫn không chiếm được điểm cao 781, thấy đánh không được, địch buộc phải thổi kèn rút lui, cả hai Tiểu đoàn địch đã thất bại ê chề, lặng lẽ rút khỏi trận địa và đã phải từ bỏ ý định đánh chiếm điểm cao 781 Đồi Xanh.
       Nghe tin chiến thắng Đồi Xanh. Trong 3 ngày từ  mồng 3 – 5/3/1954, Trung đội 12, Đại đội 28, Tiểu đoàn 439 đã đánh lui 24 đợt phản công, tiêu diệt 255 tên địch, hơn 300 tên khác bị thương, cả hai Tiểu đoàn quân tinh nhuệ Pháp hơn ngàn tên, có trang bị xe tăng, pháo binh, máy bay yểm trợ, phải chịu thất bại trước 1 Trung đội chỉ có 24 người. Ngay buổi chiều hôm ấy, Trung đoàn trưởng Vũ Lăng và Chính trị viên Tiểu đoàn Đào Văn Xuân đã lên tận điểm cao 781 động viên khen thưởng toàn Trung đội, gắn Huân chương Chiến công ngay trong chiến hào cho tất cả cán bộ chiến sỹ toàn Trung đội, kể cả các Liệt sĩ cũng được truy tặng Huân chương ngay tại trận địa. Đồng thời được Chính ủy Sư đoàn quyết định phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ Đồi Xanh”. Sau trận đánh Đồi Xanh này, Chính ủy Sư đoàn 316 Chu Huy Mân đã gọi Đồi Xanh là “Đồi Huân chương”. Sau chiến thắng Đồi Xanh, Trung đội trưởng Nguyễn Thế Lợi và Tiểu đoàn phó 439 được mời về Mường Phăng báo cáo kinh nghiệm phòng thủ Đồi Xanh cho Đại tướng và Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Ông Lợi kể: Nhớ hôm về Mường Phăng vào buổi chiều, mặc dù công việc của chiến trường đang còn bộn bề mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp đến đến tận nhà khách hỏi han động viên hai anh em chúng tôi, Đại tướng khen: “các em giỏi lắm, dũng sỹ Đồi Xanh giỏi lắm!” Rồi Đại tướng ôn tồn bảo: “Các em chiều nay cứ nghỉ ngơi cho khỏe đi, ngày mai Bộ Chỉ huy Chiến dịch sẽ nghe các em báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chiến đấu đánh địch trên Đồi Xanh của đơn vị.    Nhớ là suy nghĩ như thế nào, chiến đấu như thế nào thì báo cáo đầy đủ, đúng như thế nhé!...”.
       Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024). Người chỉ huy “Dũng sỹ Đồi Xanh” Nguyễn Thế Lợi và phần nhiều đồng đội của ông trong chiến dịch Điện Biên năm xưa hôm nay đã đi xa. Cho tôi xin được ghi lại đôi dòng chuyện ông đã kể về những chiến công oai hùng năm xưa của các chiến sỹ Điện Biên Anh hùng đã bền gan, chiến đấu hy sinh đã làm nên một “Điện Biên lừng lẫy năm châu, trấn động địa cẩu” cho Tổ quốc Việt Nam có được cơ đồ như hôm nay.
      .
Phạm Huy Chương
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn tại Bắc Ninh
ĐC; 129 Đường Hồ Ngọc Lân, P Kinh Bắc, TP Bắc Ninh,
tỉnh Bắc Ninh; ĐT 0913596445
tin tức liên quan