Đối với mỗi người lính đã trải qua chiến trường và qua bao trận chiến đấu không ai sợ chết, song đều mong đi đến tận cùng ngày toàn thắng và có mặt tại Sài Gòn trong giờ phút khải hoàn ca, ngày 30/4/1975. Đó là điều may mắn và vinh dự, tự hào.
KÝ ỨC 30 THÁNG 4
Đường phố Hà Nội Ngày chiến thắng 30/4/1975
Chiến tranh đã lùi xa 50 năm, vết hằn lịch sử chia cắt đôi bờ sông Bến Hải vĩnh viễn xóa bỏ. Để có được niềm vui hạnh phúc đó, đất nước phải đi chặng đường 21 năm kể từ Hiệp định Giơnevơ ký kết ( 20/7/1954). Trong 21 năm đó chúng ta đã phải trải qua cuộc trường chinh biết bao xương máu để có ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Với tôi, một người lính đã từng đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng ác liệt, ngày 30 tháng 4 năm 1975 không chi là ký ức khó quên mà còn là niềm vui, hạnh phúc, tự hào của một thời tuổi trẻ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Trong chiến tranh và mỗi lần xung trận, người lính chúng tôi không sợ hy sinh, song ai cũng có mơ
ước được có mặt trong ngày vui toàn thắng.
Tôi vào bộ đội có mặt trên những cung đường Trường Sơn ác liệt mà đế quốc Mỹ đã ném 4 triệu tấn bom đạn trong chiến tranh. Gần 9 năm trên chiến trường, chỉ còn cách ngày giải phóng Sài Gòn 5 tháng, tôi được trở lại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn). Những ngày sau tết Ất Mão 1975, tin chiến thắng dồn dập từ chiến trường đưa về, nhất là sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột, tôi đã cảm nhận được sự kết thúc của chiến tranh đang đến gần. Trong những ngày đó, cánh sinh viên là lính vẫn quân phục, dép cao su lên giảng đường.
Những ngày chủ nhật cánh lính rủ nhau đến bờ hồ Hoàn Kiếm theo dõi chiến sự tại các cụm thông tin; nhất là từ 26 tháng 4 khi chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Sáng 30 tháng 4, chúng tôi xin phép thầy chủ nhiệm nghỉ học để đến bờ hồ Hoàn Kiếm theo dõi chiến sự. Thời tiết đã vào cuối xuân đầu mùa hè, dòng người kéo về bờ hồ ngày càng đông, tuy vậy không hề xẩy ra chen lấn hoặc mất trật tự, ai cũng hướng về phía các bản đồ chiến sự theo dõi các mũi tiến quân vào Sài Gòn. Tiếng loa phóng thanh cập nhật tin tức liên tục vang lên làm nức lòng người.
Bản tin của Đài phát thanh Giải phóng đọc tuyên bố của Tổng thống Dương Văn Minh “ đề nghị ngừng bắn, chờ cách mạng vào bàn giao chính quyền”. Thời gian như trôi nhanh hơn, khi bản tin thông báo 11giờ 30 phút cờ giải phóng đã tung bay trên nóc dinh Độc lập cùng sự kiện xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lập. Lúc này cả biển người lặng yên nghe tuyến bố của Dương Văn Minh, kêu gọi quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân giải phóng miền Nam Việt Nam…
Nghe đến đây tiếng reo hò vang trời chuyển đất: “giải phóng Sài Gòn rồi”, “giải phóng miền Nam rồi” , “Kết thúc chiến tranh rồi”… Trong thời khắc niềm vui vỡ òa, mọi người cùng ôm chầm lấy nhau, niềm vui xen lẫn nghẹn ngào hòa lẫn trong nước mắt, đó là những giọt lệ vui mừng, hạnh phúc đã chờ đợi sau 21 năm kháng chiến. Niềm vui trong giờ phút lịch sử thiêng liêng ấy cứ in mãi trong tâm trí tôi suốt bao năm tháng sau này.
Năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp đại học, một vinh dự lớn đến với chúng tôi được Bộ Đại học chọn lớp Lịch sử đảng gồm 16 anh chị em đều từ chiến trường ra học, là đảng viên vào thực tập sinh các trường đại học tại Sài Gòn với nhiệm vụ hướng dẫn sinh viên học môn Lịch sử Đảng. 16 sinh viên chúng tôi đực phân công mỗi người về một trường, sáng đi tối về nghỉ tại Sài Gòn, một phần để Bộ quản lý tập trung, phần nữa mỗi buổi tối báo cáo và rút kinh nghiệm với trưởng đoàn là vụ trưởng Vụ Mác – Lê Nin của Bộ Đại học.
Tôi được phân công về trường Đại học Sư phạm kỷ thuật Thủ Đức hướng dẫn sinh viên năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp (số này chuyển từ chế độ cũ sang học). sống và tiếp cận với sinh viên, các em đều lịch lãm, phép tắc trong xưng hô và đều tìm hiểu rất kỹ về lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Đảng nói riêng. Sau ba tháng, chúng
tôi rời Sài Gòn trở về trường, được Bộ Đại học xét cấp bằng tốt nghiệp đặc cách vào tháng 12/ 1978.
Với mỗi người lính chúng ta đã trải qua chiến trường và qua bao trận chiến đấu, được chứng kiến giờ phút khải hoàn giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam là sự may mắn xen lẫn niềm tự hào. Chiến tranh đã đi qua 50 năm, đất nước đã thay đổi và tạo nên những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, Song sẽ mãi mãi trong ký ức về ngày 30 tháng 4 năm 1975 trong mỗi chúng ta./.
Lê Trung Khiên
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn