Trích hồi ký của Kỹ sư Trưởng Võ Khắc Mai

Ngày đăng: 05:25 22/04/2025 Lượt xem: 50
 
Hướng tới Kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Đất nước
(30/4/1975-30/4/2025).
-------------------
TRÍCH HỒI KÝ CỦA KỸ SƯ TRƯỞNG VÕ KHẮC MAI
       Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025); 58 năm Ngày truyền thống Ban Xây dựng 67 anh hùng (23/4/1967-23/4/2025) và 66 năm Ngày mở đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh (19/5/1959-19/5/2025). Chúng tôi xin trích Hồi ký với tựa đề: “CÂU CHUYỆN CUỘC ĐỜI” của kỹ sư trưởng Võ Khắc Mai (SN 1937), nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật Ban xây dựng 67, nguyên Phó Tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ V, Bộ Giao thông vận tải.
       Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

 
“...
Vào tuyến lửa (Trang 129 - 139)
       Chúng tôi ngồi trên xe Com-măng-ca đít tròn của Công ty 12. Một lái xe có kinh nghiệm ở tuyến lửa đưa chúng tôi đi, ngồi ghế đầu là ông Hoàng Ngọc Phiên, Phó Trưởng ban Ban xây dựng 67, Phụ trách kỹ thuật, ghế sau gồm 4 người. Ông Toan, Phó Thư ký Công đoàn Ban; tôi; anh Nguyễn Hải Thoại, đảng viên, Trung cấp Khóa 8 đang học hàm thụ đại học; anh Nguyễn Văn Đường cũng đảng viên, Trung cấp Khóa 8, cũng đang hàm thụ, hai anh đã công tác với ông Phiên nhiều năm, chỉ mình tôi không phải đảng viên.
       Xe vào đến Thanh Hóa thì chuyển sang đi đêm và dùng đèn gầm, vào cầu Cấm (Nghệ An) thì bị tắc, vì cầu vừa bị đánh sập, phải vòng lên phía Tây qua Phương Tích, nhưng trời đã sáng chúng tôi phải vào nghỉ ở nhà dân chờ trời tối, cả ngày hôm ấy tiếng máy bay rì rầm không ngớt.
       17 giờ 30 phút trời còn chưa tối nhưng chúng tôi nghĩ là hết máy bay nên lên xe đi tiếp, vừa ra đến đường chính thấy hai chiếc xe Zin 3 cầu của bộ đội chạy trước làm cát bụi bay mù mịt, chúng tôi cho xe đi chậm lại để tránh bụi. Bỗng trên trời xuất hiện 2 chiếc F4H, xe vội đậu lại nấp vào một gốc cây đơn độc ven đường. Hai chiếc máy bay địch chúc xuống ném 4 quả bom, chắc mục tiêu là 2 chiếc Zin, chúng tôi xuống xe ngồi vào đám ruộng bậc thang ven đường; 2 chiếc máy bay quay lại và ném 4 quả bom ở phía sau. Ông Hoàng Ngọc Phiên bắt đầu chạy xuống các đám ruộng thấp, tôi nghĩ bụng: “Sao ông nhát thế, nó đánh đàng trước, đàng sau rồi, mỗi chiếc đem được mấy quả bom mà phải chạy”, lúc ấy ông lái xe lại lên xe cho xe chạy ra khỏi lùm cây khoảng 10m, đậu lại giữa đường trống rồi chạy xuống ruộng, tôi đang lấy làm lạ thì hai chiếc máy bay đã ở trên đầu chúc xuống, chỉ thấy 2 cánh thành một vệt dài, chết rồi nó đánh trúng vào chỗ mình rồi, mỗi chiếc lòi ra 2 quả bom tròn xoe, tôi bật dậy: Mới vào chưa tới nơi đã chết sao. Chạy! Tôi bỏ lại tất cả chạy ào xuống ruộng thấp. Được khoảng 15m thì bom nổ, tôi không nghe tiếng bom, nhưng đất đá bụi khói mù mịt, nhiều hòn đất bằng nắm tay rơi trúng đầu, lưng đau điếng, thế là sống rồi.
       Máy bay đã cút khỏi, chúng tôi quay lại, túi xách tôi để trên bờ ruộng bay mất nhưng đôi dép dưới ruộng thấp vẫn còn, chiếc đồng hồ Tăng Cô, anh Sang (anh trai tác giả) cho, đeo suốt 8 năm nay rơi đâu mất.
        Bụi cây bên đường bị tiện ngang, may sao chiếc xe cách đấy 10m chỉ bay mất phần trên, máy vẫn nổ xe vẫn chạy được.
       Khi đã ngồi trên xe trần, không có phần trên, chúng tôi bắt đầu rút kinh nghiệm.
       Ông Phiên nói: Mình thấy nó đánh phía trước rồi phía sau, nhất định nó sẽ đánh giữa, mình chạy tưởng các cậu chạy theo.
       Tôi hỏi ông lái xe tại sao đang nấp kín trong tán cây, ông lại cho xe chạy ra chỗ trống để làm mục tiêu cho máy bay?
       Ông bảo: Theo kinh nghiệm ở tuyến lửa, cả đoạn đường trống trãi, lại có một cây to, đấy là mục tiêu độc lập, địch nghĩ rằng sẽ có nhiều người nấp trong đó nên nó sẽ đánh vào đấy, quả như vậy.
       Ôi! Mới vào tuyến lửa mà đã gặp một thử thách nguy hiểm, qua đó rút ra được nhiều kinh nghiệm cho tôi để xử lý các trường hợp sau này.
       Vào đến phà Địa Lợi, phà đang tắc vì bến phà bị đánh hỏng, chờ một tiếng mới thông, chúng tôi gặp anh Lưu Văn An, một cán bộ vật tư Ban 67 gọn gàng trong bộ quân phục, súng lục bên hông, anh chỉ đường cho chúng tôi.
       Qua ngầm Lục Yên, đến Hương Đô thì đã quá nửa đêm, chúng tôi tìm vào bộ phận tiếp đón của Ban tạm nghỉ lại.
       Sáng hôm sau ông Phiên bảo chúng tôi cứ ở lại đấy để ông sang hữu ngạn sông Ngàn Sâu gặp ông Phan Trầm, Trưởng ban chỉ huy Ban xây dựng 67, Tham mưu Trưởng cầu đường của Tổng cục tiền phương. Ông nổi tiếng về công việc chỉ huy bảo đảm giao thông thông suốt, kẻ địch gọi ông là Tướng Phan Trầm.
       Hôm sau ông về đem theo hai quyết định bổ nhiệm Nguyễn Hải Thoại và Nguyễn Văn Đường nhận nhiệm vụ đội phó hai đội Thanh niên xung phong, lương từ 59 đồng lên 70 đồng, Hải Thoại vào đội 1 đóng tại Vĩnh Linh, còn Văn Đường vào đội khác trên đường 15. Tôi ở lại cơ quan để chuẩn bị thành lập đội Khảo sát thiết kế. Ông đưa tôi sang tạm làm việc ở phòng Kế hoạch - Kỹ thuật Ban. Phòng do ông Cao Xuân Can, một đảng viên, Bí thư chi bộ, trung cấp kỹ thuật nhưng rất năng động, làm Phó phòng phụ trách chung, ngoài ra còn có 2 Phó phòng nữa là ông Nguyễn Hiền, đại úy quân đội phụ trách tổ kế hoạch và ông Huỳnh Bá Nhiều đại úy Hải quân , phụ trách kỹ thuật.
       Tôi có trách nhiệm nghiên cứu chỉnh lý hồ sơ đường Rào Te - Khe Trạ, con đường này nghe nói thời kháng chiến chống Pháp là đường giao liên, trèo đèo lội suối đưa cán bộ từ Nam ra Bắc, nếu thông, đường này sẽ vô cùng lợi, xe từ phía Bắc vào qua đèo Đá Đẻo, đến khe Trạ rẽ tay phải đi vào vùng Phong Nha Kẻ bàng, không có sông suối lớn, chỉ có các suối con vì nước đã chui xuống các hang động, ra động Phong Nha hoặc sông Son tránh được các trọng điểm ác liệt Vĩnh Sơn, Xuân Sơn, Cửa rừng mà máy bay địch đánh phá thường xuyên, bắt thẳng vào Km 14 của đường 20 địa phận Rào Te. Đường ngắn được hơn 5km an toàn, qua khu vực đá vôi, dễ bảo đảm giao thông.
       Tài liệu này do 3 đồng chí kỹ thuật: Trịnh Chí Cao, Nguyễn Thanh Tùng, Đào Duy Các, những người đã chỉ đạo và chỉ huy thi công lâu năm, khảo sát và lập nên, tiếc rằng các anh không có nghiệp vụ khảo sát thiết kế nên tôi phát hiện ra 7 điểm khống chế, nếu không giải quyết thì không thể thông đường. Tôi đề nghị cho đi khảo sát hiện trường, ông Phiên cùng tôi tổ chức đi từ Khe Trạ sang Rào Te 30km đường rừng, vách đá cheo leo, mất 2 ngày mới tới đích. Những điều nhận định của tôi rất đúng, 7 điểm khống chế rất khó giải quyết, phải có một lực lượng khảo sát chuyên nghiệp vào triển khai lại tuyến mới tìm được hướng đi thích hợp vì đây là khu vực rừng núi đá vôi trùng điệp, không có đường đồng mức nên không thể vạch tuyến chính xác trên bản đồ.
       Tháng 6/1968, Bộ điều vào cho Ban 67 một số cán bộ kỹ thuật có chất lượng, trong đó có các đồng chí ở Viện Thiết kế như anh Khiết, anh Túc, anh Khổng, anh Lưu Bân (một kỹ sư cầu giỏi học ở Liên Xô về đang làm cán bộ giảng dạy ở Trường Đại học giao thông). Ban xây dựng 67 quyết định thành lập một lực lượng khảo sát thiết kế, lúc đầu trực thuộc phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, tôi được tín nhiệm phụ trách lực lượng này.
Chúng tôi có nhiệm vụ:
  1. Khảo sát thiết kế đường tránh Thanh Lạng - Mã Lầu để tránh các trọng điểm ác liệt: Khe Hà, Khe Hương, Ca Tang, Trọng điểm 468, ngã ba Khe Ve.
  2. Khảo sát lại tuyến Rào Te – Khe Trạ. Phòng Kỹ thuật bổ sung cho tôi ông Hoàng Huy Tuấn, đảng viên, một kỹ sư cầu lâu năm.
       Chúng tôi chia làm 4 tổ, 2 tổ ở tuyến Thanh Lạng - Mã Lầu; 2 tổ phụ trách Rào Te – Khe Trạ. 2 tổ Rào Te – Khe Trạ do 2 đồng chí ở Viện Thiết kế có kinh nghiệm lãnh đạo. Anh Hoàng Huy Tuấn chỉ huy mũi này vì nghĩ rằng đã có tuyến cắm rồi chỉ cần sửa lại 7 điểm khống chế là được. Tôi phụ trách tuyến Thanh Lạng – Mã Lầu, tuyến này hoàn toàn mới, chưa ai vạch tuyến, cấp trên chỉ cho điểm đầu và điểm cuối, tôi phải tự vạch tuyến rồi triển khai.
       Tổ 1 gồm anh Lưu Bân làm tổ trưởng, anh Lê Sỹ Chiểu tổ phó; tổ 2 anh Khổng làm tổ trưởng, một anh kỹ thuật làm tổ phó.
       Lúc đó, anh Lưu Bân thú thật với tôi: “Tôi dạy Đại học, nhưng chưa từng biết công việc của một tổ khảo sát như thế nào cả, anh hướng dẫn tỷ mỷ cho tôi, tôi sẽ ghi chép, nghiên cứu trình tự từng công việc rồi làm theo”. Tôi để ra một buổi nói tỷ mỹ từng việc phải làm, anh Bân chăm chú ghi cẩn thận. Không ngờ, anh vừa cầu thị, không dấu dốt nhưng rất thông minh, chỉ nói một lần là anh hiểu và làm theo rất nghiêm túc, thật là một con người cẩn trọng, khiêm tốn, tỷ mỷ, sau này là Phân Viện trưởng phân viện khoa học kỹ thuật giao thông phía Nam.
       Chúng tôi được bổ sung mỗi tổ 2 tiểu đội TNXP lấy ở các đội và một trung đội trưởng làm tổ phó hậu cần. Tôi đưa tổ anh Khổng vào chính giữa tuyến, nơi mà tôi vạch cho 2 tổ nối nhau giữa rừng, chỉ cho anh những điểm khống chế, rồi ra tổ anh Bân cùng anh đi tìm vị trí cầu cáp Thanh Thạch mà tôi đã dự kiến trên bản đồ. Đấy là điểm mấu chốt nhất của tuyến. Chúng tôi lần mò vào đến nơi thì mừng quá. Đã có người trước đây đã cắm mấy cọc tuyến, nay cọc đã mục gần hết, nhưng với kinh nghiệm khảo sát, tôi nhận ra ngay. Đã có người chọn vị trí này từ lâu. Đây chắc là của Viện Thiết kế, thế là tôi yên tâm cùng anh Bân lội dọc tuyến, cách vài ba trăm mét lại thấy một vài cọc còn lại. Không nghi ngờ gì nữa, tuyến mình vạch là đúng.
       Trời bắt đầu mưa lũ, phía tổ anh Bân đã cắm xong bước sơ bộ, bắt đầu cắm tuyến kỹ thuật, tôi được tin tổ anh Khổng cầu cứu, tôi vào đến nơi thì mới biết: Mấy hôm mưa lũ, anh cho người ra Binh trạm 12 lấy gạo, khi đi về gặp nước lớn, mưa như trút nên gạo ướt hết, mấy ngày không có ánh nắng nên không phơi được. Nay hạt gạo đã bị trương, nấu cơm không chín, chỉ chín phần ngoài còn trong ruột vẫn sống nguyên. Tôi cho nhiều cô nấu thử đều thế, tôi vội viết báo cáo cho người đem gạo ra Binh trạm xin phòng hậu càn cho đổi gạo này, phòng hậu cần có thể xay bột làm bún cho bộ đội. Sau đó tôi dẫn anh Khổng lên đỉnh đèo khống chế mà mấy ngày anh tìm không ra, tôi hướng dẫn anh lấy bản đồ ra vạch hướng xong, xác định vị trí mình đang đứng trên bản đồ, theo địa bàn đi đến điểm cần đến điểm cần đến, sau 3 giờ chúng tôi đã đến đỉnh đèo, tôi bày cho anh cách triển tuyến từ đỉnh đèo đến chân, sau đó bắt vào tuyến của mình.
       Vừa xong thì lại được tin tổ anh Bân bị sốt rét nặng. Tôi ra đến nơi thì toàn tổ 22 người sốt nằm 10 người, anh Bân, anh Chiểu, cô Chiên tổ trưởng và tổ phó sốt nặng. Anh Bân nôn ra mật xanh, mật vàng vì tạng người anh yếu, có hôm anh nói với tôi: “Anh Mai, anh có nhổ răng được không? nhổ cho em 2 cái, em nhức quá” tôi lắc đầu chịu. Hôm sau tôi và 5 anh nữa lăn ra sốt. Tối hôm đó, tôi đang ngủ, bỗng nghe lắc cắc như có ai đó đang bò trong lán, ngồi dậy hỏi: “Ai đấy?” . “Em Kiệt đây”Cậu làm gì ở đấy?- Dạ sốt rét khát nước quá, em định bò xuống suối uống. Chết thật, tôi đánh thứ cô Liên y tá và mấy anh khỏe dậy, quây chăn kín lại, nhóm lửa đun cho anh ca nước vì sợ nửa đêm, ánh lửa dễ bị máy bay địch phát hiện, anh Kiệt uống nước xong mọi người lại ngủ. Độ 3 giờ sáng, tôi lại nghe uỵch một tiếng, bật dậy, té ra Kiệt lại khát nước sợ phiền anh em, nên bò ra suối uống một bụng xong bò về, trượt chân ngã, tôi cho anh em khiêng Kiệt vào. Hôm sau bảo cô Liên đem túi thuốc hộ tống cùng 4 anh em do chưa sốt, khênh Kiệt ra bệnh xá Đội Thanh niên xung phong 89. Đến chiều 2 anh về báo tin anh Kiệt đã vào bệnh xá, cô Liên cũng bị sốt nằm lại, 2 anh trên đường về  bị sốt đang đi sau, còn 2 anh về được, báo tin. Tôi lo quá, túi thuốc cô Liên mang theo nay đã nằm bệnh xá, lấy ai, lấy gì để điều trị cho anh em đây. Hôm sau anh em sốt hết cả chỉ còn lại anh Dong, cán bộ Trung cấp và cô Son Thanh niên xung phong còn khỏe, nấu cháo, chăm lo cho 19 anh em khác nằm la liệt như “Một trạm xá bất đắc dĩ”. Để anh em đỡ buồn và mất tinh thần, tôi cố gắng ngồi dậy, tựa lưng vào vách lán kể đủ thứ chuyện: Tam quốc, Đông Chu liệt quốc, Thủy Hử, Thất quốc chí, tôi chỉ kể đại khái, nhớ đâu kể đấy, hết chuyện Tàu đến chuyện ta: Trọng Thủy – Mỵ Châu, Hai bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi...
       Hằng ngày, tôi chống gậy ra đường giao liên chờ xem trên đường quân ra vào, có ai đeo túi y tế nhờ họ vào khám bệnh, phát thuốc cho anh em, có người thương hại nghỉ lại một đêm để theo dõi, nhưng rồi vì nhiệm vụ, họ phải ra đi.
       Mấy hôm sau được tin anh Kiệt lên cơn sốt ác tính qua đời. Uất ức, đau đớn, thương xót quá, nhưng chiến tranh biết làm sao được.
       Một hôm tôi thấy anh Bân nằm bên cạnh, bấm tôi và đưa cho tôi một viên thuốc màu đỏ, bảo “Sâm Liên Xô đấy”. Tôi đem theo một lọ, không có cho hết anh em, biếu anh mỗi ngày một viên vậy”. Tôi cảm động vô cùng.
Hôm ấy đang chống gậy ra đến đường giao liên, thì thấy một người quen quen đeo túi thông tin, tôi nhìn kỹ: À cậu Bì, quân cũ của tôi ở Công trường 13C vào tuyến lửa cách đây 3 năm, tôi hỏi: Bì phải không? – À, anh Mai, anh cũng vào đây rồi đấy à.
  • Cậu làm gì ở đây?
  • Em phụ trách đường dây đoạn này
  • Thế cậu có thể nối máy cho mình nói chuyện về Tổng cục Tiền phương được không?
  • Được thôi, anh chờ đấy.
      Bì mở túi lấy máy điện thoại ra nối với đường dây dọc tuyến, quay máy bắt liên lạc một lúc rồi trao máy cho tôi, tôi xin gặp ông Phan Trầm, Tham mưu trưởng cầu đường, tôi báo tin cấp cứu cho ông, một chiến sĩ đã chết, nếu không kịp thời sẽ có người chết nữa. Ông bảo, ông sẽ cho giải quyết ngay.
       Ngay tối hôm ấy, anh Trịnh Trí Cao, thư ký của ông Trầm, đi xe con lấy 16 đội viên Thanh niên xung phong ở Đội TNXP 89, băng rừng đêm theo đường, sữa, thuốc men và băng ca vào để đưa tôi và những người ốm nặng ra. Tôi không ra được vì nhiệm vụ chưa xong và một trung đoàn bộ đội đã cho tiền trạm vào chuẩn bị thi công.
       Chuyến đầu tiên tôi cho đem anh Bân, anh Chiểu, cô Chiên và một TNXP bị nặng nhất ra trước, 5 đêm liền đem hết bệnh nhân ra Bệnh viện 24 (của Ban 67) ở xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.
       Tôi, anh Dong và cô Son ở lại hoàn chỉnh hồ sơ.
       Hôm sau, ông Hoàng Đạc, Phó Trưởng ban xây dựng 67, kiêm Binh trạm Phó Binh trạm 12 và một số cán bộ của một đơn vị bộ đội vào nhận tài liệu, tôi làm không kịp, đành bảo họ đi theo tôi, dọc tuyến, đến đâu phát tuyến thi công đến đấy, hồ sơ tôi sẽ làm sau. May sao lúc ấy có một tổ khảo sát mạnh của Viện Thiết kế vừa ở miền Nam rút ra. Có anh Đàm râu, học trước tôi hai khóa, được lệnh ở lại giúp tôi hoàn chỉnh hồ sơ.
       Khi tôi đưa bản đồ vạch tuyến ra, anh Đàm nói ngay: Ồ! Anh đi đúng vào tuyến đường mà chúng tôi đã vạch và đang cắm dở dang thì được lệnh hành quân vào Nam, cách đây gần 10 năm. Thảo nào trên tuyến thỉnh thoảng tôi gặp phải một số cọc khảo sát không biết của ai. Thế thì tôi sẽ hoàn chỉnh hồ sơ cho anh nhanh thôi, bộ đội sẽ làm đường được ngay.
       Tôi yên tâm về Hương Đô (Hương Khê, Hà Tĩnh) điều trị. Một tuần sau, tôi được anh Đàm báo ra là một trung cấp kỹ thuật sốt rét sắp chết, cần giúp đỡ gấp, tôi báo ông Trầm, cho xe con đưa y sĩ Yết, một chuyên gia trị sốt rét ác tính vào ngay. Đến nơi người ta vừa đưa bệnh nhân lên trên mặt đất để anh chết được thỏa mãn. Anh Yết vào khám xong, lấy một ống thuốc tiêm ngay và nói: Trường hợp này có thể cứu được, phải đưa ra xe để anh ta hộ tống ra bệnh viện Quân y ở Hương Long (Hương Khê, Hà Tĩnh), thế là anh bệnh nhân này được cứu sống, nhưng dọng nói bị ngọng. 
       Bệnh sốt rét của tôi vẫn dai dẵng trở thành bệnh sốt rét định kỳ, cứ 15 giờ đến 16 giờ hằng ngày là sốt rét, 21 giờ đến 22 giờ là cắt cơn, y tế điều trị vẫn không được. Đã làm mọi thủ tục để tôi ra tuyến ngoài điều trị ở Thanh Hóa.
       Thế là mình phải về tuyến sau rồi sao? Mới vào tuyến lửa chưa được một năm, tôi đang dùng dằng thì giặc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc để chuẩn bị cho hội nghị Paris, nhưng chúng đánh chặn cửa khẩu đường 12 và đường 20. Tư lệnh Tổng cục tiền phương lúc bấy giờ là ông Lê Quang Đạo yêu cầu dồn lực lượng khảo sát lên 2 cửa khẩu để tìm đường tránh.
       Tổ anh Khiết và anh Túc ở đường Rào Te – Khe Trạ, tuy chưa thông tuyến nhưng phải kéo lên cửa khẩu 20 tìm đường 20 K, bộ phận ở đường Thanh Lạng – Mã Lầu bị sốt hết nên phải tổ chức một lực lượng khác để lên tìm đường tránh đèo Mụ Dạ, nhiều kỹ sư đều từ chối vì không có chuyên môn nên ông Trầm yêu cầu phòng y tế vực tôi dậy, tôi báo cáo: “Tôi không từ chối nhiệm vụ, nhưng chỉ sợ nửa chừng sức khỏe không bảo đảm sẽ ảnh hưởng, vì hiện nay ngày nào tôi cũng sốt.
       Ông Trầm bàn với anh Can, cử thêm 7 cán bộ, 2 tiểu đội bộ đội, cùng y sĩ Bỉnh, mang túi thuốc đi theo tôi, sốt ở đâu nghỉ ở đấy, tất cả tư trang của tôi đều do bộ đội mang, tôi chỉ đi không.
       Trước khi lên đường, tôi đã vạch sẵn tuyến - theo đường 12 qua khỏi đồn Công an Cha Lo rẽ trái vòng qua mỏm đồi Foutocvu, đi theo đường đồng mức lên biên giới Việt – Lào, cách Mụ Dạ 1 km về phía Nam, qua biên giới, đổ theo đường đồng mức, bắt vào đường 050. Thế nhưng không biết thực địa có gì khác không?
       Tôi nghĩ: Ta vào đồn công an Cha Lo, các đồng chí đó đi tuần tra dọc biên giới nhiều, biết rõ địa hình, trao đổi thêm, nếu được nhờ các đồng chí đó giúp đỡ.
Đồn đóng trong một hang đá rộng lớn, một tiểu đoàn anh hùng bám trụ, từng tiêu diệt nhiều toán biệt kích từ Lào xâm nhập sang. Bom B.52 ném ra miền Bắc đầu tiên là ném chính vào hang đá này, nhưng không gây bất cứ một thiệt hại gì.
       Khi nghe tôi trình bày mọi việc trên bản đồ. Đồng chí thiếu úy Đại đội phó đại đội công an phụ trách khu vực ấy nói: Các anh chọn đúng tuyến rồi đấy, khu vực này chúng tôi đi nhiều lần, thuộc như lòng bàn tay, có thể làm đường ô tô chạy tốt; tôi mừng quá xin giúp đỡ. Đồn trưởng cử ngay đồng chí Thiếu úy công an và mấy đồng chí nữa đi dẫn đường, vừa bảo đảm an toàn cho chúng tôi vì khu vực này vẫn hay có biệt kích. Nhờ đó mà chúng tôi nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.
       (HẾT TRÍCH)
       Vài cảm nhận của người trích hội ký: Là cựu chiến sĩ Trường Sơn, tôi có nhiều năm sống và công tác với kỹ sư Võ Khắc Mai, hôm nay lại may mắn được trích hồi ký của ông. Đặc biệt, trong hồi ký có đoạn ông kể về việc đến các đại đội TNXP nhận quân bổ sung cho tổ khảo sát. Thời đó tôi là Chính trị viên Đại đội 412, thuộc Đội TNXP 75, đóng tại km 475 đường 15, gần cổng Binh trạm 12, Đoàn 559. Ông là kỹ sư tài năng, là tác giả của Công trình “Đường cứu nạn” (một công trình khoa học và nhân đạo của Khu Quản lý đường bộ V) trên các đèo thuộc khu vực miền Trung – Tây nguyên. Công trình đã góp phần giúp nhiều xe ô tô thoát nạn và cứu được rất nhiều người thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Ông đã được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cấp Bằng “Lao động sáng tạo”, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Tôi vẫn thầm nghĩ, nếu Nhà nước ta có quy định phong tặng danh hiệu “Kỹ sư Nhân dân” cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật ngành GTVT, thì kỹ sư Võ Khắc Mai là một trong những người rất xứng đáng để nhận danh hiệu cao quý đó.
        Kỹ sư Võ Khắc Mai đã thực hiện trọn vẹn lời căn dặn của thân phụ, trong bài thơ với tựa đề: “NHỚ LỜI CHA DẶN” ở cuối tập Hồi ký, ông đã viết.
        Xin được trích đăng:
“NHỚ LỜI CHA DẶN”
Năm chục năm rồi vắng bóng Cha
Những lời dạy bảo ý sâu sa
Việc dân, việc nước không quyền thế
Cấp dưới, cấp trên sống thuận hòa
Nhân nghĩa, hiếu trung cùng Tổ quốc
Thủy chung, đạo lý với tình nhà
Giữ hồn thanh thản, tâm trong sáng
Oán bỏ, ơn đền SỐNG VỊ THA”
Ông Võ Khắc Mai, tại buổi gặp mặt cựu cán bộ, TNXP Ban XD 67
   
Người trích: Lê Văn Huấn
Phó Chủ tịch Chi hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn Đà Nẵng

                                      

 

tin tức liên quan