Giao lưu với tác giả và nhân chứng trong tập ký “Rừng thiêng Chiến khu”
Hướng tới Kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Đất nước
(30/4/1975-30/4/2025).
-------------------
GIAO LƯU VỚI TÁC GIẢ VÀ NHÂN CHỨNG
TRONG TẬP KÝ “RỪNG THIÊNG CHIẾN KHU”
Trong không khí hân hoan đón chào kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2025), sáng 17/4/2025, tại quán cà phê 18A, Lý Tự Trọng, Đà Nẵng. Đại tá, PGS,TS Đỗ Ngọc Thứ, Ủy viên BCH Hội Văn học – Nghệ thuật (VHNT) Trường Sơn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Đà Nẵng, Chủ tịch Chi hội VHNT Trường Sơn Đà Nẵng cùng người viết bài này có buổi giao lưu, trò chuyện với các anh: Thạc sĩ, kỹ sư, nhà văn Bùi Công Định (SN 1938), hội viên Chi hội VHNT Trường Sơn Đà Nẵng, tác giả tập Ký“Rừng thiêng chiến khu”(*); Kỹ sư, nhà thơ Hồ Văn Chi, Phó Chủ tịch Chi hội VHNT Trường Sơn Đà Nẵng; Kỹ sư, nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Văn Tám.
Anh Hồ Văn Chi và anh Nguyễn Văn Tám, từng “nằm gai, nếm mật” với tác giả từ những năm tháng chống Mỹ đến nay, là những nhân chứng sống trong tác phẩm. Được biết, quán cà phê 18A, Lý Tự Trọng còn là điểm hẹn tâm giao của ba anh trong những năm qua.
Mở đầu, nhà thơ Hồ Văn Chi, Chủ tịch Chi hội thơ Đường luật Đà Nẵng, thân mật tặng chúng tôi mỗi người một tập thơ chọn lọc gồm nhiều tác giả, của Các Câu lạc bộ thơ thành phố Đà Nẵng với tựa đề:“Đà Nẵng thương yêu”, do Nhà xuất bản Đà Nẵng vừa phát hành ngày 17/01/2025 (ảnh).
Các anh bồi hồi kể lại kỷ niệm sâu sắc của những năm tháng gian khó, ác liệt mở đường ở chiến trường Khu 5. Nơi ấy, những kỹ sư, cán bộ kỹ thuật trẻ ngành Giao thông Vận tải và các lực lượng Công binh, Thanh niên xung phong, dân công…đã làm nên một công trình kỳ vĩ: Hệ thống đường giữa rừng già không dấu chân người cho xe ô tô tải, cho thiết bị nặng: xe tăng, pháo binh đến các điểm chiến trường. Các anh không nén nỗi xúc động, khi nhắc lại công lao của những đồng đội từng sát cánh với nhau để làm nên công trình kỳ vĩ, mà nay đã đi xa.
Thạc sĩ, kỹ sư Bùi Công Định là người trực tiếp sống, công tác, chiến đấu, từng tham gia thiết kế, thi công những tuyến đường trên những cánh rừng Trường Sơn thuộc địa bàn Khu V, anh tâm sự:
- Nhiều năm tháng thôi thúc tôi cần phải có trách nhiệm gì đó với lịch sử, qua tác phẩm “Rừng thiêng chiến khu” nhằm tái hiện lại một giai đoạn lịch sử, một giai đoạn đầy khó khăn, đầy chông gai của cuộc chiến tranh giải phóng trên mảnh đất “Khu Năm dằng dặc khúc ruột miền Trung” này; bằng tác phẩm văn học để lại cho hậu thế và là sự tri ân đối với những người đã khuất. Năm tháng sẽ qua đi, nếu không viết kịp sẽ là người có lỗi lớn.
Nhà thơ Hồ Văn Chi kể lại:
- Có lần anh cùng anh Nguyễn Văn Tám và một đồng chí TNXP quê Bình Định đi thị sát tuyến để mở đường qua đồn Kan - năk, (An Khê, Gia Lai), đã dùng mìn đánh cá ở Sông Ba để cải thiện đời sống cho đơn vị. Khi anh Tám lặn xuống sông quá lâu, mọi người trên bờ ai nấy không khỏi bồn chồn, lo lắng. Khi anh Tám ngoi lên thì ai nấy mới vỡ òa, trông thấy anh miệng cắn một con cá, hai tay cầm hai con cá và 2 con dắt ở lưng quần, cười ra nước mắt. Không những vậy, anh Tám còn là người có tài ký họa. Một lần gặp các cô gái người dân tộc, sẵn bút giấy anh đã vẽ chân dung các cô gái, tặng họ. Chuyện tưởng có vậy. Ít hôm sau các cô đã gùi sắn, măng khô, thực phẩm đến tặng “cán bộ Tám” và đơn vị.
Biết tin anh Bùi Công Định chuẩn bị cho ra mắt các tác phẩm: Thơ Hạ Long; Đất trời miền Đông; Ka Long, chúng tôi cùng chúc anh luôn dồi dào sức khỏe, sớm hoàn thành tác phẩm của mình, mong anh tiếp tục cống hiến nhiều trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Đại tá Đỗ Ngọc Thứ bày tỏ cảm xúc: Sự lao động miệt mài của Thạc sĩ, kỹ sư, nhà văn Bùi Công Định để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Anh cùng các hội viên Chi hội VHNT Trường Sơn Đà Nẵng đã và đang góp phần làm sâu sắc thêm các hoạt động của Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Đà Nẵng nói chung và Chi hội VHNT Trường Sơn Đà Nẵng nói riêng. Thay mặt cán bộ, hội viên trong Chi hội chúng tôi luôn trân quý công sức của các anh./.
.jpg)
Bìa tập thơ “Đà Nẵng thương yêu”.
Từ phải qua trái, Hồ Văn Chi, Bùi Công Định, Nguyễn Văn Tám, Đỗ Ngọc Thứ và Lê Văn Huấn.
Lê Văn Huấn
(Phó Chủ tịch Chi hội VHNT Trường Sơn Đà Nẵng)
--------------------------
(*) Nhà xuất bản Văn học, tháng 12/2024