“Đại Thắng Mùa Xuân” - Đại tướng Văn Tiến Dũng (Tiếp theo Chương 10)

Ngày đăng: 07:01 28/04/2025 Lượt xem: 8

 “ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN”
ĐẠI TƯỚNG VĂN TIẾN DŨNG
 
Chương 10 
THỜI CƠ VÀ QUYẾT TÂM CHIẾN LƯỢC MỚI
(Tiếp theo chương 10)

         Trong Chiến dịch Trị Thiên Xuân-Hè năm 1972, sau khi giải phóng Quảng Trị, ta cũng chỉ phát triển tiến công đến tuyến sông Mỹ Chánh là phải dừng lại. Nhưng năm 1975, tình hình khác hẳn. Ta đánh mấy chiến dịch liên tục mà càng đánh ta càng mạnh lên một cách rõ rệt và vững chắc. Bộ đội Tây Nguyên lúc đầu chỉ là những đơn vị trung đoàn, sư đoàn, sau chưa đầy một tháng chiến đấu đã tổ chức thành quân đoàn cơ động mạnh, với đầy đủ các binh chủng kỹ thuật. Các lực lượng vũ trang của ta ở Trị Thiên, Khu 5, Nam Bộ cũng phát triển và trưởng thành cả về lực lượng vật chất và tinh thần, về trình độ chiến đấu và tổ chức chỉ huy. Và lần đầu trong lịch sử xây dựng bộ đội Tây Nguyên, mỗi tiểu đoàn của ta có đủ hơn 400 quân, mỗi sư đoàn có biên chế hoả lực mạnh hơn địch. Thời cơ giải phóng Sài Gòn ngày càng chín muồi, Bộ Chính trị Đảng ta, với tinh thần triệt để cách mạng, tư tưởng tích cực tiến công, phân tích sự việc rất khoa học, có tầm mắt nhìn xa, phát hiện nhạy bén sự vật mới, kiên quyết nắm ngay thời cơ để phát triển cuộc tiến công, giải đáp kịp thời những vấn đề đang đặt ra một cách sôi động nhất. Lúc này chần chừ, do dự, chậm chạp là phạm sai lầm nghiêm trọng. Ngày 28 tháng 3, tướng Uâyen, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, người đã cuốn lá cờ Mỹ để cùng đơn vị Mỹ cuối cùng rút khỏi miền Nam Việt Nam hai năm về trước, đến Sài Gòn trực tiếp vạch kế hoạch phòng thủ cho bọn nguỵ. Sau khi quân ta đã giải phóng hoàn toàn từ Cam Ranh trở ra phía Bắc, hai Quân đoàn 1 và 2 của nguỵ quyền Sài Gòn bị tiêu diệt và tan rã, Uâyen vội vã đốc thúc quân nguỵ xây dựng một phòng tuyến mạnh ngăn chặn quân ta từ xa ở Phan Rang. Uâyen điện về Mỹ xin gửi viện trợ khẩn cấp cho chính quyền nguỵ. Tổng thống Pho lập cầu hàng không chở vũ khí từ Băng Cốc (Thái Lan) đến Sài Gòn, dùng máy bay vận tải cỡ lớn C-5 Galaxi từ Mỹ chuyển đến Tân Sơn Nhất hàng trăm khẩu đại bác và nhiều vũ khí, đạn dược; cho 4 tàu vận tải lớn LST cùng tàu sân bay Hencốc, 15 máy bay lên thẳng loại lớn cùng 300 tên thuỷ quân lục chiến rập rình ở biển Đông. Lúc này, Mỹ, nguỵ cho rằng giải phóng xong những tỉnh thuộc Quân khu 1 và 2, ta phải để lại nhiều đơn vị bộ đội giữ các địa phương nói trên, ít nhất mỗi tỉnh một trung đoàn. Ta chỉ có khả năng điều lực lượng vào tăng cường cho miền Đông Nam Bộ nhiều nhất là một quân đoàn, hành quân nhanh nhất cũng phải mất hai tháng. Ngay như bọn chúng có nhiều máy bay, tàu vận tải, xe hơi cơ động đường bộ mà muốn di chuyển một lực lượng như thế nhanh nhất cũng phải mất một tháng. Trước giờ hấp hối, địch vẫn còn rất chủ quan và nhận định sai hoàn toàn về ta. Tất nhiên, việc ta liên tục tiến công trên toàn miền không còn là chuyện bất ngờ đối với chúng, nhưng rõ ràng là chúng chưa biết phương hướng, thời gian hoạt động, lực lượng sử dụng, cách đánh, ý định chiến lược của ta và sự nỗ lực vượt bậc của ta trong thời cơ mới này. Nếu ở Tây Nguyên, địch đã hoàn toàn bị bất ngờ, ở Huế, Đà Nẵng cũng bị bất ngờ, thì ở Sài Gòn - Gia Định chúng sẽ bị bất ngờ lớn hơn nữa. Ngày 2 tháng 4, Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng quân đội nguỵ, gào thét "quyết tâm giữ phần đất còn lại, cố thủ từ Phan Rang trở vào" và lập ra Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu 3 đóng sở chỉ huy tại Phan Rang do Nguyễn Vĩnh Nghi, Trung tướng nguỵ chỉ huy. Trong cuộc họp của Bộ Tổng Tham mưu nguỵ, tên Đồng Văn Khuyên phổ biến: "Theo lệnh ông Thiệu, bằng bất cứ giá nào cũng phải cố thủ từ Ninh Thuận vào, nếu cần sẽ đem hết lực lượng đánh xả láng tại đó". Bọn chỉ huy nguỵ tăng cường cho mặt trận Phan Rang một lữ đoàn dù, một liên đoàn biệt động quân, một số đơn vị thiết giáp và pháo binh. Ngoài khơi, chúng để một đội chiến hạm sẵn sàng yểm trợ hoả lực pháo hạm theo yêu cầu, không quân chúng cũng dành ưu tiên số phi suất oanh kích để yểm trợ việc giữ Phan Rang. Ngày 3 tháng 4, tên Nguyễn Vĩnh Nghi họp với bọn tướng tá nguỵ chỉ huy không quân, lính dù, biệt động quân và tiểu khu Ninh Thuận, để phổ biến kế hoạch phòng thủ Phan Rang, nêu tầm quan trọng của việc cố thủ Phan Rang, tuyến phòng thủ Sài Gòn từ xa. Địch ra lệnh cho tất cả các mặt trận cố giữ đến mùa mưa, tới đầu tháng 6-1975. Lúc đó ta không thể hoạt động được nữa, còn chúng thì sẵn sàng hơn, vì theo kế hoạch, các trung tâm huấn luyện tân binh của chúng ngày 15 tháng 5 sẽ cung cấp thêm một số lượng quân đáng kể để khôi phục một số sư đoàn của chúng đã bị tiêu diệt. Kế hoạch của Bộ Tổng Tham mưu nguỵ đề ra lúc này là: tuyển thêm tân binh, tập hợp số tàn quân cùng các đơn vị của Quân khu 3 để thành lập 4 sư đoàn biệt động, trước mắt triển khai 2 sư đoàn số 101 và 106. Huấn luyện cấp tốc, tổ chức thêm 8 thiết đoàn. Xây dựng lại 3 sư đoàn bộ binh và sư đoàn thuỷ quân lục chiến. Bố trí các sư đoàn không quân, các đơn vị hải quân không cho đối phương sử dụng các cảng, tăng cường chiến hạm dọc bờ biển từ Nha Trang trở vào để ưu tiên yểm trợ hoả lực pháo hạm cho các tiểu khu Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy. Bọn nguỵ còn quyết định cho bế mạc sớm các trung tâm huấn luyện và yêu cầu Mỹ viện trợ cấp tốc thêm đại bác, xe tăng, thiết giáp. Từ đầu chiến dịch đến nay, quân ta đánh đâu được đấy, nhất là từ trận sét đánh Buôn Ma Thuột đến lúc đánh địch đang tan rã ở các quân khu 1 và 2 thì khí thế càng lên cao, thắng như chẻ tre. Nhưng nếu nghĩ rằng địch ở khu vực còn lại trong các Quân khu 3 và 4, nhất là ở Sài Gòn - trung tâm đầu não bộ máy thống trị của bọn tay sai Mỹ - sẽ tự tan rã nhanh, tự suy sụp nhanh, ta đánh không cần chuẩn bị chu đáo hoặc đánh không cần có ưu thế lực lượng thì thật là không đúng. Sài Gòn là sào huyệt cuối cùng của địch, là chỗ co cụm lớn về lực lượng của chúng, là nơi phòng thủ cuối cùng của một kẻ địch hết sức ngoan cố và phản động. Đây lại là chiến trường và trận đánh cuối cùng quyết định thắng bại giữa cách mạng và phản cách mạng, giữa nhân dân ta và đế quốc Mỹ. Trận đọ sức quyết liệt ấy không cho phép chúng ta chủ quan và những thắng lợi dồn dập vừa qua cũng không cho phép chúng ta say sưa, coi kẻ địch một cách đơn giản như khi chúng đã hỗn loạn tháo chạy. Chúng tôi đề nghị Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương điều thêm từ một đến hai sư đoàn gồm đầy đủ các binh chủng vào phối hợp với lực lượng của Quân khu 5 đứng ở trục đường số 1 và số 20 làm lực lượng dự bị cho chiến, dịch. Máy bay chiến đấu của địch ở sân bay Thành Sơn (Phan Rang) chỉ có đường kính hoạt động 400km không thể với tới Đà Nẵng và Kon Tum cho nên ta cần mạnh dạn dùng máy bay vận tải và tàu biển để chuyển quân và mọi thứ vật chất vào Đà Nẵng và Pleiku. Số quân bổ sung của Bộ Tổng tư lệnh nên đưa vào trận đánh quyết định ở Sài Gòn, không nên phân tán chuyển cho Trị Thiên và Khu 5, ở đây có thể động viên các lực lượng tại chỗ. Chúng tôi đi thăm Buôn Ma Thuột, Phú Bổn, Buôn Hồ xem xét các vị trí cũ của địch và đường tiến quân của ta trong chiến dịch vừa qua. Mặt trận Tây Nguyên, nơi đã mở ra bước ngoặt của chiến tranh, hôm nay yên lặng hoàn toàn. Nhìn bãi chiến trường cũ với toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch sụp đổ nay phấp phới lá cờ chiến thắng của quân ta, mỗi ngày chúng tôi càng hiểu thêm kẻ địch mà ta phải thanh toán nốt trong những ngày tới. Chúng tôi thấy trào dâng niềm tự hào vô hạn về sự chỉ đạo sáng suốt, linh hoạt, kiên quyết, kịp thời của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, về trình độ tổ chức thực hiện nghiêm túc, sáng tạo của cán bộ các cấp ở chiến trường và chủ nghĩa anh hùng cách mạng tuyệt vời của lực lượng vũ trang nhân dân ta. Những lờỉ khai của sĩ quan địch do ta bắt ở Tây Nguyên và những tài liệu quân sự của địch đều được chúng tôi nghiên cứu gấp rút nhằm phục vụ cuộc chiến đấu sắp tới Chúng tôi đến thăm nhà tù Buôn Ma Thuột, nơi các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Chánh, Tố Hữu và nhiều đồng chí khác từng bị địch giam giữ, hành hạ nhưng luôn luôn phơi phới niềm lạc quan cách mạng. Buôn Ma Thuột, cũng chính tại mặt trận này 25 năm về trước, một số đồng chí của ta trong khoá học sinh lục quân đầu tiên đã hy sinh anh dũng khi quân Pháp đánh chiếm nơi đây. Chúng tôi đã chuẩn bị xong nơi họp để đón đồng chí Lê Đức Thọ vào phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị cho các đồng chí phụ trách trong này. Đây là một khu nhà tre, nứa dựng tạm thời ở Chư Leo, cạnh đường số 14, phía tây Thuần Mẫn. Thấy tình hình diễn biến quá nhanh, nhất là suốt dải miền Trung Trung Bộ đã được giải phóng, chúng tôi điện về Bộ Chính trị đề nghị cho chúng tôi không họp ở Tây Nguyên nữa mà đi thẳng vào Nam Bộ, đợi đồng chí Lê Đức Thọ vào luôn trong đó. Đồng chí Lê Đức Thọ rời Hà Nội ngày 28 tháng 3, đáp máy bay vào Đồng Hới. Đồng chí đi lòng vui như hội và đêm đầu tiên dừng chân ở Quảng Bình, đồng chí làm mấy vần thơ tặng đồng chí Lê Duấn: Anh dặn: ra đi thắng mới về, Phút giây cảm động nói năng chi. Lời Anh là cả lời non nước; Ngàn dặm Trường Sơn há ngại gì. Đường vào tiền tuyến lắm tin vui, Thắng trận reo mừng khắp mọi nơi, Giục giã đường xa mau kịp bước, Thời cơ thuận lợi tới nơi rồi. Ngày 31 tháng 3, đồng chí Lê Đức Thọ đang đi dọc Trường Sơn và tôi ở Buôn Ma Thuột đều nhận được điện hoả tốc của đồng chí Lê Duẩn chỉ thị: "Cần tranh thủ thời gian hành động khẩn trương. Vì vậy anh Tuấn nên vào Nam Bộ sớm gặp anh Bảy Cường (Phạm Hùng) họp ngay. Anh Sáu (Lê Đức Thọ) vào luôn trong đó để họp. Anh Bảy Cường và anh Tư Nguyễn (Trần Văn Trà) không lên Tây Nguyên nữa". Cả đồng chí Võ Chí Công và đồng chí Chu Huy Mân ở Khu 5 cũng nhận được điện thông báo của Bộ Chính trị không phải lên họp ở Tây Nguyên nữa. Thật ra, đồng chí Võ Chí Công, khi Tây Nguyên vừa giải phóng, đã từ Khu 5 đi lên, đến Kon Tum thấy tình hình chuyển biến lớn, ở đồng bằng Quân khu 5 có thời cơ phát triển nhanh liền quay về ngay để kịp chỉ đạo. Về đến Khu, đồng chí nhận được điện thôi không phải lên Tây Nguyên để họp với đồng chí Lê Đức Thọ nữa. Đồng chí Bùi San, sau khi làm việc với tôi ở Buôn Ma Thuột, vội vã ra Kon Tum để gặp đồng chí Võ Chí Công, cũng chỉ được làm việc trong chốc lát rồi chia tay ngay, vì tình hình hết sức dồn dập khẩn trương. Ở cấp lãnh đạo, đồng chí nào cũng thấy cần phải hết sức tranh thủ thời cơ mới này. Trước thời cơ mới, trước quyết tâm chiến lược mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hết sức nô nức phấn chấn, tất cả đều sẵn sàng đem sức lực và trí tuệ của mình thi đua hoàn thành bất kể nhiệm vụ gì được gỉao phó. Khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng!" đã biến thành hiện thực ở thời điểm cao nhất vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã nhanh chóng dồn sức người, sức của vào chiến trường, vào tiền tuyến lớn miền Nam. Suốt đêm ngày quân đội ta rầm rập tiến về phía trước, tiến vào Nam Bộ với khí thế thần tốc và niềm tin chắc thắng.

 
tin tức liên quan