Hướng tới Kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Đất nước
(30/4/1975-30/4/2025).
-------------------
SÀI GÒN 30/4/1975
30 tháng 4 là thời khắc đã đi vào lịch sử dân tộc, là dấu mốc thời gian mãi mãi không quên đối với mỗi người lính đã trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đã có hàng trăm, hàng nghìn bài viết về sự kiện trọng đại này, nhưng với tôi viết thêm cũng là sự tri ân với đồng đội.
Khi chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, Sài Gòn - Thủ phủ của Chính quyền Việt Nam cộng hòa đã hoàn toàn nằm trong thế bị bao vây của các cánh quân quân giải phóng:
Quân đoàn I (Binh đoàn Quyết Thắng) hướng Tây Bắc
Quân đoàn II (Binh đoàn Hương Giang) hướng Đông
Quân đoàn III (Binh đoàn Tây Nguyên) hướng Đông Nam
Quân đoàn IV (Binh đoàn Cửu Long) hướng hướng Tây và Tây Nam
Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) và Sư 8 Quân khu 8 cùng với các lượng quân binh chủng, quân khu v.v … tiến vào giải phóng Sài Gòn.
17h ngày 26 tháng 4 cuộc tổng công kích vào Sài Gòn bắt đầu; mặt trận hướng Đông của Quân đoàn 2 đồng loạt nổ súng, mặt đất rung chuyển bởi tiếng đạn pháo và tiếng gầm rít xé trời của xe tăng, xe bọc thép. Với lực lượng hùng mạnh, Sư đoàn 304 và Sư 325 đã áp đảo, đánh chiếm các vị trí của địch tạo điều kiện để hướng Bắc, Quân đoàn 4 theo quốc lộ I tiến đánh Trảng Bom, Biên Hòa vào ngày 27/4. Chiến sự diễn ra ác liệt ngay trước cửa ngõ Sài Gòn, nhiều vị trí giữa ta và địch giành giật nhau. Sáng ngày 29/4 tất cả các hướng đồng loạt tiến công tiêu diệt các cụm quân địch, đánh chiếm các mục tiêu đã được phân công.
Quân đoàn I tiến công từ hướng Bắc, vượt sông Sài Gòn, 10h30 ngày 30/4 cờ giải phóng tung bay trên trụ sở Bộ Tổng Tham mưu ngụy
Quân đoàn 2, từ hướng Đông Nam sau khi tiêu diệt các căn cứ địch tại Nhơn Trạch, Nước Trong cũng tiến vào thành phố Sài Gòn
Sư đoàn 325 Quân đoàn 2 pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất và sau đó sân bay bị đánh chiếm bởi lực lượng Quân đoàn 4. Cùng lúc Đoàn 232 vượt đồng bằng Cửu Long tiến vào nội đô.
Quân đoàn 3 từ hướng Tây Bắc đánh bại Sư đoàn 25 ngụy, qua Củ Chi tiến vào Sài Gòn.
Trên bầu trời máy bay trực thăng bay liên tục theo hướng Đông Nam để di tản những người Mỹ và quan chức Chính quyền Việt Nam cộng hòa ra các tầu ngoài biển. Trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, địch theo đường thủy đưa người của chúng rút chạy ra biển. Nắm được ý đồ, lực lượng Quân đoàn 2 tổ chức đánh địch, chặn đường rút của chúng.
Sáng 30/4, trên bầu trời Sài Gòn vẫn còn lẻ tẻ trực thăng di tản bốc những người Mỹ cuối cùng đưa ra biển, cảnh tượng Sài Gòn vô cùng hỗn loạn, cảnh chen lấn lên trực thăng, những toán lính ngụy cởi bỏ quân phục thất thểu trên đường v.v… Binh đoàn thọc sâu gồm Trung đoàn 66 Sư 304, Lữ đoàn xe tăng 203 và các lực lượng Pháo binh, Công binh, Đặc công của Quân đoàn phối hợp tiến qua cầu Sài Gòn. Tại đây địch chống trả quyết liệt cả trên bộ và trên sông, 4 xe tăng của Lữ 203 bị bắn cháy, trong đó có Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ hy sinh cùng nhiều chiến sỹ.
(1).jpg)
Lữ 203 xe tăng do lữ trưởng và Chính ủy Bùi Văn Tùng chỉ huy, cùng sát cánh là phó Quân đoàn trưởng Quân đoàn 2 Hoàng Đan. Sau khi đánh tan sự kháng cự cuối cùng của địch tại cầu Thị Nghè, cụm đột kích nhanh chóng tiến vào trung tâm thành phố. Mũi đi đầu được sự giúp đỡ chỉ đường của lực lượng cách mạng nội đô hướng dẫn tiến vào dinh Độc Lập qua ngả Thảo Cầm Viên. Sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn bị bao vây, chiếc xe tăng 843 do Đại đội trưởng Đại đôi 4, Tiểu đoàn 1, Lữ 203 Bùi Quang Thận chỉ huy vượt lên húc cổng dinh bên trái nhưng bị kẹt lại, cùng lúc đó xe tăng 390 do chính trị viên đại đội Vũ Đăng Toàn chỉ huy lao vào húc đổ cổng chính tiến vào sân Dinh Độc Lập. Đến đích rồi, suy nghĩ thoáng qua, Bùi Quang Thận lao ra khỏi xe 843 lấy lá cờ trên nóc xe tăng, lá cờ đã cùng xe tăng của anh trải qua bao trận đánh suốt chiều dài đất nước, anh chạy lên tầng II cùng Vũ Đăng Toàn mang theo súng AK yểm hộ. Lên tầng 2, gặp Lý Qúy Chung (Bộ trưởng Bộ VHTT Chính quyền VNCH), Bùi Quang Thận ra lệnh đưa lên cột cờ dinh Độc Lập bằng thang máy. Khi kéo lá cờ lên, Bùi Quang Thận còn cẩn thận ghi vào góc lá cờ: « Bùi Quang Thận- 11h30 ngày 30/4/1975 ».. Tại lầu 2, toàn bộ nội các Sài Gòn đã nằm dưới sự dám sát của Vũ Đang Toàn và lái xe tăng 390 Ngô Sỹ Nguyên.
Chỉ vài phút sau, Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Sư 304 Quân đoàn 2 cùng 2 Đại đội bộ binh đã có mặt tại dinh Độc Lập. Toàn bộ nội các Chính quyền VNCH có mặt lúc đó gồm: Tổng thống Dương Văn Minh, Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và nhiều quan chức cấp cao khác. Tại đây Dương Văn Minh nói: « … Chúng tôi chờ cách mạng để bàn giao Chính quyền», nghe vậy, Phạm Xuân Thệ tuyên bố dứt khoát: Các ông đã bị bắt làm tù binh, phải tuyên bố đầu hàng vô diều kiện, không có bàn giao gì cả... ». Tại Dinh Độc Lập, trung tá Bùi Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, cùng Phạm Xuân Thệ và các chiến sỹ đưa Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu sang Đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện: « Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh Tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. … » . Khi Dương Văn Minh đọc xong, Trung tá Bùi Tùng đọc lời chấp nhận tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh : « Chúng tôi đại diện lực lượng quân Giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố Sài Gòn đã dược giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của ông Dương Văn Minh… » . Lúc đó khoảng 13h30 ngày 30/4/1975.
Trong giờ phút ca khúc khải hoàn 30 tháng 4 tại Sài Gòn, chúng ta những người lính của Binh đoàn Trường Sơn- 559 tự hào khi chiếc xe của C5, Tiểu đoàn 964, Trung đoàn 512, Sư đoàn 571 có mặt tại dinh Độc Lập; người chiến sỹ lái chiếc xe đó là Dương Quang Lập được giao nhiệm vụ cơ động trung đoàn 66, Sư 304 trong mũi thọc sâu vào Sài Gòn.
***
50 năm đã đi qua, Sài Gòn- thành phố Hồ Chí Minh những ngày tháng 4 năm 2025 rực rỡ cờ hoa đã và đang diễn ra sự kiện lịch sử trọng đại. Những đoàn quân về đây chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Những bước chân rầm rập của các quân binh chủng, lực lượng vũ trang tham gia diễu binh, diễu hành mừng chiến thắng và khẳng định ý chí, lòng tự hào về sự phát triển hùng mạnh của Quân đội ta, đất nước ta trước kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vương mình với khát vọng thịnh vượng./.
Lê Trung Khiên
Hội VHNT Trường Sơn
----------------------
* Một số tư liệu dựa theo hồi ký của AHLĐ Thiếu tướng Hoàng Đan « Từ sông Bến Hải đến dinh Độc Lập ». Ông nguyên là phó tư lệnh Quân đoàn 2 tiến vào Sài Gòn