“ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN”
ĐẠI TƯỚNG VĂN TIẾN DŨNG
Chương 14
TÁO BẠO, BẤT NGỜ, CHẮC THẮNG
Những ngày còn ở Tây Nguyên, khi được biết Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm đánh vào Sài Gòn trước mùa mưa với tư tưởng chỉ đạo "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng", chúng tôi bắt đẩu suy nghĩ về cách đánh Sài Gòn. Lúc đó tuy chưa nắm được tình hình thật cụ thể về địch, về địa hình, về tổ chức và phong trào cách mạng trong thành phố nhưng trên cơ sở nhiệm vụ đã biết, những vấn đề cần thiết đã sơ bộ chuẩn bị những kinh nghiệm đã được rút ra, trước sự rối loạn chiến lược và suy sụp tinh thần của địch, chúng tôi cố hình dung ra một cách đánh có thể tựa như cách đánh Buôn Ma Thuột không, nhưng chắc chắn trong điều kiện mới tình hình sẽ phức tạp hơn, quy mô chiến dịch sẽ lớn hơn đòi hỏi một trình độ tổ chức cao hơn. Do vai trò quyết định của chiến dịch đối với cuộc chiến tranh cách mạng, do sự thay đổi về so sánh lực lượng giữa ta và địch, do những yếu tố mới nảy ra cho nên công tác chuẩn bị sẽ phải làm nhiều mặt và vô cùng khẩn trương, nhất là công tác tổ chức chỉ huy, tổ chức hiệp đồng mọi lực lượng tham gia tiến công phải thật chặt chẽ thì mới bảo đảm chắc thắng. Tất nhiên lần này đánh vào Sài Gòn không phải cứ rập khuôn máy móc mà nghệ thuật phải phát triển hơn, sáng tạo hơn. Nhưng sáng tạo như thế nào, phát triển như thế nào, tổ chức ra làm sao thì còn phải căn cứ vào nhiều mặt cụ thể của tình hình mới quyết định được. Những câu hỏi đó, những suy nghĩ đó, những tìm tòi đó bắt đầu dính chặt vào đầu óc chúng tôi, nhất là từ hôm có tấm bản đồ Sài Gòn lấy được ở kho bản đồ của địch ở Buôn Ma Thuột. Nhớ lại những báo cáo hàng tuần, hàng tháng của Bộ Tư lệnh Miền và của Thành uỷ Sài Gòn trước đây nói về tình hình quân sự, chính trị, kinh tế, tình hình đấu tranh của các tầng lớp nhân dân đòi dân sinh, dân chủ, đòi hoà bình thống nhất, v.v, nhớ lại những báo cáo của đơn vị đã đánh vào Sài Gòn năm 1968 và mới đây đồng chí Thượng tá Vũ Long, cán bộ của Bộ Tham mưu Miền, ra Tây Nguyên báo cáo cho biết kế hoạch chiến dịch Xuân Hè của Bộ chỉ huy Miền, chúng tôi càng có thêm những cơ sở hiểu biết cần thiết về Sài Gòn để tiếp tục dựng dần trong đầu một kế hoạch giải phóng Sài Gòn. Trên đường vào B.2, ngồi trên xe, suy nghĩ về cách đánh, gặp một vấn đề gì chưa nhớ ra, tôi bất chợt hỏi luôn đồng chí Hoàng Dũng, ví dụ về các con sông quanh Sài Gòn rộng, sâu như thế nào, số dân đến nay đã lên đến bốn triệu chưa. Sư đoàn 25 nguỵ do tên tướng nguỵ nào chỉ huy và nhắc điện cho Khu 6 cho ngay người đến Nha địa dư Đà Lạt lấy bản đồ Sài Gòn gửi nhanh nhất vào B.2 cho Đoàn A.75. Vào đến B.2, sau ba ngày nghe Bộ Tham mưu Miền báo cáo khá cụ thể về tình hình các mặt của Sài Gòn, của Quân khu 3 nguỵ và nhất là sau thời gian dự họp với Trung ương Cục và Quân uỷ Miền, nghe các đồng chí phân tích toàn diện, sâu sắc những đặc điểm của Sài Gòn, chúng tôi có thêm những căn cứ vững chắc hơn để bàn định kế hoạch tổng công kích. Trong những lúc thảo luận chung với các đồng chí trong Bộ chỉ huy và cán bộ phụ trách các ngành ở phòng họp, cũng như những lúc làm việc một mình, hoặc trước khi ngủ, khi thức giấc trong đêm, v.v… địa hình Sài Gòn - Gia Định luôn luôn hiện lên trong đầu óc chúng tôi. Hình ảnh Sài Gòn - Gia Định với những hệ thống đường sá, sông ngòi, kênh rạch, cầu cống, kho tàng, vị trí các cơ quan quân sự và dân sự của nguỵ quân, nguỵ quyền in dần, in dần vào trí nhớ. Tôi và nhiều đồng chí trong Sở chỉ huy từ trước đến nay chưa đặt chân đến Sài Gòn lần nào, nhưng qua một thời gian nghe nhiều, nhìn nhiều và sau nhiều ngày "dán mắt" vào các tấm bản đồ Sài Gòn - Gia Định, trong đó có cả những tấm in để bán cho khách du lịch, chúng tôi đã thuộc được tên nhiều đường phố, tên các cầu, các khu nhà nhiều tầng, kho tàng, bến cảng, tuy chưa biết được cảnh trí, màu sắc, đường nét, kiến trúc cụ thể, nhưng lại nhớ được cự ly, chiều rộng, diện tích, v.v, của những nơi đó. Chúng tôi đã có thể nói chuyện và làm việc với nhau về tình hình Sài Gòn mà không phải trải bản đồ như lúc mới đến B.2 nữa. Khi nghiên cứu hệ thống bố trí phòng ngự của địch ở vùng Sài Gòn trên bản đồ, kết hợp với báo cáo hàng ngày của các đồng chí tham mưu, quân báo, những sư đoàn bộ binh của địch như các sư đoàn 5, 25, 7, 18 và 22 (sư đoàn này vừa mới khôi phục sau trận đại bại ở Bình Định), các lữ dù, Lữ 468 thuỷ quân lục chiến, Lữ 3 kỵ binh thiết giáp, các vị trí của Bộ Tổng Tham mưu nguỵ, Biệt khu thủ đô, sân bay Tân Sơn Nhất, v.v, tuy chỉ là những ký hiệu màu xanh, màu đen ghi lên bản đồ cứ ám ảnh trong đầu, dần dần hiện rõ và hình dung được cả hình thù, trạng thái tinh thần của địch, hiểu được cả tiểu sử và cá tính của những tướng, tá nguỵ chỉ huy những đơn vị đó. Thảo luận và quyết định kế hoạch đánh Sài Gòn là một quá trình lao động trí óc căng thẳng của Bộ chỉ huy chiến dịch vì thời gian còn ít quá, tình hình chuyển động nhanh quá, có rất nhiều vấn đề không chỉ đơn thuần là quân sự mà có quan hệ đến nhiều mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hoá, tâm lý, v.v, cần được suy nghĩ kỹ càng, cân nhắc, tính toán thật đầy đủ. Hai vấn đề nổi bật nhất của toàn bộ kế hoạch đánh Sài Gòn là cách đánh và mục tiêu phải đánh. Các đồng chí trong Bộ Chính trị cũng điện cho chúng tôi về những vấn đề đó và chúng tôi ở cạnh Sài Gòn, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị Trung ương Đảng, cũng ngày đêm suy nghĩ về hai vấn đề đó. Chúng tôi biết rằng Sài Gòn - Gia Định có hơn ba triệu rưởi đồng bào đang sống nghẹt thở dưới chế độ tàn bạo của Mỹ -Thiệu mong chờ ngày giải phóng. Không nhiều thì ít đồng bào chịu ảnh hưởng của cuộc sống dưới chế độ thực dân kiểu mới. Không nhiều thì ít đống bào có người thân của mình trong hàng ngũ nguỵ quân, nguỵ quyền, đang lo lắng, đang có nhiều tâm tư trước thời cuộc, đang suy nghĩ rất nhiều cho số pnận của mình và người thân trước sự lung lay, tan rã của chế độ Mỹnguỵ. Và cũng do bị Mỹ, nguỵ tuyên truyền, xuyên tạc, lừa bịp, che giấu, nhiều đồng bào chưa phân biệt được đúng sai, lo lắng về tính mạng của chính mình và gia đình, chưa hiểu rõ cách mạng và các chính sách đúng đắn của cách mạng mà bọn đầu sỏ Mỹ, nguỵ ra sức xuyên tạc trong những ngày tàn của chế độ chúng với những luận điệu về "tắm máu", "trả thù", "khổ sai", "tẩy não". Đánh vào Sài Gòn như thế nào cho nhanh, chắc thắng, làm sụp đổ cả chế độ phản động, đập tan cả hệ thống tổ chức nguỵ quân, nguỵ quyền từ trung ương đến tận cơ sở, phá tan cái bộ máy chiến tranh, với bản chất phản động hiếu chiến, ngoan cố của bè lũ tay sai, đè bẹp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Nhưng lại phải đánh vào Sài Gòn như thế nào để thành phố ít bị tàn phá nhất, giải phóng được mấy triệu đồng bào mà không dẫn tcli chỗ làm cho đồng bào bị thiệt hại nhiều về tính mạng, mất mát nhiều tài sản và cuộc sống mau trở lại bình thường. Một vấn đề nữa là mấy trăm nghìn binh lính nguỵ đều là người Việt Nam. Họ là những thanh niên, học sinh, những công nhân, nông dân, thợ thủ công, phần lớn là con em các gia đình lao động. Họ có gia đình, có cuộc sống, nhưng do bọn đầu sỏ phản động lừa bịp, cưỡng bức mà đại đa số bị dồn vào con đường cầm súng chống lại đồng bào, chống lại cách mạng. Họ đang muốn có hoà bình, đang muốn thoát khỏi cảnh làm lính đánh thuê, chết mướn. Họ đang muốn về với gia đình, đoàn tụ với người thân, tiếp tục học hành và sản xuất. Lúc còn sống, Bác Hồ đã nói: "Nguỵ binh cũng là con dân nước Việt Nam, nhưng vì dại mà đi lầm đường, cho nên Chính phủ và tôi sẵn sàng tha thứ những người sớm biết lỗi và quay về với đại gia đình kháng chiến". Vậy đánh thế nào để một đội quân nguỵ to lớn ấy phải tan rã về mặt tổ chức, suy sụp về mặt tinh thần, không còn khả năng chống lại cách mạng theo lệnh bọn đầu sỏ ngoan cố. Phải kiên quyết tiêu diệt một cách không thương tiếc bọn đầu sỏ ngoan cố, có mưu toan chống lại cách mạng đến cùng. Nhưng, với số đông quần chúng binh sĩ nguỵ, ta lại mở ra cho họ con đường sống, không tiêu diệt sinh mạng họ một khi họ đã buông súng đầu hàng, thoát khỏi sự kìm kẹp của bọn đầu sỏ tay sai Mỹ. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng họ sẽ nhận thức được chính nghĩa, tiếp thụ được sự giáo dục của Đảng và chính quyền cách mạng, và mấy trăm nghìn người lính đó lại trở về quê hương, gia đình, trở lại làm người công dân của nước Việt Nam độc lập, thống nhất, góp phần lao động của họ vào công cuộc xây dựng đất nước giàu manh, bảo đảm hạnh phúc riêng cho họ và gia đình họ. Lực lượng của ta trong cuộc tổng công kích vào Sài Gòn - Gia Định lần này không có sức mạnh nào ngăn cản nổi. Đánh vào Sài Gòn - Gia Định lần này ta sử dụng 5 quân đoàn chủ lực tinh nhuệ với mấy trăm nghìn quân, chưa kể các lực lượng dự bị chiến lược khác, các lực lượng địa phương của Nam Bộ đã lớn mạnh hơn bao giờ hết, chưa kể các sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn thuộc các quân chủng và binh chủng với nhiều vũ khí hiện đại và trình độ kỹ thuật, chiến thuật thành thạo, với mấy nghìn khẩu pháo và súng cối các cỡ, hàng nghìn khẩu pháo và súng máy cao xạ, hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, với hàng chục nghìn tấn đạn pháo cối. Đó là chưa tính đến số lượng lớn bom và tên lửa của bộ đội phòng không và không quân, và các loại vũ khí của bộ đội hải quân tham gia chiến dịch. Cán bộ và chiến sĩ ta, những người con yêu quý nhất của nhân dân, thân yêu nhất của từng gia đình, đã trải qua hàng trăm trận chiến đấu trước đây, không khó khăn nguy hiểm nào làm chùn bước, nay trong chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ kính yêu, một chiến dịch mà các đồng chí chúng ta đều nhận thức là sẽ kết thúc chiến tranh để trở về với cuộc sống độc lập, tự do, hoà bình xây dựng đất nước. Tất cả từ trên xuống dưới đều sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ quang vinh này không tính toán, do dự, sẵn sàng hy sinh thân mình cho sự nghiệp cách mạng, cho ngày toàn thắng của dân tộc. Với sức mạnh tinh thần đó và khả năng vật chất đó, cần phải chọn phương hướng và mục tiêu nào để mau chóng đánh ngã địch, sử dụng lực lượng thế nào cho thích hợp, cách đánh, tổ chức chỉ huy, tổ chức hiệp đồng ra sao, tổ chức các mặt bảo đảm thế nào để phát huy đầy đủ nhất sức mạnh tổng hợp, hạn chế đến mức thấp nhất tổn thất của ta trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh mà lại giành được thắng lợi nhanh chóng và to lớn nhất. Chọn cách đánh, xác định các mục tiêu còn liên quan đến cả vấn đề thời cơ và thời gian bắt đầu tiến công và thời gian kết thúc chiến dịch. Nếu cách đánh không bất ngờ, không táo bạo, không thích hợp thì thời gian sẽ kéo dài, thế trận sẽ giằng co, mùa mưa sẽ đến. Và như chúng tôi đã nắm được thì những con rối chính trị của Mỹ, nguỵ, trong nước và trên thế giới, sẽ xúi giục, dàn xếp, thọc gậy bánh xe, "mở đường cho hươu chạy", "móc ngoặc" bằng đô-la hoặc ngôi thứ, sẽ đưa ra một giải pháp nào đấy để cứu vớt cho chế độ của tập đoàn phản động Nguyễn Văn Thiệu do Mỹ dựng lên đang lung lay đến tận gốc rồi. Nhưng với cách đánh thích hợp nhất, chuẩn bị đầy đủ nhất, thì một khi đã phát động tổng công kích là sẽ liên tục, dồn dập và kết thúc thắng lợi nhanh nhất, không những phù hợp về thời cơ quân sự mà cả về thời điểm chính trị, ngoại giao cũng ăn khớp, nhịp nhàng. Thật ra, đến trung tuần tháng 4, khi toàn bộ Tây Nguyên và miền Trung đã giải phóng, quân ta đã đánh vào Xuân Lộc và áp sát vào quanh Sài Gòn thì địch cũng đã phát hiện được một số sư đoàn chủ lực của ta mới vào và đang vào miền Đông Nam Bộ. Chúng cũng biết hướng tiến công của ta sẽ là Sài Gòn. Ngay cả một số phóng viên nước ngoài có mặt tại miền Nam Việt Nam trong những ngày đó cũng đã phán đoán - còn đúng hơn Bộ Tổng Tham mưu nguỵ Sài Gòn - về lực lượng và hướng tiến công của ta. Sự bất ngờ về hướng tiến công, bất ngờ về lực lượng tiến công tuy có giảm đi, nhưng ta sẽ tạo nên những bất ngờ khác, những bất ngờ quan trọng hơn: đó là cách đánh và thời gian đánh. Các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, v.v, trong quá trình thảo luận về kế hoạch chiến dịch do đồng chí Lê Ngọc Hiền trình bày, đều có phân tích sâu sắc các vấn đề nói trên, đi sâu vào từng khía cạnh cụ thể và cân nhắc một cách toàn diện. Thật là một sự lao động trí óc tập thể đầy hào hứng nhưng cũng rất gian khổ, căng thẳng vì tình hình diễn biến rất khẩn trương, công tác chuẩn bị rất phức tạp, thời cơ xuất hiện rất nhanh. Cả Sài Gòn - Gia Định, một thành phố rộng lớn nhất Việt Nam, quân địch bố trí phòng ngự vòng trong vòng ngoài mấy trăm nghìn quân mà chúng tôi chỉ chọn có 5 mục tiêu lởn nhất để nhanh chóng đánh chiếm bằng được. Đó là Bộ Tổng Tham mưu nguỵ, "Dinh Độc lập", Biệt khu thủ đô, Tổng Nha cảnh sát và sân bay Tân Sơn Nhất. Những mục tiêu này là những cơ quan đầu não quan trọng nhất của nguỵ quân, nguỵ quyền Sài Gòn, là những bộ phận chính trong guồng máy chiến tranh và kìm kẹp nhân dân do Mỹ điều khiển, nơi tập trung đầy đủ nhất tính chất phản nước hại dân của bọn đầu sỏ tay sai Mỹ, nơi chúng bàn mưu tính kế tiếp tục chiến tranh, tiếp tục đàn áp quần chúng cách mạng yêu nước và tiến bộ, tiếp tục "chống cộng" đến cùng và tiếp tục phục vụ hết lòng âm mưu và chủ trương xâm lược Việt Nam bằng chiến tranh thực dân mới của đế quốc Mỹ. Tân Sơn Nhất là căn cứ lớn nhất cuối cùng liên lạc với bên ngoài bằng đường không của địch. Đánh đúng vào 5 mục tiêu đó thì toàn bộ chế độ nguỵ sẽ rung chuyển. Đó là những cái "huyệt trọng" nhất trong cơ thể đang suy nhược của chế độ Mỹ - Thiệu. Đập trúng 5 mục tiêu đó thì nguỵ quân, nguỵ quyền như rắn mất đầu, toàn bộ hệ thống phòng ngự và kìm kẹp còn lại sẽ tan rã, quần chúng sẽ nổi dậy, không một thế lực nào, không một "vĩ nhân" nào dựng lại nổi, với bất cứ âm mưu gì. Trận quyết chiến chiến lược sẽ mau kết thúc, Sài Gòn mau giải phóng. Và chỉ có đánh vào đấy thì hơn ba triệu rưởi đồng bào Sài Gòn - Gia Định sẽ được bảo toàn tính mạng, tất cả các công trình kinh tế, văn hoá, xã hội sẽ không bị đổ nát. Đó là 5 mục tiêu ở sâu trong Sài Gòn và sát Sài Gòn được Bộ chỉ huy chiến dịch chọn lựa và quyết định đánh. Nhưng muốn chiếm được 5 mục tiêu đó thì phải đánh như thế nào khi địch đã có 5 sư đoàn bố trí ở vòng ngoài, đang đối diện trực tiếp với các binh đoàn chủ lực của ta và có sẵn kế hoạch lùi dần, lùi dần trên các tuyến phòng thủ để co cụm về Sài Gòn và "tử thủ" Sài Gòn. Hồi đánh Buôn Ma Thuột, ta nghi binh thu hút chủ lực lớn của địch về phía Kon Tum - Pleiku, ta cài thế chiến dịch cắt các đường ứng cứu để cho Buôn Ma Thuột sơ hở, cô lập… rồi ta bỏ qua các lực lượng bố trí ở vòng ngoài của chúng phần lớn là bảo an, dân vệ để bất ngờ đánh thẳng vào hai cơ quan đầu não của chúng ở sâu trong thị xã. Đánh xong bên trong ta mới toả ra diệt nốt những vị trí vòng ngoài. Còn bây giờ đánh vào Sài Gòn, quân chủ lực mạnh của địch lại đứng ở vòng ngoài, chủ yếu là muốn ngăn chặn ta từ xa cách trung tâm thành phố 30 đến 50km, khi ta tiến công, địch cả bên trong lẫn bên ngoài đều đã có sự chuẩn bị. Nếu ta bỏ qua các lực lượng địch bên ngoài, không đánh mà bất ngờ chọc thẳng ngay vào bên trong bằng binh lực lớn hiệp đồng binh chủng của ta thì khó trót lọt, hoặc có vào được thì 5 sư đoàn bộ binh nguỵ ấy kéo về ứng cứu, thế trận sẽ giằng co. Nhưng nếu ta tập trung lực lượng diệt xong 5 sư đoàn bộ binh của địch ở vòng ngoài rồi mới đánh vào mục tiêu trong thành phố, thì nhất định sẽ kéo dài thời gian. Do đó chắc chắn sẽ tốn xương máu, hao phí vật chất hơn và cũng khó tránh được sự thiệt hại về tính mạng và nhà cửa của đồng bào. Cho nên, nếu để các sư đoàn địch lùi về được trong nội thành, phá các cầu lớn trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và các cầu khác, chiếm giữ các nhà cao tầng hoặc các khu phố đông dân mà cầm cự thì sự tàn phá, đổ nát, chết chóc sẽ khó tránh khỏi. Muốn tạo được bất ngờ về cách đánh phải hết sức táo bạo. Có đồng chí nói một cách dễ nhớ là: "Có táo bạo mới tạo được bất ngờ". Mà càng tạo được bất ngờ thì lại càng chắc thắng. Táo bạo phải trên cơ sở tư tưởng cách mạng tích cực tiến công, trên sự phân tích và quyết định sự việc một cách thật sự khoa học, giải quyết đúng đắn mọi mối quan hệ và những mâu thuẫn đã nảy sinh trong thực tế thì mới đem lại bất ngờ và chắc thắng. Vì táo bạo, xét cho cùng cũng là sự nhiệt tình, lòng hăng hái, quyết tâm cao, xốc tới bất chấp khó khăn và gian nguy. Nhưng để tạo nên cái kết quả chắc thắng thì lại còn phải nắm vững và thúc đẩy quy luật khách quan phát triển có lợi cho ta, chỉ nhiệt tình thôi chưa đủ. Những hình thức, biện pháp chiến đấu, cách đánh của ta mang tính quy luật của chiến tranh cách mạng ở miền Nam. Lịch sử cách mạng Việt Nam 45 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng là một lịch sử cực kỳ phong phú về các hình thức và phương pháp cách mạng, về sử dụng lực lượng cách mạng và lực lượng vũ trang cách mạng, về cách đánh độc đáo không trận nào giống trận nào, không chiến dịch nào giống chiến dịch nào. Trong những giờ phút sôi động này, thiên tài sáng tạo cách mạng của quần chúng nhân dân về hình thức, phương pháp cách mạng, về huy động các lực lượng, về cách đánh lại càng vô cùng phong phú. Đây là một bước phát triển ở giai đoạn chín muồi cuối cùng trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nó kế thừa và phát triển những kinh nghiệm, truyền thống tốt đẹp của ông cha ta đánh giặc trước kia, của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và gần đây qua cuộc kháng Chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, qua nhiều năm chống Mỹ, cứu nước. Nó cũng là kết quả hợp thành của tất cả các lực lượng, tất cả các sức mạnh của cả nước được động viên vào trận chiến đấu cuối cùng ngay tại sào huyệt của địch, tạo nên một thế mạnh và lực mạnh áp đảo để đánh bại quân địch giành thắng lợi hoàn toàn trong trận quyết chiến chiến lược này. Phải có cách đánh có hiệu lực nhất để phát huy được hết sức mạnh của tất cả các lực lượng. Tất nhiên đòn chủ yếu để kết thúc chiến tranh cách mạng phải là đòn quân sự.
(Chương 14 còn nữa)