“Đại Thắng Mùa Xuân” - Đại tướng Văn Tiến Dũng (Tiếp theo Chương 14)

Ngày đăng: 10:20 02/05/2025 Lượt xem: 30

 “ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN”
ĐẠI TƯỚNG VĂN TIẾN DŨNG
 
Chương 14 
TÁO BẠO, BẤT NGỜ, CHẮC THẮNG
(Tiếp theo Chương 14)
 
          ...Trước tình hình về địch, địa hình, nhiệm vụ, dựa vào ưu thế binh lực của ta bao gồm chất lượng, số lượng, tinh thần và chỉ huy, căn cứ vào yêu cầu của trận quyết chiến cuối cùng và về chuyển hoá mới về chất của tình hình khách quan. Bộ chỉ huy chiến dịch đã đi tới nhất trí về cách đánh của chiến dịch lịch sử này là: dùng một bộ phận lực luợng thích hợp, trên từng hướng, đủ sức hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch lại không cho chúng rút chạy về Sài Gòn, tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn bộ binh chủ lực của địch phòng thủ vòng ngoài, đồng thời dùng đại bộ phận lục lượng của ta nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích cơ giới hoá mạnh đã được tổ chức chặt chẽ, tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh thẳng vào 5 mục tiêu đã được chọn lựa trong nội thành. Để phối hợp với các binh đoàn đột kích đó, tạo điều kiện cho các binh đoàn tiến nhanh và đánh vào đúng các mục tiêu, các lực lượng đặc công, các đội biệt động, các lực lượng an ninh vũ trang và tự vệ thành phố, các lực lượng chính trị của quần chúng ở Sài Gòn - Gia Định sẽ đánh chiếm trước các cầu qua sông, tạo bàn đạp cho bộ đội chủ lực tiến quân, dẫn đường cho các đơn vị, trừ gian và phát động quần chúng nổi dậy. Toàn bộ hoả lực pháo binh của chiến dịch sẽ được sử dụng tập trung đánh vào các mục tiêu quân sự cần đánh chiếm như sân bay Tân Sơn Nhất hoặc khu vực Bộ Tổng Tham mưu nguỵ. Không quân lúc cần sẽ được sử dụng để ném bom góp phần làm tê liệt nốt sân bay rân Sơn Nhất. Tên lửa, pháo cao xạ triển khai thành một lưới lửa phòng không quanh Sài Gòn khống chế bầu trời, bảo vệ đội hình của chiến dịch. Cách đánh như vậy rõ ràng là rất thích hợp. Ta không để cho địch ngăn chặn và làm chậm bước tiến của ta ở vòng ngoài và cũng không cho địch lùi dần về Sài Gòn co cụm để cùng lực lượng bên trong tiếp tục chống cự. Ta tập trung sức mạnh để đánh vào các mục tiêu chủ yếu kết hợp với tiêu diệt địch ở vòng ngoài không để quân địch trong ngoài ứng cứu cho nhau, không cho địch lẩn vào trong các khu dân cư để phòng ngự, làm chết lây đồng bào. Và cái chính, cái quan trọng nhất của cách đánh này nhằm đạt mục đích cao nhất, nhanh nhất, chắc chắn nhất của chiến dịch mang tên Bác Hồ là giải phóng Sài Gòn - Gia Định, đánh đổ ngụp quyền trung ương, giải phóng hoàn toàn miền Nam, theo đúng tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị là táo bạo, bất ngờ, chắc thắng để thực hiện lời Bác Hồ dạy là đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đi đôi với việc xác định kế hoạch tổng công kích giải phóng Sài Gòn - Gia Định, Bộ chỉ huy chiến dịch cũng xây dựng một kế hoạch nổi dậy của quần chúng để phối hợp chặt chẽ tiến công quân sự và lực lượng chính trị nổi dậy. Trong tình hình thực tế của Sài Gòn - Gia Định lúc bấy giờ, công tác chuẩn bị cho quần chúng nổi dậy phải tính toán thật kỹ lưỡng, tiến hành thật khẩn trương mà lại phải hết sức giữ bí mật, nhất là kế hoạch này phải phổ biến xuống tận phường khóm, đến các cơ sở chính trị, binh vận của ta trong thành phố. Chúng tôi biết rằng bộ máy kìm kẹp của nguỵ quyền Sài Gòn vô cùng độc ác, nham hiểm. Các tổ chức mật vụ, tình báo Mỹ - nguỵ trong nước và nước ngoài thuê tuyển hàng chục nghìn tên ác ôn, chỉ điểm bằng tiền của Mỹ, đội lốt đủ hạng người trà trộn trong nhiều ngành, nghề, đang ngày đêm rình mò, bắt giam, đánh giết đồng bào yêu nước và tiến bộ của cả miền Nam nói chung và Sài Gòn - Gia Định nói nêng. Chưa kể hàng chục nghìn cảnh sát và cảnh sát dã chiến, quân cảnh, trong đó một số cũng vì tình thế, vì miếng cơm manh áo đang cầm súng, cầm dùi cui thi hành lệnh của bọn ác ôn đầu sỏ, chống lại nhân dân, chống lại cách mạng. Đồng bào Sài Gòn - Gia Định từ lâu sống trong hoàn cảnh ngặt nghèo và éo le đó đang suy nghĩ nhiều về những diễn biến dồn dập gần đây và những gì sắp xảy đến liên quan đến bản thân từng người, từng gia đình, liên quan đến hiện tại và tương lai, đến đời sống tinh thần và vật chất. Chúng tôi rất tin là, với truyền thống đấu tranh từ trước đến nay, với những uất ức, căm hờn Mỹ - Thiệu sẵn có, lại có thời cơ thuận tiện, có sự dìu dắt của những đồng bào chí cốt, những đồng chí trung kiên, đồng bào sẽ đứng dậy tham gia đấu tranh khi quân ta đánh vào Sài Gòn. Chưa kể đến mấy trăm nghìn đồng bào từ các tỉnh mới dồn về Sài Gòn gần đây, đang sống đợi chờ tình thế ngã ngũ để trở về với làng xóm quê hương đã được giải phóng. Những bộ máy kìm kẹp và bộ máy chiến tranh tâm lý của Mỹ - nguỵ vẫn còn đem hết sức tàn cứu lấy chế độ đã rữa nát và trong những ngày này bọn đầu sỏ hiếu chiến phản động nhất cùng lũ tay chân ngoan cố vì quyền lợi giai cấp ích kỷ của chúng, có thể gây thêm nhiều tội ác hơn. Chúng tôi phải tính đến khả năng thực tế đó mà hướng dẫn hình thức nổi dậy, thời điểm nổi dậy cho thích hợp để huy động lực lượng quần chúng xông ra đấu tranh trước mũi súng của quân địch, phối hợp chặt chẽ, kịp thời với cuộc tổng công kích để giành thắng lợi nhanh chóng cho chiến dịch và lấy tiến công quân sự làm đòn quyết định, đi trước một bước tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được phân công chỉ đạo công tác này, ngày đêm làm việc với Thành uỷ Sài Gòn - Gia Định, với các cơ quan có liên quan. Công tác vận động binh sĩ và nhân viên nguỵ quyền cũng được triển khai khẩn trương trước ngày nổ súng tổng công kích. Các đồng chí của ta có trách nhiệm về việc này trong Sài Gòn và vùng ven từ trước đến nay đã rất kiên trì, khôn khéo, chịu đựng gian khổ, trước tình hình mới này lại càng linh hoạt, khẩn trương và rất dũng cảm. Các đồng chí tiếp xúc với địch, chỉ cho họ con đường tự cứu lấy họ và cứu lấy gia đình đau khổ của họ, con đường đưa những người lầm đường, lạc lối về với chính nghĩa, về với dân tộc. Một số đồng chí của ta đã bị bắt, bị giết, nhưng tinh thần hy sinh vì cách mạng của các đồng chí chúng ta đã thức tỉnh, cảm hoá được biết bao nhiêu người đang cầm súng cho địch. Nay họ đang chờ thời cơ. Vậy trong khi ta tổng công kích vào Sài Gòn, ta cần tạo điều kiện cho số đông binh sĩ, cảnh sát, nhân viên nguỵ quyền đứng về phía cách mạng, phía nhân dân để đánh lại bọn đầu sỏ ngoan cố. Những chính sách của chính quyền cách mạng đối với tù binh, hàng binh cần được phổ biến gấp trước và trong khi tổng công kích. Việc chuẩn bị tiếp quản thành phố Sài Gòn - Gia Định là một công tác toàn diện, đòi hỏi có nhiều lực lượng và triển khai gấp, Trung ương Cục đã có sự phân công đồng chí trực tiếp chỉ đạo việc này. Trung ương cử thêm đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Trung ương Đảng, vào tăng cường và phái nhiều cán bộ, nhân viên kỹ thuật ở các Bộ, các ngành đi gấp vào kịp trước ngày Tổng công kích Sài Gòn - Gia Định. Công tác này không chỉ đơn thuần về mặt hành chính và kỹ thuật mà kết hợp toàn diện cả quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hoá, xã hội, đòi hỏi một sự lãnh đạo chặt chẽ, kịp thời, một sự giáo dục sâu rộng trong tất cả các lực lượng tiến vào thành phố. Một loạt chính sách của đảng, của chính quyền cách mạng đối với tôn giáo, tư sản, ngoại kiều, đối với nguỵ quân và nhân viên nguỵ quyền cần được kịp thời phổ biến trong các tầng lớp nhân dân. Sau khi bàn bạc, thảo luận rất kỹ lưỡng được Bộ Chính trị chỉ thị hướng dẫn và tăng cường thêm cán bộ từ Trung ương vào, đồng chí Lê Đức Thọ và đồng phí Phạm Hùng trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra công tác chuẩn bị tiếp quản thành phố Sài Gòn - Gia Định. Quân uỷ Trung ương cũng cử đồng chí Thiếu tướng Giáp Văn Cương, Phó Tổng Tham mưu trưởng, dẫn một đoàn cán bộ và nhân viên kỹ thuật quân sự kịp vào gặp chúng tôi trước ngày bắt đầu tổng công kích để nhận nhiệm vụ tổ chức tiếp quản các cơ sở quân sự. Trong những ngày này, các đồng chí Trần Văn Trà, Đồng Văn Cống, Lê Ngọc Hiền và tôi tập trung sức giải quyết vấn đề tổ chức hiệp đồng, thông qua các kế hoạch hành động và kế hoạch bảo đảm của các hướng, các quân khu, các binh đoàn, các quân chủng, binh chủng và tổ chức công tác kiểm tra. Sở chỉ huy chiến dịch thật là nhộn nhịp. "Khách" từ các nơi đến Sở chỉ huy để nhận nhiệm vụ, để báo cáo tình hình, để hợp đồng kế hoạch. Đồng chí nào cũng muốn đóng góp được tốt nhất, nhiều nhất và kịp thời nhất phần mình và đơn vị mình vào thắng lợi của chiến dịch lịch sử, gặp khó khăn thì tìm mọi cách khắc phục, biểu hiện một sự nhất trí cao về quyết tâm, tư tưởng và tác phong giữa trên và dưới, giữa các binh chủng quân chủng. Khi gặp đồng chí Doãn Tuế và đồng chí Thượng tá Nguyễn Tám, Trưởng phòng pháo binh Quân khu 7 để giao nhiệm vụ cho Pháo binh, thấy trận địa pháo 130 milimét có nhiệm vụ bắn vào Tân Sơn Nhất và các mục tiêu khác trong thành phố chưa đạt yêu cầu, các đồng chí có đưa ra một phương án là dùng một sư đoàn bộ binh đánh xuống Bình Dương, giải phóng trước một khu vực để đưa pháo tầm xa vào đấy trước khi bắt đầu tổng công kích. Đánh vào thì chắc chắn là được, trận địa pháo chắc sẽ phát huy tác dụng rất tốt. Nhưng nhìn thế trận chung và các yêu cầu của chiến dịch là táo bạo, bất ngờ, chắc thắng thì phải đành "hy sinh" cái táo bạo, bất ngờ của riêng pháo binh, mặc dù đề nghị đó rất hấp dẫn và cũng rất táo bạo. Hôm kiểm tra việc bảo đảm cơ động cho các hướng, đồng chí Phan Khắc Hy, Phó Tư lệnh Đoàn 559 cho chúng tôi biết, đã sửa chữa xong các cầu bị địch phá trên các đường số 1 và số 20. Riêng cầu Nha Bích nằm trên đường số 14 từ Đồng Xoài đi Chơn Thành rất quan trọng đối với việc cơ động của các quân đoàn từ phía bắc tiến về Sài Gòn và sông Sài Gòn cũng như việc bảo đảm hậu cần của toàn chiến dịch. Lòng sông sâu, bờ rất đứng mà địch thì dùng không quân quyết phá, hiện chưa sửa xong, đang làm trở ngại lớn cho ta, cho nên chúng tôi tăng cường bộ đội cao xạ và đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Phan Khắc Hy trực tiếp chỉ huy việc sửa chữa cầu này. Chúng tôi cũng tính đến chuyện là địch đã có kế hoạch phá các cầu qua sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và các cầu khác khi ta tiến vào Sài Gòn. Vì vậy khi làm việc đó đồng chí Thượng tá Trần Bá Tòng, Chính uỷ công binh của Miền, ngoài việc phải chuẩn bị để sửa chữa những cầu hỏng bắc cầu tạm, dùng phà, chúng tôi đã tính đến việc huy động các tàu, thuyền, xà lan dọc các sông nói trên để đưa một phần bộ đội tiến theo dọc sông vào Sài Gòn hoặc đưa bộ đội và binh khí kỹ thuật sang sông. Các đồng chí trong Trung ương Cục nhất là đồng chí Phan Văn Đáng, rất tích cực tham gia bảo đảm cho kế hoạch này. Việc bố trí tên lửa phòng không trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là một cố gắng lớn của bộ đội phòng không. Các đơn vị tên lửa này có mặt hồi chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, nay đã nằm trong đội hình Chiến dịch Hồ Chí Minh. Việc khắc phục vô vàn khó khăn để bảo đảm cơ động, bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị này đi theo đường Trường Sơn vào được đến Nam Bộ đã là một thắng lợi. Sau khi làm việc với đồng chí Quang Hùng và đồng chí Thượng tá Phạm Xã, Phó Chính uỷ cao xạ của Miền, trước khi bắt tay tạm biệt, chúc thắng lợi, chúng tôi có nói đùa là không quân địch sắp hết vốn liếng rồi mà cao xạ các loại của ta lại nhiều, đứng gần Sài Gòn hơn các đồng chí tên lửa rồi đó, phải nhanh tay, nhanh mắt không thì bộ đội tên lửa "thất nghiệp" đấy. Ngoài ra, hôm làm việc với đồng chí Đại tá Trần Văn Danh (Ba Trần) về nhiệm vụ của bộ đội đặc công, chúng tôi có bàn thêm một kế hoạch khá đặc biệt là khi đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất sẽ cho một lực lượng nhanh chóng tiến về khu vực gọi là "trại David", nơi phái đoàn quân sự của ta đang ở, phối hợp với các đồng chí trong đó và đưa các đồng chí ra. Những ngày cuối cùng chuẩn bị cho cuộc tổng công kích rất khẩn trương và căng thẳng. Nhiều đoàn cán bộ đã xuống các hướng, các cánh, các quân chủng, các binh chủng để kiểm tra việc chuẩn bị các mặt. Cũng nhờ hệ thống thông tin của chiến dịch ngày càng ổn định và thông suốt, tinh thần phục vụ của cán bộ, chiến sĩ thông tin và cơ yếu rất tốt, cho nên chúng tôi nắm được kịp thời tình hình của các hướng và hàng ngày làm việc đều đặn với Hà Nội. Đồng chí Đại tá Nguyễn Xuân Thăng, Tư lệnh kiêm Chính uỷ thông tin của Miền đã cùng với đồng chí Hoàng Niệm khẩn trương triển khai các mặt công tác thông tin. Công tác hậu cần, khâu đầu tiên và cũng là khâu cuối cùng của tất cả mọi cuộc chiến đấu, mọi chiến dịch, thường được gọi là đi trước về sau, được đôn đốc nhiều nhất, được đòi hỏi gấp nhất và cũng được hậu phương miền Bắc đáp ứng đầy đủ nhất mọi yêu cầu. Các đồng chí phụ trách hậu cần của chiến dịch, khi báo cáo là mọi việc chuẩn bị đã xong, vui vẻ nói: "B.2 chưa lúc nào đông vui, giàu có như lúc này và cũng chưa lúc nào được vinh dự đón tiếp một "đoàn khách" mấy trăm nghìn người như thế này. Mà "khách" thì đi toàn xe hơi, máy bay, tàu thuỷ, mang theo đủ thứ, "chủ nhà" thật đỡ lo hơn trước rất nhiều". Các mẩu chuyện do các đồng chí mới ở Hà Nội vào kể làm cho chúng tôi hình dung được cả miền Bắc xã hội chủ nghĩa vừa xây dựng, vừa chiến đấu, tiếp tục khắc phục những hậu quả nặng nề do cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ tiến hành gần như liên tục từ 1965 đến hết năm 1972 gây ra, chỉ trong một thời gian rất ngắn, đã tổ chức, động viên ngay một khối lượng sức người, sức của to lớn cho tiền tuyến để đánh thắng. Hội đồng chi viện chiến trường, từ ngày thành lập làm việc rất khẩn trương, không kể giờ giấc, giải quyết nhiều việc quan trọng và các đồng chí trong Bộ Chính trị, trong Ban Bí thư Trung ương Đảng thường xuyên góp ý kiến với Hội đồng để đẩy mạnh công tác chi viện chiến trường. Chúng tôi biết, trong những ngày vừa qua, các đồng chí phụ trách các cơ quan của Đảng và Nhà nước, các thành phố, các tỉnh ở miền Bắc làm việc suốt ngày đêm nhằm đáp ứng đầy đủ nhất, nhanh chóng nhất, ưu tiên nhất những yêu cầu của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi rất xúc động khi được tin đồng bào các dân tộc Tây Bắc và Việt Bắc đã đề nghị với Trung ương xin dừng kế hoạch vận chuyển gạo, muối về cho địa phương mình mà dành cả đoàn xe với những thứ hàng quý đó quay vào Nam Bộ cho kịp kế hoạch tổng công kích, hoặc nhiều công trường, nhà máy, cơ quan rút bớt đến 30-50% số người trong biên chế để tham gia các mặt bảo đảm cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Quân và dân Khu 5 cũng hết lòng hết sức chi viện cho Mặt trận Sài Gòn. Hội đồng chi viện tiền phương của Khu 5 được thành lập do đồng chí Võ Chí Công làm Chủ tịch. Đồng chí Võ Chí Công chỉ thị cho toàn khu "tất cả cho tiền tuyến Sài Gòn", "tất cả để phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh". Quân Khu 5 còn tổ chức một bộ phận tiền phương gồm các đồng chí Trung tướng Hoàng Minh Thảo, Thiếu tướng Võ Thứ, Thiếu tướng Lư Giang, chuyên lo phục vụ cánh quân hướng đông và tây của chiến dịch, tập trung phần lớn lực lượng và phương tiện vật chất của quân khu và các tỉnh trong quân khu phục vụ các binh đoàn cơ động vào Mặt trận, đã huy động gần 2.000 lượt xe vận chuyển bộ đội và 4.000 tấn hàng cho Mặt trận Sài Gòn. Vùng mới giải phóng từ Trị Thiên đến Phan Thiết đang dần dần ổn định, nhân dân vừa được giải phóng cũng đang cố gắng góp công, góp của cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Và các ngành y tế, nội thương, văn hoá, giáo dục, tuyên huấn, từ miền Bắc đã vào các vùng đó để giúp địa phương khắc phục những khó khăn về đời sống vật chất và tinh thần do địch để lại. Đặc biệt là nhiều lực lượng an ninh của miền Bắc cùng với đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, đang trên đường số 1 vào Nam để tăng cường kịp thời, phối hợp với quân đội và lực lượng an ninh địa phương, làm tốt việc bảo vệ trật tự trị an, trấn áp những nhóm ngoan cố còn sót lại để không những bảo đảm cuộc sống yên lành cho nhân dân mà còn tạo điều kiện cho các lực lượng vũ trang an toàn tiến vào giải phóng Sài Gòn. Hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa được nối dài thêm với hậu phương lớn vừa được giải phóng ở miền Nam đã tăng thêm sức mạnh cho tiền tuyến. Chúng tôi biết rõ những cố gắng và công lao to lớn của đồng bào, đồng chí ở hậu phương, đang làm việc với khí thế không phải một người làm việc bằng hai mà bằng nhiều hơn thế để thay thế chúng tôi, những người được vinh dự phái đi trước ra mặt trận và chắc rằng rất nhiều đồng chí cũng muốn được ra tiền tuyến trong giờ phút lịch sử này. Riêng đối với các đồng chí cán bộ, chiến sĩ và nhân viên ở cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, do đã hơn hai chục năm làm việc bên nhau trong suốt hai cuộc chiến tranh, chúng tôi hình dung được rõ nét nhất sự bận rộn, căng thẳng, tính chính xác, chu đáo trong công tác của các đồng chí, nhất là trong các Cục Tác chiến, Quân báo, Cơ yếu, Bộ Tư lệnh Thông tin, v.v, để theo dõi nắm tình hình, báo cáo kịp thời và đề đạt những ý kiến với Quân uỷ Trung ương và Bộ Chính trị. Dưới sự lãnh đạo, giáo dục và tổ chức của Đảng, cả một dân tộc anh hùng, cả một quân đội anh hùng như một guồng máy vĩ đại đang chuyển động nhịp nhàng, với số vòng quay cao nhất, với công suất phát ra lớn nhất để trong một thời gian ngắn nhất, tạo nên một sản phẩm cao đẹp của thời đại.
 
tin tức liên quan