“Đại Thắng Mùa Xuân” - Đại tướng Văn Tiến Dũng (Tiếp theo Chương 15)
“ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN”
ĐẠI TƯỚNG VĂN TIẾN DŨNG
Chương 15
GIỜ TÀN CỦA ĐỊCH
(Tiếp theo Chương 15)
Bọn CIA Mỹ ở Sài Gòn, như con rắn độc, luồn lách rình mò với nhiều âm mưu quỷ quyệt, bắn tin: "Hương làm tổng thống chỉ là tạm thời, sẵn sàng đi đến thoả thuận Mỹ chờ đợi sự đáp lại, v.v.". Viên tướng Vanuyxem, thầy cũ của Thiệu và cũng là thầy của nhiều tên cai đội khố đỏ trước đây nay là tướng tá nguỵ quân, vội vã từ Pháp đến Sài Gòn. Trong chiến tranh Đông Dương hắn chỉ huy binh đoàn cơ động số 3, thoát chết trong nhiều trận đánh. Hắn đến Sài Gòn làm thầy dùi cho bọn nguỵ trong giờ phút nguy cấp nhất của chúng. Hắn tưởng có một "thời cơ" nào sắp đến với hắn. Toàn là một bọn người mê ngủ, ngu muội đến thế là cùng! Tình hình diễn ra đúng như nhận định của Bộ Chính trị ngay từ cuộc họp tháng 1 năm 1975. Mỹ đã suy yếu rõ rệt và không còn khả năng cứu vãn sự sụp đổ hoàn toàn của nguỵ quyền Sài Gòn. Tất cả những tin tức nhận được cho thấy Mỹ đang công khai xúc tiến việc di tản người Mỹ, bỏ bọn nguỵ Nam Việt Nam như đã bỏ bọn nguỵ Campuchia. Tình hình này làm rung động chiến lược của bọn nguỵ và buộc chúng phải có sự đối phó mới. Có thể chúng đã tính đến khả năng: một là co cụm lực lượng để giữ Sài Gòn: hai là giữ Sài Gòn không nổi thì co lực lượng về giữ Quân khu 4. Ta nhận được tin từ hàng ngũ địch cho biết chúng ráo riết chuẩn bị để có thể rút về cố thủ ở Cần Thơ (Quân khu 4), nếu ta giải phóng Sài Gòn. Chúng cho rằng ở Cần Thơ nhiều sông rạch, ta không thể sử dụng xe tăng, xe bọc thép, pháo binh hạng nặng được, tiếp tế hậu cần khó khăn. Ngày 21 tháng 4, tên tướng Oenxơn, tùy viên quân sự Mỹ ở Sài Gòn cùng một số cố vấn không quân Mỹ về tận sân bay Bình Thuỷ cùng tên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 4 không quân nguỵ nghiên cứu chỗ di tản cho máy bay ở Biên Hoà và Tân Sơn Nhất, tăng thêm thiết bị cho sân bay này nhằm sử dụng vào việc yểm trợ Sài Gòn trong trường hợp sân bay Biên Hoà bị tê liệt. Chúng còn dự kiến cả trường hợp phải di chuyển bộ tư lệnh không quân về Bình Thuỷ để phục vụ kế hoạch yểm trợ lâu dài khi phải rút về cố thủ ở Cần Thơ. Nhưng chúng ta nhận định rằng, khi ta đã đánh đòn mạnh mẽ nhất, quyết định nhất, giải phóng Sài Gòn - Gia Định thì toàn bộ quân địch còn lại ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sớm muộn cũng sẽ phải hạ vũ khí đầu hàng. Sau những buổi giao ban ở Sở chỉ huy trở về lán ngủ, thức dậy trong đêm, hoặc những lần nghe báo cáo một tin tức mới nhất về địch, nhiều ký ức, nhiều hình ảnh, nhiều sự việc lần lượt hiện ra. Chúng tôi nhớ đến đồng chí Nguyễn Chí Thanh, uỷ viên Bộ Chính trị, hơn mười năm trước đây được Bác Hồ và Bộ Chính trị Trung ương đảng cử vào Nam Bộ cùng với các đồng chí trong Trung ương Cục lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ. Lúc đó, trước nguy cơ thất hại trong cuộc "chiến tranh đặc biệt", bọn tay sai Mỹ đang hoang mang dao động, đế quốc Mỹ một mặt ồ ạt đưa quân Mỹ và quân chư hầu vào miền Nam, mặt khác tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ở miền Bắc. Để thực hiện tích cực chủ trương đó, Mỹ tìm những tên tay sai ngoan ngoãn, trung thành nhất. Một cuộc thay đầy tớ, thay ngựa giữa dòng liên tục xảy ra trong nội bộ tập đoàn tay sai của Mỹ ở miền Nam. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh ngày đêm lăn lộn trên chiến trường miền Nam, nhìn thấy rất rõ ràng, trực tiếp thế địch, thế ta, và suy nghĩ kỹ về cách đánh Mỹ. Khi ra Hà Nội để báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị về toàn bộ tình hình của miền Nam, đồng chí thay mặt toàn thể đảng bộ miền Nam, toàn thể lực lượng vũ trang miền Nam, toàn thể đồng bào miền Nam, hứa với Bác, với Trung ương là quyết tâm đánh thắng cuộc "chiến tranh cục bộ" của Mỹ. Với cái nhìn sắc sảo, sâu rộng, với lòng tin tưởng vô hạn về thế đi lên của cách mạng, về khả năng vô tận của quần chúng cách mạng, về sự chi viện to lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đồng chí trình bày dự án kế hoạch chiến lược với Bộ Chính trị. Bản Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 của Trung ương Đảng - phần trong nước - cách đây 11 năm (1975) khẳng định rằng đế quốc Mỹ dù có đưa bao nhiêu quân vào Việt Nam, dù có tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo đến mức nào đi nữa, cuối cùng cũng thất bại. Đến nói chuyện ở một lớp nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 của Trung ương Đảng ở trường Nguyễn Ái Quốc hồi tháng 9 năm 1964, đồng chí Nguyễn Chí Thanh phân tích: "Ta thường nói: một con ngựa đau thì cả tàu ngựa không ăn cỏ. Đó là ngựa thật. Chứ bọn ngựa người trong miền Nam này, càng được chủ Mỹ cho ăn no bao nhiêu - ăn đô la chứ không phải ăn cỏ - thì lại càng đá nhau hăng bấy nhiêu. Để rồi các đồng chí xem, Mỹ mới vào chúng tranh nhau ăn mà đã đá nhau huỳnh huỵch - hàng chục cuộc đảo chính trong khoảng hơn một năm rồi đó. Sau này, khi ta đánh mạnh lên, đánh thắng to lên thì chúng sẽ phi nước rút - nước rút lui ấy mà - thì không những chỉ ngựa đá nhau, cắn nhau, mà cả chủ ngựa và đoàn ngựa nòi của chúng lúc đó sẽ loạn xị, hí hét om sòm, phá chuồng mà chạy, không phải chạy thi về đích - mà chạy trốn trước đòn trừng phạt của cách mạng". Những lúc cùng làm việc, đồng chí thường tâm sự: "Nguyện vọng của Bác Hồ cũng như ước vọng của đồng bào miền Nam là giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, để Bác vào Nam gặp đồng bào, đồng chí. Bác đã mấy lần muốn đi, Bác đã chuẩn bị tập luyện đi bộ rồi đó. Nhưng Bộ Chính trị Trung ương Đảng không muốn Bác đi trong lúc này. Vậy chúng mình phải làm sao đây, đánh thế nào đây cho thật tốt, thắng cho được đế quốc Mỹ thì mới làm Bác vui". "Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà Miền Nam mong Bác nỗi mong cha" Hôm nay Bác Hồ và đồng chí Nguyễn Chí Thanh không còn nữa. Lòng ham muốn tột cùng của Bác, lời tâm sự của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, nguyện vọng của hơn 20 triệu đồng bào miền Nam giờ đây đang được thực hiện với một quyết tâm cao nhất. Chúng tôi làm theo lời Bác và chúng tôi đi tiếp bước chân đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã đi trên những khu rừng Trị Thiên, Tây Nguyên, trên những đồn điền cao su Lộc Ninh, Dầu Tiếng, Châu Thành. Khi hành quân vào Nam Bộ, chúng tôi mắc võng trên những rừng cây đồng chí từng nằm suy nghĩ cách đánh Mỹ, và chỉ mấy hôm nữa thôi, chúng tôi nhất định sẽ vào Sài Gòn, nơi năm 1911 Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, và nơi 11 năm trước đây đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã mặc bộ quần áo bà ba Nam Bộ, quấn chiếc khăn rằn, đội nón lá, ngồi thuyền đến làm việc với các đồng chí Thành uỷ Sài Gòn, bên cạnh một căn cứ địch, chung quanh có cả một lưới dày cảnh sát, mật vụ. Ngay từ những ngày đầu mặt giáp mặt với đế quốc Mỹ. Đảng ta đánh giá đúng âm mưu, bản chất và khả năng của Mỹ, hạ quyết tâm đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ. Đảng ta biết bắt đầu cuộc chiến tranh, một cuộc chiến tranh chính nghĩa, vì độc lập, tự do của Tổ quốc và nhân dân, vì hoà bình và chủ nghĩa xã hội cho mình và cho chung anh em bầu bạn. Chúng ta có niềm tin chắc thắng ngay trong lúc chúng ta còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đảng ta biết tiến hành chiến tranh, biết giành thắng lợi từng bước, trước một kẻ thù giàu mạnh vào bậc nhất thế giới tư bản chủ nghĩa, biết động viên sức mạnh của toàn dân, dựa vào sức mình là chính, biết tranh thủ sự giúp đỡ của những lực lượng ghét Mỹ, chống Mỹ, ủng hộ, đồng tình với ta. Ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đi từ thất bại này đến thất bại khác. Và đã đến lúc rồi, Đảng ta biết kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh cách mạng lâu dài. Mỹ đã cút, nguỵ phải nhào. Tổ quốc ta sẽ hoàn toàn độc lập, tự do. Đất nước ta sẽ thống nhất, Bắc Nam sẽ sum họp một nhà. Nhân dân ta sẽ cùng nhau xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Ngày 22 tháng 4, đồng chí Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị Trung ương Đảng điện cho chúng tôi: "Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc Tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không để chậm. Nếu để chậm thì không có lợi cả về chính trị và quân sự. Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Các anh ra chỉ thị ngay cho các hướng hành động kịp thời, chú trọng kết hợp tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng. Sự hiệp đồng giữa các hướng cũng như giữa tiến công và nổi dậy sẽ thực hiện trong quá trình hành động. Hiện nay thời cơ thúc đẩy chúng ta phải có hành động nhanh nhất. Nắm vững thời cơ lớn chúng ta nhất định toàn thắng". Ngày 22 tháng 4, Bộ chỉ huy chiến dịch duyệt lại lần cuối cùng kế hoạch chính thức của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bản đồ quyết tâm chiến dịch mang nét vẽ màu đỏ tươi chỉ đường tiến công của các binh đoàn vào Sài Gòn - Gia Định, được trải rộng ra trên bàn. Với sự có mặt của đồng chí Lê Đức Thọ, đại diện Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta tại Mặt trận, và các đồng chí khác trong Bộ chỉ huy chiến dịch, đồng chí Phạm Hùng, Chính uỷ, và tôi, Tư lệnh chiến dịch, cùng ký vào bản quyết tâm đó. Chúng tôi vô cùng vinh dự được thay mặt cho tất cả đồng bào và đồng chí thân yêu, thay mặt cho hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ trên Mặt trận Sài Gòn - Gia Định này, và cũng vô cùng vinh dự nhận lấy trách nhiệm mà Bộ Chính trị đã trực tiếp giao cho chúng tôi trong chiến dịch này. Quyết tâm đó là quyết tâm của dân tộc Việt Nam anh hùng, của Đảng Lao động Việt Nam vinh quang, của quân đội nhân dân Việt Nam bách chiến bách thắng. Quyết tâm đó định đoạt số phận tập đoàn phản động bán nước Nguyễn Văn Thiệu và bọn đế quốc xâm lược Mỹ. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhất là từ khi có Đảng ta lãnh đạo, dân tộc Việt Nam có kinh nghiệm và có năng lực phân biệt rõ ràng hai hạng người đó và cũng đã có truyền thống và tài năng để đối phó, xử lý với hai hạng người đó. Hạng người thứ nhất, bằng nhiều hình thức, nhiều mưu mô, nhiều sức mạnh, dù tàn ác đến thế nào đi nữa và dù với thời cơ nào đi nữa cũng không thể thắng được dân tộc Việt Nam. Đế quốc Mỹ giàu mạnh nhất, hiếu chiến nhất của thế giới tư bản chủ nghĩa ngày nay, hơn 20 năm qua, hết chủ trương này, học thuyết nọ, leo hết nấc thang này đến nấc thang khác, đưa phần lớn lực lượng quân sự của bản thân nước Mỹ và kéo theo quân của các nước chư hầu, sau khi nếm đủ mùi thất bại, đã âm thầm cuốn cờ cút về nước với cái gọi là "hoà bình trong danh dự". Xâm lược Việt Nam không được, Mỹ lại chịu một hậu quả to lớn, làm suy yếu nước Mỹ về mọi mặt trong một thời gian dài nữa. Số phận của kẻ đi cướp nước đã được định đoạt rõ ràng. Thật là hẩm hiu, chua chát, đắng cay. Hạng người thứ hai là những kẻ bán nước, những kẻ bán mình cho đồng đô la, bán linh hồn cho bọn ngoại bang. Ngày trước có những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, v.v, và ngày nay có những Ngô Đình Diệm, Nguyên Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ. Số phận của chúng lại càng ô nhục, xấu xa hơn. Có tên đã thay thầy đổi chủ đến ba lần, cuối cùng lại bị chính chủ giết. Có tên vì tranh nhau mưu bá đồ vương, tranh nhau đô la mà hất nhau, hại nhau. Cũng có những tên cực kỳ ngoan cố trước đòn trừng phạt của nhân dân cuối cùng cũng phải đầu hàng hoặc chạy trốn. Bọn chúng không có Tổ quốc, không phải vì Tổ quốc, không vì một lý tưởng gì mà chỉ vì đô la. Tất cả những gì chúng đã làm từ trước đến nay, đều là tội ác đối với dân tộc: rước Mỹ vào, dâng mảnh đất miền Nam yêu quý này cho Mỹ, đem mấy triệu thanh niên của ta làm bia đỡ đạn cho Mỹ, hiến hàng chục nghìn chị em làm đồ chơi cho Mỹ, để di hoạ nhiều mặt cho xã hội miền Nam vốn có thuần phong mỹ tục, đầy tự hào về truyền thống dân tộc, đầy vinh quang về lịch sử và văn minh. Tất cả những gì bọn chúng đã nói đều là lừa phỉnh, dối trá, mị dân, phản động. Chúng là tội phạm chứ không phải là nạn nhân. Giờ cáo chung của chế độ chúng đã điểm.