Gặp lại những người lính trồng ca phê trên Tây Nguyên
Ngày đăng:
11:16 15/11/2017
Lượt xem:
938
GẶP LẠI NHỮNG NGƯỜI LÍNH
TRỒNG CÀ PHÊ Ở TÂY NGUYÊN
Nguyễn Kim Chúc
Tôi lại gặp trung tá Nguyễn Hữu Dụ - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 49 Sư đoàn 471 Trường Sơn anh hùng. Vẫn ánh mắt, vẫn nụ cười ấy nhưng năm nay anh có phần già yếu hơn, mái tóc bạc trắng. Nghe anh đọc thơ, anh phát biểu với đồng đội năm xưa thuộc Trung đoàn 49 nghe còn sung sức lắm so với tuổi 76 của anh. Cách đây hai năm gặp anh - cũng trong cuộc gặp mặt Trung đoàn 49 như thế này, tóc anh còn đen, cũng đọc thơ … nhưng hoạt bát hơn bây giờ. Ôi! Tuổi già đang cướp đi những nét trẻ trung sôi nổi của thế hệ anh và chúng tôi - lớp trẻ xếp bút nghiên lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” năm xưa. Anh bảo:
- Mong sao nhiều lần nữa chúng ta lại gặp nhau.
Hướng ánh mắt về tôi anh tiếp vẻ nửa đùa nửa thật:
- Các ông tổ chức gặp mặt Hội Sư đoàn đã 2- 3 lần mà tôi đều không biết. Các ông coi chúng tôi là những đứa con nuôi của Sư đoàn là không được đâu nhé.
Anh cười lớn và dứ nắm đấm vào tôi.
Tôi vội cướp lời anh:
- Đâu có anh! Trung đoàn 49 của anh là một trong 24 Trung đoàn, Binh trạm trong đội hình của Sư đoàn 471 Trường Sơn anh hùng, cùng một “nhà” cả làm gì có con nuôi, con đẻ hả anh.
- Thế sao cả cuốn lịch sử Sư đoàn dày cộp mà chỉ có vài dòng về Trung đoàn 49 - Anh chất vấn tôi.
- Đúng là có lỗi với Trung đoàn 49 vì khi biên tập chúng tôi có rất ít tài liệu về Trung đoàn 49. Phải chi có các anh cung cấp thì hay biết mấy.
- Anh nói đúng. Lỗi cũng có phần của bọn tôi - “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” mà.
Đặt chén rượu xuống bàn anh bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về Trung đoàn 49 - Sư đoàn 471 Trường Sơn.
Trung đoàn 49 thông tin được thành lập ngày 20.4.1972 trực thuộc Sư đoàn 472 Trường Sơn. Đầu năm 1974 Trung đoàn được giao đảm bảo thông tin liên lạc tuyến đông Trường Sơn phục vụ đắc lực cho công tác chỉ huy tham gia trận chiến cuối cùng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Sau 1975 từ Khe Sanh Trung đoàn chuyển hẳn vào Tây Nguyên làm kinh tế. Năm 1977 Trung đoàn 49 được bổ xung cán bộ kỹ thuật chuyển sang trồng Cà phê ở Đăk Lắc. Trung đoàn nhận hơn 800 nữ quân nhân Quảng Bình, Nghệ Tĩnh, Ninh Bình … bắt đầu khai phá đất Tây Nguyên trồng Cà phê. Kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Hữu Dụ bắt đầu sự nghiệp trồng Cà phê với cương vị phụ trách Trung đoàn. Năm 1980 Trung đoàn 49 thuộc Sư đoàn 471 làm kinh tế ở Tây Nguyên. Anh nghỉ hưu với quân hàm Trung tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn 49.
Ngồi bên tôi Trung tá Nguyễn Trọng Tiết, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 49 giờ mới xen vào chuyện:
- Ngày ấy khó khăn lắm các anh ơi! Vùng Buôn Hồ, Krông Puk, Krông Năng … còn hoang vu lắm. Các đại đội chia nhau đóng quân cai quản vùng đất được giao, phát rẫy, trồng Cà phê. Đất ô nhiễm bom mìn nặng, không một bóng người dân. Trồng được một cây Cà phê là có cả mồ hôi và máu của người lính. Thiếu thốn đủ bề, được cái chúng tôi dư sức trẻ nên mọi việc đều ổn.
Anh cười tỏ rõ mãn nguyện lắm. Chúng tôi vui vẻ cười theo anh. Câu chuyện quanh bàn tiệc bắt đầu có chủ đề về những ngày tháng chúng tôi mặc áo lính làm kinh tế ở Tây Nguyên. Những ngày tháng ăn bo bo, nhiệm vụ nặng nề, chủ yếu trông chờ vào bàn tay người lính để xây dựng doanh trại, khai phá đất đai trồng rừng. Đêm ngày đều phải cảnh giác với bọn Phun rô quấy phá. Chiến sự ở biên giới Tây nam, rồi phía Bắc bùng nổ. Trai tráng lại cầm súng ra trận. Hàng ngàn nữ quân nhân từ Bắc vào thay chỗ các chàng trai. Đất không phụ lòng người. Những mầm Cà phê nảy nở theo năm tháng phủ kín màu đỏ của đất Ba zan. Các làng mới được lập mang tên làng Xê1, làng Xê2, làng Xê4 … ngày đêm rộn vang tiếng trẻ. Làm ăn tấn tới, đồi núi bạt ngàn Cà phê. Bây giờ đã có thương hiệu vẫn mang số 49 nhưng mà là Công ty TNHH một thành viên. Cà phê 49 thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam.
Giọng anh Dụ trầm hẳn xuống, anh nói cho chúng tôi nghe mà cũng như nói với chính mình:
- Những ngày đang bưng bát cơm ăn vẫn phải căng mắt nhìn, dỏng tai nghe đề phòng lửa cháy rừng Cà phê. Những ngày vừa đánh giặc vừa vào vụ mới. Những ngày khơi nguồn đắp đập trữ nước … đã lùi xa. Những hạt “vàng nâu” từ những cánh rừng chúng tôi khai phá trồng Cà phê ngày ấy đã theo tàu đi các nước. Tự hào lắm chứ - những chàng trai cô gái thuộc Trung đoàn 49 Sư đoàn 471 Trường Sơn - những người đầu tiên trồng Cà phê lập Nông trường trên đất Tây Nguyên.
Chúng tôi đồng tình với anh Dụ. Các bàn bên chan chát tiếng chạm cốc và những tiếng “Zô! Zô! …”. Đồng đội lại tới chạm cốc với chúng tôi, chúc sức khỏe và hẹn gặp lại ngày này năm sau. Hơn 200 CCB từ Nghệ An, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Nội … tới vùng Đông bắc này để gặp mặt kỷ niệm 45 năm Trung đoàn 49 và tròn 40 năm rừng Cà phê xanh tốt của chính mình trồng trên Cao nguyên lộng gió. Họ ôn lại chuyện cũ truyền thống anh hùng của Bộ đội Trường Sơn, họ tự hào vì những năm tháng được sống và chiến đấu cùng nhau; chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau làm tốt nghĩa tình đồng đội.
Anh Dụ lại đọc thơ do chính anh sáng tác. Bài thơ gửi tặng: cán bộ công nhân viên Công ty TNHH MTV Cà phê 49 và các CCB Trung đoàn 49 nhân kỷ niệm tròn 40 năm ngày Trung đoàn trồng Cà phê ở Tây Nguyên. Những câu đoạn kết:
…”Ta về để nhớ cho mình
Để thương cho đất, để tình cho cây
Bốn mươi năm có hôm nay
Mừng vui chia sẻ, đắng cay ngọt bùi …
… Còn non còn nước còn trời
Vẫn còn bốn chín (49), còn người ta yêu”.
Đã lấy đi những giọt nước mắt của các chị về dự gặp mặt và những tràng pháo tay vang dội khán phòng.
Tạm biệt các anh, các chị chúng tôi về Hà Nội mang theo đầy nỗi nhớ thương vùng đất và tình người nơi chúng tôi đã sống và cống hiến. Ghi nhớ lời Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Trường Sơn Việt Nam về dự gặp mặt phát biểu chỉ đạo: “45 năm Trung đoàn 49, 40 năm cây cà phê chúng ta trồng trên đất Tây Nguyên đánh dấu một chặng đường vẻ vang chúng ta sống và cống hiến cho đất nước. Chúng ta tập hợp nhau lại trong “một mái nhà chung” Hội Trường Sơn Việt Nam. Gặp mặt hàng năm như thế này có một ý nghĩa rất lớn - là nét sinh hoạt văn hóa mang thương hiệu riêng có của chúng ta. Chúng ta phải thực hiện tốt nhiệm vụ của Hội là: Phát huy truyền thống vẻ vang của bộ đội Trường Sơn và thực hiện tốt nghĩa tình đồng đội”.
Hà Nội, tháng 5.2017
tin tức liên quan