Chúng tôi, Khóa Y sĩ 16 Phú Thọ.

Ngày đăng: 10:25 02/12/2017 Lượt xem: 1.736
CHÚNG TÔI - KHÓA Y SĨ 16 PHÚ THỌ
 
       Hôm nay chúng tôi gặp nhau kỷ niệm 50 năm ngày nhận Bằng tốt nghiệp Y sĩ. Chúng tôi nhớ như in, hôm ấy là ngày 19/11/1967. Thế mà 50 năm sau, hôm nay chúng tôi lại có dịp ôm hôn nhau,  bắt tay nhau thật chặt như những cái bắt tay từ thuở đầu đời ở Trường Y Sỹ Phú Thọ ngày nào.  Thật xúc động!
       Thật đúng với câu thơ của Bác sỹ - Trung tá Bùi Xuân Dũng (ĐT 0984606599.Là lính Trường Sa. Hiện nay anh là nhà thơ thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc):
          “Dẫu biết từ xưa quả đất vẫn quay tròn
          Nhưng vòng quay này sao mà lâu thế.
          Ngày chúng ta xa nhau tất cả còn rất trẻ
          Nay gặp lại nhau tóc đã bạc hết rồi!”
     Sáng nay, 19/11/2017, tại thành phố Việt Trì các Y, Bác sỹ từ Hà Nội, Hưng Yên lên và từ thành phố Yên Bái kéo về gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Chúng tôi ôm nhau sau bao ngày xa cách. Thấm thoắt tròn một nửa thế kỷ rồi còn gì? Xa vì bao người lao vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xa vì mưu sinh cuộc sống sau hòa bình…
     Có lẽ rất ít khóa học nào độc đắc như khóa Y 16 Trường Y sỹ Phú Thọ của chúng tôi. Ngày ấy, để chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến trường kỳ - khóa học của chúng tôi quân số tròn vành vạnh 100 học sinh. Chúng tôi đến từ Lào Cai, Yên Bái, nhiều nhất là Phú Thọ và Hà Nội ( Hà Nội có 4 học sinh).  
      Thời chiến tranh, chúng tôi học tập vô cùng vất vả với bao khó khăn thiếu thốn. Xong khi ra trường các Y sỹ đều đạt loại giỏi và khá. Vừa tốt nghiệp, 82 Y sỹ được Quân đội tiếp nhận nhập ngũ vào huấn luyện tại Quân y viện 109. Số còn lại tỏa về phục vụ các bệnh viện dân y. 5 anh chị được chọn ở lại trường làm thầy cô giáo. Chiến tranh lan rộng cũng có thầy giáo là bạn học của chúng tôi ngày nào lại tiếp bước lên đường vào Sư đoàn 304B. Đó là bạn Nguyễn Văn Nhuận (ĐT 0903472878). Sau hòa bình, từ vùng biên cương, anh được về học Bác sỹ và công tác tại Bộ Y tế. Gia đình bác sỹ Nhuận luôn được cả lớp kính trọng. Anh đã đứng ra kết nối cả khóa chúng tôi thành lập nên Ban Liên lạc Cựu sinh viên Y16. Sự chắp nối công phu, nhiệt tình của anh thời gian qua mà hôm nay chúng tôi mới có điều kiện tụ hội nhau để có những cái ôm và cái bắt tay rưng rưng lệ...
       Nhiều anh chị vì điều kiện ở xa nên hôm nay mới là lần đầu tiên về dự gặp mặt dù chúng tôi đã họp hội khóa đã 5 lần rồi. Trong không khí đầm ấm, thân thiết, mừng vui ấy chúng tôi vẫn không quên tiếng cuời hiền hòa của thầy giáo Hà Văn Đạm. Năm nay, thầy đã gần 80 tuổi. Nhưng trí nhớ của thầy thật tuyệt vời. Tỉnh thoảng thầy lại à lên khi nhớ ngay tên của một trong số học sinh chúng tôi ngày nào. Thầy nhìn lớp Y16 chúng tôi ngày nào đều trưởng thành qua khói lửa của mọi chiến trường mà không khỏi tự hào. Vì chính thầy đã góp phần đào tạo nên lớp y sinh khi vừa ra trường đã lao vào cuộc sống chiến đấu gian khổ cùng dân tộc. Hơn 20 Y sĩ vinh dự được ở lại phụ vụ Quân y viện 109, sau này đều thành đạt trở thành các Y bác sỹ Ưu tú của quân đội.
      Chị Lê Thị Rực, lớp trưởng năm xưa mừng lắm. Chị bắt tay từng người. Hình ảnh người Lớp trưởng hiền lành thân thiết luôn in đậm trong ký ức của chúng tôi. Chị như người chị cả luôn giải quyết việc của khóa học đến nơi đến chốn...
      Chúng tôi nhớ mãi hình ảnh những Y sỹ được ở lại trường đứng trên sườn đê vẫy vẫy chia tay đoàn Y sỹ chúng tôi hành quân theo các anh bộ đội về đơn vị.
    Tại Quân y viện 109, chúng tôi được huấn luyện nghiệp vụ quân y và kiến thức quân sự.  Đến ngày 08/04/1968, đoàn chúng tôi hành quân tới Cự Nẫm – Quảng Bình. Tại đây, 50 y sĩ chúng tôi được Bộ Tư lệnh 559 tiếp nhận. Chúng tôi tiếp tục hành quân vượt Trường Sơn vào tới Bộ Tư lệnh 559 Tiền phương, lúc này đóng tại ngã ba đường 9. Sau 15 ngày vừa hành quân bộ vừa được đi ô tô. Tại đây đồng chí Hoàng Anh Tuấn, cán bộ Tiểu đoàn xe 52 của anh đã chở tiếp chúng tôi vào phía trong. Chúng tôi như một đàn chim ríu rít được thả vào rừng Trường Sơn. Chẳng ai ngờ, sau này anh đã “chấm” một nữ Y sỹ thuộc nhóm "hoa khôi" của lớp chúng tôi vừa hiền vừa chỉn chu, được về công tác tại Cục Chính trị của Bộ Tư lệnh. Đấy là Y sỹ Nguyễn Minh Cử. Có thể nói Trường Sơn đã xe duyên cho họ. Họ làm đám cưới năm 1970. Tình yêu của họ đã được thử lửa và được tôi luyện để ai cũng trưởng thành trong cuộc chiến đấu ác liệt và gian khổ của Trường Sơn. Chàng cán bộ Tiểu đoàn xe ngày nào bây giờ chính là Thiếu Tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam hôm nay. Còn bạn Nguyễn Thị Minh Cử của chúng tôi ngày nào đã là Trung tá quân y của Tổng cục Kỹ Thuật, Bộ Quốc phòng trước khi nghỉ hưu. Anh Hoàng Anh Tuấn là người thân thiết với khóa 16 của chúng tôi từ nhiều năm nay. Anh không chỉ biết gần như tất cả 50 Y sỹ là lính Trường Sơn mà còn trở thành người thân thuộc, gần gũi với tất cả chúng tôi.
      50 y sĩ chúng tôi tỏa về khắp các đơn vị, các Binh trạm thuộc Bộ Tư lệnh 559. Những bóng hồng áo blu xanh chúng tôi đã làm cho đại ngàn Trường Sơn thêm sắc thái mới. Nào là Quân y sĩ Nguyễn Thị Chuyên (ĐT: 0978126796), Y sĩ Mai Hoa tròn trĩnh như búp bê xinh xắn ở lại quân y Cục Tham mưu Vận chuyển và quân y Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh. Quân y sỹ Nguyễn Thị Kim Quy (ĐT 01289199968) là “Voi rừng” tiếp tục hành quân vào bệnh xá Binh trạm 36 Nam sông Bạc (Hạ Lào) cùng Quân y sỹ Lê Thị Ấm (ĐT 0962303987)…
      Trong những năm tháng sống chiến đấu trên dải Trường Sơn chúng tôi đều lập nhiều thành tích phục vụ thương bệnh binh – được bầu là Chiến sỹ Thi đua, Chiến sĩ Quyết thắng nhiều năm của các đơn vị và đều được kết nạp Đảng trên con đường mang tên Bác kính yêu này.
          Quân y chúng tôi thật có duyên với các anh cán bộ, chiến sỹ ngành Ô tô vận tải Trường Sơn. Nữ Quân y sỹ Nguyễn Thị Chung (ĐT 0969 858 595) kết hôn cùng với anh Nguyễn Thuận Quảng, trong cuộc chiến chống Mỹ anh Quảng đã phấn đấu lên đến Phó Tư lệnh Sư đoàn Ô tô vận tải 471 anh hùng rồi trước lúc nghỉ hưu anh từng công tác trong bộ máy lãnh đạo của Học viện Quốc phòng và nay là Chủ tịch Hội Trường Sơn Sư đoàn 471.Còn Quân y sỹ Đào Văn Tứ; Quân y sỹ Nguyễn Thị Triều Ban Quân y Binh trạm 36, anh chị cùng nhau sát cánh trong chiến đấu, sau chiến tranh họ trở thành vợ chồng, nay anh chị Tứ Triều đang sinh sống tại 195-197 Đường Đoàn Văn Bơ – Quận 4 – Thành phố Hồ Chí Minh. 
Y sĩ Phạm Thị Nhung (ĐT 01215159594), Y sĩ Nguyễn Thị Đãi thì vào Đội Điều trị Binh trạm 35. Y sĩ Nguyễn Thị Huỳnh (ĐT: 01675258404) thì bào Binh trạm 36. Sau này chị đã kết hôn với anh Nguyễn Văn Tùy - một cán bộ Ban Quản lý xe của Sư đoàn 471. Còn quân y Nguyễn Thị Bích Nải, Y sỹ Nguyễn Thị Am, Y sỹ Nguyễn Thị Bích Hảo, y sỹ Hà Thị Tuyết Lan được phân công vào sâu nhất của tuyến 559. Đấy là Binh trạm 37 - nơi mà “con gà gáy 3 nước Đông Dương đều tỉnh giấc”…  
        Còn lại các Y sỹ Lê Hồng Quân (ĐT: 0913251348) – rất trẻ nhưng anh đã trưởng thành nhanh chóng, trở thành đội trưởng đội Phẫu thuật Quân y trên trọng điểm ác liệt của Binh trạm 33. Anh là tay mổ cừ khôi cấp cứu nhiều Thương binh trên một trong những trọng điểm ác liệt trên dãy Trường Sơn. Sau hòa bình anh là Bác sỹ, Chánh Văn phòng Ty Y tế tỉnh Yên Bái.
         Nhiều lắm, nhiều lắm, chúng tôi tự hào đóng góp một phần cho công cuộc giải phóng Miền Nam trên Trường Sơn. Những nam thanh nữ tú từ lò đào tạo Trường Y sỹ Phú Thọ được cả Tuyến 559 biết vì nghịch nhất, táo bạo nhất và cũng thừa dũng cảm. Đó là các liệt sỹ đã lấy thân mình che chở cho thương binh. Họ đã hy sinh anh dũng trên Trường Sơn, như Liệt sỹ:
       - Y sĩ Nguyễn Kim Lang, sinh 1947, quê Văn Lang, Hạ Hòa, Phú Thọ hy sinh ở phía tây Thành phố Huế - (đơn vị hòm thư 740212 TM01). Nay gia đình chưa tìm thấy phần mộ. Anh hy sinh ngày 20/04/1972.
       - Y sĩ Nguyễn Thị Hồng Ánh, sinh năm 1948, quê Hưng Long, Yên Lập, Phú Thọ - Quân y sỹ Đội điều trị 16, B5 Quảng Trị.
       - Y sĩ Hà Thị Tuyết Lan, sinh năm 1947, quê Tân Phú, Thanh Sơn, Phú Thọ, hy sinh 18/03/1969 (Quân y sỹ Binh trạm 37 Trường Sơn).
       - Y sỹ Hoàng Văn Hành, sinh năm 1948. quê Thu Cúc, Thanh Sơn, Phú Thọ - Quân y sỹ trạm Quảng Trị. Hy sinh ngày 04/06/1971.
     Hội lớp chúng tôi đã nghiêng mình tưởng nhớ tới các quân y sỹ đã hy sinh anh dũng góp phần xương máu cho Tổ quốc phồn vinh hôm nay.
     Sau 3 giờ hàn huyên, hồi tưởng lại những kỷ niệm ngày xưa, bao câu chuyện được kể. Rồi chúng tôi cùng chúc nhau chén rượu nồng… Đến giờ chúng tôi tạm chia tay nhau, bịn rịn. Không ai trong chúng tôi muốn rời xa...
     Chia tay nhau, chúng tôi đều nhớ lời thầy Đạm căn dặn: “Tất cả chúng ta hãy sống vì đồng đội - khỏe mạnh và hạnh phúc gia đình !”
     Ngày mai đã là “Ngày ơn thầy: 20 tháng 11 rồi!
 
                                            Cựu sinh viên Khóa 16 Trường Y sỹ Phú Thọ            
                                                 Trung tá quân y Nguyễn Thị Kim Quy

 
 
Khóa Y sĩ 16 Phú Thọ họp mặt sau 50 năm ra trường.
 

Bác sỹ Đức Nhuân dẫn chương trình buổi gặp mặt
 
 
Tặng hoa chúc mừng các thầy, các cô của chúng tôi năm xưa nhân 50 năm gặp lại.
 
 
 Tặng thầy giáo, Bác sỹ Bùi Xuân Dũng ( số 1 trái) và các bạn học của chúng tôi cuốn sách văn học
"Trường Sơn thuở ấy - bây giờ" - có câu truyện của cô học trò Nguyễn Thị Kim Quy.
 
 
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Quy, thành viên của lớp tặng hoa thầy giáo, bác sĩ Hà Văn Đạm (0914531030).
 
 
 
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Quy tặng chị lớp trưởng Lê Thị Rực cuốn sách văn học
"Trường Sơn thuở ấy - bây giờ" và tặng 25 cuốn sách "Nữ Chiến sỹ Trường Sơn ngày ấy - bây giờ
trong buổi gặp mặt
 
 
Thứ 2 trái sang - Y sỹ Đinh Công Dung, Binh trạm 27 chúc mừng thầy giáo của lớp
 
 
Thầy giáo Hà Văn Đạm phát biểu với cả lớp chúng tôi.

 
Tất cả chúng tôi - Lớp Y sĩ 16 Phú Thọ hôm nay hợp mặt từ nhiều địa phương. Các ảnh dưới.


 
 

Từ trái sang: Quân y Lê Văn Phong ( Binh trạm 9); Quân y Trần Thị Hoan (Binh trạm 44) vui cùng khóa
 

 
Từ trái sang: Quân y sỹ Ngân; Quân y sỹ Chiến; Quân y sỹ Lộc; Quân y sỹ Loan; 
Quân y sỹ Hoàn ( Viện 109). Hồng Quân (số 3); Hồng Chuyên (số 5) Lính Trường Sơn
 
 
 
Chúng tôi cùng nâng cốc chúc sức khỏe các thầy và các bạn sau 50 năm gặp lại.

 
tin tức liên quan