Trở lại chiến trường xưa - Ghi chép của BTV Nguyễn Hoàng

Ngày đăng: 09:11 06/01/2018 Lượt xem: 1.318
TRỞ LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA
                                             
            Ghi chép của BTV NGUYỄN HOÀNG.

              

 
     Sáng 21 tháng 12 nhằm ngày Mồng 4 tháng Một năm Đinh Dậu, đoàn chuyên gia quân tình nguyện Việt - Lào thành phố Hà Nội rời Thủ đô đi thăm vùng Bắc Lào nơi mà họ đã sống chiến đấu và công tác. Đoàn do Thiếu tướng Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Bá Tòng Phó Chủ tịch Hội trường Sơn Việt Nam và Thiếu tướng Nguyễn Tiến Ngùng nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Thủ đô làm trưởng đoàn.
Nhiều ngày qua đồng chí Nguyễn Đức Đào - Chủ tịch Hội Trường Sơn - Phó Chủ tịch Hội quân tình nguyện Việt - Lào huyện Mê Linh Thành phố Hà Nội chạy ngược, chạy xuôi, kêu gọi tài trợ, kết nối tổ chức đoàn đi. Ngày 12.12.2017, tại khách sạn Ngọc Hà - phường Phúc Thắng - thị xã Phúc Yên - tỉnh Vĩnh Phúc của doanh nhân, cử nhân Luật - kỹ sư xây dựng Trịnh Thị Hà đã diễn ra buổi họp đoàn đi. Dưới sự chứng kiến, chỉ đạo của các tướng lĩnh trong BCH Hội Chuyên gia quân tình nguyện Việt - Lào Hà Nội, công bố quyết định thành lập đoàn đi, chỉ định trưởng, phó đoàn, giao nhiệm vụ nhắc nhở các qui định của đoàn thăm chiến trường xưa và làm lễ xuất quân.
      Chiếc xe 45 chỗ ngồi đời mới đầy đủ tiện nghi màu trắng bạc xuất xứ Hàn Quốc mang biển số 37B - 0677 nhẹ nhàng lăn bánh về Nam. Trên xe, ngoài hai vị tướng còn có Phó trưởng đoàn Nguyễn Đức Đào; vợ chồng Trung tá Nguyễn Kim Chúc - Nguyễn Thị Nhường; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 - BTV trang tin Trường Sơn; vợ chồng Trung tá Phạm Mạnh Chiến - Nguyễn Thị Thoa, Chủ tịch Hội Tấm lòng Việt; vợ chồng Trung tá Bùi Khánh Thiện - Tôn Nữ Phương, Phó trưởng đoàn hướng dẫn viên; vợ chồng doanh nhân Trịnh Thị Hà - Cao Văn Thân; Thượng tá Phạm Văn Thăng Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Thành phố Hà Nội; Đồng chí Nguyễn Quốc Thiện, Chủ tịch Hội Trường Sơn quận Tây Hồ; đồng chí Nguyễn Hữu Cải Chủ tịch Hội Trường Sơn huyện Đan Phượng; Đại tá Nguyễn Văn Cử nguyên Chủ tịch Hội CCB huyện Mê Linh; Đồng chí Hoàng Xuân Nhị bác sỹ CKII quân y đoàn; Đại tá Hoàng Văn Kính, CTV trang tin Trường Sơn và các thành viên là quân tình nguyện năm xưa thuộc các quận huyện Hà Nội bắt đầu giao lưu gặp gỡ làm quen.
     Lương y Nguyễn Thị Hòa trẻ trung so với tuổi 67 của chị đi từng dãy ghế ngồi phân phát cho các thành viên trong đoàn kẹo sâm, thuốc ho Đông y nhắc nhở mọi người giữ gìn sức khỏe. Phó đoàn trưởng phụ trách đối ngoại, tài chính Nguyễn Đức Đào nhấn mạnh ý nghĩa chuyến đi cũng là thời gian kết thúc năm hữu nghị Việt - Lào; kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt - Lào. Dịp này có nhiều đoàn cựu chiến binh Việt Nam thăm đất nước Lào xinh đẹp, yêu cầu mọi thành viên trong đoàn giữ đúng nghi thức ngoại giao.
     Xe rời quốc lộ I rẽ phải theo đường 7 về xứ sở hoa Chăm Pa; nơi có những ngôi chùa mái cong vút, nơi có những điệu lăm, điệu tắc mê say lòng người. Phó trưởng đoàn Nguyễn Đức Đào nói qua micrô: “Lộ trình đã phát tới từng đồng chí. Trong tám ngày chúng ta sẽ theo đường số 7 qua cửa khẩu Mường Xén vào Xiêng Khoảng đi Luông Pha Băng về Viên Chăn rồi theo đường số 8 về Việt Nam qua cửa khẩu Cầu Treo, chúc cho đoàn ta có chuyến đi giao lưu, gặp gỡ đầy ý nghĩa.”  
      Mười lăm giờ ngày 21 tháng 12, đoàn làm lễ dâng hương tại Nghĩa trang quốc tế Việt - Lào nơi an nghỉ của 11.367 liệt sỹ tại thị trấn Anh Sơn - Nghệ An. Trong khói hương nghi ngút, chuông thỉnh, nhạc “Hồn tử sỹ” lay động lòng người. Nơi các liệt sỹ an nghỉ thật thoáng đãng đẹp đẽ như lòng người dân Việt hướng về các anh - Những người đã ngã xuống trên chiến trường Lào những năm trước được qui tụ về đây. Trong đoàn chúng tôi nhiều đồng chí đã được viếng nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang quốc gia Đường Chín ít nhất một lần và đều có cảm nhận và làm theo: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi; cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ”… Nhưng nơi đây nghĩa trang quốc tế Việt - Lào này chúng tôi tới viếng các anh đều cảm thấy thanh thản, rộng rãi, sạch trong trong không gian huyền bí … Chào các anh chúng tôi đi và mong các anh phù hộ độ trì cho đoàn đi may mắn.
     Vừa ra khỏi cổng nghĩa trang chúng tôi đã bắt gặp một xe 12 chỗ mang biển số tỉnh Bắc Kạn. Đầu xe trương biển: “Xe đón liệt sỹ hồi hương” đỗ bên đường. Hỏi ra mới biết xe chuẩn bị đón liệt sỹ về nghĩa trang quê nhà. Nhìn lại xe thấy lạ: phía trên biển chữ “xe đón liệt sỹ hồi hương” là chữ “Song hỷ” lớn gắn ngay kính trước xe. Họ vô tình hay hữu ý nhỉ. Chắc hôm trước xe đi đón dâu chưa kịp gỡ bỏ hay người ta muốn đưa liệt sỹ về như một niềm vui, niềm hạnh phúc với người thân, với quê hương chăng? Dù sao cũng chỉ là phỏng đoán. Các anh ngày ấy rời quê hương cũng như bọn tôi còn trẻ lắm mà …
*    *
*
     Xe mát ga lướt nhẹ trên đường. Thiếu tướng Nguyễn Tiến Ngùng kể về những tháng ngày mất gần chục năm mới tìm thấy mộ em ruột ông trong nghĩa trang liệt sỹ ở một tỉnh miền đông Nam Bộ. Em ông hy sinh ở Mặt trận Căm Pu Chia được đưa về nước an táng. Theo chỉ dẫn của địa phương ông đã nhận được phần mộ em ông. Năm sau vào lại đưa về, tới nghĩa trang xin bốc thì phần mộ đã được qui tập về nghĩa trang lớn. Vòng vo mãi mới được khai quật theo chỉ dẫn. Lộ thiên, mới vỡ lẽ lại là hài cốt của người khác đành tạm dừng, về Bắc. Ông tìm tới các nhà ngoại cảm danh tiếng và phải mất nhiều lần kiểm tra chéo và tìm đến yếu tố tâm linh mới tìm được chính xác phần mộ em mình. Chuyện thật của ông khá ly kỳ và hấp dẫn thuyết phục làm cả đoàn lắng nghe. Kể xong ông hỏi: “Các ông bà có tin không? Vậy người chết là hết có đúng không?” …
     Nhập cảnh qua cửa khẩu Nậm Căn đoàn vào đất Xiêng Khoảng. Trong chúng tôi nhiều đồng chí đã vào đất Lào nhiều lần. Ngày ấy cũng qua cửa khẩu này đâu có ai kiểm tra nhập cảnh. Đoàn quân xanh lá ngụy trang mang nặng trang bị vào vùng lửa đạn. Ngày ấy chúng tôi vào đất Lào nhiều ngả. Bước qua cánh cổng bằng gỗ cây rừng ở Tây Trang, ở sông Mã, ở bản Ban … Khẩu lệnh truyền xuống: “Đội mũ Pa thét” thế là thành chiến binh Lào thực thụ. Ngày ấy nghe theo lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng đại ý giúp bạn chính là ta được đánh giặc từ xa. Sau này mới ngộ ra rằng đánh nhau ở Lào, ở Việt Nam cũng đều là đánh Mỹ và bọn chư hầu của Mỹ cả. Đời lính là thế: “Đâu có giặc là ta cứ đi”.
      Đoàn viếng tượng đài quân tình nguyện Việt - Lào đặt ngay cửa ngõ vào Cánh đồng Chum. Tượng đài trên đồi cao lộng gió: Hai anh lính Việt - Lào chắc tay súng tựa vào nhau sẵn sàng xung trận. Cụm tượng đài màu vàng thau là chủ đạo nổi bật trên nền trời xanh. Bậc cấp cuối cùng lên sân tượng đài hai bên là hai tấm phù điêu nổi bật hàng chữ bằng hai tiếng Việt - Lào: “Tình đoàn kết liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào đời đời bền vững” làm cho ta ấm lòng tin tưởng vào nhau. Vùng đất này diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa ta và địch. Nghe kể vùng Cánh đồng Chum này hàng nghìn cán bộ chiến sỹ của ta đã ngã xuống. Ngày chúng tôi cầm súng bảo vệ Cánh đồng Chum mỗi người mỗi việc: Người chốt giữ, lo củng cố công sự vững chắc, bố trí hỏa lực hiệu quả nhất, làm tốt công tác phòng tránh giữ vững thông tin liên lạc và hiệp đồng đánh trả với đơn vị bạn. Người được giao chi viện hỏa lực thì tổ chức nắm địch, tính toán phần tử để khi cần chi viện được ngay. Người được giao công việc tải thương, tiếp tế, hậu cần thì lo và chạy gấp để đảm bảo cơ sở vật chất cho trận đánh … Chỉ nhìn thấy cụm chum đá thì coi là Cánh đồng Chum, chứ ít ai biết được tường tận như bây giờ …
Gọi là Cánh đồng Chum chắc là vì có nhiều chum đá. Người ta phát hiện hàng nghìn chum đá nằm rải rác khắp thung lũng và chân đồi. Thường được xắp xếp theo cụm tới hàng chục chiếc, chum dựng đứng có đường kinh từ 1 đến 3m, có đáy rộng hơn miệng có niên đại từ 500 năm trước Công nguyên đến 500 năm sau Công nguyên. Những cụm chum thường nằm cạnh những bãi khai thác đá, bên cạnh chum còn tìm thấy hài cốt làm người ta liên tưởng tới nghĩa địa của nền văn minh cổ. Các học giả cho rằng các chum đá có liên quan đến nghi thức an táng của người tiền sử. Còn dân địa phương lại cho rằng: Chum đá là đồ chứa đựng liên quan tới chưng cất rượu của người xưa. Tất cả đều là giả thiết - Huyền bí và luôn huyền bí - Cánh đồng Chum.
      Đoàn thăm Cánh đồng Chum - Bản Ang nơi có rất nhiều chum đá lớn. Đoàn tới nơi tham quan theo đường chỉ dẫn lên đồi cao cũng có nhiều chum đá lớn đã thấy hàng đoàn khách du lịch ghé thăm phần lớn là người châu Âu. Họ xem xét, sờ nắn miệng chum, chụp ảnh lưu niệm. Có đoàn tần ngần đứng quanh miệng hố bom sâu hoắm. Chả hiểu họ nghĩ gì, còn bọn tôi nhớ tới những ngày lửa đạn. Nơi đây là chiến địa tranh chấp ác liệt giữa ta và địch. Chỉ nhìn những hố bom sâu hoắm, hình phễu, đường kính (sau nửa thế kỷ) vẫn còn rộng tới 6 đến 7m cũng đủ thấy mật độ lửa đạn khủng khiếp đến nhường nào. Trong đầu chúng tôi lại vang lên những vần thơ của Phạm Đình Lân viết ở thành cổ Quảng Trị: “Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật, cho hôm nay đến nghẹn ngào”. Trong chúng tôi có nhiều người những năm 60, đầu năm 70 của thế kỷ trước được tham chiến ở đây đều cảm nhận được vị trí chiến lược của Cánh đồng Chum. Thiếu tướng AHLLVT Nguyễn Bá Tòng bồi hồi kể lại những trận đánh của liên quân Việt - Lào ở Cánh đồng Chum, ở Phù Kiệt, ở Sảm Thông - Long Chẹng; những trận đấu pháo, đấu tăng giữa ta và địch …, cho anh em trong đoàn ngay trên điểm cao này bao quát cả Cánh đồng Chum. Xung quanh họ là những chum đá lớn, là những công sự phòng ngự, ụ súng 12,7 chốt giữ của ta, là những miệng hố bom cỡ lớn toang hoác, lại đúng ngày 22 tháng 12 kỷ niệm 73 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam lại càng ý nghĩa … Chào tạm biệt những người lính – những Anh hùng Liệt sỹ đã ngã xuống nơi đây, đoàn chúng tôi đi sâu vào vùng Bắc Lào.
     Xe dừng ở ngã ba Xa La Phu Khum. Đoàn tự nấu ăn trưa. Phố xá đang xây dựng lại. Các cửa hàng chỉ bày bán các mặt hàng thiết yếu và đồ lưu niệm. Không có cửa hàng ăn uống. Các chị trong đoàn được trổ tài nội trợ. Các chị xúm vào nhặt rau, xào nấu, vừa làm vừa bóc lạc luộc mua vội bên đường ăn khen ngon. Các chị phát hiện ra cách luộc lạc của người bản xứ. Chỉ cần thêm muối vào là hạt lạc đậm đà ngay. Công thức: “Luộc ngô cho đường, luộc lạc cho muối” được các chị đúc kết và nhắc nhở nhau để thực hiện. Trong khi chờ cơm cánh mày râu dạo quanh ngã ba. Ngã ba Xa La Phu Khum này xưa là chiến địa cực kỳ ác liệt, giành giật từng mỏm đồi giữa ta và địch. Các điểm cao xung quanh ngã ba này đều là những điểm chốt giữ của ta. Ngày ấy bom đạn thù băm nát có điểm cao bị hạ thấp xuống hàng mét. Sức nóng của đạn bom làm đất tơi xốp biến dạng. Nhưng những chiến sỹ quân tình nguyện vẫn trụ vững giữ từng mét đất cho bạn. Bây giờ màu xanh đã trở lại, cây cối xanh tốt um tùm. Không còn nhận ra đâu là điểm cao H3 đâu là điểm cao Q6 nơi mà các Anh hùng Hoàng Văn Vịnh - Đỗ Văn Trì - Đèo Văn Khổ chốt giữ khi xưa.
      Mấy hôm trước ở Hà Nội Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Lào Bounhang Voruchith phát biểu: “Ở Lào, mỗi gốc cây ngọn cỏ, khắp đường ngang ngõ dọc đều thấm máu liên quân Việt - Lào”. Nghĩ mà thấm đẫm tình nghĩa Việt - Lào. “Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu như nước Hồng Hà - Cửu Long” mà. Những năm chiến tranh chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam giữ vững từng thước đất vùng giải phóng. Quân địch với hỏa lực, phương tiện Mỹ, nhảy cóc lấn chiếm từng cao điểm. Liên quân Việt - Lào chỉ với chân trần, đôi vai và ý chí quyết thắng bày thế trận diệt địch. Liên quân Lào - Việt đánh cho chúng không kịp trở tay. Ta đánh địch lấn chiếm, đánh mở rộng vùng giải phóng.
     Năm mươi năm trước chúng tôi trong đoàn quân tình nguyện mở chiến dịch lớn đánh giải phóng Nậm Bạc cách phía bắc ngã ba Xa La Phu Khum này không xa. Trước đó do lực lượng chưa đủ mạnh, ta chưa dứt điểm được các cứ điểm ngoại vi. Điển hình là cứ điểm Phu Viêng. Ta tiến đánh nhưng đều chưa thành công. Chỉ huy trận đánh đồng chí Thanh Bình được lính ta trách nhẹ bằng những vần thơ truyền miệng: “Thanh Bình ơi hỡi Thanh Bình. Ba lần gói bánh đi rình Phu Viêng… Phu Viêng ơi hỡi Phu Viêng. Ba lần gói bánh lại khiêng nhau về”. Cứ mỗi lần “về” như thế trong đồn điền cam rộng lớn lính ta lại nằm “hàng dọc, hàng ngang”. Những hố đào sẵn lại được đắp nấm, lại phải đào thêm hố dọc, hố ngang. Ban đêm cả vùng pháo sáng như ban ngày. Ban ngày bọn L19 bay chỉ điểm cho pháo tầm xa bắn phá. Bọn máy bay T28 lắp đại liên 4 nòng bắn như vãi đạn canh giữ suốt ngày. Ta và địch giành nhau từng mỏm đồi, từng thước đất. Quân tình nguyện tập trung đánh dứt điểm. Trận đầu tiên ta thắng lớn. Nhưng hỏi đến tù binh thì rất ít. Đồng chí cán bộ cao cấp Lào trầm ngâm bày tỏ: “Đánh kiểu này người Lào lầm lạc mấy trận nữa sẽ ra sao”. Ta đành phải thay đổi cách đánh; không được bắn chết và phải bắt thật nhiều tù binh. Điều đó đồng nghĩa với việc máu của chiến sỹ ta phải đổ nhiều hơn. Mười tám nòng hỏa tiễn đạn đã lên nòng chỉ chờ ấn nút được lệnh rút ra. Ta dùng chiến thuật “vây - lấn - tấn công”. Không chịu nổi, quân địch kéo cờ trắng ra hàng, số còn lại phá vòng vây tháo chạy, ta đuổi theo tới gần kinh đô Luông Pha Băng mới dừng lại. Nậm Bạc được giải phóng. Hàng đoàn tù binh qua trước mặt chúng tôi về nơi giam giữ. Chạnh lòng sau lưng chúng tôi trong đồn điền cam chín vàng quân ta hàng dọc, hàng ngang nằm dưới lòng đất chờ mai ngày cất bốc về đất mẹ…
     Nậm Bạc được giải phóng nhưng ở Mường Ngòi GM45 của Thái Lan vẫn còn chiếm giữ. Được lệnh 6 nòng hỏa tiễn 122ly bôn tập về Mường Ngòi tập kích hỏa lực buộc địch phải tháo chạy. Và cũng chính hôm đó, không quân ta đánh phá căn cứ ra đa của Mỹ ở Pa Thí chọc “mù mắt” bọn Mỹ xâm lược dòm ngó miền Bắc nước ta. Quân tình nguyện và nhân dân Lào ăn mừng chiến thắng và tìm các phương án giữ vững vùng giải phóng …
*    *
*
Mới đó mà đã hơn nửa thế kỷ trôi qua - Những anh lính tình nguyện trẻ măng khi xưa người còn người mất. Người còn thì đầu đã bạc. Được tin đoàn quân tình nguyện thành phố Hà Nội thăm lại chiến trường xưa, Sứ quán Lào ở Hà Nội có công điện cho các Hiệp hội CCB Lào các tỉnh đoàn đi qua tiếp đón và giúp đỡ đoàn. Vào đất Xiêng Khoảng, Hiệp hội CCB tỉnh đã cử người theo đoàn để giải quyết các công việc cần thiết. Ở Luông Pha Băng, ở Viên Chăn các bạn Lào còn cử người có uy tín đưa đoàn đi tham quan theo phương thức đặc biệt: Không phải chờ đợi nên đi được nhiều nơi. Khi đoàn ở Xiêng Khoảng bạn chỉ dẫn cho đoàn thăm Cánh đồng Chum - Bản Ang, thăm và dâng hương Tượng đài Quân tình nguyện Việt Nam - Lào. Đoàn đến Luông Pha Băng bạn dẫn đoàn đi thăm thành phố cổ: Dâng hương tượng đài Chủ tịch Xu Pha Nu Vông, thăm Cung Vua, thăm chùa Xiêng Thoong, chùa Phật Tích, thăm thác nước đẹp nhất Bắc Lào Khuang Si và leo núi Phu Si. Đoàn về Viêng Chăn bạn dẫn đi thăm tháp Luổng Pa Tu Xay, thăm chùa cổ, viếng tượng đài A Nu Vông và thăm Trung tâm Thương mại. Các bạn Lào thân tình cởi mở và trách nhiệm.
    Được thăm những danh lam thắng cảnh của đất nước Lào tươi đẹp trong chúng tôi đầy phấn khích. Nhưng còn cảm thấy thiếu cái gì đấy. Cái mà thấm đẫm những ngày tháng quân tình nguyện Việt Nam chúng tôi sống với người dân các bộ tộc Lào trong những bản làng trù phú. Trên đường chúng tôi qua thấy rất ít những nếp nhà sàn. Hai bên đường giờ đây chỉ là những ngôi nhà nhỏ thấp cũng có thể nói rất nhỏ và thấp đầy bụi với những cửa hàng nhỏ bán dăm thứ hàng thiết yếu. Những bản làng chúng tôi ở cùng người dân xưa, có những nhà sàn cao ráo, thoáng mát hai cầu thang lớn ở hai đầu hồi, lên cầu thang là nhận được những típ xôi nếp thơm lừng. Đêm đêm bên bếp lửa là những câu chuyện những buổi gặp gỡ thắm đẫm tình anh em. Ngày xưa, các bản làng người Lào thiêng liêng lắm. Cả ta và địch đều tôn trọng những nếp nhà sàn trong các bản làng: Bom không thả, súng không bắn vào bản làng. Hàng ngàn ngày đêm chúng tôi chiến đấu ở Lào mỗi khi đau yếu, khó khăn đều tìm đến các bản làng nơi có các ông bố bà mẹ Lào, có các em gái Lào tốt bụng cưu mang. Nhưng cũng có bản làng vào một ngày nào đó, ta sơ ý lại có điều khủng khiếp xẩy ra. Ngày ấy ở một bản làng gần biên giới Việt - Lào đoàn cán bộ chiến sỹ của ta trên đường về nước nhận nhiệm vụ mới. Tưởng rằng chỉ còn một ngày nữa là về tới đất mẹ, các đồng chí ta vào nhà ngủ nghỉ, đêm mở đài Hà Nội nghe. Sáng rời bản theo đường mòn leo dốc. Mìn định hướng nổ. Các đồng chí đi trước ngã gục. Theo phản xạ tự nhiên những người đi sau tìm vị trí ẩn nấp ở các gốc cây, mỏm đá … lại dính mìn của bọn phỉ thành ra không ai kịp về đất mẹ. Lại có chuyện vừa lội theo suối vào bản an toàn. Khi ra cũng lội suối ấy nhưng mìn lại nổ, lại thương vong. Thì ra bọn phỉ biết mình sẽ đi ra căng dây mìn vướng nổ bằng cước dưới suối thế là bị. Lính ta hy sinh có người được chôn cất tử tế có người không. Vì vậy mới có chuyện tháng 12 năm 2016, Hội Quân tình nguyện huyện Mê Linh cùng gia đình tìm kiếm đưa được liệt sỹ Trần Quang Hải từ nước bạn Lào về quê hương bản quán sau 55 năm xa cách.
     Nhớ lắm những bản làng yêu dấu. Chuyến đi này chẳng được vào thăm một bản làng nào. Thôi hẹn dịp khác vậy. Đêm Xiêng Khoảng, đêm Luông Pha Băng, đêm Viên Chăn đoàn quân tình nguyện Hà Nội đều được các bạn chiêu đãi. Lại uống rượu, buộc chỉ cổ tay làm phước, lại hát. Các chị các anh trong đoàn: Phan Thị Thảo, Lê Kim Thư, Đào Thị Minh, Nguyễn Thị Tuân, Nguyễn Thị Tâm, Bá Thị Thảo, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Huy Chương, Đỗ Quang Thủy, Phạm Văn Hùng, Nguyễn Hữu Phúc, Đỗ Văn Lập, Bùi Tuấn Ngọc, Lê Hữu Hồng, Nguyễn Văn Bê, Nguyễn Văn Phàn, Tạ Văn Cơ, Hồ Đức Điện … cùng các bạn Lào tưng bừng nhảy múa. Hát và nhảy múa như chưa bao giờ được hát. Những bài: “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”; “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”; “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”; “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” … được hát đi hát lại nhiều lần. Bọn lính già - quân tình nguyện chúng tôi khi xưa lại thấy thiếu và không thích hát với màn hình Karaokê. Ngày xưa đêm đêm quân tình nguyện chúng tôi cùng dân bản bên ánh lửa hồng, tiếng trống: “Tùng, tùng, cắc …” giữ nhịp, quay cuồng nhảy múa; hát Lăm tắc, Lăm tơi trong tiếng trống lăm vông bập bùng rồi vít rượu cần, rồi lại nhảy múa. Lâu dần thành nghiện. Đêm không lăm, không tắc, không có tiếng trống bập bùng lại nhớ, lại tìm tới nhau. Giờ họ hát, họ múa với sự trợ giúp của màn ảnh, của ánh đèn xanh đỏ nhấp nháy trong không gian chật hẹp đâu bằng ngày xưa. Thôi để dịp khác về vùng quê Lào vậy.
*   *
*
    Tiệc vui nào cũng đến lúc phải tàn. Ta và bạn lại trao nhau những tặng phẩm kỷ niệm. Các đồng chí đã từng công tác tại Sứ quán Lào ở Hà Nội hết nhiệm kỳ về nước nhận nhiệm vụ mới. Các đồng chí đã tặng đoàn quân tình nguyện TP. Hà Nội mỗi đồng chí một chiếc ô, một cái áo phông Lào đỏ thắm tượng trưng cho tình đoàn kết chiến đấu thủy chung bền chặt và lịch treo tường, lịch bàn để nhớ những ngày chúng ta bên nhau. Tạm biệt các bạn, tạm biệt Viêng Chăn, tạm biệt nước Lào xinh đẹp đoàn chúng tôi lên xe về Hà Nội.
     Lái chính Nguyễn Văn Dũng, lái phụ Lê Văn Giáp mở hông xe để xếp hành lý. Mọi người khuân vác đồ đoàn lên xe. Chiếc xe kềnh càng xoay sở mãi mới ra khỏi phố nhỏ. Thì ra nó lại là chiếc xe đồ xộ nhất nơi này. Ngó ngang, ngó dọc toàn xe con, xe bán tải bám đuôi nhau lưu thông trên đường. Nghĩ mà hãi mấy hôm trước nó vật vã trên đường đèo, lắc ngang, lắc dọc. Khi bò từ từ lên dốc, khi vặn mình cắt cua tay áo, cua lò xo làm người ngồi trên xe nghiêng ngả, tai hết ùng ục bên trái lại ùng ục bên phải. Thế gọi là ù tai, mất trọng lượng. nhớ hôm ở Luông Pha Bang về Viêng Chăn nó bò số 1 hơn tiếng đồng hồ cả lên dốc lẫn xuống dốc, nó phát tiếng kêu: “i, i … i, í…” lái xe phải dừng lại cho nó nghỉ. Mọi người xuống xe, người vẫn cứ ngả nghiêng. Nhìn lại con đường vừa qua ở phía sau nó ở tít trên cao, ta luy âm sụt từng mảng do những cơn mưa vừa qua tàn phá … Lương y Nguyễn Thị Hòa rút ra một triệu đồng thưởng nóng cho tổ lái.
      Xe vượt qua cửa khẩu Cầu treo về thành phố Vinh. Phó đoàn trưởng Nguyễn Đức Đào túi khoác trên vai tới từng người trả lại hộ chiếu. Xe đi tắt về thành phố chả mấy chốc đã đỗ trước sảnh của khách sạn Mường Thanh. Lái xe Lê Văn Giáp nói lời tạm biệt đoàn để ngày mai lái xe khác vào Lao Bảo. Doanh nhân Trịnh Thị Hà lại rút ra một triệu thưởng nóng tổ lái. Bước xuống xe, xung quanh náo nhiệt, phố xá rộng rãi, nhà cao tầng đồ xộ. Ở Lào không có cảnh này. Vào khách sạn tất cả được đón tiếp thân ái: Lễ tân ra tận xe xách đồ cho khách lên phòng. Bước ra khỏi thang máy, thảm dày rải kín hành lang. Phòng ở sang trọng đủ tiện nghi. So sánh với những ngày lưu trú bên Lào thật khác. Bạn còn nghèo lắm. Chợt nhớ các bạn Lào vừa gặp. Bất giác lại nhớ những câu thơ của Tố Hữu: “Mình về thành thị xa xôi/ Nhà cao còn nhớ núi đồi nữa chăng?/ Phố đông còn nhớ bản làng/ Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng? …”. Chả hiểu lời nhắn gửi lãnh đạo đoàn Hà Nội tác động để Hiệp hội CCB Lào Luông Pha Băng có phương tiện đi lại làm việc, các vị tướng trong đoàn đã chuyển tới Trung ương Hiệp hội CCB Lào hay chưa … Ngày 24.12.2017 đoàn quân tình nguyện Hà Nội tới chào xã giao Hiệp hội CCB Luông Pha Băng. Đến lượt đáp từ, đồng chí Chủ tịch Hiệp hội bày tỏ vui mừng phấn khởi được tiếp đón đoàn ta nhưng cũng cảm thấy ngại khi không có phương tiện để đưa rước đoàn và nhờ đoàn ta tác động với Trung ương Hội CCB Lào quan tâm giúp đỡ. Người Lào là vậy, cán bộ Lào là vậy. Nghĩ sao nói vậy. Không vòng vo tam quốc. Họ rất quý trọng và tin tưởng Việt Nam. Nhớ hôm ở Luông Pha Băng trong bàn tiệc một đồng chí cán bộ Hiệp hội CCB tỉnh thông thạo tiếng Việt. Anh uống rượu như nước. Chúng tôi thì nghiêng ngả nhưng anh vẫn tỉnh táo cầm rượu đi hết bàn này tới bàn khác. Ở bàn nào anh cũng thổ lộ: “Uống! Uống vì tình anh em Việt – Lào. Quan hệ Việt - Lào là quan hệ chiến lược. Các quan hệ khác kể cả các nước lớn chỉ là chiến thuật. Cán bộ Lào học ở Việt Nam về phát triển rất tốt. Còn các nước khác về cửa nhà tù luôn đón họ”. Anh nói rất nghiêm túc, nhìn chúng tôi như nhắn nhủ: “Tin tôi đi! Tôi nói thật mà”.
*   *
*
     Sáng 28.12.2017, xe rời thành phố Vinh về Hà Nội. Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng, Trưởng đoàn nhận xét chuyến đi. Ông đánh giá chuyến đi thắng lợi về mọi mặt và hẹn ngày tái ngộ. Chỉ còn một ngày nữa thôi là 38 con người trong đoàn ai sẽ về nhà ấy. Mấy ngày gặp gỡ trở nên thân quen, ai cũng giành phần nói lời tạm biệt, giới thiệu về bản thân mình. Chuyện thế nào lại qua chủ đề mang tuổi hổ Canh Dần. Mở đầu câu chuyện này là Đại tá Hoàng Văn Kính. Người ta bảo tuổi Canh Dần là tuổi canh cô mậu quả. Ông Kính sinh năm 1950 - Canh Dần ở Pa ri Pháp về nước năm 10 tuổi. Ông cũng tự nhận mình canh cô mậu quả. Ông kể về ông - chàng thanh niên xung phong 17 tuổi đã được làm tiểu đội trưởng trên đường 20 Quyết Thắng ác liệt nhất trên tuyến đường Trường Sơn với các trọng điểm cua chữ A, Đèo Phu Lê Nhích Ngầm Tà Lê. Có mối tình đẹp với nữ tiểu đội trưởng xinh đẹp hơn mình tới 5 tuổi Nguyễn Thị Vân Liệu (sau này nữ liệt sỹ Nguyễn Thị Vân Liệu được truy tặng danh hiệu AHLLVT nhân dân). Mọi người trong xe xuýt xoa bàn tán về mối tình của họ. Nếu chỉ có thế thôi thì có thể mọi người coi tuổi Canh Dần của ông Kính là cô quả thật. Nhưng ông lại kể thêm: “Đến khi tôi lấy vợ, nhà tôi chả có ai thành ra nhà vợ tôi bây giờ phải làm mọi thứ cho nhà trai”. Mọi người lại ồ lên: “Thế thì hên quá rồi! Còn cô quả gì nữa”.
     Chả mấy chốc đã về đến Hà Nội. Xe đón người ở đâu trả người ở đó. Mọi người nắm chặt tay Chủ tịch Hội Trường Sơn huyện Mê Linh Nguyễn Đức Đào nói lời cảm ơn và chào mọi người rời xe về với con cháu.
      Một chuyến đi thành công ngoài mong đợi!

                                                        Hà Nội, ngày 31.12.2017
 
tin tức liên quan