ĐƯỜNG ĐẾN CHIẾN THẮNG CHIẾN DỊCH TRỊ THIÊN HUẾ

Ngày đăng: 03:19 10/04/2020 Lượt xem: 596
Kỷ niệm 45 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng ( 30/4/1975-30/4/2020) và 45năm ngày giải phóng Huế (26/3/1975-26/3/2020)

 ĐƯỜNG ĐẾN CHIẾN THẮNG CHIẾN DỊCH TRỊ THIÊN HUẾ
                                                     ( 26/3/1975.)

     Ngay sau khi Qân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVN CH) bị bất ngờ đánh bật trên mặt trận Tây Nguyên. Lợi dụng quân địch đang hoảng loạn và bận đối phó tại các điểm bị tấn công, nắm thời cơ đó Quân đoàn 2 của ta đã bí mật chuyển các sư đoàn bộ binh 324, 325 và trung đoàn 9 (sư đoàn 304) từ phía Tây và Bắc Quảng Trị vào phía Tây và Tây Nam Huế đồng thời điều các trung đoàn 46 và 271 của Quân khu Trị Thiên đến thay thế cho hai đơn vị vừa di chuyển. Các cuộc liên lạc điện đài của trung đoàn 46 sử dụng mật danh của sư đoàn 308 và các cuộc diễn tập thực binh có xe tăng và pháo tham gia được tổ chức rầm rộ ở Cửa Việt, Thanh Hội, Ái Tử đã gây lúng túng và nhầm lẫn cho cơ quan tình báo và tham mưu Quân đoàn I ngụy trong việc phán đoán hướng tấn công chính của Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN).
     Thực tế diễn biến trên chiến trường từ ngày 6 đến ngày 7 tháng 3, Chi khu quân sự Mai Lĩnh và 11 phân chi khu khác bị 4 tiểu đoàn địa phương QĐNDVN tại Quảng Trị đánh chiếm. Trong khi tướng Lâm Quang Thi ngụy đang đòi tướng Ngô Quang Trưởng tăng viện cho Quảng Trị thì 5 giờ 45 phút sáng ngày 8 tháng 3, sư đoàn 324 bắt đầu tấn công căn cứ Mỏ Tàu và các điểm cao 75, 76, 224, 273 và 303 ở Tây Nam Huế. Đến ngày 10 tháng 3, hai tiểu đoàn của các trung đoàn 1 và 54 (sư đoàn 1 ngụy) bị loại khỏi vòng chiến đấu tại các điểm cao 224 và 273; chi đoàn thiết giáp 47 ở Núi Nghệ bị trung đoàn 1 (sư đoàn 324) tiêu diệt. Căn cứ Phổ Lại do tiểu đoàn bảo an 130 đóng giữ bị trung đoàn 4 (Quân khu Trị Thiên) tấn công tiêu diệt với sự chi viện của trung đoàn pháo binh 223 của quân khu. Trong khi chiến sự tại địa bàn Quân khu I ngụy đang diễn tiến với mức độ ác liệt gia tăng thì ngày 13 tháng 3 năm 1975, trung tướng Ngô Quang Trưởng được triệu tập về họp tại Sài Gòn. Trong cuộc họp cùng ngày, Ngô Quang Trưởng không thể tin ở tai mình khi nghe một mệnh lệnh đột ngột từ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu yêu cầu bỏ lại phần lớn Quân khu I, rút về phòng thủ vùng duyên hải miền Trung. Riêng sư đoàn dù phải được rút ngay về bảo vệ Biệt khu Thủ đô.
      Nắm chắc tình thế của địch, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Mặt trận, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 3, trung đoàn 6 Quân khu Trị Thiên mở một loạt trận đánh vào các cứ điểm Chúc Mao, La Sơn, điểm cao 551 và điểm cao 300 ở phía Tây Huế, buộc trung đoàn 3, sư đoàn 1 ngụy phải bỏ khu vực phía Tây đường số 12, rút về phòng thủ khu vực Động Tranh, Bình Điền. Ngày 17 tháng 3, xuất phát từ phán đoán quân ngụy sẽ co cụm về phòng thủ các thành phố Huế, Đà Nẵng, Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN đã phát điện khẩn yêu cầu Bộ Tư lệnh mặt trận Trị Thiên nhanh chóng cắt đường số 1 ở bắc Huế, vô hiệu hóa sân bay Phú Bài, cô lập Huế với Đà Nẵng về đường không; Quân đoàn 2 phải đánh chiếm ngay quận lỵ Phú Lộc, cắt đường số 1 ở Nam Huế, cô lập Huế với Đà Nẵng trên bộ. Chấp hành lệnh này, Bộ Tư lệnh mặt trận Trị Thiên vạch kế hoạch tấn công trên hướng Bắc Quảng Trị. Mũi chủ yếu từ Thanh Hội theo đường số 68 và từ Tích Tường, Như Lệ theo đường số 1 đánh vào. Mũi vu hồi từ hướng Tây đánh thẳng ra An Lỗ. Mũi vu hồi phía Nam đánh ra đường số 1 tại Lương Điền, Đá Bạc, vòng qua các điểm cao 224 và 303. Cánh bắc của Quân đoàn 2 (sư đoàn 324) của ta hướng đòn tấn công chính vào quận lỵ Phú Lộc và đèo Phú Gia. Ngày 18 tháng 3, các đơn vị thuộc Quân khu Trị Thiên đồng loạt tấn công. Ở cánh Bắc, tỉnh Quảng Trị bị QĐNDVN đánh chiếm toàn bộ lúc 18 giờ 30 phút ngày 19 tháng 3. Trung tá Đỗ Kỷ dẫn một bộ phận biệt động quân còn lại rút về Huế và bị truy kích dọc theo đường số 1 đến An Lỗ.
      Lúc này tướng Ngô Quang Trưởng QLVNCH đang ở Sài Gòn xin phê chuẩn kế hoạch phòng thủ mới phải vội bay ra vùng I và gấp rút tổ chức lại tuyến phòng thủ ở cánh Bắc của Quân đoàn I ngụy. Tổng số binh lực quân ngụy có 27.500 quân chủ lực, 19.000 quân bảo an và 36.000 quân phòng vệ dân sự. Trong khi tướng Ngô Quang Trưởng đang ở Huế để thị sát và đốc thúc cấp dưới thực hiện kế hoạch phòng thủ co cụm thì ngay trong ngày 20 tháng 3, Bộ Tư lệnh mặt trận Trị Thiên đã hoàn thành bản kế hoạch tấn công thành phố Huế với phương châm không cho QLVNCH co cụm phòng ngự trong nội đô. Lúc 14 giờ 30 phút ngày 20 tháng 3, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu điện cho Quân đoàn I: "Vì eo hẹp phương tiện và không quân, hải quân nên chỉ cho phép yểm trợ một enclave (vùng đất bị bao vây), vậy mener (dẫn dắt) tuyến trì hoãn chiến về Hải Vân nếu điều kiện cho phép". 5 giờ 40 phút sáng ngày 21 tháng 3, sư đoàn 325 (thiếu) tấn công và tràn ngập các điểm cao 310, 312, 329, 494, 520, 560, đồi Yên Ngựa và dải đồi Kim Sắc. Sư đoàn 324 đánh chiếm các điểm cao 224, 303 và Núi Bông. Tuyến phòng ngự phía Tây đường số 1 từ Lương Điền đến Phú Lộc của QLVNCH bị đánh sập. Từ đêm 21 đến 10 giờ 30 phút ngày 22 tháng 3, trung đoàn 18 (sư đoàn 325) đã cắt đứt đường số 1 trên địa đoạn dài 4 km từ Ràng Bò đến Bạch Thạch. Cầu Thừa Lưu bị đơn vị đặc công nước K5 đánh sập. Hàng nghìn xe quân sự và dân sự các loại đang trên đường từ Huế vào Đà Nẵng phải quay lại. Ngày 21 tháng 3, căn cứ Truồi bị tấn công. Thiết đoàn 20 ngụy tiến ra giải tỏa đường số 1 bị lữ đoàn xe tăng 203 của ta đánh vỗ mặt phải lùi lại Phú Bài. Ngày 22 tháng 3, đến lượt phòng tuyến sông Mỹ Chánh bị vỡ. Toàn bộ cánh bắc của QuânđoànI ngụy bị hợp vây từ ba phía.
         Nhận thấy tình hình ở Huế đã chuyển từ mức "xấu" sang mức "tồi tệ", đêm 22 tháng 3, Tư lệnh Ngô Quang Trưởng chấp thuận cho chuẩn tướng Lâm Quang Thi rút quân về Đà Nẵng. Con đường rút duy nhất còn lại là ra biển qua các cửa Thuận An và Tư Hiền, từ đó lên các tàu của hải đoàn 106 hoặc men theo bờ biển qua Thừa Lưu, Lăng Cô dưới chân đèo Hải Vân để vào Đà Nẵng. Sáng 23 tháng 3, sư đoàn 324 QĐNDVN  đã chủ động đánh vu hồi qua điểm cao 303 và Mỏ Tàu, đánh thẳng ra ven biển Bắc Phú Lộc, sư đoàn 325, đánh chiếm Mũi Né, Phước Tượng, bịt chặt cửa Tư Hiền. Ở phía Bắc, các trung đoàn 4, 46, và 271 của Quân khu Trị Thiên bám theo sát gót cánh quân của lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến, liên đoàn 14 biệt động quân, trung đoàn 5 (sư đoàn 1 ngụy) và thiết đoàn 17 ngụy đang lao nhanh ra cửa Thuận An. Ngày 24 tháng 3, các tiểu đoàn 3 và 812 của tỉnh đội Quảng Trị được tăng cường 1 đại đội xe tăng và 1 đại đội pháo binh tấn công xuyên qua các chốt Sông Bồ, Phổ Trạch, Lương Mai, Bao Vinh, Xuân Viên, Thanh Hương do 2 tiểu đoàn bảo an QLVNCH chặn giữ, truy kích cánh quân này đến Phong Hoà, Phong Bình, Sịa và đánh chiếm quận lỵ Hương Điền và ngã ba Sình, khóa chặt cửa Thuận An. Trên hướng chính diện, lúc 16 giờ 30 ngày 23 tháng 3, trung đoàn 101 (sư đoàn 325) đánh chiếm Lương Điền, áp sát sân bay Phú Bài, mở cánh cửa vào Huế từ phía Nam. Trung đoàn 46 (Quân khu Trị Thiên) phá vỡ phòng tuyến sông Bồ, đánh chiếm quận lỵ Quảng Điền, Quảng Lợi, Hương Cần, cầu Thanh Hà, cầu An Hoà, mở cửa vào Huế từ phía Tây Bắc. tiếp đó trong các ngày 24 và 25 tháng 3, các trung đoàn 3 (sư đoàn 324) và 101 (sư đoàn 325) vượt qua Truồi, Nông đánh chiếm sân bay Phú Bài, quận lỵ Hương Thuỷ, theo đường số 1 tấn công vào Huế, phát triển đến An Cựu. Các trung đoàn 1 (sư đoàn 324), 4 và 271 (tỉnh đội Quảng Trị) có xe tăng và pháo binh yểm hộ đánh tan bộ phận còn lại của lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến và liên đoàn 15 biệt động quân ngụy chưa kịp rút lên tàu tại Hương Thuỷ, Lương Thiện, Kệ Sung, Cự Lại. Từ trưa đến chiều 25 tháng 3, hầu hết các mục tiêu quan trọng trong thành phố Huế như căn cứ Mang Cá, Sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn I, Trại Trần Cao Vân, nhà lao Thừa Phủ, Đại Nội... bị QĐNDVN đánh chiếm. QLVNCH tại Huế vỡ trận. 58.722 nguy quân ngụy quyền phải đầu hàng trong đó có 1 đại tá, 18 trung tá, 81 thiếu tá, 3.681 sỹ quan cấp úy, 14.000 viên chức và nhân viên quân sự cũng ra trình diện, một số lớn phương tiện chiến tranh trong đó có 140 xe tăng, xe bọc thép, hơn 800 xe quân sự khác và khoảng hơn 1 vạn tấn vũ khí đạn dược đã rơi vào tay Quân đội NDVN.  Từ 8 giờ sáng đến 14 giờ chiều ngày 25/3/1975 các đơn vị quân giải phóng, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương không hẹn mà gặp nhau trong thành phố Huế mới vừa giải phóng đang còn nồng nặc mùi thuốc súng. Đến 6 giờ sáng ngày 26/3, lá cờ Giải phóng rộng 8 m dài 12 m do các chiến sỹ trung đoàn 6 tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương đã kéo lên đỉnh cột cờ Phú Văn Lâu tung bay trên bầu trời Cố đô Huế đánh dấu mốc lịch sử Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng.                                       
                    
                                                                                      PHẠM HUY CHƯƠNG.
                                                                      (Nguồn TLTK Lịch sử quân sự Việt Nam)
 
                                                                  
  
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
tin tức liên quan