Đối mặt với CIA lúc chế độ Sài Gòn hấp hối
Nguồn: Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng
Bác sĩ Nguyễn Đình Kim, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, năm nay 87 tuổi nhưng vẫn còn khỏe và minh mẫn. Ông là em ruột Thiếu tướng, Giáo sư, TSKH Nguyễn Đình Ngọc (1932-2006), nguyên Cục trưởng Cục Viễn thông tin học, Bộ Công an.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, GS Nguyễn Đình Ngọc là điệp viên đơn tuyến thuộc Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam. Sau ngày nước nhà thống nhất, bác sĩ Kim đã gặp lại anh mình sau hơn 20 năm xa cách. Ông kể:
Những năm 1953-1954, anh tôi được đào tạo ở lớp điệp viên của Công an Liên khu 4, do ông Nguyễn Hữu Khiếu làm Giám đốc. Rồi anh được chính Giám đốc Nguyễn Hữu Khiếu “đánh” vào Nam theo dòng người di cư, là điệp viên xã hội hóa, hoạt động đơn tuyến. Ngày ra đi, anh tôi đã tốt nghiệp tú tài toán hạng ưu tại trường Chu Văn An (Hà Nội). Cần một vỏ bọc chắc chắn, lâu dài trong giới thượng lưu và tướng tá ngụy, anh vào Sài Gòn học tiếp cử nhân khoa học, được học bổng sang Pháp tu nghiệp. Trong 10 năm ở Pháp, anh đạt nhiều bằng cấp, trong đó có bằng tiến sĩ quốc gia về toán. Trở về Sài Gòn giữa năm 1966, anh chính thức là giáo sư toán Trường Đại học Khoa học Sài Gòn và là giáo sư thỉnh giảng ở nhiều trường đại học khác của miền Nam. Bắt đầu từ đây, anh là người của Ban An ninh thuộc Trung ương Cục miền Nam, chỉ huy trực tiếp là ông Nguyễn Phước Tân, tức Hai Tân.
|
Cuộc gặp gỡ của những người bạn cùng học tại Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc (ở giữa) và bác sĩ Nguyễn Đình Kim (thứ hai, từ phải sang), ảnh chụp năm 2000. Ảnh: Kim Đình |
Sau ngày 30-4-1975, vợ chồng tôi vào TP Hồ Chí Minh thăm anh Nguyễn Đình Ngọc. Lúc đó, anh vừa thôi dạy học và ra công khai, đeo lon trung tá, làm việc ở một cơ quan thuộc Ban An ninh Miền. Anh vẫn ở nơi cũ trước ngày giải phóng, đó là tầng 5 của một cư xá trên đường Công Lý (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Căn hộ của anh ở chừng hơn hai chục mét vuông mà lèn toàn sách, chủ yếu là sách toán. Anh bảo với vợ chồng tôi: Nhiều sách ở đây thuộc kho sách của Ban Toán, Trường Đại học Khoa học Sài Gòn. Tết Mậu Thân 1968, quân ta đồng loạt tấn công nhiều nơi trong thành phố, thế là Ban Toán nhờ “sơ tán” toàn bộ số sách quý về đây cho an toàn. Lại thấy một cái gạt tàn thuốc lá màu xanh nước biển để chỏng chơ trên bàn, còn sót mấy mẩu thuốc trong đó, tôi hỏi:
- Em biết anh không hút thuốc, mẩu thuốc này của ai đấy?
Anh trả lời:
- Của hai thằng CIA đến đây trưa hôm 29-4-1975. Anh cũng quên chưa đổ bỏ đi.
Tôi tò mò hỏi tiếp:
- CIA đã đến đây, tức là lúc đó anh đã bị lộ rồi?
Anh cười và kể về cuộc chạm trán với những tên tình báo Mỹ vào giờ phút hấp hối của chế độ Sài Gòn: Trưa 29-4, khi anh vừa leo lên đến tầng 5 của cư xá thì đã thấy hai người Mỹ mặc thường phục đứng đợi trước cửa nhà mình. “Ông là Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc?”-người cao to, mắt xanh, sống mũi gồ, mặc áo kẻ ca rô hỏi ngay. Anh gật đầu mời họ vào nhà. Vừa ngồi vào ghế bên chiếc bàn này, người mặc áo ca rô nói ngay: “Chúng tôi biết ông là điệp viên của Việt Cộng. Giáo sư chỉ là cái vỏ”.
“Các ông là ai?”-anh hỏi vậy chứ trong bụng đã ngầm đoán được chúng là ai rồi. “CIA!”-gã mặc áo ca rô hất hàm nói gọn lỏn và giở thuốc ra hút. Còn tên bên cạnh vẫn im lặng quan sát và cũng hút thuốc. “Tôi từng diện kiến đại tá Carver”-lúc đó anh sực nhớ tên của trùm CIA Sài Gòn được nhắc đến trong cuộc nói chuyện với đại tá Jason Kaatz, một sĩ quan thuộc Cơ quan Viện trợ Mỹ (MACV) mà anh đã quen với cả gia đình anh ta từ trước. Nói vậy là để thị uy hai tên thôi.
“Đấy là sếp chúng tôi”-tên mặc áo ca rô thừa nhận. “Chế độ Sài Gòn sắp cáo chung rồi”-anh nói tiếp. “Tôi thì chỉ làm khoa học và dạy học. Các ông muốn gì ở tôi?”. Tên mặc áo ca rô dúi đầu mẩu thuốc đang cháy dở vào cái gạt tàn mốc meo rồi hạ giọng: “Chúng tôi theo dõi ông đã lâu, nay có đầy đủ chứng cứ. Tiếc là hơi muộn. Đúng, chế độ Sài Gòn sắp cáo chung. Nhưng nếu ông cộng tác với chúng tôi thì vẫn có một tương lai lâu dài. Thắng lợi của cộng sản chỉ tạm thời. Sớm muộn gì Hoa Kỳ cũng sẽ quay trở lại”.
“Dù chế độ nào tôi cũng là một giáo sư làm khoa học thuần túy”-anh cười, nhìn thẳng vào mắt hắn và nói. “Tôi không theo đảng phái nào”. “Đúng rồi”-tên CIA nheo mắt, cười mỉm bảo. “Ông chưa phải đảng viên cộng sản, nhưng từ lâu đã là một điệp viên lợi hại. Đây, ông xem tấm hình này”.
Nói rồi hắn rút ra tấm ảnh anh đang bái phật tại chùa Đại Tùng Lâm. Chỉ có vậy, tức là chúng chưa biết gì nhiều về anh. Đó là thời điểm cách đấy không lâu, anh đã đến chùa Đại Tùng Lâm trên đường Sài Gòn đi Vũng Tàu để gặp ông Hai Tân đang cư ngụ ở đó. Anh đưa trả cái ảnh cho hắn, cười bảo rằng thời nay ai chẳng đi lễ chùa…
“Tiếc rằng hôm đó chúng tôi sớm bị cắt đuôi”-tên mặc áo ca rô nói. “Chắc chắn ông đi gặp thượng cấp. Thôi, tình hình đang rất cấp bách. Chúng ta sẽ còn gặp lại nhau. Đây là danh thiếp của tôi, khi cần ông cứ liên hệ, chúng ta sẽ làm việc với nhau”. Tên thứ hai cũng lẳng lặng rút danh thiếp đưa cho anh. Lúc đó bên ngoài, phía các cửa ô, tiếng súng dội vào không ngớt, có cả tiếng đại bác tầm xa. Hai tên CIA vội vã chuồn thẳng.
Từ lâu anh vẫn linh cảm sẽ có một ngày mình phải đối mặt với CIA, không ngờ lại đúng vào lúc giao thời này. Nếu chúng gặp sớm hơn chắc chắn anh đã bị bắt rồi. Một may mắn rất ngẫu nhiên trong cuộc đời hoạt động tình báo của anh!
Khi thành phố vừa được Quân Giải phóng tiếp quản, anh gặp ông Hai Tân, việc đầu tiên là kể với ông về cuộc tiếp xúc của hai tên CIA vào giờ phút chót của chế độ ngụy quyền Sài Gòn và nộp lại cho ông hai tấm danh thiếp của chúng...
Câu chuyện của anh tôi về những mẩu thuốc trong cái gạt tàn chỉ có thế. Anh vốn là người ít nói. Việc anh là điệp viên trong thời chống Mỹ lại càng không hay thổ lộ. Nhiều năm sau, khi đã nghỉ hưu và tham gia vào việc sáng lập Trường Đại học Thăng Long ở Hà Nội, đảm nhiệm Bí thư chi bộ nhà trường, hồ sơ đảng viên của anh được Bộ Công an chuyển cả về đây. Khi anh bị bạo bệnh qua đời năm 2006, chi bộ nhà trường mới chuyển cho gia đình tôi bản lý lịch đảng viên của anh để làm kỷ niệm. Khi xem bản lý lịch, kết hợp với lời kể của anh hôm ấy, tôi mới biết thêm nhiều điều liên quan đến cuộc đời hoạt động tình báo của anh.
Trong bản lý lịch nói là đáng lẽ sau Tết Mậu Thân 1968, anh đã gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ủy đã chuẩn y kết nạp, đồng chí Cao Đăng Chiếm, lúc đó là Phó trưởng ban An ninh Trung ương Cục miền Nam (sau năm 1975 là Thứ trưởng Bộ Công an) cho là anh hoàn toàn xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng, nhưng để giữ bí mật nên chưa kết nạp mà chờ một thời điểm thích hợp. Vì thế, sau ngày giải phóng miền Nam mấy năm anh mới được kết nạp. Trong hồ sơ lý lịch Đảng cũng có lưu bản xác nhận của người chỉ huy của anh trong hoạt động đơn tuyến là ông Hai Tân, về việc trước ngày quân ta tổng tiến công giải phóng Sài Gòn, CIA đã gặp, yêu cầu anh cộng tác. Việc CIA chủ động tiếp xúc với một điệp viên của phía bên kia, hẳn sẽ gây ra bao nghi vấn, hệ lụy cho điệp viên đó. Một người trong ngành công an lâu đời như ông Hai Tân biết rất rõ tính “hệ trọng” của nó, song ông đã không ngần ngại đứng ra xác nhận có một sự thật như thế, cùng sự trung thực với tổ chức của GS Nguyễn Đình Ngọc, càng cho thấy bản tính thẳng thắn, sự tin cậy rất cao với đồng chí, đồng đội của ông.
Sau này, anh Nguyễn Đình Ngọc ra Hà Nội làm Cục trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Cục Viễn thông tin học Bộ Công an, lúc đó tôi cũng chỉ biết anh từng có thời gian khá dài làm việc trong ngành an ninh mà không biết rõ những chiến công cụ thể. Sau ngày anh tôi bị bệnh mất không lâu, trên Báo Công an nhân dân có bài phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Phước Tân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an, Anh hùng LLVT nhân dân, nói rõ những chiến công của anh tôi. Cụ thể như: Năm 1970, điệp viên Nguyễn Đình Ngọc đã báo trước 72 giờ cho cơ quan đầu não của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tránh được cuộc tập kích của Mỹ, ngụy vào căn cứ của mặt trận ở “vùng lõm” trên đất Campuchia; báo trước việc Lon Nol sẽ lật đổ Quốc vương Norodom Sihanouk, lên làm thủ tướng, sẽ phong tỏa cảng Sihanoukville và đánh úp vào căn cứ của ta; báo trước 24 giờ cho Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, quân Mỹ sẽ không quay lại cứu quân ngụy khi ta tổng tiến công giải phóng Sài Gòn...
Anh tôi được thăng hàm Thiếu tướng năm 1996, sau chuyển ra làm Phó trưởng ban chỉ đạo Nhà nước về công nghệ thông tin. Ông Hai Tân bị trọng bệnh và mất sau anh tôi hai năm. Hai người bạn chiến đấu ấy đã được an táng cạnh nhau cùng trong nghĩa trang liệt sĩ ở TP Hồ Chí Minh.
PHẠM QUANG ĐẨU (ghi)
( C. H sưu tầm)