Trừng trị bóng ma AC130 trên đỉnh Trường Sơn

Ngày đăng: 05:05 27/04/2020 Lượt xem: 2.318
 
ĐỐI PHÓ VỚI MÁY BAY AC-130 "VỎ QUÝT DÀY CÓ MÓNG TAY NHỌN"
 
         Mùa khô năm 1970 – 1971, Mỹ dùng máy bay vận tải quân sự AC-130 cải tiến lắp thiết bị hồng ngoại, máy phát hiện nhiệt của động cơ xe, máy khuếch đại ánh sáng mờ để nhận rõ mục tiêu trong đêm tối. Dùng các loại súng 40 ly, 20 ly 6 nòng bắn liên thanh, tên lửa tầm ngắn có khả năng bắn phá sát thương trên diện rộng, thời gian hoạt động dài. Kết hợp với mạng lưới trinh sát điện tử ở mặt đất, loại máy bay này nhanh chóng phát hiện mục tiêu cho dù mục tiêu đó di động trong đêm tối trong rừng cây rậm rạp, xe chạy bằng đèn rùa chúng vẫn phát hiện ra. Đêm đêm chúng sử dụng AC-130 "túc trực" trên không từ đầu tuyến đến cuối tuyến, đặc biệt là khu vực Nam - Bắc đường 9. Mỗi đêm 2 chiếc thay ca trong một khu vực, mỗi chiếc có thể bay liên tục 6 - 7 giờ. Lúc đầu chúng bay muộn về sớm, sau khi phát hiện ta chạy lấn sáng lấn chiều, khoảng 5 giờ chiều nó đến, nửa đêm cái khác ra thay cho đến sáng mới về. Không một đoàn xe nào không bị chúng phát hiện và tấn công. Các đơn vị xe đều bị tổn thất, mỗi binh trạm có đêm cháy tới hơn chục xe. Số xe bị bắn cháy tăng vọt, số lái xe bị thương ngày càng nhiều.
 
        Chỉ riêng mùa khô năm 1970-1971, ta bị thiệt hại rất nặng nề: 2.842 xe các loại bị bắn cháy, hỏng; 2.087 cán bộ chiến sĩ hy sinh; 4.627 cán bộ chiến sĩ bị thương.
 
      Bộ Tư lệnh khu vực 472 đã chỉ đạo cho lực lượng công binh các binh trạm dùng thùng phuy rải dọc đường 9 cho củi vào đốt lửa để nhử máy bay địch, chỉ được ngày đầu sau nó cũng phát hiện ra và không bắn vào đó nữa. Lực lượng Công binh làm các đường tránh gọi là đường mang cá, khi có báo động AC-130 lái cho xe lao vào mang cá mà nó vẫn bắn trúng. Tăng cường dùng cành cây nguỵ trang xe cũng vẫn bị bắn cháy.
     Tình hình đó gây lo ngại cho cán bộ, chiến sỹ. Một số thoái thác không muốn nhận chở vũ khí, chất nổ, xăng dầu. Các đơn vị đã ra sức động viên bộ đội nâng cao ý chí chiến đấu, đánh địch mà đi, đồng thời áp dụng các biện pháp tăng cường che chắn bảo vệ cho xe và lái xe như: Các xe ô tô đều làm dàn mướp che ca bin, lái xe đội mũ sắt, mặc áo giáp chống đạn, tổ chức đội hình vừa và nhỏ, theo dõi quy luật hoạt động của AC-130 để tổ chức chạy tránh thời gian cao điểm hoạt động của địch; tăng cường nguỵ trang nghi binh; tổ chức trinh sát báo động chặt chẽ hơn tạo điều kiện cho bộ đội ô tô chủ động tránh đòn tấn công của địch; tăng cường thợ sửa chữa đi cùng để phục hồi xe khi bị địch đánh hỏng. Nhưng tất cả các biện pháp trên vẫn nằm trong thế bị động, chỉ có tác dụng hạn chế một phần rất nhỏ, chưa phải là biện pháp đối phó có hiệu quả. Đây là một trong những tháng ngày lao đao, gian khổ nhất của Bộ đội Trường Sơn.
      Trước sự tổn thất nặng nề do máy bay AC-130 gây ra, trong nội bộ lãnh đạo chỉ huy các cấp có sự nhìn nhận đánh giá khác nhau về địch và ta. Một số cho rằng máy bay AC-130 nhìn được ban đêm nên đánh rất trúng mục tiêu, một số lại cho rằng AC-130 chỉ đánh mò, do lái xe sợ đạn 40 ly bỏ xe chạy nên mới bị bắn cháy.
      Để có kết luận chính xác, đối phó với máy bay AC-130, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên  đã cử các đồng chí trong BTL và cơ quan tổ chức một đợt đi thực tế trên đường để nghiên cứu địch. Các đồng chí Binh trạm trưởng và Chính uỷ trên toàn tuyến cũng được lệnh đi cùng đội hình xe. Trên cơ sở khảo sát trên tuyến đã xác định được là: Máy bay AC-130 có khả năng nhìn rõ ô tô đang di động trong đêm. Chúng bay cao trên 3 km, chủ yếu bắn đạn 40 ly kéo dài, gây sát thương trên phạm vi rộng. Các đội hình xe khi gặp máy bay AC-130, dù tắt đèn chúng vẫn phát hiện và đánh trúng. Trong tổng số xe bị đánh hỏng có khoảng 60-70% do AC-130 gây ra. Số lái xe bị thương vong từ 10-20%. Trừ trường hợp đội hình xe đã dừng lâu, máy nguội thì chúng bay bên trên cũng không phát hiện ra. Chúng cố tránh hoả lực của pháo cao xạ, vì vậy các cụm pháo cao xạ 37 ly chốt ở các trọng điểm không có tác dụng đối với chúng.
      Từ ý kiến của những cán bộ thực tế chiến đấu trên đường, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã thống nhất kết luận: Máy bay AC-130 là đối tượng cực kỳ nguy hiểm đối với đội hình xe chạy ban đêm. Vì vậy toàn tuyến phải có biện pháp đối phó sáng tạo, táo bạo, linh hoạt, đa dạng, vững chắc, chủ động, bí mật, bất ngờ và cơ bản. Trước hết phải nắm bắt được quy luật hoạt động của chúng trên địa bàn từng khu vực, từng binh trạm, chủ động thay đổi cách hoạt động của ta: Chạy lấn sáng, lấn chiều sớm hơn; thiết kế đội hình xuất phát của đội hình xe tiến lên phía trước sâu hơn; chia đội hình nhỏ xuất phát nhiều hướng. Tổ chức cung ngắn, làm nhiều hầm mang cá cho xe ẩn nấp khi bị tấn công, tăng cường vật che chắn cho xe và lái xe; tăng cường các tổ cảnh giới dưới đất và trên xe. Sử dụng súng 12,7 ly hoặc pháo 37 ly bắn báo động, tích cực cơ động pháo để bảo vệ đội hình xe, tích cực nổ máy các xe vận tải hoặc các động cơ cũ. Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết định thí điểm chạy ngày ở những đoạn đường kín để rút kinh nghiệm.
     Để đối phó với máy bay AC-130, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã có chủ trương thực hiện đồng thời hai biện pháp:
      Điều tên lửa vào áp sát đường 9 để tiêu diệt AC-130.
      Mở đường kín chạy ngày để tránh AC130 bắn xe. 
 
TIÊU DIỆT AC-130
 
      Để tiêu diệt AC 130, trung đoàn tên lửa đã cơ động vào phục kích ở phía Bắc đường 9. Nơi đây diễn ra cuộc đọ sức giữa lực lượng của ta với máy bay AC-130 của địch. Lúc này AC-130 vẫn đang làm mưa làm gió một vùng dọc theo đường 9. Đại tá Bùi Thế Tâm - Binh trạm trưởng BT32 đã đến làm việc với đồng chí Trung đoàn trưởng Trung đoàn cao xạ 591, thống nhất để Trung đoàn 591 chỉ huy 3 tiểu đoàn cao xạ của Binh trạm 32 tập trung đánh AC-130. Cuộc họp hiệp đồng bàn kế hoạch tác chiến diệt AC-130 đã diễn ra ngay sau đó.
Trung đoàn cao xạ 591 đón máy bay địch từ cánh phải.
Ba tiểu đoàn cao xạ của Binh trạm 32  đón máy bay địch ở cánh bên trái.
Trung đoàn tên lửa 275 sẵn sàng bắt mục tiêu, phóng tên lửa.
Hôm ấy cuối tháng 11 năm 1971, trời quang mây tạnh, chiếc máy bay AC-130 theo đường cũ lù lù tiến ra. Hai cánh cao xạ tập trung hoả lực tạo thành lưới lửa dồn ép con "quạ sắt" đi vào một hướng gần như cố định. Khi nó đang loay hoay tránh lưới lửa cao xạ thì tên lửa phóng đúng mục tiêu, máy bay AC-130 rơi tại chỗ ở "ngã ba máy húc" gần thị trấn Sê Pôn, 11 tên giặc lái Mỹ cháy thui. Theo lệnh của trên, Binh trạm 32 cho 6 xe ô tô chở xác máy bay ra Hà Nội để nghiên cứu. Lần đầu tiên ta đã bắn rơi máy bay AC-130, từ đó chúng không dám ra nữa mà phải lui vào hoạt động ở phía nam đường 9. Mười ngày liền trên tuyến đường 9, Sê Băng Hiên vắng tiếng máy bay. Đầu tháng 3 năm 1972, Trung đoàn cao xạ 593 của Sư đoàn 471 đã bố trí trận địa pháo cao xạ 37 ly trên một quả đồi thấp trên đường 22, đón lõng bắn rơi một chiếc AC-130 cách ngần 22 sông Bạc hơn 10 km. Nửa tháng liền, AC-130 đã không dám hoạt động trên địa bàn hoạt động rộng mấy trăm km2 của Sư đoàn 471.
 
         Binh trạm trưởng BT32 Bùi Thế Tâm dẫn đầu đoàn xe 200 chiếc trên tuyến đường hở chạy vào giao hàng cho Binh trạm 33. Đoàn xe 200 chiếc trả hàng an toàn quay về căn cứ, thực hiện một chuyến/cung, hai đêm/chuyến.
Tận dụng thời cơ này, các Binh trạm tập trung xe chạy ban đêm để vận chuyển hàng vào phía trong. Hầu hết các Binh trạm đều đạt được danh hiệu "Binh trạm vạn tấn", Mùa khô năm 1971-1972 đến tháng 3 năm 1972, Bộ Tư lệnh 472 đã hoàn thành kế hoạch cả năm, Binh trạm 32 đạt 2,5 vạn tấn / tháng. Riêng Tiểu đoàn 102 đạt vạn tấn/ tháng, không cháy một xe nào, không hy sinh người nào.
 
MỞ ĐƯỜNG KÍN
 
       Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức hội nghị do Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chủ trì. Sau khi nghe báo cáo và nghiên cứu các hoạt động của địch, đặc biệt là thủ đoạn đánh phá bằng máy bay AC-130, đồng chí Tư lệnh kết luận: Để tạo ra bước chuyển biến lớn trong công tác vận chuyển, tạo thế trận bất ngờ đối với địch, làm thay đổi cơ bản phương thức hoạt động của ta, nhằm tăng cường tối đa khả năng chi viện cho chiến trường, mùa khô năm 1971 - 1972 ta phải sử dụng đường kín (sau thường gọi tắt là đường K) để thực hiện vận chuyển vào ban ngày. Muốn vậy, lực lượng công binh cần phải chuẩn bị sớm, ngay từ đầu mùa mưa. Hội nghị quyết định các trục đường kín đi thẳng đến các chiến trường do Bộ Tư lệnh trực tiếp chỉ đạo.
      Lực lượng mở đường kín được điều động, bổ sung. Ngoài lực lượng đã có, Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức thêm 2 trung đoàn công binh cơ động là Trung đoàn 6 và Trung đoàn 8, trong đó Trung đoàn 8 chủ yếu là nữ công nhân giao thông chuyển sang. Đồng thời Bộ tăng cường cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn Trung đoàn công binh 217 từ chiến trường thượng Lào vào. Một số lượng lớn dân công hoả tuyến của 7 tỉnh Miền Bắc: Thái Bình, Nam Hà, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Hưng cũng được tăng cường có thời hạn cho Trường Sơn.
      Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chi viện cho chiến trường ngày càng lớn nhưng Tuyến vận tải chiến lược lại  chủ yếu là tuyến đường đất, chỉ bảo đảm vận chuyển khoảng 200 ngày trong một năm. Cần phải cải tạo rải đá, củng cố bến vượt cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nhưng nhu cầu trước mắt cấp bách là cần mở đường kín. Trung đoàn 217 và một số đơn vị khác chuyển sang mở đường 24.
     Với khí thế chiến thắng của mùa khô năm 1970-1971, ngày 15 tháng 7 năm 1971, bốn trung đoàn công binh cơ động (4, 6, 10, 217) rầm rập tiến quân vào mở đường 24, tuyến đường kín đi thẳng từ km 6 đường 18 đến kho K4 của Binh trạm 37.
      Ngày 30 tháng 11 năm 1971, toàn bộ tuyến đường 24 từ km 6 đường 18 đến km 22 đường 25 dài 299 km cơ bản được mở thông, trong đó 47 km đầu được rải đá, bảo đảm cho xe có thể hoạt động bình thường trong những ngày đầu mùa mưa và cuối mùa khô.
      Đến ngày 10 tháng 1 năm  1972, tuyến đường kín 24 hoàn thành với tổng chiều dài 533 km. Các con đường kín tiếp tục được kéo dài, thêm các trục dọc, trục ngang với tổng chiều dài lên tới 3.140 km. Thật kỳ diệu. Những đoạn đi qua địa hình trống trải, các đơn vị nữ công binh làm các khung dàn bằng gỗ, lấy cành cây che phủ nguỵ trang, nhiều nơi lấy phong lan rừng treo lên nguỵ trang. Có đoạn, công binh dùng dây rừng neo buộc các ngọn cây hai bên đường cho chụm vào nhau để tăng độ che phủ tán cây ngụy trang. Thật sáng tạo.
      Đường kín hoàn thành, mở ra một giai đoạn mới chuyển sang chạy ngày thật hiệu quả. Cơ bản loại AC-130 cũng như các loại máy bay khác đã bị loại “ra khỏi vòng chiến đấu”. Đây là một quyết tâm, một sáng tạo đặc biệt của Bộ đội Trường Sơn.
 
       Bài: Thiếu tướng Hoàng Kiền- Anh hùng LLVTND, Phó chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam.
       Ảnh minh họa: BTV Quốc Huy ( sưu tầm).



Thiếu tướng Hoàng Kiền AHLLVTND, Phó chủ tịch Hội TSVN








Máy bay AC 130 của không lực Hoa Kỳ.





Trạm sửa chữa các trang thiết bị đánh máy bay AC130 của Mỹ trên tuyến đường Trường Sơn.




Đường kín cho xe của Bộ đội Trường Sơn chạy ban ngày, tránh sự phát hiện, đánh phá của máy bay AC130
tin tức liên quan