"45 NĂM GẶP CCB SƯ ĐOÀN 325 - NGƯỜI THAM GIA ĐOÀN QUÂN THẦN TỐC GIẢI PHÓNG SÀI GÒN". Bài của Nguyễn Bá Thuyết
HÀO KHÍ 30-4
------------------------------------------------------------------------
45 NĂM GẶP CCB SƯ ĐOÀN 325-
NGƯỜI THAM GIA ĐOÀN QUÂN THẦN TỐC GIẢI PHÓNG SÀI GÒN
Nguyễn Bá Thuyết
Vào một ngày tháng Tư, tình cờ chúng tôi được gặp ông Trần Thanh Tùng, cựu chiến binh thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng hàn huyên “ôn cổ tri tân”. Ông Tùng nguyên là thiếu úy chuyên nghiệp, nhân viên cơ yếu Sư đoàn 325, một sư đoàn chủ công của Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang) từng tham gia trong đoàn quân thần tốc giải phóng Huế, Đà Nẵng tiến thẳng Sài Gòn.
“Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”
Đã 45 năm kể từ mùa xuân 1975, nhưng cảm xúc của ông về ngày giải phóng vẫn như vẹn nguyên. Ông Tùng cho biết, ông sinh năm 1954 tại Hương Sơn, Hà Tĩnh, nhập ngũ 10/1972. Với 16 năm quân ngũ, trải qua ba lần tham gia giải phóng (giải phóng Sài Gòn 1975, giải phóng Campuchia 1979, giải phóng các tỉnh biên giới phía Bắc 1979), nhưng được tham gia giải phóng Sài Gòn là niềm hạnh phúc, may mắn và là niềm tự hào lớn nhất của đời ông.
Chống cán cuốc dưới tán cây cam trong khu rẫy của mình ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên; ông Tùng hào hứng, vanh vách thuật lại: - Đầu năm 1975, Bác tốt nghiệp Trường Huấn luyện Kỹ thuật của Bộ Tổng Tham mưu đóng tại Phúc Yên, Vĩnh Phú; nhận lệnh “tức tốc” vào Nam chiến đấu. Bác được biên chế làm nhân viên Ban Cơ yếu, Sư đoàn 325 thuộc Quân đoàn 2 (còn gọi là Binh đoàn Hương Giang). Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, Sư đoàn 325 “Nhà Bác” nằm trong đội hình Quân đoàn 2 tham gia chiến dịch. Với sức đột kích mạnh, cơ động cao, khả năng tác chiến hiệp đồng quân - binh chủng quy mô lớn, Quân đoàn 2 đã hành quân thần tốc với quân lệnh “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, góp phần giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung; kịp thời tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh trên một hướng trọng yếu.
Bác hồi đó Bác thuộc ban Cơ yếu, dịch thuật điện “mật” đi, đến phục vụ Bộ Tư lệnh Sư đoàn, nên mọi thông tin Bác nắm rất chắc. Tháng 3/1975, Sư đoàn 325 nhận được “Mật lệnh” tiến công về đồng bằng giải phóng Huế bằng đường 14 thay đường 12 như kế hoạch trước đó của Bộ Tổng tư lệnh. Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng bắt đầu vào ngày 05 tháng 3, với nhiều trận đánh diễn ra ác liệt giữa ta quân với Quân Khu I, Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Đến Trưa ngày 25/3 quân ngụy hoàn toàn vỡ trận, Huế được giải phóng. Ngay sau khi giải phóng Cố đô Huế một ngày, Sư đoàn 325 liền nhận được lệnh tấn công giải phóng Đà Nẵng. Mặc dù được lệnh “tử thủ” từ Sài Gòn nhưng quân ngụy ở Đà Nẵng không thể cản nổi bước tiến công như vũ bão của quân ta. Ngày 29/3 ta giải phóng Đà Nẵng. Sư đoàn 325 ở Đà Nẵng để củng cố lực lượng đến ngày 7/4 nhận được Mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”. Toàn Sư đoàn 325 “Nhà Bác” nhanh chóng lên đường tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Đoàn quân lần lượt đi qua các tỉnh thành phố ven biển miền Trung gồm Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà và Ninh Thuận lúc này đã được giải phóng trong niềm vui bất tận của đồng bào ta. Đường đến Sài Gòn đã rút ngắn đến rất gần.
Giải phóng Sài Gòn, niềm hạnh phúc mãi không quên
Cuối tháng 4/1975, Sư đoàn 325 tham gia chiến đấu chọc thủng phòng tuyến Xuân Lộc “Phòng tuyến bất khả xâm phạm” của Nguyễn Văn Thiệu. Ngày 23/4, Bác đang ở trong Sở chỉ Sư đoàn tại ấp Tam Hiệp, xã Tân Hiệp, biết được Sư đoàn nhận lệnh của Quân đoàn; Sư đoàn 325 sẽ tiến công trên hướng chủ yếu của Quân đoàn 2 là hướng vu hồi của cả chiến dịch. Có nhiệm vụ tiêu diệt địch vùng tả ngạn sông Đồng Nai, Long Thành, Nhơn Trạch, ngăn chặn địch rút quân về Cát Lái, tiến quân vào nội đô từ hướng Đông Nam Sài Gòn, và sẽ cùng hợp quân ở Dinh Độc Lập.
Chiều tối ngày 26/4 Sư đoàn 325, được lệnh bắt đầu nổ súng thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Pháo cối của ta từ các cứ điểm quanh Sài Gòn thi nhau nhả đạn, chừng 1 giờ khói đạn đang mù mịt, xe tăng ta lao lên dẫn bộ binh xung phong. Bác may mắn được cơ động bằng xe cùng với Tư lệnh Sư đoàn Phạm Minh Tâm và Chính ủy Sư đoàn Lê Văn Dương. Trên xe nhìn rõ từng đoàn quân giải phóng dũng mãnh, ào ạt tiến công về hướng Sài Gòn - Gia Định. Bộ đội lúc đó được phát một người một lá cờ Tổ quốc, lòng rạo rực niềm vui khôn xiết, mọi người đứng dậy cả lên, phất cao cờ mặc cho tiếng súng đạn, bom mù mịt. Trưa ngày 30/4 thời điểm Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng Sở chỉ huy Sư đoàn 325 đang có mặt ở Cát Lái, những phút giây vỡ òa bộ đội ta ôm nhau vật lộn mà gào lên cười, khóc vì quá đỗi hạnh phúc, sung sướng.
Các đơn vị ta phối hợp với các ban quân quản ở địa phương làm chủ thành phố, khoảng một tuần ổn định tình hình, bàn giao nhiệm vụ, các vị trí cho quân quản, dân quân du kích quản lý. Sư đoàn 325 được lệnh rút ra khu vực Tổng kho Long Bình, Cổng số 10, Tam Hiệp. Đến tháng 10/1975 thì Sư đoàn được điều ra Cam Lộ, Quảng Trị theo lệnh của trên…
Những cảm xúc giải phóng Sài Gòn ngày đó mãi mãi là niềm tự hào, tạo nên những cảm xúc phấn chấn hết sức lạ thường mỗi khi Bác nghĩ đến ngày đó.
(Ảnh minh họa)
Hạnh phúc bình dị
Kẻ thù vẫn hăm he, quấy nhiễm xâm lược đất nước ta từ bên kia biên giới. Tháng 11/1976 Trần Thanh Tùng lại tiếp tục theo Sư đoàn 325 sang giúp nước bạn Lào diệt Phỉ, xây dựng chính quyền tại Tỉnh Savanakhet. Tháng 10/1978, Sư 325 được lệnh về Cam Lộ củng cố lực lượng. Tháng 12/1978 hành quân vào Bảy Núi, Tri Tôn, An Giang. Ngày 1/1/1979 Sư đoàn lên Tịnh Biên, vượt kênh Vĩnh Tế, tiến công tiêu diệt tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xa-Ri. Tham gia giải phóng giải phóng nước bạn Campuchia ngày 7/1/1979. Tháng 3/1979, Sư đoàn 325 trong đội hình Quân đoàn 2 lại được lệnh cấp tốc ra đánh giặc xâm lược các tỉnh biên giới phía Bắc. Từ Campuchia được máy bay chuyển ra sân bay Gia Lâm, rồi lên tàu hỏa về tập kết tại tỉnh Bắc Cạn. Sư đoàn tham gia giải phóng thị xã Cao Bằng cùng thời điểm Trung Quốc có lệnh rút lui. Sư doàn 325 về đóng quân tại thị trấn Chủ, bên bờ sông Lục Ngạn tiếp tục nhiệm vụ SSCĐ. Tháng 10/1979 Bác được đi học sĩ quan cơ yếu, ra trường công tác tại Sư đoàn 344, Binh đoàn 12.
Đến năm 1988, Trần Thanh Tùng được nghỉ chế độ mất sức 65%, cấp hàm đại úy, Trưởng ban Cơ yếu Sư đoàn 344, với nhiều huân, huy chương và phần thưởng cao quí… Về quê, phát huy phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, không chấp nhận cuộc sống nghèo khó, ông đưa vợ con vào Sông Hinh, Phú Yên tiếp tục lao động làm kinh tế. Tham gia công tác địa phương làm Phó bí thư, Bí thư chi bộ thôn 3 khóa, Chủ tịch hội Cựu chiến binh thị trấn Hai Riêng (2007-2012). Nay ở tuổi già ông cùng vợ là bà Kiều Thị Lương vẫn tham gia lao động làm rẫy, chăn nuôi sống cuộc sống bình dị, vui vẻ bên con cháu. Nhờ sự chăm chỉ lao động gia đình ông Tùng kinh tế khá, ổn định, luôn tiên phong trong mọi phong trào của địa phương.
Phú Yên 24/4/2020
Đại tá: Nguyễn Bá Thuyết – Bút danh Quang Chiêm
CTV Trang TT.TS; Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
ĐT: 0944258548 - 0363428979