"Bộ đội Trường Sơn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975". Tác giả Hoàng Kiền
HÀO KHÍ 30-4
BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN
TRONG CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY
MÙA XUÂN NĂM 1975
Thiếu tướng Hoàng Kiền
Bộ đội Trường Sơn đã tích cực chủ động chuyển từ vận chuyển chi viện chiến lược sang bảo đảm cho các chiến dịch và trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước.
+ Hai Sư đoàn ô tô 471 và 571 được thành lập để vận chuyển chi viện cho các chiến trường B1, B2, B3 ( Quảng Đà..., Tây Nguyên, Đông Nam Bộ ), Campuchia và Nam Lào.
+ Tổ chức hành quân bằng cơ giới: Tổ chức 2 Trung đoàn Giao liên cơ giới 572 và 573. Từ cuối năm 1973 và năm 1974, Bộ đội hành quân vào chiến trường đều đi bằng cơ giới, thời gian rút ngắn so với hành quân bộ hàng chục lần, bảo đảm kịp thời yêu cầu nhiệm vụ. Chỉ tính riêng 2 tháng cuối năm 1974, đã đưa vào chiến trường 80.000 quân và nhiều đoàn binh khí kỹ thuật an toàn.
+ Tham gia Chiến dịch Tây Nguyên
Ngày 15/1/1975, nhận được chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã tập trung toàn bộ lực lượng vận tải gồm hai Sư đoàn ô tô 471 và 571 vận chuyển để giao hàng cho Tây Nguyên. Các Trung đoàn của Sư đoàn công binh 470 tập trung mở đường mới, sửa đường cũ để lực lượng tăng pháo của chiến dịch áp sát Ban Mê Thuật.
Sư đoàn ô tô 471 đã cơ động Sư đoàn 968 của BTL Trường Sơn từ Nam Lào về tham gia chiến dịch Tây Nguyên, tiến công địch ở Kon Tum. Sư đoàn 471 chở lực lượng Sư đoàn BB10 truy kích địch trên đường 7 và Sư đoàn 320 truy kích địch theo đường 14. Ngày 25/3, Tây Nguyên hoàn toàn được giải phóng, Sư đoàn 470 tiếp quản Kon Tum, Sư đoàn 471 vào đóng tại đại bản doanh của Sư đoàn 23 nguỵ tại căn cứ Mai Hắc Đế Ban Mê Thuật.
+ Tham gia chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng.
Ngày 20 tháng 3 năm 1975, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Quân khu Trị Thiên, Quân khu 5 và Quân đoàn 2 mở cuộc tiến công giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Bộ TL Trường Sơn đã chuyển từ kế hoạch bảo đảm cơ bản sang bảo đảm theo thời cơ, bảo đảm hậu cần trực tiếp cho chiến dịch. Các đơn vị Công binh được điều động khẩn trương tham gia bảo đảm cầu đường, rà phá bom mìn thuỷ lôi để bắc cầu bảo đảm vượt sông. Một bộ phận của Sư đoàn ô tô 571 cơ động gấp Sư đoàn BB 325 vào tiến công địch. Ngày 25/3 1975, Đà Nẵng hoàn toàn được giải phóng. Sư đoàn Công binh 473 cùng các Trung đoàn 9, 509 thu chiến lợi phẩm của địch khôi phục cầu đường để lực lượng Chiến dịch tiếp tục truy kích địch, giải phóng các tỉnh dọc ven biển Miền Trung.
+ Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh:
Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Nhiệm vụ chính của Bộ đội Trường Sơn là cơ động lực lượng chủ lực hành tiến tiến công quân địch. Các Sư đoàn Công binh 470, 472, 473, Trung đoàn cầu 99 và một số Trung đoàn độc lập tập trung bắc cầu, sửa chữa cầu đường , bảo đảm đường cơ đông trên các hướng chiến dịch.
Hai Sư đoàn ô tô vận tải 471 và 571 với gần 5.000 xe ô tô đã bảo đảm cơ động cho các Quân đoàn 1, 2, 3 trên các hướng tiến công nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu của Chiến dịch và tiến công đánh chiếm Dinh Độc lập.
Trong suốt quá trình chiến dịch Hồ Chí Minh hai Sư đoàn ô tô vận tải 471 và 571 - Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển vũ khí đạn dược, cơ sở vật chất kỹ thuật đảm bảo kịp thời cho các hướng chiến trường tác chiến. Sư đoàn 571 thần tốc cơ động Quân đoàn 1 từ hậu phương vào vị trí tập kết triển khai chiến dịch; bảo đảm cho cả Quân đoàn 2 vừa đi vừa đánh địch trên đường số 1 giải phóng các tỉnh Duyên hải miền Trung, tiến vào Sài Gòn đánh chiếm Dinh Độc Lập - hang ổ cuối cùng của Mỹ ngụy.
Sư đoàn 471 đã bảo đảm cơ động cho Quân đoàn 1 và Quân đoàn 3 tiến công từ phía Tây Bắc và hướng Tây đánh chiếm các căn cứ Đồng Dù, Củ Chi, Hóc Môn, sân bay Tân Sơn Nhất, tiến vào nội thành Sài Gòn.
Xe ô tô của Dương Quang Lựa thuộc Sư đoàn 571 chở các chiến sĩ bộ binh, đặc công tăng tốc bám sát theo xe tăng xông thẳng vào Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn , buộc chúng đầu hàng vô điều kiện lúc 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4. Đây là xe ô tô vận tải quân sự đầu tiên bám sát xe tăng của Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 có mặt tại Dinh Độc Lập trong giờ phút huy hoàng của dân tộc.
Cùng sáng ngày 30 tháng 4, một bộ phận xe của Sư đoàn 571 cơ động Sư đoàn 325 và Sư đoàn 7 đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy và khu Bộ Tư lệnh các binh chủng của địch. Đồng thời, khoảng 500 xe của sư đoàn đưa các lực lượng của các Quân, Binh chủng và lực lượng An ninh vào tiếp quản Sài Gòn.
Đây là bước phát triển mới về nghệ thuật quân sự, lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh ta đã sử dụng một lực lượng lớn xe ô tô gồm 2 sư đoàn để cơ động các quân đoàn trên các hướng chiến dịch. Đồng thời, thực hiện việc cơ giới hoá lực lượng bộ binh, vừa đi, vừa đánh,Trong đó Sư đoàn 571 cơ động gọn một quân đoàn tiến công trong hành tiến. Tập trung đánh trận then chốt quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sư đoàn phòng không 377 cùng các Trung đoàn độc lập 527 và 528 cơ động bảo vệ đội hình tiến công Chiến dịch gồm các Quân đoàn 1, 2, 3.
Bộ đội đường ống bảo đảm kịp thời đầy đủ xăng dầu cho các phương tiện cơ giới tham gia Chiến dịch, tập trung cho cánh đại quân phía Tây
Lực lượng của Bộ TL Trường Sơn gồm 6 Sư đoàn và một số Trung đoàn độc lập đã tham gia bảo đảm chiến đấu, chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 15/5/1975, hàng trăm "Tuấn mã" Trường Sơn của Sư đoàn ô tô vận tải 471 được tham gia diễu binh trong Lễ mừng Toàn thắng và ra mắt của Ủy ban Quân quản Sài Gòn do Trung tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch.
Trong 16 năm làm nhiệm vụ mở đường dây 559, rồi phát triển lên thành đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh , một mạng đường trên cả hai hướng Đông và Tây Trường Sơn trên địa bàn ba nước khu vực Nam Đông Dương, lực lượng binh chủng hợp thành lớn mạnh. Bộ đội Trường Sơn đã mở con đường để đưa cả dân tộc ra trận đánh Mỹ. Bộ đội Trường Sơn đã cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đi theo con đường Hồ Chí Minh đến đích cuối cùng, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bộ đội Trường Sơn đã làm nên một Trường Sơn Huyền thoại, xứng đáng với phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng : Anh hùng LLVTND.
Ngày 29/4/2020
Thiếu tướng Hoàng Kiền
Phó chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam.