"Công binh Trường Sơn theo bước chân thần tốc mùa xuân 1975". Trần Văn Phúc

Ngày đăng: 05:38 30/04/2020 Lượt xem: 526

HÀO KHÍ 30-4

------------------------------------------------------------------------

CÔNG BINH TRƯỜNG SƠN
THEO BƯỚC CHÂN THẦN TỐC  MÙA XUÂN 1975

Đại tá Trần Văn Phúc

 
Chân dung tác giả
 
     Ngày 12 tháng 9 năm 1974  Hội nghị Quân chính Bộ đội Trường Sơn được triệu tập họp tại Bến Tắt ( Quảng Trị ) để  quán triệt Nghị quyết của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn về nhiệm vụ mùa khô 1974 - 1975 , trong đó có Kế hoạch cơ bảnKế hoạch thời cơ . Ai cũng mong Kế hoạch thời cơ đến sớm .
    Ngay từ  tháng 6 năm 1973 thế trận cầu đường đã được Công binh Trường Sơn chủ động chuẩn bị. Tuyến đông Trường Sơn đoạn Trao - Bến Giàng dài 52 km do Trung đoàn 98 thi công  đã thông xe ngày 21 tháng 6 năm 1973 , nối liền hậu phương lớn miền Bắc với Tây Nguyên . Tháng 6 năm 1974  Sư đoàn 473 mở chiến dịch Đường 9 - Xưởng Giấy ( từ cầu Đa krông đến tây Thừa Thiên ) dài 120 km có thiết bị làm đường hiện đại của Nhật do Cu Ba viện trợ, để nâng cấp tuyến đường và tăng năng lực vận tải. Tuyến phía đông địch còn lại Chi khu quân sự Đắc Pét ( Kon Tum ) Trung đoàn 10 đã mở đường vòng tránh từ Đắc Tả - Đắc Tùng dài 32 km. Phía tây Trường Sơn các  tuyến đường  23, 128, 129 ... đều thông suốt đến Atopơ sang Phi Hà  vào Bù Gia Mập , Bù Đốp tới Lộc Ninh .
     Ngày 5 tháng 2 năm 1975 Đoàn A75 ( mật danh của Đại tướng Văn Tiến Dũng ) sau khi làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn  ở Bến Tắt ( Quảng Trị ) đã theo đường Đông Trường Sơn vào Sư đoàn 470 tại Sa Thầy ( Kon Tum )  chỉ mất có 3 ngày ( trước đây  phải đi mất 6-7 này ) . Sau khi kiểm tra công tác chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã điện ra Bộ Tư lệnh : "  Đường ra trận như ngày hội lớn. Cả Trường Sơn như bốc lửa. Công tác chuẩn bị đã đầy đủ. Tôi rất mừng sẽ ăn tết ở Bộ Tư lệnh Sư  đoàn 470."
   Trung đoàn 575 của Sư đoàn 470 được lệnh mở đường bí mật qua rừng cao su đêm ngày 10 tháng 3 năm 1975 để xe tăng và quân ta nổ súng tiến công Buôn Mê Thuột làm rung chuyển cả Tây Nguyên.
   Đêm ngày 18 tháng 3 Năm 1975 địch rút chạy khỏi thị xã Quảng Trị và phá cầu Thạch Hãn. Chiều ngày 18 tháng 3 năm 1975 Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên giao cho Cục Công binh tổ chức trinh sát đường 1A và bảo đảm giao thông cho kế hoạch tác chiến sắp tới . Sáng ngày 19 tháng 3 năm 1975 Tổ trinh sát do Cục phó Dương Đình Tạ cùng 3 đồng chí  vào Ủy ban nhân dân thị xã Đông Hà  mượn 4 xe đạp để làm nhiệm vụ. Đồng thời Cục Công binh tổ chức Cục Công binh Tiền phương do đồng chí Cục phó Đỗ Xuân Diễn phụ trách. Chiều ngày 21 tháng 3 năm 1975  đồng chí Vũ Như Thường  Trung đoàn trưởng Trung đoàn 99 nhận lệnh của đồng chí Cục trưởng Phan Quang Tiệp đưa Bộ đội mang theo khí tài hành quân gấp và đến 18h00 đã  tập kết tại thôn Nhan Biều xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong để lắp ngay cầu phao Thạch Hãn. Hai bên đầu cầu người xe ùn tắc hàng cây số. Dòng người  di tản từ trong ra, ngoài vào xen lẫn từng đoàn xe của Quân đoàn 2 chở Bộ đội, khí tài quân sự. Quân đoàn 2 chỉ có 2  phà quân sự để chở Bộ đội qua sông nên không đáp ứng yêu cầu tác chiến. Sau khi Quân đoàn 2 cho xe lội nước rà phá thủy lôi, quân E99 bắt tay ngay vào việc, làm cả đêm liên tục. Rạng sáng ngày 22 tháng 3 năm 1975 cầu phao dài 220m đã hoàn thành , những chiếc xe tải của E99 cắm cờ giải phóng đi qua cầu  đầu tiên trong tiếng reo hò, tiếng vỗ tay vang dậy của Bộ đội và nhân dân hai phía đầu cầu : hoan hô quân Giải phóng, hoan hô... Cùng sáng ngày 22 tháng 3 năm 1975 một chiến sỹ của E99 đã hy sinh khi đi trên ca nô để thả neo giữ cầu thì bị thủy lôi còn sót lại phát nổ.
     Ngày 23 tháng 3 năm 1975 cố đô Huế được giải phóng. Trên đường vào Huế nhiều cầu bị địch phá hoại như: Cầu Truồi, cầu Thừa Lưu, cầu Phò Tạch, cầu An Lỗ, cầu Mỹ Chánh... Bộ phận của đồng chí Dương Đình Tạ và đồng chí Đỗ Xuân Diễn ngày 25 tháng 3 năm 1975 đã có mặt tại Huế và đã  xin được giấy phép của Ủy ban Quân quản thành phố Huế vào tiếp quản kho cầu Be lây của Nha Công chánh Huế, giúp cho E99 có vật tư để triển khai khắc phục các cầu bị hỏng .
  Ngày 29 tháng 3 năm 1975  thành phố Đà Nẵng được giải phóng. Cầu Câu Lâu trên sông Thu Bồn dài gần 1000m cách Đà Nẵng 30 km về phía nam bị địch đánh phá hỏng 2 nhịp giữa và 2 nhịp phía nam, có đoạn dài tới 50m, chiều cao từ mặt cầu tới mặt nước cao tới 15m. Chỉ huy E99 trao đổi và  quyết định bắc cầu Be lây kép 3 và cao 3 tầng. Qua khai thác lính ngụy đồng chí Đỗ Xuân Diễn bắt được tên thiếu tá Thế Long  Công binh ngụy, từng làm việc tại Bộ Tham mưu của tướng Ngô Quang Trưởng ở Đà Nẵng. Tên này nắm được các kho vật liệu để làm cầu. Đồng chí Dương Đình Tạ trực tiếp báo cáo đồng chí Nguyễn An Tư lệnh Quân đoàn 2 tại Chỉ huy sở ở Hòa Khánh xin được giấy phép vào các kho để lấy vật tư và lấy luôn xe tải chở vật liệu cho E99  làm cầu. Khối lượng rất lớn, làm liên tục, đến sáng ngày 3 tháng 4 năm 1975 cầu Câu Lâu mới được thông xe. Từng đoàn xe quân sự , dân sự qua cầu trong niềm vui  hân hoan khôn tả của những người lính và nhân dân. Đoàn cán bộ của Bộ Giao thông - Vận tải do Tổng công trình sư Đỗ Hựu dẫn đầu đã chứng kiến  sự lao động quên mình của Bộ đội và   khen ngợi :
- Bộ đội Công binh Trường Sơn rất giỏi, trình độ chuyên môn cao, làm rất kịp thời phục vụ chiến đấu và góp phần ổn định vùng mới giải phóng ...
   Trung đoàn 99 theo bước chân thần tốc tiếp tục khắc phục các cầu trên đường 1A từ Tam Kỳ  tới cửa ngõ Sài Gòn, như các cầu Câu Lâu, Bà Rén, Ba ngòi, Phan Rí, Kế Xuyên, cầu Mới trên sông Đồng Nai trên đường Biên Hòa đi Sài Gòn, cầu Cỏ May trên đường 15 từ Biên Hòa đi Vũng Tầu. Thành phố Đà Lạt được giải phóng nhưng đường lên Đà Lạt có 2 cầu bị địch phá. Đường 11 từ Phan Rang lên Đơn Dương có cầu Phù Mỹ dài 120m bị phá. Đường 20 từ Dầu Dây lên thì cầu La Ngà dài 100m cũng bị phá. Nếu hai đường này bị tắc, xe ô tô không hoạt động thì  rất nhiều khó khăn cho công tác quân quản và  bảo đảm cho thành phố mới được giải phóng. Trung đoàn 99 đã cử 2 Đại đội mang vật tư thiết bị làm cầu lên thi công. Khi hai tuyến đường thông suốt, Chính quyền lâm thời và Ủy ban Quân quản thành phố Đà Lạt đến tận nơi bắc cầu úy lạo quân giải phóng.  Đồng chí Vũ Như Thường sau khi làm xong cầu La Ngà về đến Dầu Dây thì bị thương, phải đi điều trị. Trung đoàn 99 còn tham gia cùng địa phương làm cầu phao Xóm Bóng thành phố Nha Trang. Điểm dừng chân cuối cùng của E99 là thành phố Biên Hòa , trong trụ sở của Ủy ban Quốc tế giám sát ngừng bắn ở Việt Nam.  Để bảo đảm giao thông cho cánh quân duyên hải  theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, ngoài việc khôi phục sửa chữa các cầu, ngày 26 tháng 3 năm 1975  Cục Công binh điều Trung đoàn 8 do đồng chí Nguyễn Việt Phúc làm Trung đoàn trưởng bảo đảm giao thông trên Đường 1A từ Trị Thiên đến Quy Nhơn, trong đó đã khôi phục cầu An Tân và một số cầu khác. Từ 1 tháng 4 năm 1975 Trung đoàn 531 bảo đảm giao thông trên đường 1A từ Quy Nhơn đến Cam Ranh vào tới Biên Hòa và đường 51 từ Biên Hòa đi Vũng Tầu. Lực lượng Công binh của Sư đoàn 470 căng lực lượng ra để bảo đảm các trục đường 13,14, 19 và 21. Các cụm kho của địch ở Huế, Đà Nãng, Nha Trang, Cam Ranh, Buôn Ma Thuột, Long Bình... đầy ắp vật tư khí tài, quân trang, quân dụng. Lính Công binh khoái nhất là dầm Be lây, dầm thép định hình, thuyền hợp kim nhôm, thuyền cao su... để khắc phục các cầu bị địch phá hủy. Để chặn bước tiến quân của ta địch cho máy bay  ném bom phá hoại cầu Ba Ngòi phía bắc Phan Rang và cầu Phan Rí nam Phan Rang. Trung đoàn 99 đến khắc phục dưới bom đạn của địch. Xe vật tư lại chưa đến kịp, đồng chí Trần Hữu Hạnh cán bộ Cục Công binh, quê Gò Vấp thành phố Hồ Chí Minh, tốt nghiệp  Đại học Bách khoa đi cùng E99 đã nhanh chóng tìm ra kho của địch có thanh dầm M1, gia công kịp thời để khắc phục, tuyến giao thông chiến dịch lại thông suốt. Đồng chí Trần Hữu Hạnh đã được Bộ Quốc phòng tặng thưởng Huân chương Chiến công ngay trong chiến dịch. Tổ Trinh sát và Tiền phương Cục Công binh vẫn bám sát cánh quân duyên hải của Quân đoàn 2 tiến về Sài Gòn. Chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975 Tiền phương Cục Công binh và Tổ trinh sát đến Biên Hòa. Từ Biên Hòa về Sài Gòn có 3 cầu, cầu Ghềnh ở giữa cho cả đường bộ và đường sắt. Địch đã gài 8 khối thuốc nổ trên thành cầu và đặt máy quay điện ở lô cốt phía nam cầu, nhưng địch hốt hoảng tháo chạy nên không kịp phá cầu. Đại úy Nguyễn Đình Tiếu và Tổ trinh sát ngăn không cho dân qua lại và với động tác nhẹ nhàng, cẩn thận, tháo hết kíp nổ của 8 khối thuốc nổ trước sự thán phục của nhân dân đứng 2 bên đầu cầu. Tối ngày 30 tháng 4 năm 1975 Tổ trinh sát của đồng chí Dương Đình Tạ dừng chân tại một gia đình bán phụ tùng xe máy tại chân Trạm biến thế phía nam cầu Gềnh.Tiền phương Cục Công binh do Cục phó Đỗ Xuân Diễn phụ trách dừng chân tại kho Dục Mỹ, cách Ninh Hòa về phía Tây khoảng trên 10 km. Ngày 3 tháng 5 năm 1975 Thủ trưởng Đồng Sỹ Nguyên trên đường công tác đã ghé thăm đồng chí Dương Đình Tạ và Tổ trinh sát. 
      Trong chiến dịch mùa xuân năm 1975  lực lượng Công binh Trường Sơn đã bám sát các Quân đoàn theo bước chân thần tốc, tham gia khôi phục sửa chữa cầu, đường bảo đảm giao thông trên 7 trục đường ( 1,14,15, 19, 21,20, 13 ) trong các vùng mới giải phóng với tổng chiều dài 2.577 km , khôi phục và sửa chữa 83 cầu, chiều dài 4136m, bắc 7 cầu nổi ...
       Sau chiến thắng Mùa xuân năm 1975 Đảng  Nhà nước và Bộ Quốc phòng đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Trung đoàn 99 và nhiều cá nhân, tập thể đã được tặng nhiều Huân huy chương các loại. Lực lượng Công binh Trường Sơn đã có bước trưởng thành vượt bậc và rút ra nhiều bài học từ thực tiễn trong chiến tranh để vận dụng trong tình hình mới.
       Ký ức một thời hào hùng và oanh liệt chẳng khi nào vơi cạn trong mỗi người lính chiến và trong mỗi Cán bộ chiến sỹ cơ quan Cục Tham mưu Công binh Trường Sơn chúng tôi. Vinh dự, tự hào được đứng trong đội hình trùng điệp của đội quân đã làm lên một con đường huyền thoại giữa đại ngàn Trường Sơn – Con đường nâng bước những đoàn quân đến ngày đại thắng 30-4-1975… Những dòng lược tả trên không nằm ngoài những kỷ niệm chiến trường của cá nhân tôi và trong không khí của những ngày hướng về kỷ niệm 45 năm ngày đất nước trọn niềm vui này trong tôi lại trào dâng bội phần những kỷ niệm đó…

 
Kỹ sư Trần Hữu Hạnh, cán bộ Cục Tham mưu Công binh

Đại tướng Văn Tiến Dũng (đội mũ ) làm việc với BTL Trường Sơn ( tháng 02 năm 1975)

Cầu Beiley 3 tầng trên sông Đồng Nai - Cây cầu do Trung đoàn 99 khôi phục( 10 tháng 5 năm 1975)

Cán bộ cơ quan Cục Tham mưu Công binh Trường Sơn tại Bến Hải – Quảng Trị năm 1974
 
Ngày 29 tháng 4 năm 2020
Đại tá Trần Văn Phúc - Phó CT Hội Trường Sơn Việt Nam
(Nguyên cán bộ Cục Tham mưu Công binh Trường Sơn)

tin tức liên quan