Chiếc gậy “thắp lửa” cho bao thế hệ
“Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân. Đặt cho tên gọi là chiếc gậy Trường Sơn…”. Có lẽ tất cả chúng ta khi đọc qua ca từ này thì trong trái tim mình đã văng vẳng tiếng nhạc bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Câu chuyện về chiếc gậy theo chân bộ đội xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước trở thành hình ảnh gợi nhớ về lớp lớp thanh niên lên đường đi đánh Mỹ, thôi thúc chúng tôi về tìm gặp “cha đẻ” của chiếc gậy Trường Sơn.
Cách trung tâm Hà Nội gần 40km, xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội là nơi đầu tiên chiếc gậy được gửi về từ chiến trường khốc liệt. Ông Phùng Văn Quán, người chiến sĩ năm xưa đã gửi gậy về quê nhà, năm nay đã bước sang tuổi 74 bồi hồi: “Khi có người quen về quê hỏi tôi có gửi gì về không? Trên chiến trường khốc liệt ngày ấy chẳng có gì ngoài bom đạn, nhìn lại cũng chỉ có chiếc gậy đã cùng mình vượt đèo vượt núi ra tới chiến trường là vật kỉ niệm đáng quý nhất, tôi liền nhờ gửi về cho gia đình. Không ngờ chiếc gậy đã trở thành một biểu tượng động viên tinh thần chiến sĩ cả nước”.
Ngược dòng thời gian, ngày 20/2/1961 ông Quán tình nguyện nhập ngũ, lên đường cùng 2 người bạn đồng hương là Lưu Tiến Long và Đỗ Tít. Ngày ấy, các chiến sĩ phải di chuyển thần tốc trên đường Trường Sơn, mỗi ngày phải đi tới gần 20 cây số và trên đôi vai là chiếc balo chứa toàn bộ tư trang, vật dụng, đồ ăn, thức uống nặng tới 30kg. Để thực hiện kế hoạch di chuyển thần tốc trên đường Trường Sơn, ông cùng đồng đội thực hiện việc nghỉ tạm (đứng tại chỗ) giữa đường. Trong một lần như thế, ông nảy ra ý tưởng: Chặt lấy cây gậy để chống đỡ ba lô đằng sau và chỉ cho 2 người bạn đồng hương của mình cách này. Ngoài tác dụng là giá đỡ ba lô, cây gậy còn giúp các chiến sĩ chống khi lên xuống dốc, đèo, đường trơn bùn lầy. Thậm chí, gậy còn là phương tiện trợ lực khênh cáng bệnh binh và lúc bất ngờ đánh giáp lá cà với địch.
Trên những chiếc gậy chống đó, 3 người lính trẻ khắc dòng chữ “Thà quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” cùng với tên mỗi người nằm ở cuối chiếc gậy. Đặc biệt, trên chiếc gậy tre của ông Long còn có đục một lỗ nhỏ để hút thuốc lào. Sau khi chiếc gậy được gửi về quê hương, xã Hòa Xá dấy lên phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người - Tất cả chi viện cho tiền tuyến để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, 57 đợt giao quân Hòa Xá đều vượt chỉ tiêu giao, không ít gia đình có từ 3-5 con đi bộ đội.
Dòng chữ được khắc trên thân gậy. Ảnh: Dương Lê.
Mối lương duyên giữa người và gậy
Ông Quán kể lại về hành trình gần 30 năm thất lạc và mối lương duyên với cây gậy. Sau khi xuất ngũ, thương binh Phùng Văn Quán tích cóp để xây nhà, căn nhà cấp 4 xây mất 10 năm từ 1973-1983. Trong thời gian ấy, ông Quán không để ý đến cây gậy của mình vì cứ nghĩ chiếc gậy được bảo quản cẩn thận trong nhà truyền thống xã. Một ngày, ông Quán ra tìm lại thì không thấy đâu nữa.
Ông Quán băn khoăn dò hỏi nhiều người có trách nhiệm thì được biết, trong 3 chiếc gậy (hiện vật gốc), Quân khu và Quân sự tỉnh đã mượn 2 chiếc để trưng bày, còn 1 chiếc để lại cho xã nhưng đã bị thất lạc… Ông Quán trở về nhà, dằng dặc nỗi nhớ thương người bạn cố tri.
Song cuộc sống luôn chứa đựng những điều thú vị bất ngờ. Trong số những người con gái của ông Quán, có chị Phùng Thị Anh lấy chồng gần nhà bà cụ Dương, ở cùng thôn Hoà Xá. Khoảng năm 2003, trong một lần cụ Dương chống gậy sang nhà mình chơi, chị Anh cầm cây gậy, tẩn mẩn ngắm nghía. Trên cây gậy cũ kỹ, chị đọc được những dòng chữ từng được nghe kể nhiều lần, đặc biệt ở phần trên cùng có khắc tên “Fùng Quán”. Nhận được tin báo từ con gái, ông Phùng Quán lật đật chạy sang nhà cụ Dương xin cụ cho xem cây gậy. Cây gậy tuy bị chặt một đoạn để vừa với chiều cao của cụ, nhưng may sao chữ Phùng Quán vẫn còn nguyên vẹn. Sau nhiều năm lưu lạc, hai người bạn cũ bùi ngùi tái ngộ trong niềm vui sướng vô bờ.
Là thương binh, ông Quán sống nhờ vào trợ cấp và chăm sóc mảnh vườn bên nhà. Nhiều lần, người từ Hà Nội, Hải Phòng… qua thăm ông, hỏi mua chiếc gậy Trường Sơn. Người ta cứ ra giá, nhưng ông nhất định không bán, ông bảo: “Mình có ít thì sống dè dặt, chứ cây gậy vào sinh ra tử với mình, như tri kỷ thì không ai bán tri kỷ cả”. Giờ đây, chiếc gậy được treo ở vị trí trang trọng trong ngôi nhà đơn sơ. Bọc bên ngoài là lớp vải thô để chống bụi. Tháo lớp vải, ông Quán chỉ cho chúng tôi xem từng nét khắc từ 46 năm về trước.
Tính theo tỷ lệ nhập ngũ thì thanh niên nhập ngũ chiếm 30% dân số của xã khi đó. Đặc biệt, Hoà Xá còn có phong trào tặng gậy Trường Sơn rất có ý nghĩa. Cứ mỗi đợt tiễn tân binh lên đường nhập ngũ, xã lại tặng cho mỗi người một chiếc gậy để giúp cho bước chân anh em thêm vững vàng trèo đèo, lội suối, băng rừng, leo dốc. Chiếc gậy nhỏ mà ý nghĩa lớn, đã khiến nhạc sĩ Phạm Tuyên trong một lần về thăm xã năm 1967 nảy ra tứ sáng tác ca khúc Chiếc gậy Trường Sơn.
TRẦN HOÀNG - DƯƠNG LÊ
(PS st Theo Tiền Phong)