"Trường Sơn huyền thoại" - Chùm bài viết của Thiếu tướng Hoàng Kiền (Phần I)

Ngày đăng: 06:28 08/05/2020 Lượt xem: 477
 
Mãi còn trong trái tim tôi
Bao miền ký ức một thời Trường Sơn
 
Trân trọng giới thiệu một số phần chính về Trường Sơn - Con đường huyền thoại.
 

PHẦN I
CHỦ TRƯƠNG VỀ MỞ ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN

         Sau Cách mạng tháng 8, ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Năm 1946, Pháp quay lại cướp nước ta một lần nữa, sau khi chiếm được Sài Gòn - Gia Định, để hợp pháp hoá cho sự xâm lược, Pháp lập ra Quốc gia Việt Nam, đưa Bảo Đại lên làm Quốc trưởng.
        Ngày 7 tháng 5 năm 1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, tạo thuận lợi cho việc ký kết Hiệp định Giơnevơ. Việt Nam đấu tranh đòi giới tuyến tạm thời đến vĩ tuyến 13, rồi 16 nhưng không được Trung Quốc và Liên Xô ủng hộ mạnh mẽ. Cuối cùng lấy vĩ tuyến 17 theo sông Bến Hải làm ranh giới quân sự tạm thời. (Mỹ tham gia hội nghị nhưng không ký vào Hiệp định). Theo Hiệp định Giơnevơ tháng 7 năm 1956 tiến hành Tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
        Khi ấy dân số miền Bắc 17 triệu người, cao hơn miền Nam 3 triệu người. Kẻ địch mà trực tiếp là CIA của Mỹ đã lập âm mưu và cưỡng ép đồng bào miền Bắc di cư vào Nam để tạo lợi thế cho cuộc Tổng tuyển cử. Ta đã đưa các sư đoàn chủ lực ra ngăn chặn quyết liệt ở vùng ven biển ba tỉnh: Nam Định, Thanh Hoá, Ninh Bình. Cuối cùng họ cũng đưa được gần một triệu người miền Bắc Vào miền Nam, trong đó 80% là đồng bào Thiên chúa giáo.
Năm 1955, Ngô Đình Diệm từ Mỹ về Việt Nam. Dưới sức ép của Mỹ, Bảo Đại bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng Quốc gia Việt Nam.
         Mỹ, Diệm âm mưu hất cẳng Pháp, phá hoại Tổng tuyển cử. Diệm đã tổ chức cuộc bầu cử thử, kết quả Hồ Chí Minh được 80% số phiếu, Bảo Đại được 20% số phiếu. Sau đó Diệm đã tổ chức cuộc trưng cầu ý dân, phế truất Bảo Đại. Ngày 26 tháng 12 năm 1955, Ngô Đình Diệm lên nắm quyền, tự xưng là Tổng thống, đổi tên Quốc gia Việt Nam thành Việt Nam Cộng hoà. Từ đây Diệm thực hiện âm mưu điên cuồng chống phá cách mạng Miền Nam. Ông ta tuyên bố xoá bỏ Tổng tuyển cử, hô "lấp sông Bến Hải" Bắc tiến. Ngô Đình Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam để sát hại đồng bào và chiến sĩ yêu nước. Lực lượng cán bộ cũ còn lại ở Miền Nam khi tập kết là 50.000 người. Sau mấy năm khủng bố của Ngô Đình Diệm đến năm 1959 chỉ còn lại 5 nghìn, cứ 10 người thì 9 người bị sát hại. Ngày 29 tháng 5 năm 1959, Ngô Đình Diệm ban hành đạo luật mang số 10/59 để xét xử sát hại những người yêu nước và đồng bào miền Nam với chủ trương: "giết nhầm hơn bỏ sót". Gần hai mươi vạn đồng bào chiến sỹ Miền Nam đã bị giết hại trong những năm Ngô Định Diệm làm Tổng thống Việt Nam Cộng hoà.
Từ năm 1954 đến 1959 chủ trương của Đảng ta là kiên trì đấu tranh thống nhất đất nước bằng biện pháp hoà bình, thông qua Tổng tuyển cử. Trung ương có các văn bản chỉ đạo ban hành, thực tế trong Miền Nam kẻ địch ra sức phá hoại nên cơ sở cách mạng bị thiệt hại rất nặng nề.
         Tôi được Đại tướng Phạm Văn Trà kể lại, xin cung cấp thêm tư liệu. Năm 1954 đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Trung ương Cục miền Nam không đi tập kết mà ở lại Cà Mau hoạt động. Đồng chí Võ Văn Kiệt - Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu cũng không đi tập kết mà về quê ở Vũng Liêm - Vĩnh Long ẩn náu để hoạt động. Khi nghe tin đồng chí Lê Duẩn vẫn ở Cà Mau, đồng chí Võ Văn Kiệt quyết tâm vào Cà Mau gặp đồng chí Lê Duẩn để bàn về cách mạng Miền Nam. Nếu đi đường bộ vào sẽ bị địch bắt, ông đã nuôi một đàn vịt lớn, mặc bộ quần áo rách, đội nón lá đánh đàn vịt lội đồng bơi sông từ Vĩnh Long vào tới Cà Mau. Hai người cán bộ cách mạng gặp nhau đều có chung nhận định là không thể chờ Tổng tuyển cử được mà phải đấu tranh giành chính quyền. Đồng chí Lê Duẩn đã có báo cáo gửi ra Trung ương Đảng và Bác Hồ.
         Tháng 1 năm 1959, diễn ra Hội nghị TW 15 đợt 1, nội dung họp bàn về tiếp tục gìn giữ hoà bình hay vùng lên đấu tranh. Đây là điều day dứt của Đảng và Chính phủ ta. Lúc này toàn phe Xã hội chủ nghĩa có chủ chương là chung sống hoà bình tránh đổ máu. Một số Đảng anh em cho rằng "Không để một đám cháy thiêu rụi nền hoà bình thế giới". Đặc biệt Đảng Cộng sản Liên xô muốn ta củng cố miền Bắc, qua đó tiến tới thống nhất đất nước, không phải bằng phương thức khởi nghĩa vũ trang. Đảng cộng sản Trung Quốc cũng không muốn cho ta đấu tranh vũ trang mà tham gia ý kiến với Đảng ta là cứ trường kỳ mai phục. Sau nhiều tháng tranh luận bàn bạc, trước tình hình Ngô Đình Diệm dìm nhân dân Miền Nam trong biển máu, đồng bào, chiến sĩ Miền Nam đang sôi sục căm hờn sẵn sàng vùng lên đấu tranh. Hội nghị TW 15 lần 2 vào đầu tháng 5 năm 1959 quyết định áp dụng hình thức kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang để tự vệ, trong đó có việc xây dựng các vùng căn cứ địa ở miền Nam để chống trả các cuộc càn quét đẫm máu của Ngô Đình Diệm .
         Để tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, cần chi viện sức người, sức của cho cách mạng Miền Nam. Ngày 19 tháng 5 năm 1959, Đoàn công tác quân sự đặc biệt được quyết định thành lập. Thượng tá Võ Bẩm người con Quảng Ngãi được giao nhiệm vụ làm Đoàn trưởng.
         Nhiệm vụ của đoàn ban đầu và được bổ sung trong quá trình phát triển là:
        Tổ chức vận tải, chi viện chiến lược cho chiến trường Miền Nam, giúp đỡ một phần cho vùng đông Đông Bắc Campuchia, Trung và Hạ Lào.
         Hình thành một chiến trường đánh địch, phối hợp với chiến trường cả nước.
         Là một binh đoàn hậu cần chiến lược, chiến dịch, là hậu phương trực tiếp cho các chiến trường kế cận.
       Đoàn kết, phối hợp với quân dân hai nước bạn Lào và Campuchia ở khu vực, xây dựng căn cứ địa vững chắc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ hành lang chiến lược
        Đồng chí Võ Bẩm đã xuống các nông trường do mình phụ trách trước kia để chọn người có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ. Trước hết phải là người Miền Nam tập kết, quen địa hình rừng núi miền tây khu V. Ngoài ra còn phải bảo đảm 7 tiêu chuẩn cụ thể: Tự nguyện, Tinh thần dũng cảm, Tính kỷ luật, tự giác cao, Ý thức bảo đảm bí mật tốt, Lý lịch rõ ràng, Kiên định - Trung thành - Sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, Sức khoẻ dẻo dai.
         Bộ phận nòng cốt đầu tiên được đồng chí Võ Bẩm chọn gồm 8 người. Cuộc họp bí mật của Ban Cán sự Đoàn 559 tại nhà 25A - phố Phan Đình Phùng - Hà Nội vào ngày 20 tháng 5 để bàn việc triển khai kế hoạch. Từ đây Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559, tức tháng 5 năm 1959. Cũng từ đó ngày 19 tháng 5, ngày được Bộ Chính trị và Tổng Quân uỷ giao nhiệm vụ mở đường chiến lược Trường Sơn được xác định là ngày truyền thống của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.
         Thượng tá Võ Bẩm tổ chức lực lượng đi khảo sát đường và hiệp đồng với các cơ quan đơn vị có liên quan, đồng thời triển khai tổ chức lực lượng ngay.
         Trước tình hình nhiệm vụ rất nhiều khó khăn, Ban Cán sự Đoàn 559 đã gặp đồng chí Trần Lương (Trần Nam Trung), Bí thư Khu ủy Khu 5 tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn từng bước và được hướng dẫn giúp đỡ tích cực. Sau hội nghị ở Hồ Xá - Vĩnh Linh, Đoàn 559 tổ chức đội khảo sát mở tuyến do đồng chí Võ Bẩm trực tiếp chỉ huy. Tỉnh uỷ Quảng Trị cử một số cán bộ địa phương giúp đỡ. Đội khảo sát quyết định chọn Khe Hó - Vĩnh Linh là điểm đầu của tuyến đường lịch sử. Sau đó đồng chí Võ Bẩm ra Hà nội chỉ huy việc tổ chức lực lượng, chuẩn bị đưa "hàng" vào chiến trường. Đồng chí Ngô Văn Diệm tiếp tục chỉ huy lực lượng khảo sát đường vượt sông Bến Hải.
        Những ngày cuối tháng 5 chiếc xe Gaz 69A của Đoàn liên tục lăn bánh đêm ngày đưa Ban Cán sự của Đoàn đến các Tập đoàn sản xuất Miền Nam, đến các Sư đoàn 324, 325, 305, trong đó chủ yếu là sư đoàn 305 từ khu 5 ra tập kết. Cuối tháng 5 đã chọn được 440 người. Những người được chọn chủ yếu là ở các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, tuổi đời từ 28 đến 35, thành lập tiểu đoàn 301 bổ sung cho Đoàn 559. Lâm Thao - Phú Thọ trở thành thao trường huấn luyện khá lý tưởng cho tiểu đoàn 301. Đêm đêm bất kể trời tạnh hay mưa xối xả, những chiến sĩ trên vai đeo ba lô nặng hơn 30 kg gạch, lầm lũi leo đồi vượt dốc rèn luyện để vượt Trường Sơn. Đây cũng là giai đoạn rèn luyện ý chí, quyết tâm, sức bền bỉ dẻo dai chịu đựng khó khăn gian khổ để vào chiến trường.
         Ngày 4 tháng 6 năm 1959, Tiểu đoàn 301 có lệnh "cấm trại" chuẩn bị các mặt về hậu cần chuẩn bị hành quân, tuyệt đối bí mật, cắt mọi liên lạc với gia đình.
         Đúng 19 giờ ngày 4 tháng 6 năm 1959, Tiểu đoàn hành quân từ Nông trường Vân Lĩnh về ga Tiên Kiên (Lâm Thao - Phú Thọ) rồi về Hà Nội. Tiếp tục đi tàu hoả, ô tô vào đến khu vực Khe Hó - Vĩnh Linh tập kết. Danh nghĩa của Đoàn là "Công trường khai thác gỗ" và "Nông trường chăn nuôi bò". Nhiệm vụ mới tuyệt đối bí mật, vô cùng khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, hy sinh, nhưng rất đỗi vinh quang bắt đầu mở ra.

Thiếu tướng Hoàng Kiền
( còn nữa).
tin tức liên quan