"Quả bộc phá ngàn cân trên Đồi A1". Thiếu tướng Hoàng Kiền

Ngày đăng: 08:11 08/05/2020 Lượt xem: 2.001

QUẢ BỘC PHÁ NGHÌN CÂN TRÊN ĐỒI A1
 

         Hôm nay kỷ niện 66 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thật tự hào với chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Niềm tự hào của bộ đội Công binh đã đánh quả bộc phá nghìn cân ( 960 kg ) ở Đồi A1 , tạo điều kiện cho bộ đội ta tiến công tiêu diệt cứ điểm đặc biệt quan trọng này.

        Để đánh chiếm đồi A1, từ đêm 30-3 đến trưa 1-4-1954, bộ đội ta hai lần tổ chức tấn công quân Pháp và chiếm được nửa đồi A1, làm chủ tình thế. Từ đêm mồng 1 đến sáng 3-4, ta tiếp tục áp sát, chiến đấu, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch. Đến 15 giờ cùng ngày, Pháp tổ chức cuộc phản kích lần hai, sử dụng thêm pháo binh và hai phi cơ thả bom. Nhưng với tinh thần chiến đấu anh dũng, mưu trí, các chiến sĩ Trung đoàn 102 - Đại đoàn 308 và Trung đoàn 174 - Đại đoàn 316 của ta đã tập trung hỏa lực tiêu diệt, chặn đứng cuộc phản công, bắn cháy một xe tăng, khiến quân Pháp phải rút lui.

         Để chuẩn bị tiếp tục đánh chiếm cứ điểm A1, Đại đoàn 316 tổ chức đào 3 đường hào. Lúc này, một vấn đề quan trọng trong kế hoạch tiến công cứ điểm A1 thu hút tâm trí của lãnh đạo, chỉ huy Đại đoàn 316 là tìm ra cách đánh hầm ngầm. Nhiều phương án được đưa ra bàn bạc. Cuối cùng, kế hoạch phối hợp với lực lượng công binh của Trung đoàn 151 - Đại đoàn 351 đào một đường hầm từ trận địa ta đến chân hầm địch, rồi dùng một lượng thuốc nổ khoảng 1.000kg đánh sập hầm ngầm. Phương án được Bộ chỉ huy đại đoàn nhất trí và báo cáo lên Bộ chỉ huy chiến dịch. Bằng sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc, cuối cùng đường hầm đã hoàn thành đúng kế hoạch. Đến cuối tháng 4-1954, mọi công tác chuẩn bị cho đợt tiến công được hoàn tất.

        Ngày 3-5, Đại đoàn 308 diệt cứ điểm 311B ở phía tây. Lúc này quân ta từ hai phía đông và tây Mường Thanh tạo thế gọng kìm kẹp chặt khu trung tâm. Địch đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt đã có dấu hiệu mở đường máu để rút chạy. Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ thị cho các đơn vị sẵn sàng nắm thời cơ, khi có điều kiện chuyển sang tổng công kích ngay và phải bao vây chặt không cho địch rút chạy. Thời gian nổ súng của toàn mặt trận được ấn định là 20 giờ 30 phút ngày 6-5-1954, lấy tiếng nổ của gần 1.000kg bộc phá trên đồi A1 làm hiệu lệnh tiến công.

         Đơn vị thực hiện nhiệm vụ đào hầm ngầm và đánh bộc phá là Đại đội Công binh M83 của Trung đoàn Công binh 151 thuộc Đại đoàn 351. Một đội đặc biệt gồm 25 cán bộ, chiến sĩ do Nguyễn Phú Xuyên Khung, cán bộ công binh của Bộ, trực tiếp chỉ huy, đã tiến hành công việc ngay trước mũi súng quân Pháp, trong tầm kiểm soát của lựu đạn.

        Đêm 20/4, công việc đào hầm ngầm bắt đầu. Mọi người phải làm trong tư thế ngồi nghiêng như móc hàm ếch. Để đảm bảo bí mật, an toàn cho hầm ngầm, công việc ngụy trang cửa hầm được làm rất công phu; ngoài cửa hầm có mái che phủ đất để vừa chống lựu đạn và mảnh pháo từ trên cao ném xuống vừa che mắt Pháp; đất đá đào ra đều cho vào bao dù đưa ra ngoài, sau khi đổ còn ngụy trang rất kỹ.

        Đất đồi A1 cực kỳ rắn. Tiểu đội trưởng Công binh Lưu Viết Thoảng lựa chọn một tổ khỏe nhất mở cửa hầm. Cả đêm đầu chỉ khoét được vào vách núi mỗi chiều 90 cm. Quân Pháp không ngừng bắn súng và ném lựu đạn, 3 người bị thương. Bản thân đồng chí Thoảng cũng bị ngất vì sức ép của lựu đạn. Ba đêm mới đào xong cửa hầm. Khi đào sâu vào lòng núi được mười mét, bắt đầu phải khắc phục thêm khó khăn: thiếu không khí, đèn, đuốc mang vào hầm đều bị tắt, số đất moi từ lòng núi ra ngày càng nhiều không được để cho quân Pháp phát hiện. Các chiến sĩ phòng ngự tại A1 đã có kế hoạch chiến đấu không cho quân Pháp tiến xuống cửa hầm, dù phải hy sinh tới người cuối cùng, để bảo vệ bí mật tuyệt đối ý đồ đặt bộc phá.

         Càng đào vào sâu, công việc càng khó khăn vì vừa thiếu ánh sáng vừa thiếu không khí, nên bộ đội phải liên tục thay nhau ra ngoài để thở. Trên chiến hào, nơi nào thuận lợi có thể quan sát địch đều bố trí lực lượng bắn tỉa, một tổ chừng 4-5 người để yểm trợ thêm cho công binh đào hầm. Đường hầm khi hoàn thành dài tới 82m và dẫn lên tận đỉnh đồi, nơi đặt khối bộc phá. Phần lớn lòng đường hầm rất nhỏ hẹp, chỉ đủ cho một người lách trườn lên.

         Vừa đào hầm, Đại đội công binh M83 vừa lo đi tìm bom chưa nổ để gỡ thuốc làm bộc phá vì theo thiết kế, khối bộc phá phải đủ 1 tấn thuốc nổ mới đủ mạnh để đánh sập lô cốt, nhưng lúc ấy trong kho chỉ còn có 500 kg. Đơn vị pháo phòng không đến báo vừa bắn rơi một chiếc máy bay B-24 gần đồi Độc Lập. Máy bay vẫn còn bom, lại rơi rất gần trận địa pháo, vì vậy yêu cầu công binh đi gỡ bom để đảm bảo an toàn cho trận địa.

         Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Bạch nghe vậy liền xung phong dẫn 4 chiến sĩ đến chỗ chiếc máy bay rơi. Tới nơi, thấy trên thân máy bay còn nguyên 5 quả bom tạ. Phải mất một tuần với 5 quả bom tạ, tổ gỡ bom đem về gần 5 tạ thuốc nổ, coi như đủ lượng thuốc nổ cần dùng.

         Phải mất thêm nhiều ngày và rất khó khăn để đưa bộc phá đến điểm tập kết. Trong hào đi phải khom lưng, mỗi người đem từng quả bộc phá nặng khoảng 5 kg xếp hàng ngay ngắn cho tới khi đủ gần 1.000 kg. Tuy nhiên, một tình huống mới lại xảy ra khi dùng máy phát điện 100W điểm hỏa thử trên mô hình thì khối bộc phá lại không nổ theo đúng yêu cầu. Để cho chắc chắn, chỉ còn một cách là cho người trực tiếp vào giật nụ xòe, một công việc rất nguy hiểm.

        Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Bạch nhớ lại: "Đưa được 1.000kg thuốc nổ vào cuối hầm, cả Đại đội trưởng Khung, Tổ trưởng Đảng Lưu Viết Thoảng và tôi bò vào cuối hầm kiểm tra kỹ thuật lần cuối. Yêu cầu chỉ điểm hỏa một lần phải gây nổ được cả khối bộc phá gắn với năm đường dây cháy chậm và năm nụ xòe. Hai đồng chí đồng ý cho tôi xung phong ở ngoài cửa hầm điểm hỏa bằng nụ xòe. Nếu không nổ, tôi sẽ ôm 3kg thuốc nổ bò vào cuối hầm điểm hỏa bằng người như chiến sĩ cảm tử".

         Khi mọi việc đã xong, khối bộc phá nổ vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 06 tháng 5 năm 1954 do đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung, Nguyễn Điệt và Nguyễn Bạch điểm hỏa. Ta cũng quyết định lấy tiếng nổ của khối bộc phá làm hiệu lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận.

         Một tiếng nổ trầm không được như mong đợi phát ra từ phía A1. Một cột khói lớn bốc lên cao cách hầm ngầm không xa. Khối bộc phá tiêu diệt được một đại đội địch và làm nhiều lính Pháp bị thương. Ta đã tạo ra được một lợi thế trên tuyến ngang đồi, tạo thời cơ cho các chiến sĩ Trung đoàn 174 tiến lên đánh chiếm hầm chỉ huy cứ điểm. Cuộc chiến ở đây kéo dài thêm 3 giờ đồng hồ nữa, trước khi địch có những hành động tiếp theo lúc trời sáng, ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm A1. Đến lúc này ta đã tiến công, phòng ngự trên đồi A1 trong 39 ngày đêm với 4 đợt tấn công và 1 đợt phòng ngự, loại 4 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn cơ động của địch, diệt 825 tên địch.

         Cuộc chiến ở đây diễn ra ác liệt nhất vượt xa những dự đoán ban đầu của quân ta bởi cứ điểm này là chỗ dựa, niềm tin cuối cùng của người Pháp nhằm cứu vãn sự sụp đổ của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. “Trận chiến 5 quả đồi” như tên gọi của một số lính Pháp sau khi chiến tranh kết thúc đã nhấn mạnh chiến sự khốc liệt nhất của 56 ngày đêm diễn ra trên thung lũng lòng chảo Điện Biên Phủ chính là ở ngọn đồi này./.

TỰ HÀO CÔNG BINH

         Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, 16 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, trong đó Công binh có đồng chí Lưu Viết Thoảng, người điểm hoả quả bộc phát ở đồi A1.
Quả bộc phá có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
         Tiếp theo 2 đồng chí Nguyễn Văn Bạch và Nguyễn Phú Xuyên Khung được phong tăng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

         Bộ đội Công binh vinh dự 3 đồng chí được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND cùng tham gia đánh quả bộc phá nghìn cân ( 960 kg ) ở đồi A1:

Anh hùng Lưu Viết Thoảng
Anh hùng Nguyễn Văn Bạch
Anh hùng Nguyễn Phú Xuyên Khung

         Tổng số có 3 / 18 Anh hùng LLVTND Điện Biên Phủ là bộ đội Công binh.
         Rất tự hào cho Bộ đội Công binh QĐNDVN Anh hùng.

DI TÍCH LỊCH SỬ CẦN LÀM CHO ĐÚNG LỊCH SỬ

         Thực tế quả bộc phá nghìn cân ở đồi A1 chỉ nổ om, tiêu diệt quân địch trong hầm ngầm, nhưng không tạo được hiệu lệnh xung phong cho toàn mặt trận như ý định. Quả bộc phá không tạo thành phễu nổ lớn như mô hình hiện nay, cần được làm lại cho đúng với di tích lịch sử.

Ngày 7/5/ 2020
Thiếu tướng Hoàng Kiền
(Nguyên Tư lệnh Công binh)

tin tức liên quan