II ĐƯỜNG Ô TÔ
Trước yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, ngày 31 tháng 1 năm 1961, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về nhiệm vụ quân sự 5 năm (1961-1965) và phương hướng nhiệm vụ cho cách mạng Miền Nam, trong đó có nội dung "chú trọng mở rộng đường hành lang vận chuyển Bắc - Nam, cả đường bộ và đường biển.... nâng dần qui mô và khối lượng tiếp tế, vận chuyển phương tiện, vũ khí, cung cấp tài chính từ Miền Bắc vào Miền Nam". Từ đây đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới là vận chuyển bằng cơ giới đối với Đoàn 559.
1. CÁC CON ĐƯỜNG VƯỢT CỬA KHẨU SANG LÀO
Để vận chuyển chi viện cho cách mạng Miền Nam, ta phải nhờ nước bạn Lào làm đường vận chuyển trên đất bạn, Các con đường vượt cửa khẩu từ Việt Nam sang Lào được mở ra. Đây là nhiệm vô cùng quan trọng, vô cùng khó khăn và ác liệt.
ĐƯỜNG 12
Đường 12 là con đường do Pháp xây dựng. Đoạn đường ngang sang Lào bắt đầu từ ngã ba Tân Ấp (Hướng Hoá - Tuyên Hoá - Quảng Bình) nối quốc lộ 15 đi qua Cha Lo, đèo Mụ Giạ trên biên giới Việt - Lào rồi vượt dãy Trường Sơn đến Lằng Khằng kết nối với tuyến 12A đến thị xã Thà Khẹt (Khăm Muộn). Năm 1961, lực lượng giao thông Quảng Bình đã tu sửa đường, bảo đảm đường 12 phục vụ cho vận chuyển hàng vào Trường Sơn. Từ năm 1961, Tổng cục Hậu cần, Bộ đội Trường Sơn đã sử dụng con đường này để ô tô vận chuyển vào chiến trường.
Ngoài Quốc lộ 1, không có tuyến đường nào trên mảnh đất Quảng Bình lại có bề dày lịch sử như đường 12. Đây là tuyến đường ngang vượt khẩu đầu tiên sang Lào của đường Trường Sơn.
MỞ ĐƯỜNG 20 QUYẾT THẮNG
Năm 1964, không quân Mỹ tập trung đánh phá đường 12 rất ác liệt. Việc vận chuyển vượt qua cửa khẩu sang Lào vô cùng khó khăn. Để phá thế độc đạo, Quân uỷ Trung ương, Tổng Tư lệnh chỉ đạo mở con đường vượt cửa khẩu thứ hai lấy tên là Đường 20. (Sau này theo đề nghị của Trung ương Đoàn, Đường 20 có thêm tên kép: “Đường 20 Quyết Thắng”.
Đường 20 Quyết Thắng là một trục ngang dài 123 ki-lô-mét, từ Phong Nha - Sơn Trạch - Quảng Trạch - Quảng Bình bên Đông Trường Sơn, vượt biên giới Việt - Lào sang Tây Trường Sơn đến Lùm Bùm - huyện Bua La Pha - tỉnh Khăm Muộn – Lào. Một đường ngang có ý nghĩa hết sức quan trọng. Mở con đường này thể hiện ý chí và quyết tâm đánh Mỹ của quân và dân ta. Trên tuyến đường này 3 trung đoàn công binh, 4 Đội thanh niên xung phong của các tỉnh: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Nam Hà và hơn 100 cán bộ công nhân của Bộ Giao thông Vận tải và được tăng cường đội thi công cơ giới số 6 với các máy húc máy gạt. Quân số 8.000 người, tổ chức thành 2 công trường: Công trường 20 thi công từ Phong Nha sang. Công trường 128 thi công từ Lùm Bùm về. Lực lượng thi công ngày đêm trần mình ra đào đất, đục xuyên núi đá, nhanh chóng đưa toàn tuyến vào sử dụng. Công sức của các lực lượng mở con đường này là vô tận, là dời non lấp biển, xứng đáng với danh hiệu "Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi”. Từ 21 tháng 1 năm 1966 đến ngày 5 tháng 5 năm 1966, đường 20 Quyết thắng hoàn thành, tạo ra thế trận vận chuyển mới.
Sau này, trong một lần vào làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn năm 1973, thăm đường 20 Quyết Thắng, Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã vô cùng thán phục. Đại tướng gọi Đường 20 - Quyết Thắng là một kỳ công - kỳ tích - kỳ quan.
ĐƯỜNG 8
Điểm đầu từ Thị trấn Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh, vượt qua Trường Sơn sang Lào nối vào đường 13 tại Nậm Thơm - tỉnh Bu Ly Khăm Xay. Đoạn từ Hồng Lĩnh đến Lạc Sao dài 105 ki-lô-mét. Năm 1968, đường 12 bị địch đánh phá ngăn chặn ác liệt khu vực cửa khẩu đèo Mụ Giạ. Ta mở mũi vu hồi theo đường 8, đến Lạc Sao - Nhom Ma Lát (một thị trấn nhỏ phía trên đường 12) nối xuống đường 12 ở Lằng Khằng với chiều dài 200 ki-lô-mét. Địch lại tập trung đánh phá rất ác liệt, khu vực núi Phu Ắc phía Bắc đường 12 bị tắc. Trung đoàn Công binh 83 đã làm cầu trượt từ đỉnh núi xuống dài 1400 mét để vận chuyển gạo. Do đường vòng xa, lại bị địch ngăn chặn, khi đường 12 thông đường 8 không dùng nữa.
ĐƯỜNG 18
Từ Lệ Thuỷ - Quảng Bình, vượt Trường Sơn sang Lào đến Sê Pôn đường 9 với chiều dài 92 ki-lô-mét. Thi công từ đầu năm 1969, hoàn thành vào tháng 12 năm 1969. Trước do Bộ Tư lệnh 500 quản lý, sau năm 1969 giao cho Bộ Tư lệnh 559 quản lý. Đây là một tuyến đường ngang hỗ trợ cho đường 12 và đường 20 Quyết Thắng.
ĐƯỜNG 16
Từ Thạch Bàn - Lệ Thuỷ - Quảng Bình, vượt Trường Sơn sang Lào nối vào đường 9 tại Bản Đông. Chiều dài 117 ki-lô-mét. Mùa khô năm 1968 - 1969 đường này được củng cố, nâng cấp, làm các đoạn vòng tránh, tháng 10 năm 1971 hoàn thành, sau đó củng cố tiếp một số đoạn vòng tránh trọng điểm. Đường 16 vừa là tuyến vượt cửa khẩu hỗ trợ cho đường 12 và đường 20 Quyết Thắng, vừa kết hợp bảo đảm cơ động cho chiến dịch đường 9 Nam Lào.
* Dọc theo dãy Trường Sơn, từ phía Bắc đường 9 trở ra ta đã làm, cải tạo, sử dụng tổng số 5 trục đường ngang. Theo thời gian xây dựng và sử dụng: Đường 12, đường 20 Quyết Thắng, đường 8, đường 18, đường 16. Theo địa bàn từ phía Bắc xuống: Đường 8, đường 12, đường 20 Quyết Thắng, đường 18, đường 16.
Trong phạm vi chiều dài dọc theo dãy Trường Sơn khoảng hơn hai trăm ki-lô-mét đã có 5 tuyến đường ngang vượt khẩu từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn để đối phó với sự đánh phá, ngăn chặn của đế quốc Mỹ.
2. MỞ CÁC CON ĐƯỜNG DỌC TRƯỜNG SƠN
Sau khi vượt Trường Sơn sang Lào bằng các đường ngang, ta mở tiếp các trục dọc từ Trung Lào xuống Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia, sang Miền Nam Việt Nam. Các đường dọc được mở ra trong hai giai đoạn. Từ 1961 đến trước khi ký Hiệp định Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973, trong đó từ tháng 11 năm 1964 đến 27 tháng 1 năm 1973 giai đoạn Mỹ dùng không quân đánh phá vô cùng ác liệt. Giai đoạn tiếp theo từ sau khi ký kết Hiệp định Paris đến khi giải phóng Miền Nam 30 tháng 4 năm 1975.
GIAI ĐOẠN 1961-1973
CÁC ĐƯỜNG DỌC BÊN TÂY TRƯỜNG SƠN
MỞ ĐƯỜNG 129
Tháng 4 năm 1961, sau khi Liên quân Lào Việt mở chiến dịch giải phóng đường số 9 thắng lợi, tháng 6 năm 1961, lực lượng công binh và bộ đội địa phương của Quân khu 4 đã triển khai mở đường nối từ Lằng Khằng trên đường 12 đến Kê Pô đường 9 cách Mường Phìn 10 ki-lô-mét về phía tây, lấy tên là đường 129, dài 180 ki-lô-mét. Cuối tháng 8 năm 1961 đường 129 được khai thông. Ô tô của ta đã vận chuyển từ Quảng Bình theo đường 12 qua Khe Ve, đèo Mụ Gạ sang Lằng Khằng, theo đường 129 xuống đường 9 qua Mường Phìn về Bản Đông. Tháng 11 năm 1961, đường đưa vào sử dụng, mở ra hướng vận tải cơ giới rất quan trọng. Tuy vậy do đường đi qua địa hình thấp, mùa mưa lầy lội lại xa biên giới Việt - Lào về phía tây, năm 1965 đường 128A được mở ra, đường 129 ngừng sử dụng. Đến năm 1970 khi Mỹ sử dựng máy bay AC-130 bắn xe, đường 129 nối xuống đường 23 qua Sa Ra Van đến Thà Teng... được sử dụng cho xe chạy để nghi binh thu hút máy bay địch.
MỞ ĐƯỜNG 128 TRỤC DỌC CHÍNH XUYÊN SUỐT HẠ LÀO
SANG MIỀN NAM VIỆT NAM
Ngày 13 tháng 5 năm 1964, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho Cục Công binh của Bộ tổ chức khảo sát tuyến đường ô tô từ Sê Pôn - Mường Nòong - Bắc Bạc. Hai đội khảo sát đã lên đường vào Nam Lào. Đến tháng 2 năm 1965, công tác khảo sát thiết kế đã hoàn thành.
Ngày 27 tháng 6 năm 1964, Bộ Tổng Tham mưu điều Trung đoàn 98 là một trong ba trung đoàn công binh cầu đường của Bộ vào phối thuộc cho Đoàn 559.
Tháng 7 năm 1964, Trung đoàn công binh 98 sau khi được trao lá cờ "Mở đường thống nhất" đã hành quân vào Tây Trường Sơn mở đường. Sau khi hoàn thành mở đường thồ, trung đoàn chuyển sang mở đường ô tô. Ngày 9 tháng 8 năm 1964, bắt đầu mở đường ô tô 128. Ngày 9 tháng 8 trở thành ngày truyền thống của lực lượng Công binh 559 - Trường Sơn.
Với tinh thần lao động quên mình vì Miền Nam ruột thịt, Trung đoàn 98 khẩn trương triển khai thi công. Đến tháng 12 năm 1964 đã hoàn thành đoạn đường từ Bản Đông vào đến Bạc. Phó Tham mưu trưởng Công binh Nguyễn Văn Nhạn dẫn đầu đoàn xe Gatz gồm 7 chiếc chở hàng chạy vào đến Bạc trước sự vui mừng vô hạn của nhân dân các bộ tộc Lào và cán bộ chiến sĩ công binh.
Đường ô tô đã thông từ Miền Bắc qua đường 12 nối vào đường 129 đến đường 9 ở Mường Phìn, theo đường 9 đến Bản Đông, dọc Tây Trường Sơn vào đến Bạc dài 400 ki-lô-mét.
- Mở Đường 128A phía Bắc đường 9
Do đường 129 thấp, nhiều đoạn mùa mưa bị ngập lầy lội, xe không hoạt động được, việc mở đường mới thay cho đường 129 đã được đặt ra. Tháng 6 năm 1963, đội khảo sát của Cục Công binh do kỹ sư Hoàng Đình Luyến phụ trách đã triển khai khảo sát trục dọc từ đường 12 vượt đường 9 vào đến Bạc nhưng chưa có điều kiện thi công. Đầu năm 1965, Bộ Tư lệnh 559 lập công trường 128 để mở con đường này. Tiến hành khảo sát bổ sung đến tháng 7 năm 1965 hoàn thành. Hướng tuyến được nối từ đường 129 tại Xóm Péng đến Na Bo trên đường 9. Đường 128A mở ra, bảo đảm vận chuyển thuận lợi hơn và rút ngắn được gần 100 ki-lô-mét so với chạy trên đường 129.
- Mở đường 128 đoạn từ Bạc đi Tà Xẻng
Tiếp theo tiến hành mở nối kéo dài đường 128 từ Bạc đi Tà Xẻng hết đất Lào với chiều dài 250 ki-lô- mét. Trên cơ sở đường thồ cũ, Trung đoàn 98 và Trung đoàn 279 công binh cầu đường của Bộ mới điều vào thi công, cuối năm 1965 thông đến Tà Xẻng.
- Mở đường 128 đoạn từ Tà Xẻng đi Sêrepok
Tiếp theo ta mở đường 128 từ Tà Xẻng bên At Tô Pơ đất Lào sát gần ngã ba biên giới kéo dài đến Sêrepok Pốc thuộc Đắc Lắc của Việt Nam với chiều dài 219 ki-lô-mét. Ngày 30 tháng 10 năm 1968 hoàn thành.
Mở tiếp đường 128 đoạn từ Sêrepok đến Bù Gia Mập.
Năm 1973 - 1974 ta mở tiếp đường 128 cho tới Bù Gia Mập thuộc tỉnh Phước Long, chiều dài 80 ki- lô- mét, do lực lượng của Sư đoàn 470 Trường Sơn thi công.
Đường 128 là trục dọc quan trọng nhất và dài nhất ở Tây Trường Sơn. Xe vận chuyển của ta chạy theo đường 12, đường 20 Quyết Thắng .... vượt các cửa khẩu sang Lào theo đường 128 được tính từ Lằng Khằng trên đường 12 chạy suốt Hạ Lào, cắt một đoạn qua Đông Bắc Campuchia gần ngã ba biên giới rồi sang Tây Nguyên. Từ đây kéo vào tới Bù gia Mập thuộc Phước Long với tổng chiều dài 831 ki-lô-mét. Dọc theo đường 128, địch đánh phá tạo thành các trọng điểm vô cùng ác liệt. Ta mở rất nhiều đoạn đường tránh để bảo đảm giao thông đối phó với sự đánh phá của địch. Đây là một trục dọc bảo đảm vận chuyển chi viện hết sức quan trọng trên tuyến đường Trường Sơn.
MỞ ĐƯỜNG DỌC 22
- Đường 29 do Trung đoàn công binh 98 khởi công xây dựng ngày 9/8/1964. Điểm đầu từ Bản Đông trên đường 9 đến Sa Đi huyện Mường Nòong dài 28 ki-lô-mét
- Để hỗ trợ cho đường 128, ta mở thêm trục dọc đường 22. Điểm đầu từ Sa Đi (Km 236/Đ128), nối tiếp với đường 29, điểm cuối Km4 đường Tăng cát C, dài 135 Km. Khởi công ngày 1 tháng 6, đến ngày 15 tháng 11 năm 1970 hoàn thành.
Đường 22 và đường 29 nối thành trục dọc thứ hai bên tây đường 128 bên Tây Trường Sơn, gọi chung là đường dọc 22.
CẢI TẠO ĐƯỜNG DỌC 23
Đường 23 là một con đường dọc do Pháp làm. Điểm đầu từ Mường Phìn trên đường số 9, chạy xuôi xuống phía nam qua thị xã Sa Ra Van, về Thà Teng. Chiều dài 208 ki-lô-mét, Bộ đội Trường Sơn cải tạo nâng cấp để sử dụng. Từ năm 1971, trong chiến dịch đường 9 Nam Lào, đường 128 nằm trong khu vực chiến sự, đường 23 được sử dụng cho đến năm 1975.
MỞ ĐƯỜNG DỌC 24 (ĐƯỜNG KÍN)
Để đối phó với máy bay AC-130, năm 1971, Bộ Tư lệnh Trường Sơn chủ trương mở ra đường kín gọi là đường K. Đường dọc 24 điểm đầu từ Km 16 đường 18, điểm cuối: Kho K4 của Binh trạm 37. Tổng chiều dài 537 ki-lô-mét. Đã huy động cao nhất lực lượng Công binh Trường Sơn cùng các lực lượng khác tham gia với thời gian nhanh kỷ lục.
CÁC ĐƯỜNG DỌC BÊN ĐÔNG TRƯỜNG SƠN
SỬA CHỮA, CỦNG CỐ ĐƯỜNG CŨ
Đồng thời với việc mở đường 129, lực lượng của Bộ Tư lệnh 559 tiến hành sửa chữa, củng cố lại đoạn đường từ phía ngoài Vít Thù Lù vào tới Ho để xe ô tô của Tổng cục Hậu cần đưa hàng vào giao cho Bộ Tư lệnh 559.
MỞ ĐƯỜNG DỌC 15
Đây là một trục dọc trên Miền Bắc chạy song song với Quốc lộ 1 về phía tây, còn được gọi là đường "Thượng Đạo". Trong chiến tranh từ năm 1960 đến năm 1975, đường 15 là một trục dọc quan trọng, nhất là đoạn từ Tân Kỳ - Nghệ An đến Quảng Trị, được xác định là một trục dọc của đường Trường Sơn. Đường được xây dựng từ năm 1960 đến 1965, sau đó được nâng cấp lên dần. Quá trình sử dụng rất nhiều đơn vị quản lý, từ năm 1969 Bộ Tư lệnh 559 - Trường Sơn quản lý từ km 0 Lạc Thiện - Hà Tĩnh đến Bãi Hà - Cam Lộ dài 338 ki-lô-mét.
MỞ ĐƯỜNG DỌC 14 CÔNG BINH.
Để bảo đảm vận chuyển cho chiến dịch Đường 9 Nam Lào, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã mở đường 14 từ Cầu Khỉ - Lệ Thuỷ - Quảng Bình vào đến Hướng Hoá - Quảng Trị. Sau năm 1971 mở kéo dài đến Trao - Quảng Nam, đến 1973 hoàn thành với chiều dài 254 km.
CÁC ĐƯỜNG TRÁNH CỦA CÁC ĐƯỜNG DỌC
Trên các đường dọc, địch đánh phá tạo thành rất nhiều trọng điểm. Để giải toả cho các trọng điểm, ta đã mở các đường tránh. Điển hình là đường 128B tránh trọng điểm Văng Mu của đường 128A, đường 35A, 35B, 35C tránh trọng điểm Tha Mé trên đường 35. Sau này là một đoạn của đường 128, các đường nhánh của đường 24...
Thiếu tướng Hoàng Kiền
( còn nữa )