------------------------------------------------
KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI HẢI QUÂN VIỆT NAM
GẶP LẠI NHỮNG NGƯỜI RA TRẬN
Bút ký của Phạm Trọng Thanh
Chuyến khởi hành đầu năm 2005 của Ban liên lạc truyền thống Hải quân tỉnh Nam Định điểm hẹn đầu tiên là nhà đại tá Phạm Đức Tiến, cựu cán bộ Quân y viện 5- 8, tại chợ Bến, xã Giao Thịnh. Vậy là tôi với các nhà báo của tỉnh có cơ hội được dự buổi họp mặt truyền thống với các vị chỉ huy, các cán bộ kỹ thuật Hải quân, các dũng sĩ đặc công nước... có bề dày thành tích, chiến công thật đáng nể. Họ về đây từ các vùng quê Ý Yên, Nam Trực, Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy, Trực Ninh, Vụ Bản, thành phố Nam Định... Gặp nhau hôm nay, có những niềm xúc động thiêng liêng, chỉ những người trong cuộc mới cảm nhận hết được. Năm mươi năm, mấy thế hệ đi suốt cuộc chiến tranh dài, suốt chiều dài đất nước đến ngày toàn thắng. Những ai mãi mãi nằm lại chân rừng, góc biển trong các trận giáp chiến vô cùng ác liệt, thử thách can trường, mưu trí trước đạo quân xâm lược trang bị vũ khí tối tân với các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất. Những ai ra khỏi cuộc chiến đấu còn mang thương tật trên người, gắng sức vượt lên, trở lại cuộc sống bình thường. Tôi nhận ra một thoáng bâng khuâng trên gương mặt các cựu chiến binh từng trải, cùng về đây trong ngôi nhà sáng sủa bên phiên chợ biển lao xao như sóng. Tất cả đều chờ đợi một vị khách “người nhà”. Ông hẹn sẽ về thăm bạn bè đồng ngũ và thăm quê.
Rồi mọi người cùng đứng lên, cùng tiến ra cửa. Khách đã về! Phó Đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Tình tươi cười bước vào bắt tay từng người, tác phong giản dị, thân mật. Các vị cao niên choàng ôm vai ông, tiếng cười nói đầy cả căn nhà. Hai dãy bàn dài ngồi đối diện nhau, cuộc hội ngộ của những ra trận trở về thật ý vị. Phó Đô đốc Hải quân cùng các chiến hữu, ông được mời phát biểu. Theo yêu cầu của các phóng viên Đài Truyền hình Nam Định, với cương vị lãnh đạo, ông khái quát về Hải quân Nhân dân Việt Nam từ ngày ra đời đến nay, mỗi bước đi, mỗi bước trưởng thành, vượt qua gian nan thử thách, đánh thắng mọi mưu đồ và thủ đoạn chiến tranh tàn khốc của giặc Mỹ xâm lược cùng bè lũ chư hầu và tay sai, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, làm tốt nghĩa vụ quốc tế. Hải quân Nhân dân Việt Nam với bao gương anh hùng dũng sĩ, các tập thể và cá nhân, được dân tin, được dân quí, xứng đáng với các danh hiệu và Huân chương cao quí do Nhà nước phong tặng... Giọng ông rủ rỉ, thân thiết và xúc động khi nhắc đến những tấm gương đồng đội cảm tử, vì nhiệm vụ, dũng cảm hy sinh, quên mình vì đất nước...Ông nhắc đến các cán bộ, chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ trở về cuộc sống bình dị, chan hòa, gương mẫu trong sinh hoạt, được gia đình, làng xóm quí trọng, cấp ủy địa phương tin cậy. Các đồng chí vùa rời ba lô quân ngũ, tiếp tục cống hiến sức mình ở các địa bàn công tác mới, nhiều người tiếp tục hoàn thành chương trình học tập chính quy, tu nghiệp ở trong nước và ở nước ngoài, trở thành các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, các nhà hoạt động xã hội, cán bộ chủ chốt của các ngành...Họ đã qua trường học vĩ đại của cuộc chiến đấu gian khổ để đánh thắng kẻ thù xâm lược, qua trường huấn luyện vô cùng sinh động của Hải quân và các quân binh chủng anh hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Nhập ngũ năm 1963, từ quê biển Giao Yến, là một trong những chiến sĩ đặc công xuất sắc của lực lượng đặc công Hải quân, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình năm 1968 là phân đội trưởng thuộc Đội I Hải quân, bộ đội chủ lực mặt trận Đường 9 - Khe Sanh... “Trong năm 1968 đã dũng cảm, mưu trí, nhiều lần chọc thủng tuyến phòng thủ nghiêm ngặt của địch, đột nhập vào hậu cứ điều tra tình hình, nghiên cứu cách đánh nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Kết quả đã đánh chìm 4 tàu, đánh bị thương 1 chiếc khác, diệt nhiều sinh lực địch, phá hủy hàng nghìn tấn vũ khí, lương thực...” (Trích lời tuyên dương của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền NamViệt Nam, ngày 23 tháng 11 năm 1969). Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 24 tuổi, liên tục công hiến cho việc xây dựng quân chủng Hải quân trong tình hình và nhiệm vụ mới với cương vị Phó Đô đốc, Phó Tư lệnh về chính trị, Bí thư Đảng ủy Quân chủng Hải quân, Ủy viên Trung ương Đảng. Là người tham gia đánh thắng trận đầu tại Cửa Việt – Đông Hà (cùng với các đồng chí Nguyễn Đình Thi, Mai Năng) năm 1967. Đến nay, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình cũng như nhiều đồng chí không bao giờ quên sự chở che, đùm bọc của nhân dân vùng giặc chiếm đóng. Trong ngày vui vào dịp mừng 30 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông có dịp gặp lại người từng cứu mình thoát hiểm ở Cửa Việt – Đông Hà năm 1968 : chị Trương Thị Náo ngày ấy nay đã cao tuổi, cùng ôn lại chuyện cũ. Một lần, Nguyễn Văn Tình cùng một đồng chí đang ở dưới nước thì gặp một bọn lính đi càn. Hai chiến sĩ đặc công vội rút lên bờ theo hai ngả. Nguyễn Văn Tình chạy vào làng, tốp lính giặc lần theo vệt nước trên cát đuổi theo. Ông kể: “Lúc ấy tôi chạy vào nhà chị Náo, quần áo sũng nước. Chị nhanh trí, lấy chiếc ghế đẩu cho tôi leo lên nấp trên trần nhà. Để xóa dấu vết, chị múc một chậu nước đặt giữa nhà và gọi em Lài, em gái 12 tuổi đến vừa la vừa đánh về cái tội “con gái lớn còn đái dầm”. Chị đạp đổ chậu, nước tràn ra lênh láng. Vừa lúc đó, tốp lính xộc vào nhà, một tên lăm lăm tiểu liên cực nhanh, trỏ mặt chị quát hỏi: “Việt cộng vô đây, đâu? Nói mau!”. Chị lắc đầu “không biết”, miệng lại la cô em “đái dầm”. Lài bật khóc tức tưởi, vùng vằng thật tội. Tên lính phùng má, trợn mắt tức tối, nó lia đại một băng tiểu liên lên trần nhà rồi tháo lui. Ông Tình hôm ấy ém trên trần nhà vẫn an toàn. Cái ơn cứu thoát người chiến sĩ đặc công năm xưa, giờ nghe ông Tình kể lại, bà Trương Thị Náo chỉ khẽ gật đầu mỉm cười.
Ngồi cạnh Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình là anh hùng LLVTND Nguyễn Đình Thi, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 126 Đặc công Anh hùng, quê ở xã Giao Hương, nhập ngũ năm 1961. “Từ tháng 2/1967 đến năm 1972, chiến đấu ở Cửa Việt - Đông Hà, điều kiện hoạt động gian khổ, ác liệt. Địch tổ chức canh phòng cẩn mật, bố trí nhiều bãi mìn, hàng rào, tàu tuần tiễu thường xuyên đi lại. Đêm đêm, máy bay thả pháo sáng, đại bác bắn ngăn chặn những con đường đi lại vào cảng, lính trên tàu cứ 5-10 phút lại ném lựu đạn, bắn tiểu liên xuống nước...đồng chí đã nêu cao quyết tâm, chiến đầu dũng cảm, mưu trí...đánh chìm 6 tàu địch chở hàng nghìn tấn vũ khí, đánh sập 2 cầu, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh...hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao...Trong chiến dịch Quảng Trị năm 1972, đã chỉ huy đơn vị đánh chìm 4 tàu chở đầy vũ khí, đánh sập 2 cầu, cắt đứt đường tiếp tế của địch trên sông Thạch Hãn. Khi chỉ huy giữ chốt Ái Tử, đồng chí đã chỉ huy đơn vị đánh lui các đợt tiến công của địch, diệt nhiều tên. Là cán bộ chỉ huy, đồng chí đã chú trọng xây dựng đơn vị tiến bộ về mọi mặt. Khi ở cương vị tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn...đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, khiêm tốn, giản dị, được đồng đội tin yêu”...(Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam tuyên dương ngày 31-10-1978). Ông ngồi đó, trong bộ thường phục, dung dị, điềm đạm, ở tuổi ngoài sáu mươi, ông vẫn tráng kiện, nói năng từ tốn thân mật. Một người với sải cánh tay rộng khỏe, bơi vượt hàng chục ki-lô-mét sóng biển, bao lần vượt qua các cửa tử, cùng đồng đội mang chiến thắng trở về.
Đại tá Nguyễn Xuân Bột, Trưởng ban liên lạc, mái tóc phơ phơ như sóng bạc đầu vịnh Bắc Bộ. Ở tuổi bảy mươi lăm, ông vẫn còn khỏe. Từ quê nhà Yên Đồng, Ý Yên, nhập ngũ năm 1949, đánh Pháp xong, ông được chọn đi đào tạo trở thành thuyền trưởng-chỉ huy đội tàu phóng lôi đánh đuổi tàu Ma-đốc của Hải quân Mỹ xâm phạm lãnh hải. Ông trực tiếp tham gia trận đánh ngày 5/8/1964 ở Hạ Long, tiếp đó là trận giao chiến ác liệt với máy bay, tàu chiến, pháo hạm Mỹ Lạch Trường, Sông Gianh...Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, vị chỉ huy Lữ đoàn 172 anh hùng này tham gia giả phóng Vũng Tàu, chặn đường rút lui của Hải quân Việt Nam Cộng hòa ở cửa Soài Rạp. Đơn vị ông tham gia giải phóng Côn Đảo, đón các chiến sĩ cách mạng bị Mỹ - Ngụy giam giữ tại đây trở về đất liền.
Đại tá Nguyễn Xuân Bột, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 172 Hải quân – đơn vị Anh hùng LLVTND (bên phải)
cùng tác giả Phạm Trọng Thanh , (Ảnh chụp tháng 4/2005)
Một vị cao niên thứ nhì tại cuộc gặp mặt truyền thống này là đại tá Phạm Văn Chủng đã bảy ba tuổi, nghỉ hưu tại quê nhà Nam Trực. Ông có một hành trình dài gắn bó với Hải quân, nguyên Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn 126 Hải quân, nguyên Hiệu trưởng Trường trung cấp Kỹ thuật Hải quân. Tôi ngồi cạnh và hỏi nhỏ anh Nguyễn Văn Tuyển, một cựu cán bộ nghiệp vụ thuộc Lữ đoàn 126 (quân của ông Chủng), người vào chiến trường miền Nam từ tháng 4/1971, đi theo C1, đánh tàu địch ở Tân Châu, An Giang. Tôi nhờ anh giới thiệu với các cựu chiến binh Hải quân để có thêm tư liệu cho bài ký. Kia là Thượng tá Trần Thanh Tú, nguyên Tiểu đoàn phó chính trị Công binh Hải quân 83, nghỉ hưu tại quê nhà, xã Hải Long, Hải Hậu. Anh là một trong ba Phó trưởng ban liên lạc. Thượng tá Trần Thanh Hải, nguyên Đoàn phó chính trị Đoàn 126, nhỉ hưu tại thị trấn Yên Định... Chúng tôi tiễn vị Phó Đô đốc lên đường. Ngoài kia là sắc son hoa gạo cháy như đuốc dọc con đường quê biển.
Chúng tôi lên xe, làm một chuyến thăm nhà những cán bộ, chiến sĩ Hải quân trở về. Quê hương những người ra trận đã trở nên thân thiết, thiêng liêng. Những năm các anh công tác, chiến đấu xa nhà, phía sau bờ giậu, sau cánh cửa khép hờ là nỗi mong chờ phấp phỏng, ngọn đèn hạt đỗ trăn trở mỗi dòng thư. Các bà mẹ, những người vợ, người yêu...hồi hộp dõi trông qua ngày biển động ầm ầm tiếng sóng; lắng nghe trong đêm chớp bể mưa nguồn sấm dội trời xa, cầu mong tin chiến thắng trên hành trình những người đi cứu nước.
Lối ngõ sạch sẽ, mảnh vườn quê cùng căn nhà hướng ra đường làng thôn Trà Thủy, xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường này, năm 1961 có một chàng trai nhập ngũ, trở thành lính Hải quân. Chỉ sáu năm sau, năm 1967, anh có mặt trên con Tàu Không Số, bắt vào hải trình đường Hồ Chí Minh trên biển, bí mật vượt qua hàng nghìn hải lý, vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Người đi, anh Đỗ Đức Tăng, từng dự lễ truy điệu sống mình, bởi anh có thể không trở về trong cuộc đối đầu với sóng to gió cả trùng khơi, với máy bay, tàu chiến địch săn lùng bất kể ngày đêm. Người ở nhà, chị Phạm Thị Lương khi đã về làm dâu nhà họ Đỗ cũng xin nghỉ việc ở Ty Nông nghiệp, đảm đang hết công việc gia đình để người đi chiến đấu vững tay chèo lái, vượt qua hiểm nguy. Sau những chuyến vận chuyển vũ khí thắng lợi, thuyền trưởng tàu không số Đoàn 125 anh hùng - thiếu tá Đỗ Đức Tăng về làm Phó bí thư Đảng ủy Phòng Tham mưu vùng I Hải quân cho đến ngày nghỉ hưu tại quê nhà trong mái ấm gia đình, làng xóm thân yêu. Bóng nắng bên cầu ao, ánh lửa chập chờn trong bếp nhà mình cũng thiêng liêng như ánh hải đăng chớp sáng định hướng cho con tàu xung trận. Và người ra trận vững lòng khi biết phía sau là hậu phương thủy chung lặng thầm tiếp sức cho mình vững niềm tin trên chặng đường xa.
Trở lại bến sông Hồng, ngắm dòng sông khoáng đạt, nghe tiếng sóng nối dài từ thuở khai thiên lập địa, từ thuở dũng sĩ Yết Kiêu nhấn chìm thuyền giặc trong thế trận sông biển trùng trùng thời Trần khiến lòng ta lâng lâng. Dòng sông quê hương vừa đi vừa bồi đắp đất đai trù phú, lại dịu dàng đằm thắm nằm ngủ bên vầng lá sen xanh ngát trưa hè trước biển trời Ba Lạt nhuộm hồng mặt biển chân mây.
Tôi nhìn sang người đồng hành trẻ nhất, nói năng sôi nổi toàn chuyện lính như ngày còn tại ngũ: thượng sĩ Trần Văn Minh. Anh đỗ vào đại học An ninh nhưng lại xin nhập ngũ ở E46, học trường pháo binh quân khu Ba, đi chiến đấu, biên chế thuộc D1 xung kích. Anh trải qua các trận đánh giải phóng Sài Gòn từ hướng Xuân Lộc, Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ... rồi được điều vào đơn vị Hải quân giải phóng Côn Đảo ngày 3/5/1975, trở thành lính của vùng 5 Hải quân. Trần Văn Minh trụ lại Côn Đảo, ở bộ phận “Cơ yếu” của đơn vị cho đến cuối năm 1977 mới chuyển ngành về thành phố Nam Định công tác quản lý thị trường.
Kia là Thạc sĩ Hoàng Dương Chương, “Dũng sĩ diệt cá sấu”- nguyên Phân đội phó Đoàn 10 đặc công Rừng Sác anh hùng kể rằng: Con dao găm anh cầm thọc mạnh vào mũi con cá sấu hung tợn khiến nó phải há cái miệng đỏ lòm đầy răng lởm chởm nhả vội người chiến sĩ đặc công quả cảm trên sông Lòng Tàu năm 1967 là kỷ vật thời chống Pháp, ông cụ thân sinh trao cho con trai ngày anh lên đường. Năm 1951, trong chiến dịch Hà Nam Ninh, cha anh được tặng chiến lợi phẩm này. Con dao lưỡi thép không gỉ, sáng lóa, anh luôn giắt vào người suốt các trận đánh đặc công “xuất quỷ nhập thần” ở cửa ngõ Sài Gòn.
Còn Trần Giới Trạch lên đường từ quê nhà Vân Cát, Vụ Bản nơi có những buổi giêng hai hoa xoan tím ngát, “Hội xuân gió loạn đuôi cờ”. Nơi ông nội anh là nhà Nho yêu nước, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, trở thành chủ tịch xã Kim Thái những năm đầu cách mạng tháng Tám thành công. Cha anh là Bí thư Đảng ủy ba xã thuộc huyện Vụ Bản. Trong kháng chiến chống Pháp, cha là Thành đội trưởng Nam Định và trong kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của không lực Hoa Kỳ, cha là Ủy viên Thường vụ Thành ủy Nam Định, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự thành phố Dệt anh hùng. Truyền thống gia đình quê hương âm thầm chảy trong huyết quản, trong trái tim người chiến sĩ. Cũng như các bạn cùng trang lứa, Trần Giới Trạch đi đến điểm chốt địa đầu phía tây nam Tổ quốc, tham gia giải phóng đảo Phú Quốc sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Trưởng thành từ đơn vị ra-đa quan sát biển trời đông bắc Tổ quốc, Đào Huy Quý có cả một quá trình cống hiến cho công tác vũ khí, khí tài đặc chủng Viện nghiên cứu Kỹ thuật Hải quân. Được đào tạo cơ bản tại nước bạn, vị thiếu tá quê Liên Minh, Vụ Bản có học vị Tiến sĩ, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, tiếp quản Học viện Hải quân Nha Trang. Thân phụ anh là cán bộ lão thành cách mạng , hoạt động từ tiền khởi nghĩa, làm Bí thư Huyện ủy huyện Mỹ Lộc, trải qua những thử thách gian nan, giữ vững tấm gương kiên trung với Đảng cho con cháu noi theo. Tiến sĩ Đào Huy Quý là ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định, giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh và là Phó ban Liên lạc truyền thống Hải quân tỉnh Nam Định. Anh đón chúng tôi tại tại nhiệm sở, trao cho cánh nhà báo danh sách trích ngang các thành viên. Trong cuộc phỏng vấn này, tôi chú ý đến các cựu chiến binh Hải quân, các chiến sĩ đặc công đã chuyển ngành và đang công tác ở các cơ quan trong tỉnh, phấn đấu trên cương vị mới và có những cống hiến mới. Đó là Vũ Tuấn Phong, lính cựu trực tiếp chiến đấu ở Lữ đoàn 172, nay là Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh cùng một nhiệm sở với Nguyễn Mạnh Tuyển- Phó giám đốc. Nguyễn Xuân Ngọc - cựu đặc công sông nước Nam Bộ, hiện công tác tại Phòng kế hoạnh Sở Y tế Nam Định. Trần Quốc Chí, cựu quân báo trinh sát kỹ thuật, 10 năm ở chiến trường Quảng Trị, Phó chủ tịch UBND thành phố Nam Định, hiện làm công tác Đảng của Thành ủy Nam Định. Và Trần Giới Trạch vẫn đảm nhiệm công tác kiểm tra của Đảng ủy khối Dân chính Đảng tỉnh Nam Định. Nhà văn Lê Hoài Nam, sĩ quan chính trị thuộc Cục chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân chuyển ngành đã có trên mười năm công tác ở Hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh, được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Hội VHNT Nam Định, Tổng biên tập tạp chí Văn nhân.
Để hoàn thành bài viết, tôi đến một địa chỉ nữa, tìm người chiến sĩ đặc công “nằm vùng” ở chiến trường duyên hải khu Năm. Anh công tác tại Tỉnh ủy Nam Định, là Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra, đại biểu Quốc hội Khóa X, từng kinh qua công tác Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nam Định năm 1996. Từ quê hương Mỹ Lộc, đền Trần, Trần Mạnh Đĩnh nhập ngũ năm 1970, năm sau đã tác chiến ở chiến trường Bình Định. Đơn vị anh bám trục quốc lộ I miền duyên hải xứ dừa Bình Định, từ đèo Bình Đê đến nam Qui Nhơn. Biết bao nhiêu gian khó, hiểm nguy, người chiến sĩ đặc công phải đối mặt với kẻ địch bằng bản lĩnh chiến đấu, mưu trí, dựa vào thế trận lòng dân mà đánh giặc. Anh kể chuyện những lần vùi mình trong trảng cát dưới bóng một lùm dương lúp xúp, chỉ lo có con chim nào đỗ xuống, bọn lính đi tuần bắn rớt chim tìm đến thì lộ hết. Mình phải tìm cách đuổi chim đi, chờ mặt trời lặn mới giũ cát đứng dậy, đi làm nhiệm vụ. Những lần ra, vô căn cứ địch, đánh gọn rút nhanh. Cuối năm 1972, cùng đồng đội đánh chìm một tàu chiến Mỹ trên biển Phù Mỹ. Năm 1973, đánh vào Duyên đoàn 23 Hải quân ngụy, diệt 6 hải thuyền ở cửa biển Đề Di. Tháng 3/1975, Trần Mạnh Đĩnh và hai chiến sĩ đặc công nhận nhiệm vụ đánh cây cầu ở chân đèo Nhông trên quốc lộ I, chặn đường rút lui của giặc. Trong đêm tiềm nhập, các anh vượt qua các chốt gác, bơi chìm, dìu khối thuốc nổ 300kg dười lòng sông, cắt bỏ mấy lớp rào bùng nhùng. Lúc tiếp cận trụ cầu, nhìn rõ đốm lửa và cả mùi thuốc lá của tên lính gác dưới gầm cầu. Cột khối thuốc nổ, tháo chốt hẹn giờ, lại bơi ngược dòng sông, lách qua bãi mìn về hậu cứ. Nghe tiểng nổ váng trời, sóng lửa bùng cao, cầu sập...lúc ấy mới biết mình đã hoàn thành nhiệm vụ, được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba...
Bài viết đã dài mà chưa đủ. Tuy vậy, trong một dịp tiếp xúc thân mật với các cán bộ, sĩ quan, hạ sĩ quan, đặc công cựu chiến binh, qua ban Liên lạc Truyền thống Hải quân tỉnh Nam Định đã tạo cho chúng tôi cơ hội thâm nhập để viết về các anh - những người ra trận từ quê hương giàu truyền thống chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mang chiến công vang dội trở về.
Nam Định, tháng 5/ 2005-Tháng 5- 2020
Phạm Trọng Thanh