"Trường Sơn huyền thoại" - Chùm bài viết của Thiếu tướng Hoàng Kiền - Phần III (Tiếp theo.)

Ngày đăng: 06:33 16/05/2020 Lượt xem: 503
-----------------------------------------------------------

Mãi còn trong trái tim tôi
Bao miền ký ức một thời Trường Sơn
 
Trân trọng giới thiệu một số phần chính về Trường Sơn - Con đường huyền thoại.
 
 
PHẦN III
ĐẤU TRÍ VÀ ĐỌ SỨC TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG NGĂN CHẶN
CỦA BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN

(Tiếp theo)

 

         II.CHỐNG NGĂN CHẶN BẰNG BỘ BINH CỦA ĐỊCH

         "ĐÁNH ĐỊCH MÀ ĐI, MỞ ĐƯỜNG MÀ TIẾN"

         Để bảo đảm địa bàn cho Tuyến vận chuyển chi viện chiến lược, năm 1961 các lực lượng của Bộ đã tổ chức đánh địch, từng bước tạo ra vùng giải phóng trên địa bàn khu vực miền tây Quảng Trị bên Đông Trường Sơn. Bên Tây Trường Sơn, liên quân Việt - Lào đã mở các chiến dịch giải phóng một vùng rộng lớn Trung và Hạ Lào, từ Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng xuống Khăm Muộn, Xa Va Na Khét, nối thông với vùng giải phóng Hạ Lào và Miền Nam Việt Nam tạo điều kiện cho Đoàn 559 hoạt động.

         Phía Đông Trường Sơn quân Mỹ - nguỵ, bên Tây Trường Sơn quân nguỵ Lào có sự hỗ trợ của quân Thái Lan thường xuyên nống ra ngăn chặn tuyến đường vận chuyển. Chúng thả biệt kích, thám báo xuống các khu vực trọng điểm; phỉ Lào luồn rừng chiếm các cao điểm. Các hoạt động của chúng là chỉ điểm cho máy bay đánh phá, trực tiếp ngăn chặn, phá hoại, gây cho ta nhiều khó khăn.
         Lực lượng bộ binh Trường Sơn gồm các đại đội bộ binh thuộc các binh trạm, các tiểu đoàn bộ binh trực thuộc các sư đoàn, tổ chức phối hợp đánh địch, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, tạo địa bàn cho tuyến vận chuyển hoạt động.
         Tháng 7/1970, Bộ điều Sư đoàn bộ binh 968 đang chiến đấu trên chiến trường Nam Lào về trực thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Các đơn vị bộ binh thuộc các binh trạm và hai trung đoàn độc lập phối hợp cùng Sư đoàn 968 đánh địch mở rộng địa bàn, giải phóng Mường Pha Lan, thị xã Sa Ra Van tạo điều kiện cho mạng đường phát triển sang phía tây của Nam Lào.

         Ngày 30 tháng 4 năm 1970, lực lượng hỗn hợp Mỹ - nguỵ Sài Gòn trên 10 vạn quân được máy bay, pháo binh yểm hộ ào ạt tiến công lên vùng "lưỡi câu" thuộc tỉnh Công Pông Chàm giáp với Tây Ninh. Chiến dịch có tên gọi là "Thần lửa" nhằm "cất vó" cơ quan đầu não của ta. Chúng đã gây cho ta rất nhiều khó khăn và thiệt hại.
Chiến trường Nam Bộ và Nam Tây Nguyên bị cắt đứt nguồn tiếp tế.
         Để phá thế bao vây chiến lược của địch, Bộ Chính trị BCHTW Đảng ta đã thống nhất với hai Đảng anh em Lào và Campuchia, mở rộng vùng giải phóng Trung - Hạ Lào và đông bắc Campuchia, nối với Tây Nguyên và Miền Đông Nam Bộ, hình thành một căn cứ hậu phương chiến lược của các chiến trường nam Đông Dương, đưa vận tải cơ giới vào sâu, đáp ứng nhu cầu kịp thời của cách mạng ba nước.
         Chấp hành chỉ thị của Bộ, trung tuần tháng 4 năm 1970, Bộ Tư lệnh Miền mở đợt tiến công mới đánh chiếm Kra Chiê, Stung Treng, vượt sông Mê Công giải phóng Rê Viêng, Xiêm Riệp. Một lực lượng của Bộ Tư lệnh Trường Sơn phối hợp đánh chiếm Xiêm Pạng, một huyện giáp với biên giới Nam Lào. Chiến dịch thắng lợi, mở ra vùng giải phóng Đông Bắc Campuchia tạo thuận lợi cho đường Trường Sơn hoạt động.

         THAM GIA CHIẾN DỊCH ĐƯỜNG 9 NAM LÀO.

- Từ năm 1964 đến 1970, suốt hơn 6 năm sử dụng tối đa sức mạnh của không quân, Mỹ vẫn không ngăn chặc được sự chi viện của hậu phương lớn Miền Bắc cho tiền tuyến lớn Miền Nam. Mỹ- nguỵ đã quyết định mở chiến dịch qui mô lớn bằng bộ binh tiến công đánh vào đường Trường Sơn. Lực lượng gồm quân Mỹ, quân nguỵ Sài Gòn, quân Hoàng gia Lào và quân đội đội Thái Lan tham gia.
- Ngày 30 tháng 1 năm 1971, cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch đánh vào khu vực đường 9 bắt đầu. Hơn 4 vạn quân chủ lực nguỵ miền Nam, 6000 quân Mỹ, gồm những đơn vị tinh nhuệ nhất. Với số lượng lớn binh khí kỹ thuật, gồm 580 xe tăng và xe bọc thép, 320 khẩu pháo, 1.000 máy bay (trong đó có 600 máy bay lên thẳng, 45 máy bay B52), chúng tập kết tại Đông Hà tiến lên khu vực xuất phát là Khe Sanh. Từ đây cuộc hành quân được thực hiện bằng hai phương thức:
         Tiến công đường bộ: Đánh theo đường 9 mục tiêu là đánh tới Bản Đông, Sê Pôn trên đất Lào.
         Đổ bộ đường không: Đổ bộ xuống các khu vực trọng điểm để cắt đứt đường Trường Sơn trong một phạm vi có chính diện và chiều sâu khá lớn ở khu vực nam đường 9.
        Phối hợp ở phía tây, quân nguỵ Lào huy động 4 tiểu đoàn từ Đồng Hến đánh ra khu vực Mường Pha Lan, phía tây Mường Phìn, quân đội Thái Lan hỗ trợ, sẵn sàng tham chiến.
         Mục tiêu trong chiến dịch này là hành quân hòng cắt đứt hoàn toàn tuyến vận tải chiến lược, phá huỷ tối đa các kho chiến lược trên đường Trường Sơn, ngăn chặn sự chi viện các mặt cho lực lượng của ta ở các chiến trường.
         Để đánh bại cuộc hành quân này, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào.
         Do nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn đã lấy được toàn bộ kế hoạch cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ nguỵ, báo cáo ra Bộ Tổng Tư lệnh, chúng ta đã chuẩn bị trước để đối phó.
         Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã chuẩn bị thế trận cho chiến dịch phản công. Lực lượng của Bộ được điều động đến phục sẵn như Sư đoàn bộ binh số 2 và một số đơn vị khác.
         Cánh đông Bắc thành lập mặt trận B70 bao gồm các Sư đoàn 304, 308, 320 và các trung đoàn, tiểu đoàn độc lập.
         Cánh phía tây giao cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn phụ trách gồm: Sư đoàn 968, Sư đoàn 2, Trung đoàn 48, Trung đoàn 29, cùng một số trung đoàn, tiểu đoàn binh chủng. Bộ đội Trường Sơn là lực lượng dự bị đánh địch tại chỗ trên toàn địa bàn chiến dịch. Các đơn vị của BTL Trường Sơn được trang bị vũ khí bộ binh để tham gia đánh địch.
         Ngày 3/1/1971, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi toàn thể cán bộ chiến sĩ trên mặt trận Đường 9 - Nam Lào: " .... Trận này là một trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược....Quân đội ta nhất định phải đánh thắng trận này".
         Ngày 23 tháng 3 năm 1971, Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi. Âm mưu của Mỹ nguỵ cắt đứt Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn bị thất bại hoàn toàn. Quân đội Sài Gòn - nòng cốt của học thuyết Ních Xơn "Việt Nam hoá chiến tranh" bị giáng một đòn thất bại nặng nề. Hơn 2 vạn tên địch bị loại khỏi vòng chiến đấu. 1.138 xe tăng, xe bọc thép, xe kéo pháo, 112 pháo lớn bị phá huỷ, 556 máy bay trong đó có 505 máy bay trực thăng bị bắn rơi....
         Vừa trực tiếp bảo đảm cho Chiến dịch, vừa tham gia Chiến dịch, Bộ đội Trường Sơn đã tiêu diệt 5.695 tên, bắt 614 tên, bắn rơi 346 máy bay (có 310 trực thăng), thu 125 xe pháo các loại.
         Bộ đội Trường Sơn vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia Chiến dịch, vừa tiếp tục vận chuyển chiến lược cho các hướng chiến trường vượt chỉ tiêu đề ra.
         Sau Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, cuộc chiến tranh ngăn chặn chi viện của đế quốc Mỹ bị phá sản hoàn toàn.

         MỞ CHIẾN DỊCH BẢO VỆ HÀNH LANG PHÍA TÂY.

         Cuối năm 1972, được không quân Mỹ yểm trợ, binh đoàn cơ động nguỵ Lào mở gọng kìm tiến công các khu vực chốt giữ của ta. Đầu tháng 10 năm 1972, địch chiếm được thị trấn Mường Pha Lan trên đường số 9 phía tây Mường Phìn. Ở hướng hạ Lào địch chiếm lại Sa Ra Van, cắt đứt đường 23.
         Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã mở chiến dịch tiến công địch. Lực lương gồm Sư đoàn 968, các đơn vị của Sư đoàn 472 cùng quân đội Pa Thét Lào đánh chiếm lại Mường Pha Lan, Thị xã Sa Ra Van, giải phóng hai thị xã Pắc Soòng, Pắc Xế, chiếm cao nguyên Bô lô Ven, một khu vực rất quan trọng, đánh bại âm mưu của địch đánh cắt đường Trường Sơn ở phía tây.
         Bộ binh Trường Sơn bao gồm Sư đoàn 968, 2 trung đoàn độc lập và các đơn vị bộ binh thuộc các binh trạm, sư đoàn là lực lượng chủ động phối hợp với quân và dân Bạn, với các chiến trường của ta, các lực lượng trên tuyến đánh bại các chiến dịch tiến công lấn chiếm vùng giải phóng của Bạn, các chiến dịch tiến công vào hành lang vận chuyển chiến lược của ta. Tạo điều kiện mở rộng chính diện và chiều sâu vùng căn cứ địa Nam Đông Dương, bảo vệ vững chắc Tuyến chi viện chiến lược- Đường Hồ Chí Minh trong mọi tình huống.
         Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, 7 đơn vị các cấp đã được tuyên dương danh hiệu AHLLVTND, trong đó có Sư đoàn Bộ binh 968. Hai cá nhân là Thượng uý Lê Xuân Bằng và Thượng uý Phan Châu Mẫn được tuyên dương Anh hùng.

BỘ BINH TRƯỜNG SƠN

Mạng đường chiến lược mở ra
Dọc, ngang nối mạng vươn xa không ngừng
Đông-Tây khắp dải núi rừng
Bộ binh, biệt kích nống, lùng mọi phương.

Quyết tâm thực hiện chủ trương
"Đánh địch mà tiến, mở đường mà đi"
Bộ binh bám trụ kiên trì
Chiến đấu dũng cảm, gian nguy coi thường.

Triển khai khắp mọi cung đường
Ngăn chặn, bảo vệ, kiên cường xông pha
Phát triển liên tục tạo đà
Từ phân đội nhỏ, mở ra sư đoàn.

Đập tan các cuộc hành quân
Chặn địch, giữ vững an toàn hành lang
Giải phóng mở rộng địa bàn
Tạo lập căn cứ, lo toan bố phòng.

Tham gia chiến dịch Phản công
Nam Lào - Đường 9 hiệp đồng đỉnh cao
Tiến công khắp Trung - Hạ Lào
Mở vùng giải phóng bọc bao "Đường mòn".

Rạng danh Bộ đội Trường Sơn
Hợp thành binh chủng mốc son trên đường
Trường Sơn là một Chiến trường
Chi viện chiến đấu kiên cường lập công.

Con đường thống nhất non sông
Viết nên huyền thoại mãi không phai nhoà
Bộ binh lực lượng tinh hoa
Chiến công toả sáng, bài ca tự hào.


Thiếu tướng Hoàng Kiền
( còn nữa )
tin tức liên quan