"Trường Sơn huyền thoại" - Chùm bài viết của Thiếu tướng Hoàng Kiền - Phần VI

Ngày đăng: 08:05 20/05/2020 Lượt xem: 348
-----------------------------------------------------------

Mãi còn trong trái tim tôi
Bao miền ký ức một thời Trường Sơn
 
Trân trọng giới thiệu một số phần chính về Trường Sơn - Con đường huyền thoại.
 
 
PHẦN VI

XÂY DỰNG NGHĨA TRANG LIỆT SĨ
QUỐC GIA TRƯỜNG SƠN

 

         Trải qua 16 năm hoạt động, Đường dây 559 - Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã lập nên những chiến công huyền thoại, con đường thống nhất non sông, mãi mãi ghi vào lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Để có được chiến công lịch sử ấy, phải đổi bằng xương máu với những tổn thất rất lớn. Từ lúc "soi đường lập trạm" đến ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam có gần 23 nghìn người hi sinh, phần lớn trên đất Lào.
Ngay sau khi Hiệp định Pa Ri được kí kết, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đứng đầu là Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã có chủ trương xây dựng nghĩa trang Trường Sơn và đưa hài cốt các liệt sĩ Trường Sơn từ bên Lào, Campuchia về nước. Nếu chậm trễ sẽ không có thời cơ và có tội với những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên con đường huyền thoại mang tên Bác.

         Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Trường Sơn được giao tổ chức nhiệm vụ ý nghĩa và quan trọng này. Từ đầu năm 1973 các đội qui tập mộ liệt sĩ được thành lập ở tất cả các trung đoàn, sư đoàn, các đơn vị trực thuộc, (mỗi đội có 15-20 người) trong điều kiện Bộ đội Trường Sơn đang tiếp tục làm nhiệm vụ chi viện cho cách mạng Miền Nam và giúp đỡ cách mạng Lào và Campuchia. Đây là một chủ trương vô cùng sáng suốt, mang ý nghĩa nhân văn cao cả và mang đậm dấu ấn tâm linh theo truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

         Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đã phê chuẩn dự án xây dựng nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn tại địa bàn tỉnh Quảng Trị, xây dựng tượng đài, đặt bia mộ các Anh hùng Liệt sĩ Trường Sơn. Là nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh xương máu của mình trên các nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

         Vị trí đặt nghĩa trang được lựa chọn kỹ. Đích thân Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đi khảo sát thực địa. Cuối cùng Bộ Tư lệnh chọn Bến Tắt thuộc xã Vĩnh Tường huyện Gio Linh, bờ Nam sông Bến Hải tỉnh Quảng Trị để xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Cục Tham mưu Công binh được giao chủ trì thiết kế và chỉ đạo thi công. Nhà thơ Phạm Tiến Duật được giao nhiệm vụ đến Thư viện Quốc gia nghiên cứu các văn bia, trực tiếp đi nghiên cứu một số văn bia các di tích lịch sử - văn hoá để làm bia công tích. Nhà điêu khắc Minh Đỉnh được giao nhiệm vụ thiết kế và chỉ đạo thi công cụm tượng đài Bộ đội Trường Sơn. Tư lệnh Đồng sỹ Nguyên trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo.
         Nghĩa trang được khởi công xây dựng vào ngày 24 tháng 2 năm 1975. Lực lượng thi công là Tiểu đoàn Công binh 674 và một số đơn vị xe máy, nhân lực phối thuộc khác. Ngoài ra còn có tổ công nhân chuyên khắc chữ vào bia đá xã Hoà Hải, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.
         Ngày 14/ 5/1975, bắt đầu an táng hài cốt liệt sĩ. Đến ngày 22/12/1975, đã qui tập an táng được 10.263 mộ. Ngày 10/4/1977 Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức khánh thành Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn.
         Sư đoàn 565 Bộ đội Trường Sơn duy nhất còn lại bên Tây Trường Sơn từ năm 1974, rút khỏi Lào vào tháng 4 năm 1976. Trung đoàn Công binh 34 thuộc Sư đoàn 565 về nước cuối cùng. Đoàn xe rời nước bạn Lào trở về đất Việt với hơn 600 cán bộ chiến sĩ, mang theo gần 4 trăm rưỡi bộ hài cốt đồng đội về cùng.

         Năm 1992, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã viết thư kêu gọi các địa phương, các ngành, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ được 1 tỷ đồng giao cho Binh đoàn 12 tổ chức cải tạo, nâng cấp.
      Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/1999), được Nhà nước bố trí ngân sách, ngày 14 /5 /1999 tổ chức lễ khởi công tôn tạo nghĩa trang Trường Sơn. Bao gồm: Xây nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nâng cấp khu hành lễ, cải tạo toàn bộ khu vực mộ, nâng cấp đường nội bộ, khu trung tâm hành lễ, Đài tưởng niệm bằng đá tự nhiên khuyết ba mặt thế chân kiềng vững chắc trên quả đồi cao 32 mét, biểu tượng cho nhân dân ba nước Đông Dương đoàn kết chống kẻ thù chung, đồng thời cũng biểu hiện cho sự tổn thất, hy sinh rất lớn của Bộ đội Trường Sơn. Có 6 bức phù điêu được chạm khắc trên đá nguyên khối màu trắng, biểu hiện cho đội hình binh chủng hợp thành của Bộ đội Trường Sơn trên chiến trường Trường Sơn, biểu hiện cho quyết tâm "Mở đường mà tiến - Đánh địch mà đi". Mỗi khu mộ của các tỉnh, thành được xây dựng các Nhà bia tưởng niệm với những kiến trúc tâm linh mang bản sắc dân tộc và đặc điểm của địa phương mình để anh linh các liệt sĩ như được sưởi ấm tình cảm quê hương trong lòng Đất Mẹ.

         Nghĩa trang Trường Sơn là nơi yên nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh thầm kín của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
         Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn ngày nay không chỉ là nơi yên nghỉ của các Anh hùng Liệt sỹ mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn không chỉ là nơi để các gia đình liệt sỹ, các đoàn đại biểu của Đảng và Nhà nước, chính quyền các địa phương đến viếng thăm và thực hiện việc đền ơn đáp nghĩa mà còn là nơi hành hương của nhân dân khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế theo truyền thống đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam: Uống nước nhớ nguồn.

         Được sự ủng hộ của Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã tổ chức chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn" động viên các tấm lòng vàng từ mọi miền đất nước. Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Trị và Hội Trường Sơn Việt Nam tổ chức xây dựng Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn - Bến Tắt, tại phía nam cầu Bến Tắt. Nơi đây thờ gần 13.000 liệt sĩ Trường Sơn hi sinh nhưng đến nay còn nằm đâu đó trên đại ngàn Trường Sơn chưa tìm được hài cốt. Theo truyền thống của dân tộc, Đền còn được gọi là đền thờ bái vọng. Thờ các liệt sĩ mà thân thể, máu xương của họ đã hoá thạch, hoà vào đất đá giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Tổ quốc, nhân dân đời đời ghi nhớ công lao của những người con đã hi sinh vì Tổ quốc.

"Thân ngã xuống hoà đất đai Tổ quốc
Hồn bay lên hoà nguyên khí quốc gia".

         Riêng UBND tỉnh Quảng Trị còn xây dựng nhà trưng bày các hiện vật về Trường Sơn. Năm 2003, với tầm nhìn chiến lược, với cương vị là cố vấn cho Thủ tướng Chính phủ về xây dựng đường Hồ Chí Minh, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã có ý kiến, chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải xây dựng đường Trường Sơn đi sát nghĩa trang Trường Sơn, tạo điểm nhấn và điều kiện thuận lợi cho nhân dân và khách quốc tế đến thăm và dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
         Từ khi khánh thành đến nay trung bình mỗi năm có khoảng 2,5 triệu lượt người đến thăm Nghĩa trang viếng các Anh hùng Liệt sĩ Trường Sơn.
         Chiều 27-8 - 2019, lần đầu tiên trong lịch sử, một Đại sứ Mỹ đã đến thắp hương cho hơn 1 vạn liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Mỗi lần tới thăm nghĩa trang, viếng các Anh hùng Liệt sỹ Trường Sơn, được nghe tiếng Đại hồng chung ở khu Đài tưởng niệm ngân vang, âm thanh phát ra trầm hùng, hoà trong tiếng gió vi vu của rừng cây, như nhắc nhở lời tri ân của các thế hệ mai sau với những người đã hy sinh tên con đường Trường Sơn huyền thoại.

" Muôn thuở lưu danh liệt sĩ
Đời đời tạc sử Trường Sơn"


Thiếu tướng Hoàng Kiền
( còn nữa )
tin tức liên quan