NI CÔ DIỆU HUYỀN - Bút ký của Vương Văn Kiểm

Ngày đăng: 09:14 30/05/2020 Lượt xem: 462
NI  CÔ  DIỆU  HUYỀN
                                       
       Bút ký của Vương Văn Kiểm
 

       Sau 21 năm trời xa vắng, năm 1976, bà Bùi Thị Xuân (thường gọi là bà Lượng - tên của chồng bà) về thăm quê. Người ta nhìn bà với con mắt lạnh nhạt, vì bà vào Nam năm 1954, bị dị nghị theo địch.
      Khi hiệp định Genève được ký kết, một số người ào ào chạy vào Nam, nhất là nơi địch tạm chiếm, bị ảnh những lời xuyên tạc: “Nào là Việt Minh ở trên rừng, đói và ác lắm; nào là Chúa đã vào Nam v.v…”. Bà Lượng từ thành phố Nam Định ra Hải Phòng theo đoàn người, chạy vào Nam. Bà định cư tại chợ Tân Phú 2, quận Tân Bình, Sài Gòn. Ai đã từng sinh sống thời Mỹ ngụy tại quận Tân Bình đều biết miếu “Năm Bà” rất linh thiêng, với “Bà Cô đồng” (bà Lượng) gieo quẻ, xem bói tài giỏi. Chồng bà là nhà báo của ngụy; con rể là Biên tập tại Phòng Tổng hợp báo chí Không quân Sài Gòn. Vì thế các “Con nhang đệ tử” từ khắp nơi đến xem bói, xin lộc. Một hôm, trước khi hành quân, viên sĩ quan cao cấp đến nhờ bà cho một quẻ; thắp hương lầm rầm lễ Thánh, rồi bà phán: “Trận này thua lớn, có khả năng mất mạng”…. Khi giáp chiến tuyến Việt cộng, viên đại tá này cho lính bắn chỉ thiên, rồi hô quân rút lui. Mạng sống được bảo toàn, hắn đến tạ lễ.
      Sau khi vào Nam hơn 10 năm, ông Lượng qua đời, nỗi buồn “cô quả” đè nặng lên thân hình bé nhỏ của bà.
      Năm 1968, Tổng tấn công… nổi dậy, đồng chí cán bộ tên là Hai Hùng bị thương nặng, được bà che giấu, hết lòng cứu chữa, mà không qua khỏi. Trong khi đó ở ngoài đường phố, Mỹ ngụy lùng sục ráo riết… Thi thể đồng chí Hai Hùng bắt đầu phân hủy. Bà che đậy chu đáo, đặt dưới nơi thờ cúng. Phía trên hương ngào ngạt át hơi tử khí. Với lý do ốm, nên bà không tiếp một khách nào.       
       Sau cuộc Tổng tấn công, nổi dậy (năm 1968), đường dây liên lạc với cách mạng bị đứt đoạn, bà lăn lộn tìm kiếm, rồi cũng nối lại được. Bà báo cho cơ sở, đêm đến, các anh em quân giải phóng đến miếu “Năm Bà” nơi bà trụ trì chuyển thi thể đồng chí cán bộ đi mai táng.
     Bà dùng phương pháp bói toán để vận động binh lính, sĩ quan ngụy phản chiến. Bà tham gia trong Hội Phật giáo, từng đấu tranh chống sai trái của Trần Lệ Xuân làm mất bản sắc văn dân tộc. Bà tích cóp tiền công đức ở miếu “Năm Bà”… làm việc thiện nguyện, vận động bà con đóng góp quân lương (tiền nong, thuốc men) cho Cách mạng. Vì có vỏ bọc tốt, nên nhà bà là cơ sở hoạt động chắc chắn của cụm tình báo cửa ngõ Sài Gòn. Bà là liên lạc viên tin tưởng. Sau ngày giải phóng (1975), không hiểu tại sao đường dây liên lạc lại bị ngắt quãng. Tìm mãi… tìm mãi… vẫn chưa ra manh mối… Chiến thắng to lớn, nước nhà thống nhất, mà không thấy đồng đội… Bà thương mình vất vả và thương đồng chí hy sinh.
      Nhớ lại năm 1954, nhận nhiệm vụ vào Nam nắm tin tức tình hình địch và gây cơ sở, quê hương không ai biết công việc quan trọng đó nên bị mang tiếng theo địch. Ai thanh minh cho bà bây giờ? Nỗi đau lại nhân lên gấp bội.
      Sau 18 năm trời trăn trở, may quá, năm 1993 cháu gái Bùi Thị Phương Mai là con của người em ruột bà, công tác tại Quảng Ninh, là đại biểu cử tri Quảng Ninh, tiếp cận với ông Hoàng Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Mặt trận tỉnh Quảng Ninh. Thời kháng chiến chống Mỹ. Ông Hoàng Quốc Hùng có hai mật danh là Sáu Cường và Sáu Hùng. Ông là trợ lý điệp báo cụm P44, cực Nam Trung bộ. Chị Phương Mai kể chuyện về bà bác Bùi Thị Xuân hoạt động tại quận Tân Bình, Sài Gòn bị mất liên lạc…. Ông Hùng nghĩ ngay ra bà Bùi Thị Xuân tức bà Lượng- biệt danh là Ni cô Diệu Huyền. Ông từng quan hệ công tác với bà. Năm 1979, ông Hoàng Quốc Hùng về Bắc nằm vùng chống âm mưu xâm lược phương Bắc, với vai trò Phó Chủ tịch Mặt trận tỉnh Quảng Ninh. Ông làm giấy xác nhận quá trình công tác cho bà Bùi Thị Xuân tức Lượng. Năm 1993 chị Bùi Thị Tâm - Trung tá Công an, là em ruột của chị Bùi Thị Phương Mai, đưa giấy xác nhận đó nộp cho Cán bộ Ủy ban phường Tân Bình. Năm 1994, cán bộ Phường tặng bà Xuân một triệu tám tăm ngàn đồng. Sau đó chưa kịp nhận giấy quyết định “Người có công với cách mạng”, thì bà qua đời.
      Suốt đời, bà nhen nhúm tia sáng con tim  hòa vào nguồn sáng rực rỡ vinh quang của Tổ quốc. Năm 2003, Ni cô Diệu Huyền viên tịch. Bà thọ 93 tuổi, linh cữu đặt tại khuôn viên chùa Giác Hải, tại thành phố Hồ Chí Minh. Xin có nén tâm nhang kính viếng bà ./.
                                                                         V V K
              
   

                                                                                                                          
 

tin tức liên quan