NGƯỜI CHIẾN SỸ ĐẦU TIÊN HY SINH MỞ ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN TRÊN TÂY NGUYÊN

Ngày đăng: 09:37 30/05/2020 Lượt xem: 530
          NGƯỜI CHIẾN SỸ ĐẦU TIÊN HY SINH MỞ ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN
                                                TRÊN TÂY NGUYÊN
                                         
Trịnh Huỳnh Đức
                        (Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam - Hội viên Hội VHNT Trường Sơn)
 
       Liệt sỹ Trần Văn Thời, sinh năm 1931, quê ở ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Đồng chí là chiến sỹ Đoàn Vũ trang tuyên truyền Sông Bé - Thủ Biên (thời chống Pháp), chiến sỹ, y tá của Đoàn B.90. Ông anh dũng hy sinh ngày 25 tháng 9 năm 1960 trong chuyến vượt sông Đăk R’Tih, Gia Nghĩa, Quảng Đức ( Đắc Nông) để xoi mở đường về Miền Đông Nam bộ. Mặc dù trong truyền thống đơn vị và sử sách có ghi nhận về sự hy sinh của ông, nhưng cho đến nay đã 60 năm trôi qua mà ông vẫn chưa có Bằng Tổ Quốc Ghi Công...
 
* ĐOÀN B.90
Đầu năm 1959, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Trung tướng Trần Văn Trà, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đoàn vũ trang đặc biệt mở đường vào Nam bộ. Theo kế hoạch dự kiến, quân số của đoàn có 50 cán bộ, chiến sỹ. Nhưng lúc trình xin ý kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người chỉ đạo đoàn công tác đặc biệt này nên biên chế thật gọn nhẹ, chủ yếu coi trọng chất lượng để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ vững nguyên tắc tuyệt đối bí mật.
            Ông Trần Quang Sang, cán bộ nghiên cứu của Ban Thống nhất Trung ương và ông Phạm Tề, cán bộ của Liên khu 5 được giao nhiệm vụ đến các đơn vị bộ đội Miền Nam tập kết để tuyển chọn cán bộ, chiến sỹ cho đoàn công tác đặc biệt này. Tiêu chí tuyển chọn được đặt ra là đoàn phải gồm cả người Kinh, người Thượng, người quê ở Nam Bộ và Liên khu 5; Trong kháng chiến chống Pháp từng chiến đấu và công tác ở các chiến trường Nam Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đông Bắc CămPuChia, biết công tác vận động đồng bào các dân tộc thiểu số. Ngoài tiêu chuẩn có đức, tài, phải có tinh thần chịu đựng gian khổ, không ngại hy sinh và đặc biệt là không có vợ con ở ngoài Bắc, để khi lên đường làm nhiệm vụ không bận bịu việc riêng ở hậu phương và để giữ bí mật tuyệt đối. Sau một thời gian tuyển chọn ở các Sư doàn 330, 338, 305, 324 và các đơn vị pháo binh của Bộ Quốc phòng, cuối tháng 4 năm 1959, 25 cán bộ, chiến sỹ được chính thức chỉ định tập trung về Nhà khách Bộ Quốc phòng. Đơn vị chính thức thành lập ngày 25 tháng 5 năm 1959, lấy phiên hiệu là Đoàn B.90. Nhiệm vụ của Đoàn B.90 là: Về chiến trường Miền Nam, đến Nam Đăk Lăk hợp nhất với Đội vũ trang công tác Bắc Đăk Mil; Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Đăk Lăk, xây dựng cơ sở cách mạng và xoi, mở đường hành lang chiến lược từ Tây Nguyên về Đông Nam Bộ. Ban lãnh đạo của Đoàn gồm: Ông Trần Quang Sang, sinh năm 1919, quê ở Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam, nguyên Phó khoa Quốc dân thiểu số Khu 7, cán bộ nghiên cứu Ban Thống nhất Trung ương làm Đoàn trưởng kiêm Bí thư Chi bộ; Ông Phùng Đình Ấm, sinh năm 1929, quê ở Mỹ Lợi, Phù Mỹ, Bình Định, nguyên cán bộ Đại đội Đông Bắc CampuChia, Phó đoàn, phụ trách chính trị; Ông Phạm Văn Lạc, sinh 1925, quê Hưng Yên, nguyên cán bộ Đại đội Xuân Lộc, Chi đội 10, Biên Hòa, Phó đoàn, phụ trách Quân sự; Ông Lê Ngọc Bạch, sinh năm 1918, quê ở Bình Lợi, Vĩnh Cửu, Biên Hòa, nguyên Đại đội trưởng vũ trang tuyên truyền Xuân Lộc, Biên Hòa, phụ trách nội bộ và ông Nguyễn Đình Kính, sinh năm 1925, quê Nam Định, nguyên Chỉ huy phó Đội vũ trang tuyên truyền Lộc Ninh, phụ trách công tác hậu cần.
            Ông Ao Sỹ, sinh năm 1932, quê ở Bình Mỹ, Tân Uyên, Biên Hòa, nguyên cán bộ Đoàn vũ trang tuyên truyền Sông Bé, Thủ Biên, thành viên Đoàn B90. Ông hiện là cán bộ hưu trí, Trưởng Ban liên lạc truyền thống Hội Trường Sơn Đoàn B90, C200, C270, Hội truyền thống Trường Sơn tỉnh Bình Dương cho biết: Trong những ngày tập trung ở Hà Nội, Đoàn được học tập Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng. Nghị quyết 15 chỉ rõ: Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân...lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân. Nhiệm vụ chuyển hướng, từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh chính trị có đấu tranh vũ trang để đánh đổ Mỹ-Diệm đặt ra yêu cầu, cần phải có sự chi viện toàn diện của miền Bắc cho Cách mạng và Nhân dân miền Nam, huy động sức mạnh của Nhân dân cả nước . Để sự chi viện có hiệu quả, một trong những nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ là mở con đường hành lang chiến lược Bắc- Nam, thông suốt từ Trung ương đến chiến trường Nam Bộ... Trong những ngày ở Hà Nội Đoàn B.90 được bồi dưỡng cả tinh thần và vật chất. Ăn tiêu chuẩn đặc biệt 2,5 đồng một ngày, được đi thăm quan một số xí nghiệp, nhà máy và danh lam thắng cảnh ở miền Bắc. Để giữ bí mật, toàn đơn vị được đưa vào tạm trú trong một doanh trại của bộ đội không quân ở sân bay Gia Lâm. Đến ngày lên đường, tất cả quân phục nộp lại cho tổ chức, mỗi người được lĩnh hai bộ quần áo bà ba đen, khăn rằn, nón vải to vành, võng ka ki, vải ni lông đi mưa, tăng che võng, dép râu, túi gạo, túi thuốc, thực phẩm khô... Tổng cộng khoảng 20 kg đeo trên lưng. Tất cả hiện vật, giấy tờ khác đều gửi lại kho lưu trữ của Tổng cục Chính trị. Đặc biệt, ngày 11 tháng 6 năm 1959, cán bộ, chiến sỹ trong Đoàn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Hôm ấy Bác mặc bộ quần áo vải lụa màu trắng ngà. Trông Bác hơi gầy nhưng nước da hồng hào, mắt sáng, vầng trán cao, đi đôi dép cao su, dáng đi nhanh nhẹn hoạt bát. Sau những lời hỏi thăm sức khỏe, kiểm tra sự chuẩn bị của Đoàn công tác và dặn dò nhiều việc thật kỹ lưỡng. Người hỏi:
   - Các cháu về miền Nam để làm gì? Cả đoàn đồng thanh đáp:
   - Chúng cháu về miền Nam làm cách mạng! Người bảo:
   - Làm cách mạng là tốt, nhưng nếu chỉ các cháu làm thì cách mạng không thể thành công nên phải biết vận động nhân dân miền Nam làm cách mạng. Người lại hỏi:
   - Về miền Nam các cháu làm gì trước? Cán bộ, chiến sỹ trong Đoàn trả lời theo những điều vừa được tiếp thu ở Nghị quyết 15... Người bảo:
   - Rất tốt! Bác dặn vào trong ấy phải làm tốt trước chuyện “đoàn kết”, phải đoàn kết tốt giữa mới và cũ. Các cháu tập kết ra Bắc, gần Đảng và Chính phủ, được học tập lý luận nhưng thiếu kinh nghiệm thực tế. Các cô, chú ở lại miền Nam, không đi tập kết, ít được học lý luận nhưng có nhiều kinh nghiệm thực tế trong đấu tranh chống địch nên phải biết đoàn kết, bổ sung cho nhau mới tạo thành sức mạnh để chiến thắng quân thù...Bác gửi lời chúc đồng bào miền Nam sức khỏe, đấu tranh thắng lợi, nước nhà mau thống nhất, Nam – Bắc xum họp một nhà!
      Cuối cùng Bác hỏi:
      - Các chú đã ăn cơm chưa? Mọi người đáp:
      - Thưa Bác, ăn rồi ạ!
      Bác vui vẻ gật đầu và cầm từng gói kẹo tặng cho các cán bộ, chiến sỹ người dân tộc thiểu số ngồi ở hàng đầu, trong đó có y tá Trần Văn Thời. Bác nói:
      - Giờ các chú ở lại xem phim, Bác về ăn cơm kẻo đói! Các đồng chí trong Ban Tổ chức sẽ thay mặt Bác gởi quà cho tất cả mọi người!
       Sau đó, Đoàn B90 còn được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, thay mặt Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng gặp mặt và chiêu đãi tại nhà khách bộ Quốc phòng. Đại tướng dặn dò mọi người phải rèn luyện và giữ vững ý chí đấu tranh trước mọi hoàn cảnh gian khổ, nguy hiểm…
            Khoảng 5 giờ sáng ngày 20 tháng 6 năm 1959, từ doanh trại tại sân bay Gia Lâm, hai chếc xe Mônôlova phủ kín bạt chở 25 thành viên Đoàn B.90 lên đường, vượt qua cầu Long Biên tiến về phương Nam…
 
      * CUỘC HÀNH QUÂN GIAN KHỔ DÀI NGÀY VÀ MÓN QUÀ NHỎ CỦA BÁC HỒ ĐẾN TÂY NGUYÊN...
 

      Chiều ngày 21 tháng 6, Đoàn B.90 qua sông Nhật Lệ. Xe chở đoàn đến gần Vĩnh Linh rẽ phải theo đường đất đỏ chạy đến làng Ho vào lúc quá nửa đêm. Sáng hôm sau, ngày 22 tháng 6 năm 1959, cả đơn vị bắt đầu cuộc hành quân bộ theo đường mòn giao liên vượt Trường Sơn. Cả Đoàn thực hiện phương châm: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Mọi người treo dép trên ba lô, đi chân trần. Mới sau vài ngày hành quân đôi chân nhiều người đã rớm máu, phồng rộp bong cả lớp da dày dưới bàn chân, phải băng bó lại để tiếp tục hành quân. Trên đường đi, nguời đi sau cùng phải kéo theo một chà cây để xóa hết dấu chân, giữ bí mật tuyệt đối. Với quyết tâm: Có đi có đến, không đi không đến; Đi nhanh đến trước ông mặt trời, đi chậm đến sau ông mặt trời...Cứ đi như thế, hết ngày này qua ngày khác, không ai nhớ hết mình đã vượt qua bao nhiêu khe suối, núi cao, vực thẳm. Thông thường, trạm này cách trạm kia phải đi từ sáng sớm đến khoảng 3,4 giờ chiều là đến. Nhưng có trạm, sáng 5 gờ 30 xuất phát ở chân núi đến giữa trưa mới leo lên tới đỉnh, chỉ kịp ăn nắm cơm vắt xong lại tiếp tục đi đến nhá nhem tối mới đến trạm nghỉ chân ở dốc núi bên kia. Sau hơn bốn tháng hành quân gian khổ vượt dãy Trường Sơn hùng vĩ, trung tuần tháng 10 năm 1959, Đoàn B.90 đã có mặt đầy đủ tại căn cứ của Đội vũ trang công tác Đăk Mil thuộc buôn N’Du, Đăk Rồ, Đăk Lăk. Đón Đoàn B.90 tại đây có đồng chí Trần Phòng, có tên dân tộc là Ama Giới, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Ama N’Trang Long của Đăk Lăk từ đầu kháng chiến chống Pháp, là Đội trưởng, kiêm Bí thư chi bộ Đội Vũ trang công tác Đăk Mil và các cán bộ chủ chốt của Đội. Cùng đón tiếp Đoàn có cụ Bớ Bràng, già làng của buôn Brối Đăk Rồ. Đêm đầu tiên đồng chí, đồng đội gặp nhau trong rừng già Tây Nguyên mọi người không sao ngủ được. Họ kể cho nhau nghe nhiều chuyện trong Nam, ngoài Bắc. Cán bộ, chiến sỹ Đoàn B.90 kể về công cuộc hòa bình, xây dựng của miền Bắc xã hội chủ nghĩa; Về tình cảm, sự quan tâm chăm sóc của Bác Hồ, các đồng chí Lãnh đạo và Nhân dân miền Bắc dành cho cán bộ, chiến sỹ, đồng bào miền Nam. Cán bộ, chiến sỹ ở lại chiến trường kể về những diễn biến khó khăn của những ngày đầu bám trụ, tinh thần đấu tranh quả cảm của đồng bào các dân tộc chống Mỹ-Diệm…Trong buổi “liên hoan” đêm ấy, chiến sỹ Trần Văn Thời, Y tá của Đoàn B.90 lấy trong ba lô của mình gói kẹo quà của Bác Hồ tặng khi gặp Bác ở Hà Nội, để dành mấy tháng nay chia cho mọi người. Cầm món quà nhỏ của Bác ấm cúng trong tay, nhâm nhi với nước trà miền Nam mới ngon làm sao, mọi người cảm động trào nước mắt trước tình thương bao la của Bác và cùng nhau hứa sẽ làm theo lời dạy của Người, quyết vượt qua khó khăn gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...
 
      * XOI MỞ ĐƯỜNG TỪ NAM TÂY NGUYÊN ĐẾN MIỀN ĐÔNG NAM BỘ...

       Theo chủ trương của trên, sau kiểm tra các cơ sở Đăk Mik và tổ chức cho Đoàn B.90 học tập tình hình nhiệm vụ, thảo luận sâu về phương châm, phương thức công tác và 5 bước công tác vận động quần chúng, đặc biệt là quần chúng dân tộc thiểu số, Ban Cán sự tỉnh Đăk Lăk tuyên bố Quyết định hợp nhất Đoàn B.90 và Đội Vũ trang Bắc Đăk Mil- Nam Đăk Lăk hợp nhất thành một, lấy phiên hiệu Đoàn B.4. Ban Cán sự lâm thời B.4 do Vũ Anh Ba, nguyên Bí thư Ban cán sự tỉnh Đăk Lăk trực tiếp làm Bí thư; Trần Phong, nguyên Bí thư Chi bộ và Đội trưởng Đội vũ trang công tác Đăk Mil- Nam Đăk Lăk và Trần Quang Sang, nguyên Bí thư chi bộ và Đoàn trưởng Đoàn B.90 là ủy viên. Khi giao nhiệm vụ xoi đường hành lang chiến lược từ NamTây Nguyên về Đông Nam bộ cho Đoàn B.4, Bí thư Vũ Anh Ba đã nhấn mạnh lời Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn đã nói với cán bộ miền Nam tập kết năm 1959 là: “Muốn đánh Mỹ mà cứ đi con đường Bình Thuận – Bà Rịa thì khó lắm. Phải có con đường liên lạc nối liền Đông Nam bộ và Nam Tây Nguyên, thông suốt với con đường chiến lược dọc Trường Sơn mới thắng được Mỹ”. Tinh thần quyết tâm đó được mọi người quán triệt, thấm sâu vào lòng cán bộ, chiến sỹ Đoàn B.4…
      Đoàn B.4 tổ chức thành ba đội, một mũi tuyên truyền vũ trang và một bộ phận củng cố địa bàn đứng chân, xây dựng căn cứ. Đánh hơi có quân ta xuất hiện trong vùng, Mỹ-Diệm liên tục mở các cuộc hành quân càn quyét và tung các nhóm biệt kích ngày đêm sục sạo, truy tìm dấu vết của quân ta. Chúng cấm đồng bào các dân tộc không được tiếp xúc với “Việt cộng”, xuyên tạc cách mạng: “Việt cộng” là người rừng, ăn thịt người. Chúng treo giải thưởng: Người nào giết được một “Việt cộng” được thưởng 1.500 đồng bạc miền Nam. Bắt sống một “Việt cộng” nộp cho “Quốc gia” thưởng 5.000 đồng. Trước tình hình đó, cán bộ, chiến sỹ Đoàn B.4 thực hiện phương châm: “Tích cực, khẩn trương, vững chắc, bảo đảm tuyệt đối bí mật và an toàn”. Các đội, các hướng bám sát dân, móc ráp từng người dân, từng vùng rẫy, từng buôn làng, kiên trì vận động, tuyên truyền vạch trần âm mưu hành động tàn ác của địch, kêu gọi tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết Kinh- Thượng để chống Mỹ-Diệm cứu nước, giành độc lập tự do. Cán bộ, chiến sỹ trong toàn Đoàn tích cực học tiếng dân tộc, thực hiện hành động tốt đẹp của anh “Bộ đội Cụ Hồ” như: Phát dọn rẫy với đồng bào, chữa bệnh cho dân, kính già yêu trẻ, gần gũi thanh niên, tôn trọng phụ nữ, ăn canh thụt lá bép, lá nhao, (loại rau rừng nấu trong ống nứa non rồi dùng cây thụt cho nhuyễn thành canh, món truyền thống của đồng bào đia phương), tập  ăn cháo chua, uống nước bầu...Có cán bộ ở đội hai đã tự nguyện làm con nuôi trong gia đình mắc bệnh phong cùi để làm chỗ dựa công tác. Nhờ đó, các đội, mũi công tác đã nhanh chóng tạo được tình thương yêu gắn bó với nhân dân, đem ánh sáng Cách mạng đến Đồng bào M’Nông, Stiêng, Mạ... Khó khăn thường trực dai dẳng nhất của Đoàn công tác là khâu hậu cần. Cán bộ, chiến sỹ phải vừa công tác vừa sản xuất tự cung tự cấp. Nhiều khi thiếu gạo ăn, mọi người phải ăn củ chụp, củ nầng thay cơm. Có lúc phải ăn bột cây M’Bu qua bữa. M’Bu là cây trong rừng, chất bột trong lõm của nó có thể khuấy chín ăn thay cơm, nhưng muốn ăn được phải khổ công chế biến. Rồi có nhiều ngày phải ăn bí đỏ thay cơm, thậm chí phải ăn trái tràm tạm sống qua ngày. Có đội, thiếu lương thực phải chặt tre đan mủng, thúng, rổ, nia, làm ống điếu...để đi đổi gạo. Rồi mưa gió ăn ngủ trong rừng sâu; đường rừng cây cối rập rạp, hoang vắng, nhiều thú dữ, phải thường xuyên đi công tác xuống các buôn làng xa... Khó khăn là thế nhưng toàn Đoàn đã cố gắng vượt qua tất cả, xây dựng nhiều cơ sở cách mạng theo phương thức vết dầu loang, ngày đêm xoi mở tìm đường từ Nam Tây Nguyên xuống Miền Đông Nam bộ.
 
        * TRẦN VĂN THỜI XUNG PHONG VƯỢT SÔNG MỞ ĐƯỜNG...
 

       Trần Văn Thời nhỏ con nhưng rất nhanh nhẹn, hoạt bát và luôn gương mẫu hoàn thành mọi công việc được giao. Khi sáp nhập vào Đoàn B.4, anh là chiến sỹ, y tá của Đoàn B90. Hồi tập kết ngoài Bắc, anh làm y tá trưởng nông trường, thuộc Sư đoàn 338. Anh có người yêu tên là Chi ở Hà Tây, quê lụa. Gia đình nhà gái đã nhiều lần định tổ chức đám cưới cho hai người, nhưng sau nhiều đêm suy nghĩ cân nhắc giữa một bên là tình yêu một bên là quê hương miền Nam còn nằm trong tay giặc. Cuối cùng anh đã quyết định tạm biệt người yêu lên đường về Nam chiến đấu, góp phần giải phóng quê hương.
       Ở B.4, Trần Văn Thời được biên chế vào đội 1, cánh phía Đông làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở và xoi đường phát triễn xuống hướng thượng nguồn sông Đồng Nai, Đông Nam bộ. Khoảng đầu tháng 8 năm 1960, Trung ương điện cho B.4 biết mật hiệu và địa điểm để bắt liên lạc với cơ sở ở Đông Nam bộ ở bản B.Rưng. Qua nghiên cứu, Ban Chỉ huy đội 1 cho rằng: Bản này nằm ngay ngã ba hai nhánh sông Đăk R’tih và Đăk Đơng (Đồng Nai thượng), ở sát phía Đông thị xã Gia Nghĩa, tỉnh lỵ Quảng Đức, cạnh đó có quận lỵ  Khiêm Đức nên tiếp cận khu vực này rất khó khăn. Đội Trưởng đội 1 Trần Quang Sang báo cáo cấp trên cho mũi của Phạm Văn Lạc vượt đường 14bis Gia Nghĩa- Kin Đạ về phía Nam quận lỵ Khiêm Đức, nam thị trấn Gia Nghĩa, vượt qua Đăk R’Tih sát vàm Đồng Nai Thượng (Đăk Đơng), để sang phía Tây thị trấn, tìm liên lạc với đoàn phía Nam ra. Sau đó, qua Liên khu 5, Trung ương điện Chỉ thị cho B.4 khẩn trương mở đường đến vàm Đăk R’Tih để đón bắt liên lạc với lực lượng mở đường từ phía Nam ra. Thời tiết lúc này ở Nam Tây Nguyên là giữa mùa mưa. Trời ngày nào cũng mưa to, nước sông suối đều đầy ắp, chảy xiết. Có khi vài ngày không thất ánh mặt trời, việc định hướng để cắt rừng đi lại rất khó khăn. Đường đi đến vàm Đăk R’Tih nhiều dốc cao, vực thẳm, thú dữ, suốt ngày luồn rừng có khi chỉ đi được vài ngọn núi. Từ hôm xuất phát hành quân đến vàm Đăk R’Tih mũi xung kích của Phạm Văn Lạc phụ trách phải đi mất 7 ngày đêm. Khi đến vàm sông Đăk R’Tih thì nước sông lên cao, chảy xiết, không thể vượt qua được. Trong lúc đó, tin tức chiến thắng Tua Hai, Tây Ninh càng thôi thúc các thành viên trong mũi mở đường về Nam. Gạo ăn sắp hết, Phạm Văn Nhường và Nguyễn Văn Định quay về căn cứ Sa Nar để lấy gạo. Mũi xung kích khi ấy chỉ còn có ba người: Phạm Văn Lạc, Hoàng Minh Đô (Ama Đen) và Trần Văn Thời ở lại bờ vàm Đăk R’Tih chờ lương thực và bàn cách vượt sông. Nhìn dòng nước trên sông cuộn chảy ầm ầm, Thời suy nghĩ: Ngày hẹn với cánh quân phía Nam sắp hết, nếu chậm trễ anh em có thể rút về, biết chừng nào mới gặp lại? Nóng lòng vì nhiệm vụ, và nghĩ tới hàng ngày ở Hà Nội Bác và Trung ương Đảng đang chờ tin con đường hành lang Bắc- Nam được nối liền để kịp thời chi viện cho cách mạng miền Nam đánh thắng Mỹ- Diệm...Thời đưa ra sáng kiến, xung phong xin Đội trưởng Phạm Văn Lạc cho anh vượt sông để nối liên lạc. Anh kể với mọi người, trong kháng chiến chống Pháp đã từng mang cả súng bơi qua sông Đồng Nai hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được gaio. Kế hoạch được mọi người thống nhất bằng cách tập trung tất cả dây võng lại, một đầu buộc vào gốc cây bên này, một đầu buộc chặt vào thắt lưng của Thời. Khi Thời vượt qua sông được sẽ buộc đầu dây ấy vào gốc cây bên kia để hai anh bên này bám dây mà vượt sông. Nếu lỡ Thời không qua được, hai anh sẽ kéo Thời vào. Mọi việc đã chuẩn bị xong, lúc ấy vào khoảng 9 giờ sáng ngày 25 tháng 9 năm 1960. Thời chào hai anh, lao nhanh xuống dòng nước. Anh cố bình tĩnh, lấy hết sức mình chiến đấu với dòng nước lũ hung hãn để băng qua sông nối con đường hành lang chiến lược Nam Tây Nguyên với bên kia là miền Đông Nam bộ. Nhưng Trần Văn Thời vừa bơi ra khỏi bờ chừng hơn chục mét, dòng nước chảy xiết đẩy Thời lọt vào vòng nước xoáy dữ dội, nút buộc dây dù tuột khỏi eo ếch của anh, Thời chới với kêu cứu. Pham Văn Văn Lạc ném phao ra nhưng không kịp, dòng nước đã cuốn Thời trôi mất hút.
        Trần Văn Thời là Liệt sỹ đầu tiên của Đoàn B.90 hy sinh vì sự nghiệp mở đường Hồ Chí Minh cuối dãy Trường Sơn, đoạn từ Nam Tây Nguyên đến miền Đông Nam bộ. Sau khi Trần Văn Thời hy sinh, Ban lãnh đạo Đoàn B.4 tổ chức lễ truy điệu cho anh, tuy đơn giản nhưng rất trang nghiêm. Trong niềm thương tiếc vô hạn, đồng chí Vũ Anh Ba, Bí thư B.4 (Sau này là Bí thư tỉnh Quảng Đức), thay mặt lãnh đạo nêu gương liệt sỹ Trần Văn Thời và kêu gọi cán bộ, chiến sỹ các đơn vị học tập gương liệt sỹ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của Trung ương giao trong thời gian ngắn nhất.
        Sau lễ truy điệu liệt sỹ Trần Văn Thời, mũi xung kích phía Đông do Phạm Văn Lạc làm Tổ trưởng lại tiếp tục lên đường đến vàm Đăk R’Tih. Các anh phát hiện có dấu chân người đã đến đây. Lần theo dấu vết, phát hiện nơi đóng quân của anh em. Tổ phân công đồng chí Năm Nhường vào bắt liên lạc, còn hai đồng chí ở bên ngoài yểm trợ. Khi đồng chí Năm Nhường vào, qua ám, tín hiệu, hai bên đã bắt được liên lạc với nhau. Lúc ấy là 16 giờ, ngày 30 tháng 10 năm 1960, giờ phút thiêng liêng: Đường mòn Hồ Chí Minh được nối liền Nam- Bắc. Anh em hai đoàn công tác gặp nhau mừng vui khôn xiết, ôm chặt nhau lau những giọt nước mắt hạnh phúc nhất trong cuộc đời.
 
        * NĂM 2020 – KỶ NIỆM 60 NĂM LIỆT SỸ TRẦN VĂN THỜI HY SINH !
 
        Khi tôi cầm bút viết mẩu chuyện này, Ông Ao Sỹ, Trưởng Ban liên lạc Truyền thống Trường Sơn Đoàn B.90, C200, C270, Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh Bình Dương, cho biết: Trong số 25 cán bộ, chiến sỹ Đoàn B.90 vượt Trường Sơn vào miền Nam công tác ngày ấy có 7 người đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, 15 người đã chết do tuổi già, hiện nay còn sống ba người. Ông và hai người nữa, nhưng giờ chỉ còn mình ông khỏe đi lại được, còn hai ông khác ở xa, thường xuyên đau ốm, phải có người chăm sóc. Năm nay ông Ao Sỹ đã ngoài 90 tuổi, nghỉ hưu ở quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. Năm nào cứ đến ngày giỗ của liệt sỹ Trần Văn Thời, ông và các đồng chí trong Hội truyền thống Trường Sơn Bình Dương cũng về quê của liệt sỹ để làm giỗ cho người quá cố. Giỗ liệt sỹ Trần Văn Thời do đồng đội và lãnh đạo chính quyền địa phương làm, nhưng cúng ở Văn phòng ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu. Vì hoàn cảnh của gia đình liệt sỹ Trần Văn Thời không có nhà cửa. Ông bà thân sinh ra liệt sỹ đã mất từ rất lâu. Ông bà có một người con gái, chị của liệt sỹ Thời, năm 1952 bị lính thực dân Pháp càn qua ấp bắt đi, mất tích từ đó đến nay... Đại tá Lê Văn Hòa, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn tỉnh Bình Dương, cho biết: Anh em trong ban Liên lạc truyền thống Trường Sơn Đoàn B.90, C200, C270 và Hội đặt tên cho năm nay là Năm Trần Văn Thời để kỷ niệm 60 năm ngày hy sinh của liệt sỹ. Yêu cầu đề ra là: Mọi người phát huy tinh thần anh dũng, quả cảm của liệt sỹ, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ và phát huy truyền thống vẻ vang của Hội; Sống vui, sống khỏe, có ích cho gia đình và xã hội. Mọi hứa với nhau, cố gắng năm nay phải làm cho được tấm Bằng Tổ Quốc Ghi Công cho liệt sỹ Trần Văn Thời để treo trong ngày giỗ của liệt sỹ. đáp ứng lòng mong mỏi của dòng tộc liệt sỹ và cán bộ, nhân dân ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, là căn cứ chiến khu Đ, nơi có truyền thống Cách mạng kiên cường trong hai cuộc chiến tranh thần thánh của Dân tộc ta.

                                                          
* Điện thoại: 0969406504 ; Email: ductrinhhuynh1950@gmail.com
* Địa chỉ liên hệ: Số nhà 115, Đường Nguyễn Du, khu phố Đông Tân, phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
  

tin tức liên quan