“Gặp người mở đường lịch sử”. Ghi chép của Lê Ba

Ngày đăng: 09:44 01/06/2020 Lượt xem: 646
GẶP NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG LỊCH SỬ
(Ghi theo lời kể của Đại tá Cao Bạch Đằng)
 
         Những ngày tháng 3/2020, tôi cùng Trưởng ban liên lạc 470 Bắc Ninh – Bắc Giang gặp một số anh chị cao tuổi trong đội hình Sư đoàn 470 từ ngày thành lập để chuẩn bị cho dịp gặp mặt 50 năm ngày truyền thống Sư đoàn 470 anh hùng và 10 năm Ban liên lạc 470 Bắc Ninh – Bắc Giang, tại đây tôi được gặp lại Đại tá Cao Bạch Đằng – nguyên đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 anh hùng thuộc Binh trạm 37 Sư đoàn 470. 
         Được biết ông Đằng sinh năm 1943, nhập ngũ năm 1960, đi chiến trường năm 1964. Quê ông ở Thanh Hóa nhưng bây giờ định cư ở Võ Cường – thành phố Bắc Ninh. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng. Gia đình ông trong cách mạng Tháng Tám là cơ sở nuôi giấu cán bộ của Đảng, đồng chí Tố Hữu – một trong những cán bộ của Đảng hoạt động ở Thanh Hóa được gia đình ông nuôi dưỡng, che giấu.  Năm 1973, khi ông Tố Hữu vào chiến trường mới,  khi ấy nhà thơ gặp ông Đằng, lúc đó là Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 công binh ở Binh trạm 37, vì vậy trong bài thơ “ Nước non ngàn dặm” mới có câu:
 “…Vui sao buổi bình minh, gặp cháu
Nhớ ngày nào cháu mới lên ba
Gác canh cho chú trong nhà…
Nay giữa Phi Hà, D trưởng Công binh
Trên đường lớn Hồ Chí Minh
Gác ba biên giới… mối tình Đông Dương!...”
         Sau ngày nước nhà thống nhất, ông Đằng đi học nâng cao rồi về Trường bắn quốc gia làm Giám đốc cho đến ngày nghỉ hưu năm 2001. Ông Đằng là một trong những người anh cả có mặt từ ngày thành lập Sư đoàn và cũng là một trong những người tham gia Ban Liên lạc 470 Bắc Ninh – Bắc Giang đầu tiên ở phường Khúc Xuyên – thành phố Bắc Ninh. Vẫn tác phong như ngày nào thành lập Ban Liên lạc, ông nói: “Hội ta là tự nguyện, là truyền thống vì nghĩa tình, xa rời nó là mất phương hướng, quỹ thời gian của chúng ta không còn nhiều nữa, hãy truyền lửa cho con cháu và cộng đồng.” Hỏi ông về những kỷ niệm sâu sắc nhất ở Trường Sơn, ở 470, ông bảo: đời binh nghiệp mấy chục năm nhưng ở Trường Sơn là đẹp nhất.  Kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời là khi đơn vị làm đường mùa khô 1967, khi hoàn thành được cấp trên khen ngời, trong bức điện tín khen người có đoạn” các đồng chí đã làm cho máu chảy về tim”, ký tên là “Ba”. Rồi ông kể tiếp: đi Công binh nhận được bức điện khẩn tuyệt mật: các đồng chí phải mở một đoạn đường nối từ đèo Ang Bun ( nằm trên chiến trường Bộ tư lệnh B3) đến tọa độ XY bắc sông Sê rê phóc, phải giữ bí mật tuyệt đối, mở đường xong rồi coi như chưa mở, phải xong trong 3 tháng”. Ông lại bảo: khi nhận được lệnh của cấp trên, ông ngồi lặng đi suy nghĩ, làm sao để đường xong mà lại coi như chưa mở, làm sao đóng được phà cho binh khí kỹ thuật vượt được sông Phô Cô rộng trên 200m, nước chảy xiết. Trong khi đó biệt kích của địch lùng sục hàng ngày, máy bay địch thường xuyên quần sát khu vực.
 

(Ảnh minh họa)
 
         Đảng ủy họp mở rộng triển khai mệnh lệnh của cấp trên, các chi bộ họp, họp quân nhân hiến kế. Riêng ông Đằng vào Bộ tư lệnh B3 gặp đồng chí Ung – răng xin bản đồ Tây Nguyên ( sau này đồng chí Ung – răng là Thiếu tướng), lúc đó phụ trách Công binh B3, về nghiên cứu vạch đường chỉ đỏ đen từ Ăng Bun đến Sê rê phốc tìm ra phương án tối ưu trên mặt bản đồ.
         Sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án tác chiến, đơn vị ông bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ trên giao. Cứ thế ròng rã trên 2 tháng trời, cơm nắm sắn luộc, tay súng tay cào, tay cuốc, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao, an toàn tuyệt đối, đường đã thông về tọa độ XY bắc Sê rê phốc.
         Ông Đằng nói tiếp: sau này khi về học thêm văn hóa, ông mới biết người ký tên trong điện khen là Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Lê Duẩn.
         Đó là kỷ niệm đẹp nhất trong đời quân ngũ của Đại tá Cao Bạch Đằng – nguyên trường D trưởng D2 Công binh, nguyên Cụm trưởng cụm tác chiến khu vực ngã ba Đông dương trong thời chống Mỹ./.
 
Lê Ba
Phó chủ tịch Hội Trường Sơn
 huyện Gia Bình – Bắc Ninh

tin tức liên quan