"Trường Sơn với chiến trường 3 nước Đông Dương". Tác giả Hoàng Kiền

Ngày đăng: 09:28 05/06/2020 Lượt xem: 2.139
         Trong miền ký ức của mỗi con người thì có lẽ sâu sác nhất, khó phai nhất và cũng tự hào nhất là những ký ức của những người đã từng mang trên mình sắc áo lính – sắc áo gắn liền với một thời trận mạc…
          Một người chung sắc áo với tôi đó là anh Cả Thật – Cái tên (nik) trong Trang mạng xã hội (facebook) mà tôi tìm thấy anh và đọc được ở đó nhiều lắm những chuỗi bài viết về thuở chiến trường đánh Mỹ, trong đó gần đây anh Cả Thật có đề cập đến mảng chủ đề Campuchia, rất chi tiết, cụ thể, thực tế mà có lẽ chỉ có được từ người trong cuộc…
         Nhân dịp này tôi chắp bút lược lại những gì cũng là mắt thấy, tai nghe – Là ký ức không thể nào quên về mối quan hệ anh em 3 nước Đông Dương trong những tháng năm cùng sát cánh bên nhau chống kẻ thù chung – Giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
         Xin trân trọng giới thiệu cùng đồng chí, đồng đội và các bạn.   

 
Thiếu tướng Hoàng Kiền 
 
TRƯỜNG SƠN - VỚI CHIẾN TRƯỜNG 3 NƯỚC ĐÔNG DƯƠNG

 
  GIÚP BẠN
         Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân ba nước Đông Dương đoàn kết chiến đấu cùng nhau chống kẻ thù chung. Bộ đội Trường Sơn song song với nhiệm vụ vận chuyển chi viện chiến lược còn thực hiện nhiệm vụ giúp bạn .
VỚI LÀO
         Năm 1961 khi hai Đảng, hai Nhà nước Việt- Lào thống nhất, đoàn 559 lật cánh sang Tây Trường Sơn, mở tuyến chi viện qua đất bạn.
         Đầu tháng 4 năm 1961 liên quân Việt - Lào mở chiến dịch giải phóng khu vực đường số 9, cùng với các thắng lợi liên tiếp, một vùng giải phóng rộng lớn của bạn được mở ra từ Khăm Muộn đến Sa Va Na Khét, nối thông với vùng giải phóng Hạ Lào, tạo điều kiện cho cách mạng bạn phát triển.
         Bộ đội Trường Sơn đã tích cực chủ động giúp bạn trên địa bàn hoạt động của mình. Theo thoả thuận với phái đoàn chuyên gia Nam Lào, đoàn 559 giúp bạn trong 11 huyện trên hành lang. Chủ trương của Bộ tư lệnh lấy đội ngũ chuyên gia làm nòng cốt, lấy Binh trạm là đơn vị tổ chức thực hiện, mỗi binh trạm phụ trách 1 đến 2 huyện.
         Giúp bạn được triển khai toàn diện các mặt.
        Về chính trị giúp bạn phát động nhân dân xây dựng ý thức làm chủ, niềm tin, xây dựng các tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận, lãnh đạo quản lý mọi hoạt động ở cơ sở, thực hiện các chủ trương của Đảng nhân dân cách mạng Lào và Mặt trận Neo Lào.
         Về quân sự, giúp bạn củng cố và phát triển dân quân du kích, huấn luyện, tổ chức chiến đấu, diệt biệt kích, thổ phỉ, giữ vững an toàn vùng giải phóng.
         Về kinh tế, giúp bạn phát triển sản xuất nông nghiệp, vận động nhân dân tham gia sản xuất để tự túc lương thực, khắc phục nạn đói, phát triển một số cơ sở sản xuất thủ công nghiệp, sản xuất nông cụ cải tiến, củng cố các cửa hàng mậu dịch ở huyện và các xã điểm, xây dựng mạng lưới thương nghiệp phục vụ nhân dân.
Về văn hoá xã hội, giúp bạn phát động rộng rãi phong trào vệ sinh phòng bệnh, phun thuốc DDT trừ muỗi sốt rét trong các bản gần hành lang, giúp mở lớp đào tạo y tá cho các xã, tổ chức bệnh xá ở huyện và các xã điểm. Vận động nhân dân tham gia học tập văn hoá, bình dân học vụ, bổ túc văn hoá cho cán bộ cơ sở.
         Tổ chức giúp bạn bao gồm hai lực lượng.
+ Lực lượng trực tiếp ở các binh trạm của bộ đội Trường Sơn.
         Ở mỗi binh trạm đều có các Tổ dân vận, trước sự phát triển của nhiệm vụ giúp bạn, Bộ Tư lệnh quyết định đổi tổ dân vận thành tổ chuyên gia. Bảo đảm mỗi xã có 1 đội công tác từ 2 - 3 người, mỗi huyện có 1 tổ chuyên gia 3 - 4 người. Các đội, tổ này đi xuống các bản làng trong khu vực địa bàn đơn vị đảm nhiệm giúp bạn xây dựng cơ sở, củng cố tổ chức Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế xã hội, văn hóa giáo dục. Đồng thời vận động nhân dân các bộ tộc Lào ủng hộ bộ đội Trường Sơn trong quá trình làm nhiệm vụ. Đường đi đến đâu dân sơ tán đến đấy vì máy bay địch đánh phá vô cùng ác liệt. Các lực lượng giúp bạn thông thạo địa bàn, thông thạo ngôn ngữ và phong tục tập quán của dân bạn, đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tình đoàn kết giữa Đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân địa phương dọc hành lang với bộ đội 559, bộ đội Trường Sơn phát triển rất tốt đẹp.
+ Đoàn chuyên gia quân sự 565
         Theo Quyết định của Bộ QP, ngày 19/5/1965 Đoàn 565 được thành lập ở xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đại tá Đồng Sĩ Nguyên làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Thượng tá Ngô Thế Sơn là Phó Chính ủy.
        Nhiệm vụ của Đoàn 565 là giúp Bạn về xây dựng, phát triển và bảo vệ lực lượng cách mạng. Từ tháng 5/1965 đến 6/1968, Đoàn 565 gồm có 2 bộ phận: Bộ phận gồm các chuyên gia quân sự làm nhiệm vụ giúp Bạn tổ chức, huấn luyện các đội vũ trang để bảo vệ chính quyền cách mạng ở địa phương; Bộ phận gồm các đơn vị quân tình nguyện có nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ hành lang vận chuyển chiến lược 559.
         Trước yêu cầu xây dựng và phát triển lực lượng, chấp hành chủ trương của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam - Lào, các lực lượng chuyên gia quân sự và quân tình nguyện Việt Nam ở Nam Lào được kiện toàn, phát triển lên một bước để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ chiến lược trong tình hình mới. Ngày 28/6/1968 Bộ Tổng tham mưu ra quyết định số 98/TM-QĐ tách Đoàn 565 Chuyên gia quân sự và Quân tình nguyện Việt Nam tại Nam Lào thành hai lực lượng: Lực lượng chuyên gia quân sự mang phiên hiệu Đoàn 565, trực thuộc Đoàn 959 chuyên gia toàn Lào. Lực lượng quân tình nguyện Nam Lào mang phiên hiệu Đoàn 968, trực thuộc Quân khu 4 Việt Nam.
         Để thống nhất chỉ huy tác chiến trên khu vực Nam Lào, ngày 29/7/1970 Bộ Tổng tham mưu quyết định sáp nhập hai Đoàn 565 và 968 vào Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
         Trong 10 năm làm nhiệm vụ giúp Bạn, cán bộ, chiến sĩ, chuyên gia quân sự Đoàn 565 đã trải qua bao khó khăn, nguy hiểm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, như lời dậy của Bác Hồ: “Giúp bạn là tự giúp mình”. Nhiều cá nhân, đơn vị của Đoàn đã được tặng danh hiệu AHLLVT và nhiều danh hiệu cao quý khác của Nhà nước Việt Nam và Nhà nước Lào. Nhiều đồng chí đã hy sinh anh dũng vì tình đoàn kết Lào – Việt Nam.
+ Sư đoàn 968
         Năm 1968 -1969, Đoàn 968 tác chiến trên địa bàn các tỉnh Savanakhét, Salavan, Xêkoong, Atôpơ, Chămpasắc, đánh bại cuộc hành quân của địch lấn chiếm Mường Phìn năm 1969.
           Năm 1970, Đoàn 968 được thăng cường Trung đoàn 24 từ B3 sang giải phóng 2 thị xã Atôpơ và Salavan, là những căn cứ chiến lược ở Hạ Lào gần đường Trường Sơn.
         Cuối năm 1970, Bộ Quốc phòng quyết định điều Đoàn 968 tình nguyện trực thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Đoàn 968 được tăng cường Trung đoàn 9 bộ binh, tăng cường cán bộ và vũ khí, trang bị để thành lập Mặt trận Y chuẩn bị đối phó với chiến dịch “Lam Sơn 719” tại Đường 9 - Nam Lào năm 1971.
         Khi chiến dịch Đường 9 - Nam Lào diễn ra (2/1971), Mặt trận Y ở Hạ Lào là một hướng phối hợp chiến dịch quan trọng, đánh bại âm mưu của Mỹ - ngụy Lào định tấn công ra Salavan, Atôpơ, uy hiếp đường Trường Sơn ở phía Tây. Mặt trận Y bảo đảm an toàn cho tuyến vận chuyển Trường Sơn, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đồng thời giải phóng cao nguyên Bô lô ven (trong đó có thị trấn trọng điểm Pắc Sòong ), mở rộng vùng giải phóng ở Hạ Lào. Ở Đường 9, Bộ tư lệnh Trường Sơn trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 29 tình nguyện phối hợp với quân đội Pa thét Lào và Trung đoàn 48 (sư đoàn 320), lực lượng của Sư đoàn 472 đánh bại cánh quân ngụy Lào và lính Thái Lan có ý đồ tấn công ra Đường 23 và Mường Phìn - Đường 9, hòng cắt đứt đường vận chuyển chiến lược đoạn từ Trung Lào xuống Hạ Lào, phối hợp với cánh quân của Mỹ - ngụy Sài Gòn từ Bản Đông tiến lên Sêpôn hội quân với ngụy Lào kiểm soát hoàn toàn đường 9. Địch ở hướng tây không những không tiến xuống Mường Phìn được mà ta đã giải phóng luôn Mường Pha Lan, Đồng Hến, uy hiếp Xê Nô, thị xã Xa Vẳn, hoàn thành nhiệm vụ hướng tây chiến dịch, góp phần vào chiến thắng chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.
         Cuối năm 1972 đầu năm 1973, Mỹ - ngụy Lào tổ chức cuộc hành quân quy mô lớn với 80 tiểu đoàn tấn công chiếm đóng Pắc Xòong , Thà Teng, Không Sê Đôn và thị xã Xalavan , với ý đồ giành thế mạnh trước khi có giải pháp chính trị về Lào. Sư đoàn 968 được tăng cường lực lượng, hạ quyết tâm mở chiến dịch giải phóng, lấy lại các vị trí chiến lược đã mất. Ta lần lượt giải phóng thị xã Salavan , Pắc Xòong, Thà Teng, 80 tiểu đoàn địch bị thiệt hại nặng phải rút chạy. Chiến dịch kết thúc ngày 22/2/1973, một ngày sau khi hiệp định Viêng Chăn về Lào có hiệu lực .
         Ở đường 9, Trung đoàn 29 cũng dứt điểm, giữ vững căn cứ Mường Pha Lan, Đồng Hến. Thắng lợi này có ý nghĩa hết sức to lớn, các mục tiêu chiến lược đều do bạn và ta đã làm chủ, vùng giải phóng Trung và Hạ Lào được liên hoàn, có lợi cho cuộc đấu tranh dẫn đến thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.
         Hơn sáu năm (6/1968 – 12/1974) xây dựng, chiến đấu và trưởng thành trên đất bạn Lào, sư đoàn được tăng cường nhiều phương tiện chiến đấu hiện đại (pháo mặt đất, cao xạ, xe tăng…), biên chế đủ 3 trung đoàn bộ binh và các tiểu đoàn binh chủng. Được sự lãnh đạo, chỉ huy của Bộ Tư lệnh Quân khu 4, và tiếp đó là Bộ Tư lệnh Trường Sơn, sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Pa thét Quân khu Nam Lào, được sự giúp đỡ của Đảng và chính quyền, nhân dân các tỉnh Nam Lào, Sư đoàn 968 tình nguyện đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế giúp bạn, xây đắp nên truyền thống: “Cơ động liên tục, khắc phục khó khăn, đoàn kết lập công, trọn nghĩa vẹn tình dân tộc – quốc tế”. Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã khen ngợi sư đoàn: “Bạn tin, dân mến, đã đánh là thắng”.
         Cuối năm 1974, Sư đoàn 968, tạm biệt chiến trường Nam Lào hành quân về Tổ quốc, tham gia chiến dịch xuân 1975, giải phóng Tây Nguyên thắng lợi, cùng với các đơn vị Quân khu 5 giải phóng các tỉnh miền Trung từ Bình Định đến Ninh Thuận. Trung đoàn 9 sư đoàn 968 tách đội hình sư đoàn, phối thuộc Sư đoàn 320A tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần tiêu diệt Sư đoàn 25 ngụy ở Đồng Dù, Củ Chi, giải phóng Tân Quy… tạo điều kiện cho các đơn vị bạn tiến vào nội đô. Lá cờ truyền thống của Sư đoàn thêm vẻ vang khi Trung đoàn 9 có mặt trong đoàn quân giải phóng Sài Gòn ngày 30/4 lịch sử.
         Quá trình chiến đấu và công tác trên đất Nam Lào và chiến dịch Xuân năm 1975 toàn thắng, Sư đoàn đã lập công suất sắc. Ngày 3/6/1976 Đảng, Nhà nước ta đã trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Sư đoàn với lời tuyên dương: “Tuân theo lời dạy của Hồ Chủ tịch, thấm nhuần chủ nghĩa quốc tế vô sản, cán bộ, chiến sĩ sư đoàn đã không quản hy sinh, không nề gian khổ, anh dũng mưu trí trong chiến đấu, bền bỉ tận tụy trong công tác, đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm, đánh thắng nhiều quân ngụy, tay sai Mỹ, lập nhiều chiến công suất sắc”. Trong gần 7 năm (6/1968 – 4/1975), Sư đoàn đã diệt 55.000 tên địch, trong đó diệt gọn 1 trung đoàn, 4 tiểu đoàn khác, bắn rơi 265 máy bay, phá hủy hơn 100 xe quân sự, thu 700 xe và nhiều phương tiện chiến tranh khác của địch. Sư đoàn có 2 trung đoàn, 3 tiểu đoàn, 5 đại đội, 3 cá nhân được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân...

 
             
VỚI CAMPUCHIA
        Ngày 17/3/1970 Mỹ đã xúi giục Lon Non cầm đầu cuộc đảo chính lật đổ Quốc trưởng Vương quốc Campuchia - Sihanouk, lập ra chế độ Lon Non thân Mỹ mở đường cho Mỹ mở rộng chiến tranh sang Campuchia, gây ra rất nhiều khó khăn cho Đường Trường Sơn.
         Để tiếp tục hoạt động và phát triển hệ thống đường Trường Sơn sâu về phía Nam, tháng 4 năm 1970 ta đã mở chiến dịch Giải phóng 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia, bộ đội Trường Sơn có lực lượng tham gia chiến dịch này, góp phần giải phóng Xiêm Pạng. Vùng giải phóng được mở ra, tạo điều kiện cho Đảng bạn xây dựng phát triển lực lượng . Đồng thời trên địa bàn đường Trường Sơn đi qua, bộ đội Trường Sơn đã giúp đỡ lực lượng cách mạng của bạn xây dựng cơ sở, viện trợ vũ khí trang bị kỹ thuật, xây dựng phát triển lực lượng vũ trang. Từ một đội quân du kích nhỏ lẻ đã phát triển thành lực lượng lớn mạnh, được ta giúp đỡ về vũ khí đạn, đặc biệt về hỏa lực để năm 1975 tiến công giải phóng Phnom Pênh .
         Đưa quốc trưởng Sihanouk về nước
         Tháng 2/1973, Quốc trưởng và phu nhân sang thăm Việt Nam đúng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Sửu. Nhân chuyến thăm này, Quốc trưởng Sihanouk đã đề nghị Chính phủ Việt Nam giúp đỡ Ngài trở về thăm Tổ quốc trước Tết cổ truyền của Campuchia Chon Chnamthmay.
         Theo nguyện vọng và lời đề nghị của Quốc trưởng Sihanouk, Chính phủ ta quyết định thành lập một đoàn công tác đặc biệt giao cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao phối hợp thực hiện nhằm bảo vệ đoàn Quốc trưởng về thăm Campuchia bằng đường bộ.
         Thành phần đoàn, về phía Campuchia có Quốc trưởng Sihanouk, phu nhân của Quốc trưởng, bà hoàng Monique... và phiên dịch. Về phía Việt Nam có đồng chí Hoàng Văn Hoàng, chuyên viên cao cấp Ban Đối ngoại - Bộ Ngoại giao làm trưởng đoàn. Hai đồng chí phó trưởng đoàn là Nguyễn Thương, nguyên Đại sứ của nước ta ở Campuchia và Đại tá Lê Đình Xoàn - Phó Tư lệnh - Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
         Đoàn được chia thành nhiều tổ: Tổ cảnh vệ, tổ điện đài, tổ phục vụ... và 50 cán bộ, chiến sĩ BTL Trường Sơn. Tổng số đoàn gồm có 89 người. Đoàn mang mật danh "Đoàn Thắng lợi".
          Để bảo đảm cho Sihanouk qua đường Trường Sơn về nước, một chuyến đi đặc biệt được tổ chức. Chuyến đi của gia đình Sihanouk đã được tổ chức như một chiến dịch. Qua đó cũng kiểm nghiệm được chất lượng của hệ thống đường này và tinh thần trách nhiệm rất cao của bộ đội Trường Sơn.
        Thắng - Lợi đi và về Thắng - Lợi: Để đảm bảo chuyến đi về của Quốc vương Sihanouk và bà hoàng Monique, bộ đội Trường Sơn đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đích thân đặt kế hoạch tuyệt đối an toàn cho chuyến đi. Để đảm bảo an toàn, trước hết Quốc vương Sihanouk được đặt bí danh là Thắng, bà hoàng được đặt tên là Lợi.
         Bốn sư đoàn của bộ đội Trường Sơn : 473, 472, 471, 470 dọc tuyến đường Trường Sơn đã được giao nhiệm vụ đón khách trọng thể qua tám trạm dừng chân. Trên các trạm này phải đảm bảo tiện nghi sinh hoạt như những nhà nghỉ cao cấp, nghĩa là phải đủ phòng tắm, vệ sinh, phòng ăn, phòng làm việc, phòng khách, phòng ngủ... tất cả yêu cầu đó đã được bộ đội Trường Sơn đảm bảo.
         Một trong những người tham gia dẫn đường đã viết trong bút ký: "Mặt trời lên cao, nắng đổ tràn rừng. Đoàn xe rẽ vào con đường "kín" nhân tạo bởi những tán cây hai bên buộc díu vào nhau, những tấm lưới ngụy trang xen các loại dây leo... Không gian thoắt dịu hẳn, thấp thoáng vài giọt nắng lung linh. Quốc vương Sihanouk ngây người, thốt reo: "Con đường hầm màu lam... Ôi! Một kỳ công! Mỹ thua là phải thôi...". Chuyến đi đẹp đến mức Quốc vương Sihanouk đã sáng tác ngay trên đường một bài hát có tên Biết ơn con đường nói về tình nghĩa của đường Trường Sơn Việt Nam - Campuchia.
           Đưa đoàn Chính phủ Campuchia Dân chủ về nước
        Hiệp định Paris kí kết ngày 27 tháng 1 năm 1973. Mỹ ngừng ném bom trên toàn bộ chiến trường Đông Dương. Đoàn gọi là “Chính phủ Campuchia Dân Chủ” từ nước ngoài qua Trung Quốc rồi nhờ Việt Nam giúp đỡ theo đường Trường Sơn về nước. Khiêu Xăm Phon về trước, Iêng Xa Ri cùng đoàn chính phủ lưu vong hơn ba chục người về sau. Họ về vào tháng 8 năm 1973, giữa trung tâm của mùa mưa vô cùng khó khăn. Bộ đội Trường Sơn rải quân chống lầy suốt từ Bản Đông đường 9 vào đến sông Sê Na Nông với chiều dài khoảng trăm rưỡi ki lô mét. Đường lầy lội lắm, phải chặt gỗ lát nhiều đoạn cho xe đi. Bộ Tư lệnh Sư đoàn 472 cử một đại đội công binh vượt qua sông sang ứng cứu. Một chiếc xuồng máy chở 18 cán bộ chiến sĩ công binh bị lũ nhấn chìm, chết 12 người. Sau nửa tháng lũ rút mới tìm thấy xác. Ta vẫn quyết tâm chống lầy, ghép phà đưa họ qua sông. Đoàn dừng chân tại Sư đoàn bộ Sư đoàn 472 khu vực Tà Ôi - Xa Ra Van bên bờ nam sông Sê Na Nông. Đường vào phía trong quá lầy lội không thể đi được, phải dừng chân ở Sư đoàn bộ một tháng liền. Trong điều kiện dã chiến, Sư đoàn nhường chỗ ở tốt nhất cho Đoàn. Họ mặc toàn đồ đen, quần áo đen, mũ nồi đen, đeo cái túi đen, đi dép đen. Ieng Sary to cao, mập, da đỏ như gà chọi. Đêm nào cán bộ chiến sĩ cơ quan Sư đoàn bộ chúng tôi cũng giao lưu nói chuyện gọi nhau bằng đồng chí, thật vui vẻ, thân tình. Khi ngớt mưa, bộ đội công binh bảo đảm đường, phối hợp với các lực lượng khác đưa đoàn về đến Campuchia an toàn tuyệt đối.
         Trung Quốc viện trợ cho Bạn 200 xe ô tô Giải phóng chở theo 800 tấn vũ khí . Đầu năm 1974 Tiểu đoàn 990B thuộc Sư đoàn 571 do Đại uý Nguyễn Văn Vui chỉ huy đã vượt qua rất nhiều khó khăn trên chặng đường dài 1200 ki lô mét đường rừng núi phức tạp, bị phỉ tập kích, đưa đến Stung Treng giao cho bạn đầy đủ xe và hàng. Đồng thời Việt Nam cũng giúp đỡ bạn về vũ khí, hậu cần vận chuyển trên đường Trường Sơn để kháng chiến chống lại quân đội của Lon Non, giải phóng Phnom Pênh , giải phóng hoàn toàn đất nước Campuchia.
         Polpot bắt đầu trở mặt
        Tại Campuchia, ngay từ khi ký kết hiệp định Pa ri, Khor me Đỏ đã có các hành động phản bội chống lại các lực lượng của Việt Nam trên đất Campuchia, khi chính phủ lưu vong Campuchia Dân Chủ về nước, họ đã có những hoạt đông chống phá Việt Nam quyết liệt hơn bằng nhiều cách, kể cả các cuộc tấn công bằng vũ khí vào lực lượng của ta
         Bọn Polpot liên tục cho quân lính phá rối, kích động, cưỡng ép nhân dân trong khu vực đóng quân biểu tình đòi Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia . Nhân dân thì ngơ ngác không hiểu lý do, nhưng vẫn phải chấp hành lệnh của tổ chức, mang theo dao, búa và các loại nông cụ đi biểu tình dưới sự giám sát bằng súng của lính khơ me đỏ, nhiều vụ chúng cầm súng đi đằng sau ép dân xông vào căn cứ, nhưng do nắm được tình hình và được dân báo tin, nên các cuộc biểu tình bạo loạn nhằm vào sở chỉ huy Sư đoàn 1 và một số đơn vị của Việt Nam đều thất bại. Chúng quay ra tìm cách tấn công vào các đơn vị hậu cần, chính sách, trong đó mở đầu nhằm vào một đơn vị điều dưỡng thương bệnh binh của f1 đóng quân cách sở chỉ huy sư đoàn chừng 10 km, bị ta phát hiện ngăn chặn, các hoạt động chống phá bộ đội Việt Nam diễn ra ngày càng quyết liệt hơn.
         Đường Trường Sơn đi qua 4 tỉnh đông Bắc Campuchia từ năm 1966 bảo đảm vận chuyển chi viện cho chiến trường Miền Nam và giúp đỡ cách mạng Campuchia. Sau này họ trở mặt, ngăn chặn việc vận chuyển của Việt Nam qua đất Campuchia. Thậm chí họ còn tổ chức chặn xe, chiếm vũ khí, hàng hậu cần của ta. Từ năm 1974, chúng ta phải chuyển đường vận chuyển sang hết đất Việt Nam.
         Ngay sau khi Việt Nam giải phóng Miền Nam, họ ra mặt thù địch gây ra cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam. Chúng tôi không thế tưởng tượng được sao họ lại làm như vậy. Chúng là kẻ phản bội nhân dân Việt Nam.
 
tin tức liên quan