"Bà xã". Tự kể của Hà Đỗ Tú

Ngày đăng: 09:27 08/06/2020 Lượt xem: 587
BÀ XÃ
(Hà Đỗ Tú - Tự kể)
 
         Tôi gặp em đúng ngày nhận được tin Bác Hồ kính yêu về với thế giới người hiền, hôm ấy đơn vị TNXP C384 của em giải thể, một nửa chuyển về sáp nhập với đơn vị của tôi.
         Thế rồi cuộc chiến vẫn cứ kéo dài lê thê, đơn vị lại chuyển vào đường 10, đường 18 Trường Sơn trực thuộc Binh Trạm 16 Đoàn 559. Vào một ngày cuối mùa khô đơn vị chính bị gặp nạn, cả một trung đội bị ngạt xăng trong đó có tôi. Hàng trăm người trong đơn vị lao vaò cứu nhưng không ai vào nổi. Đơn vị phải ngăn xe nhờ lái xe Trường Sơn vào giúp, xế họ có mặt nạ phòng độc nên họ vào được và chuyển được 27 người ra khỏi khu vực nguy hiểm để mọi người sơ cấp cứu và đưa đi viện 112 Quân khu 4. Nhưng có một đồng chí ở Tiểu đội tôi hy sinh. Đêm hôm đó tôi theo xe chở Liệt sĩ Ngô sỹ Hùng ra Nghĩa trang Vạn Ninh chôn cất. Xong công việc xe chở chúng tôi về K24 nơi Trung đội khai thác đá của em đóng quân để ăn tối và nghỉ lại. Tối đó trong ánh lửa cửa bếp Hoàng Cầm tôi mới nhìn rõ mặt em., nhìn gương mặt em da sạm bởi nắng lửa gió Lào Trường Sơn, đôi môi thâm thì vì đã trải qua nhiều cơn sốt rét ác tính. Nhưng ở em nụ cười vẫn hồn nhiên, ánh mắt long lanh khi chúng tôi chợt nhìn chạm vào mắt nhau, nửa như e thẹn, nửa như thăm dò. Ngay lúc đó tôi đã ấn tượng khi gặp lần đầu, ở em có gì khác với những chị em đồng đội. Đó là mái tóc em vẫn còn giữ được dài và đen nhánh, vì ở Trường Sơn từng ấy năm tóc chị em thường là rụng vợi chỉ còn thoắt đuôi chuột.
         Lúc chuẩn bị xong cơm canh, em mời mọi người dùng bữa và ngồi cạnh tôi, lúc này em mới nói chuyện với tôi. Em hỏi tôi: “đồng hương” nay cũng bị nạn nặng thế mà sao không đi viện, lúc trưa thấy lái xe báo các anh các chị gặp nạn hy sinh hết rồi.  Em và Trung đội biệt phái bỏ cơm rồi chạy sang nhờ Đội xe Trường Sơn chở đầy hai xe Ben quay vào đơn vị. Mọi người chỉ đứng khóc thôi không ai vào được, chờ các anh chị tỉnh rồi chuyển đi viện chúng em mới về. Tôi trả lời em là tôi đang ôn thi tốt nghiệp cấp 2 nên xin ở lại.
        Từ đó mỗi lần đơn vị biệt phái về đơn vị chính lấy gạo thực là em lại xin đi, vì vậy chúng tôi thi thoảng có dịp gặp nhau. Lâu lâu lại gửi vài chữ nhờ lái xe Trường Sơn chuyển ra giúp. Ở Trường Sơn chúng tôi cứ đề trên phong bì Hòm thư TQ90 là ai cũng tưởng thư chiến trường gửi hậu phương nên không bị soi xét.
        Vào tháng 6 năm 1972 sau đợt oanh tạc toàn tuyến đường 10 bằng cả B52, đơn vị tôi đóng ở ngầm Long Đại bom lại càng tập trung nhiều hơn. Thời kì này chúng tôi hy sinh thì ít nhưng bị thương thì không mấy ngày là không có. Sức khỏe đơn vị có phần giảm sút, cấp trên cho một số đi giám định sức khỏe để đi an dưỡng trong đó có tôi và em.
        Hôm ấy lúc chúng tôi đi thì khe tràn nước cạn, lúc về gặp trời mưa to, lũ dềnh lên mấy cây gỗ trôi gặp ống xăng dầu thì bị chặn lại. Mọi người bước nhanh trên cây gỗ thì không sao, nhưng đến lượt em vì sợ, vì mưa ướt lạnh nên bước chệch. Cây gỗ giãn ra em rơi lọt thỏm và bị dòng nước cuốn trôi.
         Tôi và Phạm Văn Biên ào xuống xuôi dòng bám men theo mép suối phải đến gần 20 mét chúng tôi mới tóm được tóc của em. Lôi được lên rồi em sặc sụa hồi lâu mới hoàn hồn. Về đơn vị em lại bị sốt đến gần một tuần, Y tá đơn vị bảo là em bị sốc nên vậy chứ không phải sốt rét.
        Gần một tháng sau em nằm trong danh sách được ra Bắc ăn dưỡng rồi xuất ngũ. Trước ngày em đi đúng phiên tôi trực ban đơn vị, thế là em cùng tôi đi bộ dọc tuyến. Tôi nói với em mà mắt cứ nhìn vô vọng vào rừng già, là em ra Bắc rồi ăn dưỡng xong xuất ngũ về nếu ai thương thì lấy họ, còn anh ở lại chưa biết bao giờ được ra mà thời buổi bom đạn thế này đừng chờ anh nữa. Em buồn lắm nhưng không trả lời tôi.


(Tranh minh họa)
 
         Tháng 12 năm 1972, toàn đơn vị tôi chuyển ra Bắc. Trên chuyến tầu ra Bắc đến ga Nghĩa Trang tôi xuống tầu vào Hậu Lộc tìm em. Trực ban đưa tội gặp Viện Trưởng, chờ một lúc thì em đến. Ngày hôm ấy sau khi nhận thuốc điều trị trong ngày em xin phép Viện Trưởng đưa tôi ra chợ Dầu, xa nhau mấy tháng ra ăn dưỡng em khỏe hơn nhiều, má đã hồng hồng, làn môi đã thắm nhìn xinh hẳn lên. Chúng tôi chuyện luyên thuyên cả nửa ngày tôi mạnh dạn ngỏ lời chính thức. Rằng lần này vào tìm em nếu em đồng ý thì xin phép Viện cho về thăm nhà ít ngày để ra mắt hai bên gia đình, em không trả lời. Nhưng ngày hôm sau em cùng mấy bạn thân tiễn tôi ra tận Ga Nghĩa Trang cách Viện Điều dưỡng V28 hơn chục km. Lúc tôi lên Tầu thì em cũng lên theo, hóa ra em đã xin Viện Trưởng về với tôi một tuần.
        3 ngày sau chúng tôi tổ chức dạm trầu để em đi trả phép về Viện Điều dưỡng V28 Hậu Lộc – Thanh Hóa. Hôm em trả phép tôi cũng đưa em vào tận V28 và ra ga Nghĩa Trang mua vé Tầu đi Ga Hàng Cỏ rồi đi bộ về Trại ăn dưỡng T30 lúc đó đóng tại xã Xuân Đỉnh – Từ Liêm - Hà Nội.
         Nhưng đến năm 1982 một căn bệnh hiểm nghèo đã ập đến gia đình tôi. Sau khi bà xã sinh đứa con thứ 5 thì bị tai biến sản giật sau đẻ. Sau sinh được 2 ngày thì vợ sốt cao co giật cấm khẩu, tôi nhanh chóng đưa đi cấp cứu Bệnh viện huyện. Nằm tại Bệnh viện huyện 3 ngày các Bác sĩ nói với tôi là Bệnh viện đã tích cực điều tri liều cao nhưng không thấy biến chuyển. Bệnh viện chuẩn đoán là bị nhiễm trùng huyết. Bệnh viện thời đó không thể có thuốc điều trị, có người mách với tôi về bảo gia đình thử kết hợp xem mặt trái (xem duy tâm) xem thế nào. Tin vợ tôi bệnh trọng không qua khỏi nhanh chóng lan truyền tới hai quê hai bên nội ngoại. Thế là trong vòng nửa ngày cả làng tôi và cả làng quê vợ cách Bệnh viện 10 cây số lũ lượt đi bộ lên viện hổi thăm. Nhìn vợ nẵm quằn quại trên bàn cấp cứu cấm khẩu không nói được nước mắt tôi cứ trào ra. Ngay sau đó tôi phải xin ý kiến bố mẹ vợ rằng tình hình Bác sĩ nói nhiễm trùng huyết không chữa được thì ý kiến bố mẹ thế nào. Bố mẹ vợ cũng thấu hiểu hoàn cảnh nên nói với tôi trong nước mắt: đằng nào cũng không chữa được thì anh cho nó về nhà để lúc nó có đi thì còn nhìn thấy 5 đứa con của nó. Nhưng do căn bệnh quá hiểm nghèo, tôi đành nhờ bố mẹ vợ và anh em hai bên canh chừng ở viện, nhờ bố mẹ đẻ trông đỡ 5 đứa trẻ ở nhà (đứa lớn nhất 8 tuổi, đứa nhỏ nhất 5 ngày tuổi). Một mình lo liệu chạy vạy vay mượn cô dì chú bác một người một ít cũng chỉ được hơn 400 đồng (tiền năm 1982) để chuẩn bị lo hậu sự cho vợ.
        Chiều tối xe 05 của Bệnh viện Việt Bun Đa khoa tỉnh về khám cho vợ tôi, trong xe có Bác sĩ Lãm lúc đó là Trưởng cấp cứu khoa sản Bệnh viện Việt Bun. Mẹ vợ tôi níu lấy Bác sĩ Lãm nhờ cậy (bởi Bác Lãm là người quen của gia đình bố mẹ vợ tôi, năm bệnh viện Việt Bun sơ tán về thôn Hoàng Nông xã Lô Giang thì chính Bác Lãm là người ở trọ nhà bà Nội của vợ tôi). Sau khi Bác Lãm khám xong nói là ca bệnh này rất khó khăn nếu gia đình nhất trí còn nước còn tát thì cho bệnh nhân lên xe 05 chuyển về Bệnh viện tỉnh. Tôi mừng như hơn bắt được vàng, bằng giá nào tôi cũng cứu lấy vợ tôi, tôi đồng ý ngay. Khoảng 5 giờ chiều trong phòng cấp cứu chỉ có tôi được phép vào hộ trợ Bác sĩ Diềm Trưởng khoa sản của bệnh viện huyện. Tôi đè 2 chân vợ để Bác sĩ thò cả bàn tay và cánh tay qua cửa mình lấy ra một màng nhỏ bằng đồng 5 xu lẫn máu đông, Bác sĩ chỉ nói với tôi một câu “không phải sót rau”, rồi bảo tôi giữ chiếc xô để thụt tháo ổ bụng. Chỉ khoảng vài phút mà tháo trong ổ bụng vợ tôi phải đến 5 hoặc 6 lít dịch đỏ au như máu, được tháo ra trước khi lên xe 05 chuyển viện. Trên đường đi tỉnh tự nhiên vợ tôi bật được tiếng rất nhỏ qua cái miệng méo xệch. Nhưng tôi cững hiểu ý là vợ đang khát đòi uống nước... 
        Những ngày ở đây ngoài thuốc bệnh viện bệnh nhân phải mua thuốc liều cao với giá cả 20 đồng một ống precxalon, 6 đồng 1 lọ AMPIcilin. Một ngày mua thêm 1 ống prec và 2 lọ ampi hết khoảng 70 kí thóc. Nuôi bệnh nhân và 4 hoặc 5 người nhà xuống chăm sóc khoảng 100 đồng, tiền sữa và thức ăn cho con và người chăm 5 đứa trẻ ở nhà độ 50 đồng. Bình quân mỗi ngày hết một cót thóc 4 tạ. Cứ 2 ngày lại có người xuống thay cho tôi về nhà tắm giặt và chuẩn bị mọi thứ cần cho mọi người. Về nhà đêm nằm nhìn vào chiếc giường có 5 đứa con vô tư ôm nhau ngủ, nhất là đứa trẻ mới sinh vừa rụng rốn da bụng mỏng như màng sang nhìn thấy cả ruột xanh nè, nước mắt thằng đàn ông 33 tuổi như tôi bỗng nhiên cứ ứa ra giàn giụa.
        Bà xã xuống viện tỉnh sang ngày thứ 5 thì đòi ăn, nhưng chỉ dám ăn nhẹ, nói lại được nhưng ngọng líu lưỡi, cứ phải để ý nghe để hiểu vợ nói gì, không hiểu là bả khóc quăng quật bất cứ thứ gì gần đấy. Một lần bà đòi ăn đá lạnh, tôi nhờ người mua về, bả vồ lấy cho vào mồm nhai như nhai ngô, ăn hết gần nửa kí bằng gần chục que kem. Thế nhưng sau ngày đó bả tỉnh dần ăn được cơm, sang ngày thứ 10 ăn được và đi tiểu đại tiện bình thường. Chỉ có nói là còn ngọng líu ngọng lìu. Đến ngày thứ 17 tôi không còn gì để bán ra tiền nữa, có đôi lợn khoảng 60 cân một hôm mưa rào nước chảy ngập chuồng chết đuối cả đôi, bố tôi ở nhà cho đụng được 60 đồng. Tôi liều nói chuyện với Bác sĩ xin cho vợ ra viện, cũng may Bác sĩ  cũng đồng ý và cho đơn mua 10 lọ ampi giá cao cùng với 15 hộp sữa bò nhãn hiệu “con chim”.
          Cũng phải đến 2 năm bà xã mới nói lại bình thường, thỉnh thoảng xuống viện tỉnh nhờ mua tem sữa, gặp các Bác sĩ điều trị hỏi thăm về sức khỏe bà xã, ai cũng mừng nói là nhà có phúc to đấy, chứ bệnh ấy trăm người may mới được một, không tử vong thì cũng tàng tật suốt đời.
        Khó khăn lại đến với tôi, hoạn nạn vừa qua thì năm 1983 gặp năm mất mùa đói kém. HTX chỉ ưu tiên gia đình bộ đội mới được vay thóc tập thể, còn gia đình TNXP khó khăn đến mấy cũng không được xét. Tôi làm đủ mọi việc ngày buôn bán chợ, tối đun te tép, cua cá đủ mọi việc kiếm cơm cho 7 miệng ăn và thêm sữa cháu nhỏ. Đuối sức tôi bị lao lực nằm bẹp giường, thế là bà xã chưa hồi phục hẳn phải thay tôi chạy chợ. Tôi mua cho mấy mẹ con chiếc cối xay bột, mỗi ngày dăm cân gạo xay bột làm bánh rán. Sáng phải dậy từ 3 giờ làm hàng đến 5 giờ mang chợ bán, sau này hợp đồng thêm cho mấy nhà mẫu giáo nữa nên cũng có thu nhập, đủ tiêu pha nuôi các cháu học hết cấp II.
         Từ ngày TƯ Đoàn thành lập Ban liên lạc TNXP toàn quốc.Tôi cũng thường xuyên vắng nhà, đạp xe khắp 2 huyện Hưng Hà và Tiên Hưng cũ tim lại đồng đội xem ai còn ai mất để thành lập Hội đồng ngũ C442 TNXP Trường Sơn đơn vị của chúng tôi. Sau này có Hội TNXP, Hội Trường Sơn cấp xã, tôi đứng ra thành lập Ban vận động lâm thời và được bầu làm Chủ tịch của cả 2 Hội trong toàn xã,. Vì vậy thường xuyên phải lo việc Hội, công việc đã không có phụ cấp mà lại còn mất rất nhiều thời gian tiền xăng, tiền điện thoại để lo việc thăm hỏi đồng đội, hội viên và thân nhân của họ không may ốm đau hoặc qua đời. Nhưng được cái Bà xã vẫn luôn luôn hậu thuẫn cho tôi, động viên tôi làm việc nghĩa không chút đắn đo, nhất là việc lo cho đồng ngũ đang sinh sống trong hơn 50 xã rải rác trong 2 huyện Hưng Hà và Tiên Hưng cũ. Nhiều khi không có người đi phụ giúp Bả sẵn sàng đi cùng.


Chân dung người bạn đời của tác giả
 
           Người ta thường nói sông có khúc, người có lúc, trải qua khó khăn tưởng như không thể gượng được, vậy mà vợ tôi đã cùng tôi đồng cam cộng khổ vượt qua. Tôi không có điều kiện cho các con ăn học bằng người nhưng đã cho các con đức tính cần cù chịu thương chịu khó. Đến nay con cái chúng tôi cũng đầy đủ nhà cửa khang trang, chúng tôi nội ngoại có 12 đứa cháu (8 nội, 4 ngoại) 1 cháu nội học xong Đại học xin được việc làm gần nhà, 1 cháu đang học Cao đẳng Hàng Hải, 1 cháu ngoại Bộ đội năm nay xuất ngũ còn mấy cháu đang đi học đều là học sinh giỏi trong trường.
 
Hà Đỗ Tú.
Thôn Kim Sơn. Xã Kim Trung. Huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
(Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam)
TU 08-6

tin tức liên quan