"Truyện kể địa ngục trần gian". Tác giả: Vương Văn Kiểm

Ngày đăng: 10:58 10/06/2020 Lượt xem: 682
TRUYỆN KỂ ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN (*)
 Vương Văn Kiểm
Hồi I
      Sau khi hiệp định Genève ký kết (1954), quân Pháp cùng tay sai từ Đà Nẵng kéo vào chiếm đóng vùng giải phóng nam Quảng Nam, gây ra nhiều vụ thảm sát hàng loạt ở một số nơi như chợ Được, Chiên Đàn, Cây Cốc. Tại Quế Hiệp (cũ) thuộc quận Quế Sơn chúng vây bắt một số cán bộ, Đảng viên còn nằm lại địa phương, không tập kết ra miền Bắc.
      Sáng 30/11/1954 bọn cảnh sát quận Quế Sơn tổng lệnh bắt Ngô Đinh. Anh thoáng nghĩ, thế là có chuyện nghiêm trọng rồi. Hai tên lính đem giấy gọi… đến nhà anh. Anh thản nhiên đi cùng. Đến nơi, thấy các đồng chí Trần Xuân Vinh, Võ Đình Toàn v… v…  cùng công tác ở Ủy ban Hành chính Kháng chiến xã Quế Hiệp cũng bị bọn chúng áp giải đến. Trong lúc đó, anh vừa trông thấy bọn chúng khiêng Trần Huỳnh bị bắt trước đó mấy ngày, bị đánh đập tàn nhẫn, người mềm như bún, chúng quẳng xuống sàn dằn mặt các tù nhân mới vừa áp giải tới. Ngô Đinh liếc ra đường . thấy Nguyễn Nhơn, Nguyễn Đình Toàn cũng là cán bộ kháng chiến, đang đi lại tự do. Anh Vinh rỉ tai Ngô Đình: “Thằng Nguyễn Nhơn, Nguyễn Đình Toàn làm phản rồi. Hắn phản ngay lúc địch vừa đặt chân đến. Ai ngờ lòng người thay đổi nhanh chóng vậy”.
      Nguyễn Đình Toàn nguyên là cán bộ xã Quế Hiệp thời Việt Minh, nhưng là Quốc dân Đảng nằm vùng. Giặc tới, liền nhảy ra làm cảnh sát khu 1 Hương An. Hắn trơ tráo gọi Ngô Đình chất vấn về tổ chức cơ sở bí mật tại Phú Thọ, Quế Hiệp, Ngô Đình bình thản trả lời:
      - Tôi là cán bộ Ủy ban  xã Quế Hiệp theo dõi ruộng đất, thủy lợi trong thời Việt Minh. Tôi làm cho Việt Minh cũng như ông thời đó thôi, ông nghĩ cái tình hồi cùng làm việc mà nói hộ, chứ tôi chẳng biết tổ chức… gì cả.
      Hắn tiếp tục dụ dỗ:
      - Nếu không khai, người ta sẽ đánh chết đấy, anh khai thật rồi tôi đỡ cho.
      Ngô Đình vẫn giữ lời như cũ. Nguyễn Đình Toàn thấy tra khảo những người quen biết, rất bất tiện, chúng giải tất cả tù nhân lên quận Quế Sơn.
      Đến quận lỵ Quế Sơn, cảnh tù ngục mới… bắt đầu. Chúng tống Ngô Đình cùng các đồng chí của anh xuống hầm đất giam giữ. Dưới hầm, bùn đục lềnh, lạnh lẽo, mà chúng bắt anh đứng dưới đó suốt 3 ngày đêm. Anh thanh niên Ngô Đinh lúc đó 26 tuổi, nhưng dầm nửa người dưới nước bùn 3 ngày, ăn uống qua loa mất sức rất nhanh. Khi chúng gọi lên thẩm vấn thì hai chân đã đông cứng, tê buốt. Anh nghiến răng quặt quẹo lê bước. Vừa đến phòng thẩm vấn, tên chỉ huy ra lệnh cho bọn đàn em xông vào đánh, đá phủ đầu. . 
                       
 Hồi II
     Giày đinh, báng súng đánh túi bụi vào người Ngô Đinh. Anh lấy hai tay che vùng kín để khỏi bị đá trúng… tức người… chết điếng. Qua trận đòn dữ dội mấy tiếng đồng hồ, chẳng khai thác gì được hơn từ Ngô Đinh, chúng tống anh xuống hầm đất nhầy nhụa kia. Một vài ngày sau chúng lôi anh lên tra điện, đổ nước xà phòng, nước ớt, chết đi sống lại mấy lần. Anh Đinh vẫn khăng khăng những lời như cũ.
      Sau một tháng giam giữ, tra tấn vô cùng tàn khốc, ngày 30/12/1954, chúng giải anh đi Hội An.Thế là Ngô Đinh thoát được thời khắc đại nguy hiểm. Ở Hội An, anh qua 3 nhà tù, nhà tù cuối cùng là nhà tù Thông Đăng. Tại đây anh tiếp tục kiên trì đấu tranh. Ngày 23/10/1955 chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm tổ chức cuộc trưng cầu dân ý trá hình, chúng bắt tù nhân phải bỏ phiếu theo sự áp đặt. Bọn chúng còn trắng trợn nêu khẩu hiệu “xanh bỏ giỏ, đỏ bỏ thùng”. Phiếu đỏ là của Ngô Đình Diệm (thân Mỹ), phiếu xanh là của Bảo Đại (thân Pháp). Lãnh đạo trong nhà lao không để chúng thực hiện được mục đích đen tối. Ngô Đình cùng các đồng chí trung kiên khôn khéo liên hệ với tất cả tù nhân không theo sự áp đặt đó. Mọi người đều bỏ phiếu ngược ý đồ của chúng. Địch đã thất bại.
      Ngày 17/5/1957 Ngô Đinh cùng các đồng chí nguyên là Ủy ban xã bị chúng chuyển xuống tầu thủy, đầy đi Côn Đảo. Tại đây, chúng đưa Ngô Đinh cùng với mấy đồng chí ở Quế Sơn và 3 người ở Tam Kỳ vào trại 2 (ly khai cách mạng), các đồng chí ở Tiên Phước vào trại 1 chống ly khai (theo cách mang). Vừa đến đây, còn lạ nước lạ cái, bọn chúng bắt ở đâu thì cứ ở đó. Biết ở trại 2 là sai, là lập trường không vững vàng, nhưng chúng ta sẽ có hình thức đấu tranh thích hợp. Các anh nhớ lại thời kỳ đất nước “ngàn cân treo trên sợi tóc”, Bác Hồ dặn cụ Huỳnh Thúc Kháng: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, chúng ta theo phương châm ấy mà thực hiện.
      Ngay từ ngày đầu ra Côn Đảo, các anh đã chạm mặt tên đại úy Năm. Hắn dọa dẫm:
Tau là đại úy Năm Bình Xuyên đây.Tau tốt thì mềm như nhung như lụa, mà xấu thì như cá sấu, trâu điên. Thằng nào chống đối thì biết tay tau. Mạng tụi bay ở đây là cỏ rác cả rồi. Sau một tháng, bọn cai ngục đến xua đi chào cờ, các anh đi cho lấy lệ, không hát quốc ca, không hô khẩu hiệu. Nếu chúng bắt phát biểu , thì tùy ý mỗi người. Nhưng không nói xấu Đảng, Bác Hồ, không xa rời lập trường cách mạng. Các anh đã biến nhà tù thành trường học. Người có trình độ văn hóa cao dậy cho người trình độ thấp. Anh Đinh cũng ráng học được nhiều từ đồng đội. Lãnh đạo trong tù… còn tổ chức học những bài cơ bản của chủ nghĩa Mác Lê nin.
 
 Hồi III
      Đùng một hôm, tên đại úy Năm đến, tập trung hết anh em trại 2, hô lớn:
      - Ai theo chánh nghĩa quốc gia thì sang bên này, ai theo cộng sản thì đứng bên kia
      Toàn thể mọi người ngồi lỳ tại chỗ, không sang phía nào cả. Tên Năm hô rã hơi cũng chẳng thấy ai nhúc nhích. Hắn điên tiết chửi bới:
      - Đ. Mẹ tụi bay! Cộng sản không, Quốc gia cũng không, thì tụi bay muốn chi, muốn chết hả?
      Hắn gầm ghè, bỏ đi. Nhưng hôm sau, Năm Bình Xuyên gọi lẻ từng phòng giam để làm trò này, nhưng cũng chẳng có kết quả chi. Thế là hắn cho lực lượng xông vào đánh đập tù nhân tàn bạo. Trong trận đàn áp đầu tiên, Ngô Đinh bị chúng xếp vào loại cứng đầu, tách riêng đưa đi  cấm cố ở chuồng cọp.
      Người ở chuồng cọp bị cùm suốt ngày đêm. Cái cùm được thiết kế “đạt hiệu quả” rất cao về việc hành hạ tù nhân. Mỗi chuồng cọp chúng cùm chừng 10 người một hàng dọc, sát bên nhau. Hai chân tù nhân luôn phải duỗi thẳng, phần trên thân thể chỉ thực hiện được động tác ngồi dậy, hoặc nằm xuống sàn. Cùm cách đó buộc họ không vặn mình được, phải luôn luôn nằm ngửa mặt lên trần nhà. Tù nhân không được nói chuyện, không được quan hệ trao đổi, không được nghiêng mặt qua bên này hoặc bên khác. Muốn đi tiểu thì giơ một ngón tay, đi đại tiện thì giơ hai ngón tay ra hiệu để cai ngục đến mở cùm. Tất cả phải làm theo đúng như quy chế, ai làm sai bị ăn đòn hiểm ngay lập tức.
      Chúng cùm Ngô Đinh ở chuồng cọp hơn một tháng, người gầy rộc, sức xuống rất nhanh, bại cả đôi chân. Bị cấm cố ở chuồng cọp này là mốc thử thách quan trọng đối với Ngô Đinh. Vào đây anh mới thực sự chứng kiến “địa ngục trần gian” Côn Đảo.
      Trở về trại 2, Ngô Đinh được các đồng chí ân cần thăm hỏi và bí mật dành sự ưu tiên chăm sóc. Chưa quá tuổi  ba mươi, sức khỏe hồi phục nhanh, anh lại cùng đồng đội lao vào cuộc đấu tranh mới ngày càng quyết liệt. Đã qua thử thách, Ngô Đinh được các đồng chí lãnh đạo bí mật trại 2 tin tưởng hơn, giao nhiệm vụ liên hệ với trại 1 để cùng phối hợp đấu tranh.
      Năm 1960, chính quyền Sài Gòn đưa thiếu tướng Mai Hữu Xuân cùng mấy tên lính đàn áp nhà nghề ra Côn Đảo đánh phá trại 1. Đầu tiên, chúng tập trung tù nhân tuyên truyền, học tập, tiến hành chiến tranh tâm lý, nhưng không có kết quả, chúng dùng thủ đoạn chia nhỏ, đánh lẻ bằng những đòn tra tấn tàn bạo, đẫm máu. Hết tra tấn dụ dỗ, lại tra tấn. Các đồng chí phải tạm thời rút lui. Nếu không, tên Xuân có thể giết sạch anh em   
Vương Văn Kiểm
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
------------------------------
(*) Bài dựa theo đồng đội Phạm Thông
Tài liệu tham khảo: Quế Sơn- đất và người (Ban Thường vụ Huyện ủy Quế Sơn ấn hành năm 2014)

(Còn nữa)
tin tức liên quan