"Truyện kể địa ngục trần gian". Tác giả: Vương Văn Kiểm (Tiếp theo)
TRUYỆN KỂ ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN (*)
Vương Văn Kiểm
(Tiếp theo)
Hồi IV
Năm 1958 chúng đã từng đầu độc giết chết hơn 1000 người cùng một lúc. Sức chịu đựng của con người không thể là vô hạn. Trong bước ngoặt hiếm hoi ấy, buộc các đồng chí của ta phải dùng kế hoãn binh. Bỏ trại 1 sang trại 2. Trại 1 từ hơn 1000 người, sau 3 tháng chỉ còn lại 20 người, sau đó còn 6 người, Trong những trận đòn tra tấn hiểm ác, một đồng chí hy sinh. Cuối cùng còn 5 người biệt giam ở chuồng cọp, xà lim.
Bọn địch hí hửng đã đánh tan được khối thép chống ly khai ở Côn Đảo. Nhưng chúng lầm, hai trại hợp lại thành một thì cái khối thép ấy càng to, càng cứng, càng bền. Trong thời khắc vô cùng khốc liệt đó, Ngô Đinh nổi lên rõ vai trò đi đầu trong các cuộc đấu tranh. Phong trào mới này mỗi lúc một cứng rắn hơn. Để đánh chặn từ xa, chúng phân loại đối tượng cầm đầu, xung kích. Ngô Đinh là một trong những đối tượng ấy. Chúng tách Ngô Đinh khỏi đám đông, đưa đi biệt giam lần hai tại chuồng cọp suốt cả năm 1961.
Đầu năm 1962, Ngô Đinh được trở lại trại 2. Lúc này lãnh đạo chủ trương bí mật triển khai toàn trại học tập về phê bình và tự phê bình, đặc biệt là học tập bảo vệ khí tiết cách mạng. Ngô Đinh vừa học tập xong, thì tháng 8/1962 địch đưa anh cùng 500 đồng chí từ Côn Đảo về đất liền, giam giữ tại nhà lao Phú Lợi.
Vào trại giam Phú Lợi, việc đầu tiên là bọn cai ngục bắt các anh chào cờ và hô khẩu hiệu. Ngô Đinh tha thiết đề nghị với lãnh đạo nhà lao, cho phép anh cảm tử chống chào cờ. Ban lãnh đạo phân vân:
- Chống chào cờ thời điểm này, ta bất lợi. Mới đến, chúng ta chưa nắm được mức độ đàn áp của bọn cai ngục. Ở đây có tiền lệ đầu độc chết cả ngàn người rồi. Làm không khéo sẽ bị tổn thất lớn. Chống thì chỉ có mình đồng chí đi tiên phong thôi, chúng nó sẽ đánh chết luôn đó. Đồng chí đã lường hết mọi tình huống chưa?
Lúc đó, Ngô Đình đã 35 tuổi, từng nhiều lần đấu tranh. Anh nhớ rất rõ lời cuối cùng của đồng chí Lưu Chí Hiếu: “Để bảo tồn khí tiết thì phải có người hy sinh”
Sáng hôm sau, giữa lúc toàn thể tù nhân đang chào cờ lấy lệ, Ngô Đinh đột ngột xông lên đứng ngay chân cột cờ tuyên bố:
- Chúng tôi đã có lá cờ Việt Minh hồi kháng chiến chống Pháp, hiện nay có lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Chúng tôi chỉ chào lá cờ đó, không chào cờ của các ông
Năm giờ sáng hôm sau, tên trung sĩ Trị đến trại giam, gọi Ngô Đinh đi. Tất cả anh em tù Phú Lợi vô cùng lo lắng, có thể anh Đinh sẽ chết dưới bàn tay độc ác của những tên cai ngục
Hồi V
Bọn thẩm vấn nhà lao hỏi Ngô Đinh:
- Tại sao ông không chào cờ?
Ngô Đinh thản nhiên trả lời:
- Từ trước đến giờ vẫn vậy, ngoài Côn Đảo tôi đã không chào thì ở đây, tôi cũng làm như vậy
- Tên Trị nghiến răng:
- Mày ngoan cố, lại lý luận cuồng hả
Hắn cho bọn đàn em treo Ngô Đinh lên trần nhà, dùng các phương tiện tra tấn đặc biệt hành hạ, đánh anh trào máu miệng, dập môi, sưng mặt. Từ 7 giờ tối đến 12 giờ đêm chúng treo anh lên, thả xuống đến năm sáu lần. Vừa đánh, chúng vừa hỏi:
- Mày có chịu chào cờ không?
Ban đầu anh còn trả lời: không! Về sau anh chỉ đủ sức lắc đầu. Anh Đinh biết nếu chúng đánh vài lần nữa sẽ chết. Tên Trị gọi điện báo cho Trung tá- Quản đốc trại giam Bùi Thanh Tâm:
- Chúng tôi đã đánh tên này năm sáu lần rồi, mắt nó trợn dộc mà vẫn không đầu hàng. Nếu Trung tá cho phép, bọn em sẽ đưa nó về chầu Diêm Vương.
Sau đó anh Đinh nghe thằng Trị báo với đàn em:
- Trung tá- Quản đốc không cho tụi mình đánh nữa. Ông ta bảo đừng để cho nó chết. Nó sống, ta khuất phục được mới giỏi.
Hắn bảo thằng lính lấy băng ca, vứt anh Đinh vào xà lim tập thể.
Ở Phú Lợi có 2 loại xà lim, loại nhốt một người, loại nhốt nhiều người. Thằng Trị sợ anh Đinh chết, nên đưa anh vào xà lim tập thể để tù nhân tự chăm sóc lẫn nhau. Tiếng Ngô Đinh một mình xông lên tuyên bố chống chào cờ nhanh chóng lan rộng khắp 5. 000 tù nhân tại nhà lao Phú Lợi. Nhiều đồng chí của anh phát biểu:
- Đây là tiếng bom cảm tử nổ giữa nhà tù Phú Lợi
Sau đó chúng lại đưa anh trở lại trại, giam chung. Ban lãnh đạo nhà lao thở phào, mừng Ngô Đinh vẫn sống, vẫn giữ vững khí tiết cộng sản. Một lần nữa Ngô Đinh vượt qua hiểm nguy, thực hiện phương châm “Đấu tranh là lẽ sống của người cách mạng”.
Tháng 6/1964, tại Côn Đảo, nổ ra cuộc tuyệt thực lịch sử với nội dung chính trị là “Tạo ra khí thế cách mạng trong toàn Côn Đảo, khởi phát lại phong trào chống chào cờ công khai đã từng tồn tại ở trại 1: tỏ thái độ để kẻ thù biết rằng người cộng sản không bao giờ nhụt chí khí rời bỏ mục tiêu lý tưởng”. Anh em đấu tranh vì nhân sinh, dân chủ như cung cấp đủ lương thực phẩm v… v…, đấu tranh đòi tự do: chống chào cờ, chống ly khai.
Hồi VI
… Ban đầu có 50 người. một vài ngày sau tăng lên 220 người tham gia đấu tranh. Tuyệt thực đến ngày thứ 7, thì có 5 người tắt thở. Riêng anh Lê Tự Kình còn thoi thóp thở, tên cai ngục gặng hỏi:
- Nếu ông chịu đầu hàng, tôi sẽ tiêm thuốc để ông được sống.
Anh lắc đầu, chúng bỏ chết luôn. Người chiến sĩ cộng sản sẵn sàng chấp nhận “gươm kề cổ, súng kề tai”. Ngô Đinh và các đồng chí của anh đã từng coi cái chết như “cày xong thửa ruộng”.
Bọn địch nấu thức ăn ở đầu gió, đem nước để trước mặt. Ngô Đinh và anh em luôn cố gắng nằm bất động, nghĩ đến câu “đấu tranh là lẽ sồng của người cách mạng”, giữ vững niềm tin, chiến thắng mọi cám dỗ. Các anh giấu chút muối, chút vitamin, để sử dụng kéo dài sức sống mà đấu tranh.
Mấy ngày sau, Ngô Đinh hôn mê sắp tắt thở, anh Dương Ngoạn nói với các đồng chí thanh niên tham gia tuyệt thực ráng bò ra sân lấy nước, hòa vào tí muối, đổ vào miệng anh Đinh… tỉnh lại.
Rồi mấy ngày nữa, các anh nằm thoi thóp khô héo ở vị trí chiến đấu, bọn cai ngục Côn Đảo chấp nhận giải quyết một số yêu cầu về dân sinh, dân chủ. Ban đại diện tù nhân tuyên bố mật lệnh: ngừng tuyệt thực.
Sức khỏe mọi người hồi phục, tất cả bị đẩy qua biệt giam ở chuồng cọp. Ngô Đinh lại chìm trong sự đầy ải cùng cực, đen tối, lâu dài.
Năm 1968, những người dân chủ Mỹ đến Côn Đảo điều tra về chế độ nhà tù ở Nam Việt Nam. Những người biệt giam tại chuồng cọp biết được, họ truyền tin nhau đấu tranh, la ó để những người Mỹ dân chủ nghe thấy. Bọn cai ngục tạt vôi bột qua song sắt, để bịt miệng tù nhân. Bởi vì la ó thì vôi bột xộc vào miệng, sặc, chết ngạt tại chỗ.
Giai đoạn 1969- 1972 phong trào đấu ranh chống chào cờ, bảo vệ khí tiết lên đến đỉnh cao. Chúng đàn áp đẫm máu. Tên Trung tá Trương Bá Tiếp ra lệnh thủ tiêu các chiến sĩ cách mạng bằng nhiều hình thức hiểm ác như đóng đinh vào đầu, dùng búa đập vỡ sọ, cho điện giật, bỏ người vào phuy nước đập mạnh bên ngoài thùng, tức trào máu miệng. Ngô Đinh nhiều lần bị chúng tra tấn, biệt giam hầm đá, chuồng cọp đôi ba tuần lễ mỗi lần.
Ngày 27/1/1973, Hiệp đinh Paris được ký kết. Ngô Đinh vẫn nằm biệt giam. Anh bị bắt năm 1954, bị ghép vào phần tử thường xuyên chống đối, địch không chịu trao trả anh cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng
Ngaỳ 1/5/1975 Ngô Đinh và các đồng chí trung kiên trong nhà lao Côn Đảo được giải phóng khỏi địa ngục trần gian. Tên Lợi trưởng trại giam Khối B khét tiếng gian ác, thắt cổ tự vẫn, lại được chính người cộng sản cứu sống.
Ra tù về quê, con người gang thép ấy gặp phải nỗi đau không lấy gì bù đắp nổi: vợ cùng hai con chết vì chiến tranh và vì nghèo khổ. Người thân chẳng còn ai, anh dựng nhà đơn sơ bằng mấy tấm tôn của bà con hỗ trợ để có nơi thờ phụng người vợ liệt sĩ và hai con xấu số. Chính quyền thôn xã, đồng chí, bà con không để anh cô đơn đến cuối đời. Họ tìm một người phụ nữ nguyên là cơ sở cách mạng mà người chồng đã hy sinh, xúm vào tác động, cưới vợ cho anh. Anh chị cùng hoàn cảnh, cùng chảy trong người dòng máu cách mạng, chịu nhiều thiệt thòi, nên thông cảm, bù đắp cho nhau. Rất may, anh đã bị tù đầy như vậy mà vẫn sinh được đứa con- bông hoa của đời anh, tuy hơi muộn.
Dân tộc ta anh hùng, Đảng ta vĩ đại đã sinh ra và tôi luyện biết bao chiến sĩ cách mạng kiên cường. Con người anh hùng, sự tích anh hùng trên đất nước ta, trong các nhà tù đế quốc nhiều lắm, Sự hy sinh của đồng đội, đồng chí và nhân dân vô bờ bến. Chúng ta rất cảm ơn anh Ngô Đinh là một trong những người như thế.
Vương Văn Kiểm
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
------------------------------
(*) Bài dựa theo đồng đội Phạm Thông
Tài liệu tham khảo: Quế Sơn- đất và người (Ban Thường vụ Huyện ủy Quế Sơn ấn hành năm 2014)