Những ngày ở Kon Tum - Ký ức thời lửa đạn của Đặng Kim Âu

Ngày đăng: 09:09 29/06/2020 Lượt xem: 1.364
NHỮNG NGÀY Ở KOM TUM
KÝ ỨC THỜI LỬA ĐẠN CỦA ĐẶNG KIM ÂU

 
         Trung tá CCB Đặng Kim Âu sinh năm 1949 tại Song An- Vũ Thư - Thái Bình. Hiện anh đang cư trú tại Tổ DP 23 Ngọc Thụy – Long Biên – Hà Nội.
         Gia nhập Quân đội NDVN tháng 7 năm 1966. Tròn 25 năm mặc áo lính Đặng Kim Âu đã có quá trình chiến đấu và công tác như sau: Từ tháng 7 năm 1966 đến tháng 02 năm 1967 B2; B1 Chiến sỹ Tiểu đoàn 262 Trung đoàn 5 Sư đoàn 320B; Từ tháng 3 năm 1967 đến tháng 10 năm 1981 từ B1 Chiến sỹ đến Thượng úy Chính trị viên Tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 2 Quân khu 5; Từ  tháng 11 năm 1981 đến tháng 10 năm 1982 - Thượng úy trợ lý tổng hợp Cục Chính trị Binh đoàn 773; Từ  tháng 11 năm 1982 đến 12 năm 1983 - Đại úy Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 352 Quân khu 5 và từ tháng 01 năm 1984 đến tháng 12năm 1992, Đại úy- Thiếu tá- Trung tá Trợ lý Tuyên huấn Học viện Hậu cần QĐNDVN.
         Quá trình công tác trong Quân đội và cả thời gian nghỉ hưu, Đặng Kim Âu đã từng tham gia viết bài cho Báo Quân đội ND; Báo Quân khu 1; Báo Cao Bằng và Tạp chí Nhà trường… Và trong vòng chưa đầy một năm trở lại đây – Mặc dù không phải là lính của Trường Sơn nhưng Đặng Kim Âu đã tìm được và thấy yêu mến Trường Sơn… Cũng trong thời gian ngắn ngủi chưa đầy một năm này anh đã gửi về Báo điện tử Trường Sơn một số tác phẩm có chất lượng, đáp ứng tôn chỉ mục đích hoạt động của “tiếng nói Trường  Sơn hôm nay” và thỏa mãn nhu cầu của bạn đọc Trường Sơn.
         Đặng Kim Âu vừa gửi đến Trường Sơn chùm bài viết là ký ức không thể quên của mình về một thời anh từng có mặt ở một nơi với đầy rẫy gian khổ, đạn bom nơi chiến trường Tây Nguyên – Nơi đã từng lừng vang khắp chiến trường đánh Mỹ của cả dân tộc ta - chiến dịch Đắc Tô – Tân Cảnh…
         Ban Biên tập Trường Sơn xin trân trọng cảm ơn tấm lòng hướng về Trường Sơn của Đặng Kim Âu. Trân trọng lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc Trường Sơn chùm bài viết mang tựa đề: “NHỮNG NGÀY Ở KOM TUM” của Đặng Kim Âu.
 
      KHÔNG MUỐN GẶP CŨNG GẶP  
      Tôi với Nguyễn Sỹ Hùng vốn là bạn thân. Cùng làm liên lạc đại đội trong thời kỳ mới nhập ngũ huấn luyện tại Lương Sơn - Hòa Bình . Cùng hành quân đi B. Cùng chiến đấu và trưởng thành trong đội hình của Trung đoàn Ba Gia ( nay là trung đoàn 1/ Sư đoàn 2 / Quân khu 5). Chúng tôi có thói quen sau mỗi chiến dịch chiến đấu là tìm gặp nhau cũng chỉ để bắt tay nhau một cái, chỉ để tận mắt nhìn thấy bạn mình có ổn không , cùng ăn với nhau một bữa cơm (cơm thường báo của nhà bếp , không có ăn tươi hay liên hoan gì cả) sau đó mắc võng nằm cạnh nhau ngủ một giấc rồi ai về đơn vị người ấy. Vậy mà sau chiến dịch Đắc Tô – Tân Cảnh do sự điều động sắp xếp của trên ( điều động miệng ). Tôi đang làm Trợ lý công tác chính trị trung đoàn về làm trợ lý chính trị tiểu đoàn 2. Hùng đang làm tiểu đoàn phó tiểu đoàn 3 về ban tác chiến trung đoàn nhưng không được phân công công việc cụ thể nào vì khi đó ban tác chiến đã đủ người và đều là những cán bộ già dặn kinh nghiệm tham mưu tác chiến. Mặc dù đã được đồng chí trưởng tiểu ban cán bộ trung đoàn đả thông là do tính chất quan trọng của nhiệm vụ sắp tới , do đơn vị chiến đấu trực tiếp yêu cầu. Nhưng nhìn vào cứ như là chúng tôi bị cách chức mặc dù trong chiến dịch Đắc Tô – Tân Cảnh cả hai chúng tôi đều được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thời đó chúng tôi trọng danh dự lắm . Cái mà chúng tôi sợ nhất là bị đơn vị đánh giá  ý chí chiến đấu sa sút, bị kỷ luật. Cả hai chúng tôi đều sợ bạn hiểu lầm nên muốn tránh mặt nhau.
      Nhưng thật bất ngờ, khi đi đánh thị xã Kom tum ,Hùng lại cùng trung đoàn phó Nguyễn Như Lộc đi trực tiếp với tiểu đoàn 2. Cùng hành quân , cùng ăn một bếp nên chúng tôi lại gặp nhau và những băn khoăn trong lòng mỗi người đã được giải tỏa. Ngay đêm đầu tiên mắc võng nằm cạnh nhau Hùng tâm sự . Đây là lần đầu tiên Hùng nói dài kể từ ngày chúng tôi thân với nhau . Giộng Hùng chậm rãi :
      -Trước đây chúng mình đã từng nói với nhau: Mong sao đến ngày thống nhất trong hai đứa mình còn được lấy một thằng để về báo tin cho gia đình và đưa hài cốt thằng đã mất về với quê hương .Nhưng lần này thì khác đấy bạn ạ . Bạn về đây là do ông Phan Tịch chính trị viên tiểu đoàn và ông Nguyễn Đình Liêu tiểu đoàn trưởng xin đích danh còn mình do trung đoàn phó Nguyễn Như Lộc  chỉ định trực tiếp. Quyết tâm của chiến dịch lần này là giải phóng thị xã Kon Tum. Nói đến giải phóng thị xã Kom Tum ai mà chả thích, nào là mở rộng vùng căn cứ, nào là kéo dài đường chiến lược Hồ Chí Minh vv…Nhưng theo mình nghĩ việc này không hề đơn giản. Cứ nhìn vào cách tổ chức thì biết. Trên hướng đông nam này chỉ có hai tiểu đoàn bộ binh là tiểu đoàn 2 của trung đoàn mình và tiểu đoàn 6 của trung đoàn 141 mà ông Dương Bá Lợi phó tư lệnh Sư đoàn đi trực tiếp chỉ huy . Trung đoàn mình chỉ có một tiểu đoàn 2 mà ông Nguyễn Như Lộc trung đoàn phó đi trực tiếp với ban chỉ huy tiểu đoàn, không thành lập sở chỉ huy nhẹ trung đoàn là biết nhiệm vụ lần này quan trọng mức nào rồi.Còn về chiến đấu thôi thì muốn gọi đây là hướng thứ yếu hay hướng nghi binh hoặc dương công gì đó thì tùy nhưng bạn cứ nghĩ kĩ xem hướng này nổ súng trước hướng chủ yếu ( hướng tây) hai ngày. Hai ngày chốt giữ lại trong lòng địch sẽ ác liệt đến nhường nào ? . Mình xác định lần này hi sinh thôi nên mình nghĩ nếu hi sinh thì hai chúng mình sẽ hi sinh cùng một chỗ.
      -Có nghĩa là sống là bạn , chết cũng là bạn chứ gì , đồng ý thôi ;
      -Coi như vậy đi, thống nhất nhé.Cả hai cùng cười vui vẻ.
Và từ đó chúng tôi luôn bên nhau. Khi tránh bom pháo cùng vào một hầm. Khi đào công sự thì đào chung, người đào người xếp bao cát. Khi trốn đi tắm ban đêm trong thị xã cùng đi. Khi đi nắm tình hình chiến đấu của đại đội 5 và đại đội 7 cùng đi. Về sở chỉ huy tiền phương Trung đoàn cùng đi. Xuống đại đội 17 thông tin cùng đi…Trải qua 14 ngày gian khổ, ác liệt trong thị xã Kom Tum mà cả hai chúng tôi đều nguyên vẹn trở về và tiếp tục sống chiến đấu tới ngày toàn thắng.
    Đã là những sỹ quan dạn dầy trận mạc, coi cái chết nhẹ như lông hồng. Vậy mà cũng có lúc trẻ con như vậy đấy!

      DÂN TRONG THỊ XÃ
      Khi đi đánh thị xã Kom Tum, do phải hành quân đường dài, công tác bảo đảm hậu cần gặp khó khăn, lương thực đã phải ăn rút xuống để kéo dài thời gian nhưng vẫn không đủ. Đêm hôm đánh vào thị xã Kom Tum, không có gạo nấu cơm, tiểu đoàn bộ tiểu đoàn 2 trung đoàn 1 sư đoàn 2 phải cử một số cán bộ chiến sỹ vào bản dân tộc liên hệ vay gạo nhưng đồng bào đã đi sơ tán chỉ còn lại một ông già bị tật bẩm sinh chân đi cà nhắc ngồi thu lu trong một ngôi nhà sàn khá to. Rất may là ông biết tiếng phổ thông. Tôi đặt vấn đề nhờ ông mua giúp của đồng bào ít gạo. Ông trả lời: “ Đồng bào bị lính dồn đi cả rồi mang theo cả lúa gạo sắn đi cả rồi, cả bản chỉ còn mình mình thôi , không còn gì giúp bộ đội được đâu. Thấy tôi ái ngại ông lại nói:
      - Nhà mình còn cái này , mình giúp bộ đội . Nói rồi ông dắt tay tôi xuống gầm nhà sàn quờ tay bắt con gà mái đang ấp trong ổ đưa cho tôi.
      - Không được đâu, bộ đội không nhận đâu. Ông giữ lại cho nó ấp nở ra nhiều con. Nếu sau này có dịp quay lại tôi sẽ mua ông nhé.
      Nhìn quanh nhà thấy có hai buồng chuối xanh khá to, tôi hỏi mua nhưng ông không bán mà nói giúp bộ đội. Tôi bảo anh Phan văn Liếu quản lý tiểu đoàn trả ông 300 đồng tiền lưu hành dưới chế độ ngụy rồi  chặt mấy buồng chuối xanh đem về luộc chia cho mỗi cán bộ chiến sỹ 4 quả làm nương khô . Tuy đói thiếu nhưng tinh thần bộ đội không hề nao núng vì ai cũng nghĩ rằng chỉ cần đánh thắng sẽ giải quyết được vấn đề lương thực.
      Sáng 24/5, Sở chỉ huy tiểu đoàn 2 có trung đoàn phó Lộc đi cùng ở ngay ngã tư đường Đào Duy Từ và Lê Thánh Tôn ( nay là đường Trần Hưng Đạo ). Bộ phận tôi, Hùng , anh Đinh Công Tráng quân khí viên tiểu đoàn và anh Đàm Quang Sách quân lực tiểu đoàn được bố trí trong một căn nhà khá rộng và đẹp. Người mở cổng cho chúng tôi là một bà chừng 50 tuổi , người nhỏ nhắn, khỏe mạnh .
- Bà là chủ nhà ?
- Dạ không, tôi là người ở ;
- Vậy chủ nhà đâu ?
- Dạ cô chủ mắc bênh hậu sản nằm dưới hầm ;
Tôi , Nguyễn Sỹ Hùng và Đàm Quang Sách đi cùng bà xuống hầm. Một căn hầm khá rộng và kiên cố xây ngầm dưới gian bên cạnh phòng khách. Nằm trên chiếc giường cá nhân là một phụ nữ còn rất trẻ mắc bộ quần áo rách rưới, mặt bôi đầy lọ nghệ (nhọ nhồi), người run cầm cập đầy sợ hãi, hai tay chắp lại vái lia lịa làm tôi phì cười.
- Cô là chủ nhà?
- Dạ phải ;
- Sao nằm đây?
- Thưa các ông, con bị bịnh hậu sản nên nằm ở đây ạ ;
      - Nhìn vào cặp mắt và hai bàn tay cô tôi khảng định cô không phải là người ốm. Cô rửa mặt, thay bộ quần áo rách này đi rồi lên nhà trên khai báo đàng hoàng. Nếu khai báo đúng, tôi sẽ bảo đảm tính mạng và tài sản cho gia đình cô. Nếu gian trá, buộc lòng tôi phải bàn giao cô cho du kích địa phương.
Nghe nói bàn giao cho du kích, cả chủ nhà và người ở sợ dúm tứ túc hứa sẽ khai đúng sự thật.
      Chúng tôi đang ngồi ăn chuối luộc chấm muối hầm. Hai người phụ nữ trong nhà đứng lấp ló bên cửa phòng trong nhìn trộm. Cô chủ nhà đã tẩy mặt,thay quần áo mới, nhìn rất xinh, cứ như là mới lột xác vậy. Tôi lên tiếng trước :
      -Nếu chuẩn bị tinh thần rồi thì lại ngồi nói truyện đi; Sau tiếng dạ nhỏ có vẻ dè dặt, cô gái bước lại bên bàn.
       -Cô tên gì ?
      -Dạ ,  em tên Lan;
      -Cô làm nghề gì ?
      -Dạ làm nội trợ . Nghe tiếng nghề nội trợ tôi không hiểu nên hỏi lại :
      -Nghề nội trợ là nghề gì?
      -Dạ , phụ nữ có chồng ở nhà nấu ăn, giặt dũ gọi là nội trợ ạ;
      -À ra thế. Chồng cô tên gì, đang ở đâu?
      -Chồng em tên Châu là thiếu úy quân tiếp vụ đi hành quân cách nay một tuần, giờ không biết ở đâu;
      -Những điều cô trả lời vừa qua tôi tin là cô nói thật, những bức ảnh treo trên tường kia đã nói lên điều đó , cô còn muốn nói điều gì không ?. Cô tỏ ra mạnh dạn hơn:
      -Các ông là Cộng sản ạ; Chính phủ Quốc gia nói : “ Cộng sản là thổ phỉ chuyên ăn hang ở lỗ, ăn giun, ăn dế, ăn trái xanh do hái lượm được, bảy người đánh đu không gẫy một cành đu đủ”. Nay thấy các ông ăn trái chuối xanh thì đúng rồi nhưng sao ông nào cũng đẹp trai và cử chỉ lịch lãm thế.
      -Đó là điều mà Mỹ , Ngụy tuyên truyền bậy còn bây giờ tận mắt cô thấy rồi đấy.Nhân đây tôi cũng nói để cô rõ : Người dân trong vùng địch goi chúng tôi là cộng sản; là quân giải phóng hay là Visi đều không sai nhưng trước hết chúng tôi là những con người. Những con người Việt Nam có lý tưởng : Đuổi Mỹ, lật Ngụy thống nhất Tổ quốc . Nếu chúng tôi ốm yếu ,man rợ như chính quyền của  Nguyễn Văn Thiệu tuyên truyền thì làm sao mà chiến đấu và chiến thắng được,liệu cô và bà có cơ hội ngồi đây nói chuyện với chúng tôi không ? Và khi chúng tôi đánh vào, thị xã này có tắm máu không ?. Còn việc chúng tôi ăn chuối xanh luộc. Chúng tôi là một gia đình mà, mà đã là một gia đình thì cũng có lúc này, lúc khác. Cấp trên không tiếp tế kịp, ăn trái xanh, rau rừng một vài bữa thì có sao. Cô thấy đấy, ăn chuối xanh nhưng bộ đội vẫn giữ vững tinh thần và kỷ luật, hăng hái chiến đấu, thế là tốt đấy chứ.
      Như hiểu được những điều tôi nói, cô trở nên vui vẻ: “ Để em giúp các ông ít gạo nấu cơm”. Nói rồi, cô và người ở vào bếp. Cô xin phép sang mấy nhà lân cận vận động bà con mang gạo, đường, sữa, mật ong và cả mỳ chay ông phật tới giúp trạm phẫu tiểu đoàn để chăm sóc thương binh. Đêm ngày 26/5 trinh sát thông báo : vị trí trú quân bị lộ. Chúng tôi vừa di chuyển thương binh và số dân quanh đó sang phố bên cạnh thì địch tập trung pháo kích tới. Toàn bộ số nhà dân khu đó bị sập, không còn một mảnh tôn. May mà di chuyển kịp thời nên không ai bị thương vong. 
      Sau hòa bình, năm 1976, tôi và một số đồng chí được cử đi làm nhiệm vụ quy tập mồ mả liệt sỹ trong thị xã Kom tum. Tôi có ghé qua thăm gia đình cô Lan. Cô đã có một con nhỏ và đangg làm tại công ty vệ sinh đường phố. Chồng cô là trung úy quân tiếp vụ đang đi cải huấn. Cô nói “ Em rất vui vì chiến tranh đã kết thúc không còn phải lo bom đạn chết chóc, mình tự làm tự ăn đói no do mình, không còn phải lệ thuộc vào người Mỹ”.
      Chúng tôi ôn lại chuyện cũ. Mọi người cùng cười vui đáo để.

Đặng Kim Âu
(Còn nữa)
tin tức liên quan