"Nhớ tết Trường Sơn nửa thế kỷ trước" - TG: Thiếu tướng Hoàng Kiền

Ngày đăng: 09:21 12/02/2021 Lượt xem: 410
--------------------------------------------------------------------

NHỚ TẾT TRƯỜNG SƠN NỬA THẾ KỶ TRƯỚC
 
         Là Thầy giáo cấp 2, tháng 8/1970 tôi lên đường nhập ngũ, ban ngày tập kỹ chiến thuật, đêm đêm đeo ba lô đất nặng, chống gậy leo núi rèn luyện để vượt Trường Sơn. Cả Tiểu đoàn hơn 500 chiến sĩ, phần lớn là Thầy giáo cấp 1, cấp 2 của tỉnh Nam Hà. Sau ba tháng huấn luyện, chúng tôi lên đường hành quân vào chiến trường. Xuất phát từ xã Yên Quang - huyện Ý Yên - tỉnh Nam Hà, đi bộ sang ga Ninh Bình. Đoàn quân lên tầu hoả vẫy chào tạm biệt quê hương lên đường đi đánh Mỹ. Đến trạm giao liên Hưng Nguyên tạm nghỉ, từ đây đi ô tô vào Quảng Bình, đến nông trường Quyết Thắng của Vĩnh Linh dừng chân để vượt sông Bến Hải vào Nam. Nằm chờ mấy ngày nhưng không vượt sông được lại quay ra Quảng Bình. Từ Cự Nẫm đi ca nô lên biên giới. Lên bờ có ô tô ba cầu đón, mỗi Trung đội một xe, đêm tối mù mịt, xe có đèn rùa bò theo đường rừng lắc lư nhảy chồm chồm như xóc ốc. Một tiếng sau các chiến sĩ bắt đầu nôn oẹ ra, thế rồi nhiều người nôn ra cả mật xanh mật vàng, duy nhất chỉ có mình tôi là không bị nôn. Xe dừng, tất cả tụt xuống, tiếp tục đi bộ, trời mưa nhỏ, đường trơn nhầy nhụa, dép cao su cứ trầy trật ra, cả Trung đội bám nhau hành quân theo ánh đèn pin leo lét. Khoảng hai tiếng đến trạm giao liên, mắc tăng võng, bẻ cành cây chùi chân chứ làm gì có nước, leo lên võng ngủ.
         Đêm đầu tiên ngủ trên rừng Trường Sơn. Từ đây cuộc hành quân bộ vượt Trường Sơn bắt đầu. Đi theo đội hình Tiểu đoàn, trèo đèo lội suối, mỗi ngày một chặng, đến Trạm Giao liên nghỉ đêm, đường trơn dốc đứng vực sâu, muỗi vắt nhiều vô kể. Cuộc hành quân vô cùng gian nan, mỗi người đeo một ba lô quân tư trang, súng đạn, một bao tượng gạo, xoong nồi Tiểu đội phân công nhau mang, đến Trạm Giao liên nghỉ dừng chân, đào bếp Hoàng Cầm nấu cơm chiều ăn, mắc tăng võng ngủ đêm. Bình minh tỉnh giấc, nấu cơm ăn sáng, nắm mang theo ăn trưa cùng nước sôi cho vào bi đông uống dọc đường cả ngày.
         Qua các khu vực trọng điểm máy bay địch đánh phá, phải hành quân đêm, pháo sáng trên trời không giây nào ngừng, chân bước nhanh, chạy vượt qua thật hồi hộp toát mồ hôi hột ra. Dọc đường đi qua các khu vực có bản làng của nước Lào, nhân dân ra đứng dọc hai bên đường trao đổi hàng hoá với bộ đội. Dân cần đá lửa, mì chính, kim khâu, chỉ khâu; Bộ đội ta được phổ biến kinh nghiệm đều mang theo để đổi lấy hoa quả, bí đỏ, bí xanh, rau các loại, có cả gà, thú rừng ... Hậu cần tại chỗ, quân dân hai nước thắm tình hữu nghị trên những cung đường Trường Sơn ra mặt trận.
         Hơn một tháng chúng tôi vào đến đường 9 Nam Lào, được bổ sung cho Đoàn 559 - Trường Sơn. Thế rồi tôi gắn bó với Trường Sơn, với con đường huyền thoại gần 6 năm liền. Cuộc hành quân bộ vượt Trường Sơn theo đường giao liên vô cùng khó khăn, gian khổ, nguy hiểm; nhưng khí thế lên đường vẫn hừng hực, hào hùng thôi thúc đoàn quân ra chiến trường đánh Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vào đến đường 9 Nam Lào đã là một một sự cố gắng lớn. Những đơn vị vào miền Đông Nam Bộ phải đi mất 6 tháng vượt Trường Sơn, đến miền Tây Nam Bộ mất bảy tháng hành quân, chưa chiến đấu cũng xứng đáng được thưởng Huân chương rồi.
         Tết Tân Hợi năm 1971, cái tết đầu tiên tại chiến trường Trường Sơn. Đón tết xong là bước vào chiến dịch Đường 9 Nam Lào. CHIẾN DỊCH ĐƯỜNG 9 NAM LÀO. - Từ năm 1964 đến 1970 suốt hơn 6 năm sử dụng tối đa sức mạnh của không quân, Mỹ vẫn không ngăn chặc được sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Mỹ- nguỵ đã quyết định mở chiến dịch qui mô lớn bằng bộ binh tiến công đánh vào đường Trường Sơn. Lực lượng gồm quân Mỹ, quân nguỵ Sài Gòn, quân hoàng gia Lào và quân đội đội Thái Lan tham gia.  Ngày 30 tháng 1 năm 1971 cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch đánh vào khu vực đường 9 bắt đầu. Hơn 4 vạn quân chủ lực nguỵ miền Nam, 6.000 quân Mỹ, gồm những đơn vị tinh nhuệ nhất. Với số lượng lớn binh khí kỹ thuật, gồm 580 xe tăng và xe bọc thép, 320 khẩu pháo, 1.000 máy bay (trong đó có 600 máy bay lên thẳng, 45 máy bay B52), chúng tập kết tại Đông Hà tiến lên khu vực xuất phát là Khe Sanh. Từ đây cuộc hành quân được thực hiện bằng hai phương thức: Tiến công đường bộ: Đánh sang theo đường 9 mục tiêu là đánh tới Bản Đông, Sê Pôn trên đất Lào; Đổ bộ đường không: Đổ bộ xuống các khu vực trọng điểm để cắt đứt đường Trường Sơn trong một phạm vi có chính diện và chiều sâu khá lớn ở khu vực nam đường 9. Phối hợp ở phía tây, quân nguỵ Lào huy động 4 Tiểu đoàn từ Đồng Hến đánh ra khu vực Mường Pha Lan, phía tây Mường Phìn, quân đội Thái Lan hỗ trợ, sẵn sàng tham chiến. Mục tiêu trong chiến dịch này là hành quân là cắt đứt hoàn toàn tuyến vận tải chiến lược, phá huỷ tối đa các kho chiến lược trên đường Trường Sơn, ngăn chặn sự chi viện các mặt cho lực lượng của ta ở chiến trường.
         Để đánh bại cuộc hành quân này, Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào. Do nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn đã lấy được toàn bộ kế hoạch cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ nguỵ, báo cáo ra Bộ Tổng tư lệnh, chúng ta đã chuẩn bị trước để đối phó. Bộ tư lệnh Trường Sơn đã chuẩn bị thế trận cho chiến dịch phản công. Lực lượng của Bộ được điều động đến phục sẵn như Sư đoàn bộ binh 2 và một số đơn vị. Cánh đông Bắc thành lập mặt trận B70 bao gồm các Sư đoàn 304, 308, 320 và các Trung đoàn, Tiểu đoàn độc lập. Cánh phía tây giao cho Bộ tư lệnh Trường Sơn phụ trách gồm: Sư đoàn 968, Sư đoàn 2, Trung đoàn 48, Trung đoàn 29, cùng một số Trung đoàn, Tiểu đoàn binh chủng. Bộ đội Trường Sơn là lực lượng dự bị đánh địch tại chỗ trên toàn địa bàn chiến dịch, các đơn vị của BTL Trường Sơn được trang bị vũ khi bộ binh để tham gia đánh địch.


Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lãnh đạo Bộ QP
về kế hoạch tác chiến của
 Bộ đội Trường Sơn 
chuẩn bị thế trận cho chiến dịch phản công...
 
         Ngày 3/1/1971 Ban chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi toàn thể cán bộ chiến sĩ trên mặt trận đường 9 - Nam Lào " .... Trận này là một trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược....Quân đội ta nhất định phải đánh thắng trận này". Ngày 23 tháng 3 năm 1971 chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi. Âm mưu của Mỹ nguỵ cắt đứt tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn bị thất bại hoàn toàn. Quân đội Sài Gòn nòng cốt của học thuyết Ních Xơn "Việt Nam hoá chiến tranh" bị giáng một đòn thất bại nặng nề. Hơn 2 vạn tên địch bị loại khỏi vòng chiến đấu. 1.138 xe tăng, xe bọc thép, xe kéo pháo, 112 pháo lớn bị phá huỷ, 556 máy bay trong đó có 505 máy bay trực thăng bị bắn rơi...
          Vừa trực tiếp bảo đảm cho chiến dịch, vừa tham gia chiến dịch, Bộ đội Trường Sơn đã tiêu diệt 5.695 tên, bắt 614 tên, bắn rơi 346 máy bay (có 310 trực thăng), thu 125 xe pháo các loại. Bộ đội Trường Sơn vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia chiến dịch, vừa tiếp tục vận chuyển chiến lược cho các hướng chiến trường vượt chỉ tiêu đề ra. Sau chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, cuộc chiến tranh ngăn chặn chi viện của đế quốc Mỹ bị phá sản hoàn toàn.
 
XUÂN TÂN SỬU NHỚ XUÂN TÂN HỢI

Đón xuân Tân Sửu hôm nay
Nhớ tết Tân Hợi ngày này năm xưa
Tròn nửa thế kỷ đã qua
Bừng lên kỷ niệm thiết tha bồi hồi *

Tuổi đời mười tám đôi mươi
Trong như tiếng hạc lưng trời bay xa
Vai đeo khẩu súng AK
Ba lô con cóc đẫy đà trên lưng

Trường Sơn điệp điệp trùng trùng
Núi cao cao tới tận cùng mây xanh
Vành nguỵ trang, cắm lá cành
Giục ta thôi thục bước nhanh trên đường

Khó khăn gian khổ coi thường
Vững chân vượt dốc băng rừng trèo non
Dép cao su, đá núi mòn
Mũ tai bèo gọn để còn hành quân

Trạm giao liên điểm dừng chân
Bếp Hoàng Cầm vội đào gần suối khe
Cành cây thấy khói phủ che
Tiểu đội cơm nấu, ăn ... vê nắm tròn

Mỗi ngày một chặng đường mòn
Đêm đêm mắc võng ngáy giòn giấc say
Chăn đơn phủ ấm sương bay
Tăng che mưa nắng những ngày trường chinh

Đường vào tuyến lửa quang vinh
Thắm tình đồng đội, nặng tình nước non
Khó khăn gian khổ chẳng sờn
Bừng lên ý chí lòng son kiên cường

Cùng nhau hướng tới tiền phương
Dẫu cho bom đạn cản đường chặn ta
Mưa rừng, muỗi vắt, vàng da
Gian nan thử thách vượt qua kiên cường ...

Bỗng dưng có lệnh khẩn trương
Bổ sung lực lượng cho đường Trường Sơn
Đón tết ngay giữa đường mòn
Bước vào trận chiến chẳng sờn gian lao ...

Địa bàn Đường 9 Nam Lào
Địch hành quân lớn tiến vào thọc sâu
Quân Nguỵ trước, Mỹ đứng sau
Phía Tây Lào, Thái cùng nhau hô hào

Trực thăng như lũ cào cào
Xe tăng nhung nhúc, lính ào ào sang
Tuyên bố khoác lác huyênh hoang
Triệt phá cơ sở kho tàng của ta ...

Thế trận chuẩn bị từ xa
Lực lượng phối hợp gần xa sẵn sàng
Đón chặn chia cắt dọc ngang
Mở ra chiến dịch phản công hợp cùng

"Chuồn chuồn" rơi rụng như sung
"Bọ hung" tan xác nổ tung dọc đường
Quan quân hàng vạn tử thương
Đại tá Lữ trưởng đầu hàng giơ tay

Tin vui chiến thắng vang bay
Nức lòng cả nước nồng say dạt dào
Trường Sơn chiến đấu tự hào
Con đường chiến lược ra vào vẫn thông

Năm mươi năm rực chiến công
Trường Sơn huyền thoại mãi không phai mờ
Xuân về thêm đẹp ước mơ
Mở ra ghi mấy vần thơ đón chào.
 

Sáng mồng 1 tết Tân Sửu 2021.
(Viết nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến dịch phản công Đường 9 Nam Lào toàn thắng. Kỷ niệm đón tết đầu tiên tại Trường Sơn - tết Nguyên Đán Kỷ Hợi, tròn nửa thế kỷ đã qua).
 
Thiếu tướng AHLLVTND Hoàng Kiền 
Phó chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam.
tin tức liên quan