Cựu đặc công kể chuyện đối đầu cá sấu ăn thịt người, bảo vệ cầu Rạch Chiếc
Cựu đặc công kể chuyện đối đầu cá sấu ăn thịt người, bảo vệ cầu Rạch Chiếc
Nguồn: Báo Điện tử VTC News
Cựu đặc công kể, để bảo vệ cầu Rạch Chiếc cho Đại quân tiến vào Sài Gòn, ngoài việc đối phó với kẻ địch trên cạn, họ phải đối phó với kẻ thù dưới nước là cá sấu.
Đã 46 năm trôi qua, nhưng ký ức về tháng 4 lịch sử trong chiến dịch mang tên Bác vẫn in rõ mồn một, khắc sâu và nguyên vẹn trong tâm trí những người lính đặc công. Họ đã dành hết thanh xuân, tuổi trẻ, tâm huyết, sức lực và cả sinh mạng để "tiến về Sài Gòn".
Những ngày cuối tháng 4, Trung úy Nguyễn Đức Thọ, lính đặc công thuộc Lữ đoàn Đặc công Biệt động 316, tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà ngồn ngộn xà bần nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Đặng Thúc Liêng (Phường 4, Quận 8, TP.HCM). Ông Thọ là một trong những nhân chứng hiếm hoi cuối cùng của lực lượng đặc công nước.
Ông là người từng khiến quân thù khiếp sợ khi bắn phát súng B40 đầu tiên, mở màn trận đánh cầu Rạch Chiếc, dọn đường cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Lấy tay lau vội mảng bụi trên ghế, ông hào sảng mời chúng tôi ngồi rồi chỉ tay lên phần trần nhà thấm dột: "Nhà này lâu lắm rồi, cứ trời mưa là mang thau chậu đi hứng nước. Cũng tính sửa nhưng chưa đủ tiền. Nay ráng gom góp, sửa được chừng nào hay chừng đó, để ngày 30 tới đây còn mời mấy ông bạn cũ đến chơi".
Như bao sĩ quan đặc công khác, khi chiến tranh kết thúc, hoà bình lập lại, ông rời quân ngũ và bắt đầu cuộc sống thường nhật như mọi công dân. Song, những vết thương của thời bom đạn tiếp tục "níu chân", khiến ông không thể chạy đua với sức ép kinh tế thời bình. 38 tuổi, ông thầm lặng xin làm bảo vệ cho UBND Phường 4 (Quận 8), đến nay đã 29 năm.
Trong tâm trí ông Thọ, thời điểm này của 46 năm về trước, trận đánh cầu Rạch Chiếc 4 ngày đêm là một trong những trận ác liệt cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh, tạo bàn đạp cho cánh Đông quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Đầu năm 1975, tình hình chiến sự rất cam go, địch bủa vây rộng khắp. Các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Bộ Tư lệnh đã đánh chiếm. Chiến trường Đông Nam Bộ cũng đã rục rịch chuẩn bị. Lữ đoàn Đặc công Biệt động 316 của ông được giao nhiệm vụ đánh Bộ Tư lệnh Hải quân địch.
Tháng 4/1975, sau khi thất bại tại Xuân Lộc (Đồng Nai), địch co cụm về Sài Gòn tử thủ. Lúc bấy giờ, cầu Rạch Chiếc là một trong 4 cụm phòng ngự trọng yếu của địch trên tuyến xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa (Đồng Nai), được chính quyền Sài Gòn tăng cường hàng nghìn quân lính cùng nhiều vũ khí hiện đại canh giữ.
Tuy nhiên, trước tinh thần sục sôi, quyết tử của quân ta, chính quyền Sài Gòn buộc lên phương án đánh sập cập cầu, không còn đơn thuần là canh giữ. Bởi, cầu Rạch Chiếc lúc bấy giờ là cửa ngõ phía Đông vào Sài Gòn, hướng tiến công phía Đông của quân ta muốn tiến vào Sài Gòn thì buộc phải qua cầu.
Riêng lực lượng canh giữ thường trực cầu Rạch Chiếc có khoảng 400 lính được trang bị súng chống tăng, phóng lựu, súng cối 60 ly. Hai đầu cầu có 4 lô cốt kiên cố, mép sông có nhiều bốt gác, bãi mìn. Dưới gầm cầu có hai khối thuốc nổ lớn, được chuẩn bị sẵn để chờ lệnh phá huỷ cầu.
Sau khi chi viện thêm hàng nghìn quân lính cùng vũ khí, chính quyền Sài Gòn tự "vỗ ngực" khẳng định cầu Rạch Chiếc chính là "bức tường lửa" quân ta không thể vượt qua.
Tuy vậy, sau khi trinh sát và nắm bắt được tình thế, ngày 25/4/1975, Bộ Tư lệnh đổi hướng ra lệnh quân ta chiếm giữ cầu Rạch Chiếc, bằng mọi cách không được để chính quyền Sài Gòn đánh sập cầu. Do đó, để chiếm được cầu, tất cả đơn vị gồm đại đội đặc công nước và tiểu đoàn đặc công khô của Lữ đoàn 316 đều tham gia.
"Thật sự đó là lần thay đổi chiến thuật bất ngờ, bởi từ trước đến nay, lực lượng đặc công chúng tôi hầu hết chỉ được dạy cách phá cầu, ngăn quân địch tấn công. Tuy nhiên lần đó, lần đầu tiên chúng tôi được lệnh bảo vệ cầu nên trong mỗi người đều mang một tinh thần chiến đấu rất khác, rất bừng bừng khí thế", cựu đặc công Nguyễn Đức Thọ nhớ lại.
Sau khi thống nhất ngày 27/4/1975 sẽ bắt đầu đánh chiếm cầu, rạng sáng 26/4 bộ đội ta bắt đầu đi nhận vũ khí. Đến tối cùng ngày, các đơn vị tập hợp, bàn bạc thống nhất chọn phương án đánh cường tập, dùng B40, B41 tiêu diệt các hỏa điểm chủ.
Khuya 26/4/1975, từ cát cứ rừng dừa nước ấp Bình Trưng (nay thuộc địa phận TP Thủ Đức), bộ đội ta mỗi người mang theo 1 súng AK, 16 quả thủ pháo, 2 lựu đạn và 2 nắm cơm để chuẩn bị bơi về cầu Rạch Chiếc. Riêng các chiến sĩ phụ trách bắn B40, B41 được trang bị thêm 10 quả lựu đạn.
"Lúc đó tôi được phân công bắn khẩu B40 nên được trang bị thêm 10 quả lựu đạn, cộng hết vũ khí lại phải nặng hơn 50kg. Để có sức mang vũ khí, tôi quyết định bỏ lại 2 nắm cơm.
Đoạn từ cát cứ tới cầu Rạch Chiếc không xa, chỉ khoảng 1 cây số. Tuy nhiên, do vùng sông này ngày đó rất nhiều cá sấu nên chúng tôi phải tự sắp xếp hành trang thế nào để vừa tránh được địch trên cạn, vừa tránh được cả cá sấu dưới sông", cựu đặc công Nguyễn Đức Thọ kể.
Cựu đặc công nói cá sấu hồi đó bắt nguồn từ rừng Sác toả ra, rất thích ăn thịt người. Sở thích ấy của chúng rộ lên sau Tết Mậu Thân năm 1968, khi giặc Mỹ điên cuồng xua hàng trăm tàu chiến cùng máy bay B52 tổ chức san bằng chiến khu rừng Sác để xoá sổ Sở chỉ huy Đoàn 10.
Trong một trận đánh ác liệt kéo dài 20 ngày ở sông Ông Kèo (nay thuộc địa phận xã Thạnh An, huyện Cần Giờ), Lữ đoàn 199 của địch bị Đoàn 10 đánh cho tan tác với hàng trăm lính Mỹ phơi xác trên sông, làm mồi cho đàn sấu.
"Từ đấy cá sấu bén mùi thịt sống, hễ nghe súng nổ, nghe mùi người là chúng lao đến. Từ rừng Sác, sấu kéo nhau ra các nhánh sông rình mồi. Nhiều chiến sĩ đặc công ở rừng Sác đã thành mồi của chúng. Dọc các sông gần cầu Rạch Chiếc, nhiều đồng đội của tôi cũng từng bị sấu táp trọng thương", kể đến đây, cổ họng Trung uý Nguyễn Đức Thọ nghèn nghẹn.
Cá sấu hồi đó là sấu hoa cà, được xem là hung thần rừng Sác, con lớn nhất dài hơn 6m, nặng tới cả tấn. Có những lần trinh sát, các đặc công nước phải nín thở, đứng thẳng người giữa sông đợi cho chúng bơi qua. Và trong trận chiến cuối cùng đó, lực lượng đặc công suýt bị lệch giờ do gặp cá sấu.
"Khi tiếp cận mục tiêu khá thuận lợi. 23h ngày 26/4/1975 chúng tôi đã áp sát mục tiêu, thời gian nổ súng còn quá dài nên anh em chúng tôi còn nằm dưới nước trao đổi với nhau. Lúc đó cũng sợ cá sấu lắm, vì lâu lâu thấy như có cá sấu bơi qua, mấy anh em lại phải đứng thẳng người, nín thở. Trước giờ G, tôi nằm dưới nước, lấy hộp sữa chia đôi với chú Thất uống. Anh em bảo nhau uống đi, nếu mai còn sống thì kiếm được cái gì thì ăn cái đó.
Thật ra chúng tôi là đặc công nước, đều đã được dạy cách chống cá sấu thế nào. Đó là khi gặp cá sấu, đừng bơi vô bờ mà cứ ở nguyên giữa sông, thường thì cá sấu nó chỉ đuổi theo khi ở sát bờ. Hoặc khi cá sấu tiến sát quá thì dùng đèn pin rọi thẳng vào mắt, lấy dao nhọn đã ghim sẵn ở lưng mà đâm vào đầu nó rồi bơi thoát", cựu đặc công hào hùng nhớ lại.
Đúng giờ G, quân ta nổ phát súng đầu tiên và liên tục tấn công. Bị đánh bất ngờ, thiệt hại quân số đáng kể, sáng 28/4, chính quyền Sài Gòn huy động toàn bộ lực lượng hơn 2.000 quân, xe tăng, tàu chiến, trực thăng và vũ khí hạng nặng phản công quyết tử.
Trên không, trên sông, trên xa lộ… địch đồng loạt xả bom đạn vào cầu Rạch Chiếc. Từ trường sĩ quan Thủ Đức, Nhơn Trạch, Sóng Thần, "mưa pháo" cũng lũ lượt đổ lên cầu Rạch Chiếc.
12h ngày 28/4, Bộ Chỉ huy ra lệnh cho lực lượng đặc công phải rút qua sông, bảo toàn lực lượng.
Đến tối cùng ngày, lực lượng đặc công được lệnh tiếp tục đánh chiếm cầu Rạch Chiếc. Các chiến sĩ đặc công dùng súng chống tăng B40 và B41 diệt phần lớn xe tăng địch án ngữ hai đầu cầu, sử dụng thủy lôi chặn tàu địch dưới sông, sử dụng các lô cốt có sẵn của địch tạo thành lưới hỏa lực ngăn chặn từ xa không cho tiếp viện.
Trong ngày 29/4/1975, địch phản kích 7 đợt thì đều bị ta đánh lui cả 7. Cầu Rạch Chiếc vẫn được quân ta chiếm giữ cho đại quân tiến vào Sài Gòn.
11h30 ngày 30/4/1975, lá cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc lập, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...
( C. H sưu tầm)