Sự khiêm nhường của người Anh hùng - Thiếu tướng-Nhà văn Hồ Sỹ Hậu

Ngày đăng: 07:24 04/08/2021 Lượt xem: 374
SỰ KHIÊM NHƯỜNG CỦA NGƯỜI ANH HÙNG

        Thiếu tướng – Nhà văn Hồ Sỹ Hậu



Anh hùng Phan Văn Quý (thứ 2 bên trái) tại Lễ đặt tượng cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh - bức tượng do sáng kiến của Anh hùng Phan Văn Quý và do chính anh tài trợ kinh phí đức tượng.


     Trong đời binh nghiệp, tôi đã vài lần thót tim vì đường núi trơn lầy, xe tuột dốc mất kiểm soát, nên rất tò mò muốn nhìn tận mắt sáng kiến dùng một khúc gỗ trong xe mà khắc chế được việc xe tuột dốc của anh hùng Phan Văn Quý. Tôi đến Bảo tàng Hậu cần Quân đội vào một buổi trưa nóng như rang. Do Covid-19, bảo tàng không đón khách. Chú cảnh vệ giữ nguyên tắc, không cho tôi vào. Tôi đành nói dối: “Bác già rồi, lại từ Bắc Ninh đi xe máy về đây, nắng nôi thế này, linh động cho bác vào đi, bác chỉ xem chiếc xe của anh hùng Phan Văn Quý thôi”. Chú lính trẻ cảm thông, gọi cho chỉ huy, và tôi được vào. Không những thế, còn được đồng chí nữ thuyết minh xinh đẹp của bảo tàng tận tình giúp đỡ. Lâu lắm rồi, tôi mới thấy lại chiếc Zil 157 - Tuấn mã Trường Sơn. Chiếc xe nổi tiếng của Quý mang biển số DD4432-TS1. Trong nội dung thuyết minh về chiếc xe, không nói đến sáng kiến này nên khi mở cánh cửa ca bin, chính cô thuyết minh cũng lần đầu tiên để ý tới thanh gỗ nhỏ một đầu chống vào thành ca bin, một đầu được đẽo thành chạc, chống vào cố định cần số phụ. Giản dị quá, nhưng ở Trường Sơn, có khi nó lại mang ý nghĩa sinh tử. Sáng kiến này của Quý nẩy sinh sau một tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”. Lần ấy, xe đang bò lên dốc thì bất thần cần số phụ nhảy về số 0. Chiếc xe bắt đầu tuột dốc. Đoạn đường phía sau toàn cua tay áo, một bên là vách ta luy dựng đứng, một bên là vực thẳm. Trên xe là sinh mạng hàng chục cán bộ chiến sỹ. Chiếc xe tuột dốc với tốc độ kinh hoàng. Phan Văn Quý bình tĩnh nắm chặt vô lăng, rà phanh chân, kéo phanh tay, giữ cho xe thăng bằng và bám riết vào ta luy dương. Nhờ sức khỏe tốt, tài năng và đặc biệt là sự bình tĩnh của Quý, cuối cùng chiếc xe đã dừng lại. Từ khi sáng kiến dùng khúc gỗ cố định cần số phụ, những sự cố kinh hoàng như vậy đã được khắc chế.
     Từ Bảo tàng Hậu cần ra về, tôi cứ nghĩ mãi về thanh gỗ chỉ dài hơn 40cm đó. Nó im lặng nằm trong xe cả mấy chục năm nay, ngay cả người thuyết minh cũng không biết (tôi mong rằng từ nay nó sẽ được nhắc tới trong lời thuyết minh của Bảo tàng). Cái khúc gỗ chỉ khoảng 40cm ấy giản dị, nhưng nó đã giúp lính lái xe Trường Sơn vào những lúc hiểm nghèo. Mấy chục năm nay, nó khiêm nhường như con người Phan Văn Quý. Giờ anh đã là một doanh nhân lớn với tài sản hàng ngàn tỷ đồng, từng là đại biểu Quốc hội…, nhưng với tôi, anh trước hết vẫn là người cựu chiến binh Trường Sơn, người Anh hùng trên chuỗi trọng điểm ATP đường 20 Quyết Thắng, một trong những trọng điểm máu lửa nhất của đường Hồ Chí Minh. Trong cuộc sống ở Trường Sơn, cũng như khi trở thành một doanh nhân lớn, Phan Văn Quý luôn là người khiêm nhường, không muốn nói về mình. Ngay cả cái gan góc của người Anh hùng cũng thật…giản dị. Trọng điểm ở Trường Sơn bom chồng lên bom, trông như hoang mạc. Cây cối bị đốn sạch. Cả một vùng tả tơi đất bột, xe nằm giữa trọng điểm lấy gì mà ngụy trang đây? Cũng như anh hùng lái máy húc Vũ Tiến Đề, Quý ngụy trang xe bằng đất bột, nhưng đọc lại bài thơ “Ngụy trang xe theo màu đất” anh viết thời ấy mới hiểu được con người anh: …Tôi chạy tất bật/ Che bạt kín xe/ Nắm đất vàng hoe/ Trát cùng khắp bạt/ Lòng tôi rợp mát/ Ngủ dưới gầm xe/ Cuộc đời vui ghê/ Khi mình đắc thắng”. Ngụy trang xe theo màu đất, rồi chui xuống gầm xe ngủ giữa trọng điểm mà vẫn thấy  “Lòng tôi rợp mát”, thì rõ ràng đối với anh mọi hiểm nguy đều chẳng có gì là to tát.
     Cái phẩm chất bình tĩnh, khiêm nhường đã giúp người Anh hùng CCB Trường Sơn năm nào vượt qua mọi khó khăn trên con đường anh đi sau cuộc chiến. Là Anh hùng trên tuyến lửa Trường Sơn, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ đươc giao, vậy mà trong môi trường khắc nghiệt của quá trình chuyển đổi cơ chế, anh cũng từng bị hàm oan đến tức tưởi. Nhưng với bản chất trong sáng, tài năng của bản thân và sự tin yêu của đồng đội, anh đã vượt qua cái đận vất vả ấy. “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại”, cái quy luật ấy cũng không loại trừ Phan Văn Quý. Anh đã từng hai lần kinh doanh đổ vỡ. Có lúc phải dùng giấy tờ tùy thân cầm cố ở nhà hàng sau khi tiếp khách, hoặc xuýt bị ngân hàng cưỡng chế siết nợ bằng ngôi nhà vợ chồng đang ở…Ngã ở đâu thì đứng lên từ đó mà đi tiếp. Vượt qua bao sóng gió, giờ đây Phan Văn Quý và Tập đoàn Thái Bình Dương của anh đã là một tên tuổi. Anh đã thành công trong những dự án mình lựa chọn: nhà máy nhiệt điện, cầu cảng, điện gió, nhà ở…Anh cũng là người chủ chốt trong một số quỹ từ thiện như Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai Miền Trung, Quỹ Tâm tài Nghệ An…Đối với Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, hội của những người đồng đội cùng anh thời lửa đạn, mỗi năm anh hỗ trợ hàng tỷ đồng cho các hoạt động…
     Đầu xuân, tôi cùng mấy anh lãnh đạo Hội Truyền thống Trường Sơn đến thăm chúc tết Phan Văn Quý và Tập đoàn Thái Bình Dương của anh. Ngay lối vào phòng khách, tôi thấy một bức tượng đồng to bằng người thật, trông rất giống nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhưng tôi lại nghi ngờ. Một số người, nhất là doanh nhân thành đạt thường hay tạc tượng mình. Tôi hỏi Quý: “Bức tượng ngoài kia là tượng ai vậy?” “Tượng Phạm Tiến Duật anh ạ” “Sao không phải là tượng Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương?” “Phạm Tiến Duật là nhà thơ của Trường Sơn với bài thơ “Tiểu đội xe không kính” bất hủ. Em đặt tượng anh ấy ở đây để tỏ lòng biết ơn và ngưỡng mộ. Chứ em đâu dám tạc tượng mình đặt ở nơi công cộng này”. Tôi cảm động khi nghe câu trả lời đó. Cơ quan của Tập đoàn khác gì gia đình anh, vậy mà anh vẫn khiêm nhường là vậy. Bất giác tôi nhớ đến câu của nhà văn Lep Tonstoi: “Giá trị của mỗi con người là một phân số mà tử số là năng lực mà họ thực sự có được, còn mẫu số là năng lực mà họ tự nói về mình”. Những gì thực có trong cuộc đời của CCB, của doanh nhân Phan Văn Quý cả trong lửa đạn, cả trong thương trường thì mọi người đều đã rõ, còn Phan Văn Quý thì chẳng muốn tự nói về mình, khiến cho mẫu số trong phân số giá trị của anh thật là bé nhỏ, và giá trị thật của anh trước mọi người càng trở nên đáng nể trọng biết bao!
                                                             
    Ngày 14/7/2021

tin tức liên quan