Đời thường của Anh hùng lực lượng vũ trang Chu Văn Mùi

Ngày đăng: 08:46 14/08/2021 Lượt xem: 344
       Đời thường của Anh hùng lực lượng vũ trang Chu Văn Mùi

Trong không khí sục sôi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 3/7/1949, ông Chu Văn Mùi nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội cối 120 ly thuộc Tiểu đoàn 38, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 - Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông sinh năm 1926 ở thôn Hà Thượng, xã Thượng Lan, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
 
     Dấu ấn để lại của cuộc đời quân ngũ
 
Từ khi nhập ngũ 1949 đến năm 1954, ông đã tham gia bảy chiến dịch lớn, đảm nhận những công tác khác nhau: pháo thủ, chiến sĩ nuôi quân, chiến sĩ xung kích, tiểu đội phó súng cối, tiểu đội trưởng thông tin liên lạc; nhiệm vụ nào đồng chí cũng nêu cao tinh thần bền bỉ, quyết vượt qua mọi thử thách, ác liệt hoàn thành một cách xuất sắc.

Ông Mùi cho biết: “ Một ký ức sâu sắc nhất của đời quân ngũ của ông là trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đó là trận phòng ngự trên đồi 311B, suốt 4 ngày đêm liền đơn vị phải nằm dưới hầm sập. Trời mưa, ngập nước, bom đạn các cỡ của địch thường xuyên bắn về dữ dội, ông vẫn quyết tâm bảo vệ máy, giữ vững liên lạc với sở chỉ huy. Có lần máy bị hỏng phải dũng cảm đi tìm máy của địch tháo lấy phụ tùng đem về thay thế, kịp thời bắt liên lạc, góp phấn tích cực phục vụ cho việc chỉ huy chiến đấu thắng lợi.

...Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, khi Sư đoàn 312 nổ súng đánh trận mở màn ở đồi Him Lam, tổ thông tin của ông được giao bám theo Trung đoàn 102 chặn tiếp viện địch từ Mường Thanh ra để Trung đoàn 88 đánh đồi Độc Lập và các cứ điểm 206, 208...
 
... Trận đánh trên đồi A1 diễn ra trong hai ngày ba đêm bắt đầu từ ngày 31/3/1954. Khi đó, ông là tiểu đội trưởng, phụ trách 5 máy thông tin của đơn vị. Tối 31/3, đại đội chủ công đánh trên đồi A1 bị thương vong nhiều; điện thoại, vô tuyến từ đại đội trưởng đến tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn bị mất liên lạc. Đồng chí Chính trị viên tiểu đoàn gọi về giao nhiệm vụ ông phải đảm bảo thông tin liên lạc từ máy của đại đội trưởng tới trung đoàn, sư đoàn. Lúc này hỏa lực của địch rất mạnh, Ông đã cùng đồng đội là Đàm Văn Đức gọi điện báo yêu cầu pháo của quân ta bắn yểm trợ để ông tiến vào trung tâm trận địa Mường Thanh. Lên đến đỉnh đồi A1 ông đã kết nối liên lạc được với Đại đội trưởng Lâm Viết Hữu. Thông tin đã được báo về Sư đoàn 308, Sư đoàn 316, Trung đoàn 174. Đêm hôm đó, địch tổ chức tấn công hai đợt lên đồi A1 nhưng nhờ có được thông tin liên lạc nên quân ta đã đánh bật hết các đợt tấn công của quân địch.
...Đêm 1/4 rạng ngày 2/4/1954, đồng đội Đàm Văn Đức đã hy sinh, ông chỉ một mình với khẩu tiểu liên đã kiên cường bám trụ và đảm bảo giữ liên lạc thông suốt giữa các đơn vị. Sau ba ngày đêm kiên cường bám trụ kiệt sức, Ông đã phải uống nước tiểu của chính mình để tồn tại và vượt qua thử thách. Đường dây liên lạc giữa Trung đoàn 102 với Sở chỉ huy đã được thiết lập lại. Đúng lúc này, đài thông tin Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã thông báo tin cho ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi và tặng thưởng Huân chương chiến sỹ hạng Nhất...
 
Với những chiến công của mình, ngày 31/8/1955, ông Chu Văn Mùi đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Khi được tuyên dương Anh hùng ông là trung đội trưởng thông tin vô tuyến điện thuộc trung đoàn 102, đại đoàn 308, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Sau nhiều năm trong quân ngũ, năm 1986, Anh hùng Chu Văn Mùi phục viên, trở về quê hương nhưng vẫn tiếp tục tham gia công tác tại địa phương.
  
Anh hùng Chu Văn Mùi và cuộc sống đời thường
 

 Về với đời thường, sống và làm việc với bà con quê hương, Ông vẫn mạnh mẽ, như bao lớp trẻ. Là một Đại tá anh hùng quân đội về nghỉ hưu tại địa phương, Ông Mùi vẫn giữ được bản chất của người lính Cụ Hồ, xông pha quyết đoán trong công việc.
 
Sau bao nhiêu năm chiến đấu và công tác xa nhà được vui vầy đoàn tụ cùng vợ con, các cháu, ông thấy yên lòng với cuộc sống hiện tại của gia đình. Nhưng giữa những năm tháng ấy, địa phương gặp nhiều khó khăn, tình trạng nợ đọng thuế kéo dài, đồng ruộng nhiều nơi nắng hạn không có nước tưới, mất mùa, đời sống nông dân đói kém. Tình hình đó đã làm cho ông suy nghĩ, trăn trở. Là một đảng viên, được nhân dân yêu mến, tin cậy, ông tham gia gánh vác trách nhiệm chủ nhiệm HTX thôn Sơn Hà. Bằng uy tín và trách nhiệm của mình, trong 3 năm 1986 đến 1989, ông đã vận động bà con trả hết nợ nần, đóng thuế; mở đại hội xã viên bàn bạc, xem xét, xóa nợ cho những gia đình neo đơn thật sự khó khăn nhưng không có khả năng trả nợ.
 
Thôn Sơn Hà nằm cạnh trung tâm xã 7km, việc đưa điện về thôn là điều mong mỏi của mỗi người dân ở đây và cũng chính là nỗi băn khoăn của ông từ khi về nghỉ hưu. Với ý chí quyết tâm của người lính, ông đã vận động 3 người cùng thế chấp xe máy để vay tiền ngân hàng, đồng thời huy động trên 300 hộ dân đóng góp tiền làm đường điện. Có điện bà con thôn xóm phấn khởi tiếp tục ủng hộ đóng góp xây dựng 2 trạm bơm, giải quyết nước tưới cho phần lớn số ruộng của các gia đình.
 
Năm 1993 được nhân dân tín nhiệm ông được đề nghị  gánh thêm trách nhiệm làm Bí thư chi bộ thôn và tham gia BCH Hội CCB của huyện. Lúc bấy giờ, một trong những khó khăn về trường học đang là mối quan tâm của nhân dân trong thôn. Do trường tiểu học ở xa thôn 3 km, các cháu nhỏ đến trường gặp nhiều khó khăn, vì thế nhiều cháu đã bỏ học. Hiểu rõ nguyên nhân đó, ông đã cùng chi bộ bàn bạc và quyết định vận động bà con thôn xóm quyên góp, đồng thời xin kinh phí của xã và huyện xây dựng Trường tiểu học tại thôn. Trường được xây xong, các cháu nhỏ bỏ học lại tiếp tục đến lớp. Niềm vui con trẻ đã khích lệ các phụ huynh học sinh đầu tư đóng góp cho nhà trường bàn ghế và đồ dùng dậy học. Thấy được kết quả và ích lợi của những việc làm trên, nhân dân thôn Sơn Hà càng tin yêu mến phục ông hơn.
 
Từ xây dựng trạm điện, trạm bơm, trường học, ông tiếp tục đề nghị chi bộ thôn vận động bà con đóng góp tiền làm cầu qua kênh nối liền từ đất Thượng Lan Sang xã Việt Tiến. Từ ngày có cầu, nhân dân đi lại thuận tiện đỡ được hàng chục km đường vòng. Con đường từ trung tâm xã vào thôn nhỏ hẹp khó đi, bà con rất mong muốn mở rộng thêm đường. Đáp ứng nguyện vọng đó, ông đã huy động mọi nhà bỏ ra hàng trăm ngày công đào đắp, tôn tạo mở rộng mặt đường đảm bảo cho xe cơ giới đi lại thuận tiện.
 
Không chỉ chăm lo công việc đem lại lợi ích cho thôn xóm, hàng ngày ông vẫn cần cù cùng người vợ đảm đang làm ruộng, trồng rau nuôi lợn, trồng cây ăn quả, bảo ban con cháu tích cực học tập; chăm chỉ làm ăn, nâng cao đời sống.
 
Ở tuổi 95, Ông Chu Văn Mùi vẫn lạc quan vui vẻ, sống thanh đạm, giản dị, vẫn ý chí tiến công của Anh hùng. Ông  Chu Văn Mùi đã góp phần làm giầu đẹp quê hương Thượng Lan Việt Yên Bắc Giang. Ở tuổi xưa nay hiếm, nhân dân địa phương và các bạn hữu đến thăm thường nói: “Hiếm không phải ở Việt Yên Bắc Giang không có nhiều người tuổi thọ như ông, mà hiếm vì ông tuổi đã cao nhưng vẫn mạnh khỏe, minh mẫn, gương mẫu và hăng hái tham gia mọi phong trào ở địa phương”. Gương sáng về ông để các lớp con cháu noi gương học tập.
 
                                                                                                   Vũ Hoàng Thương


 Một số hình ảnh cựu chiến binh Chu Văn Mùi:
                                                                          


 Ông Chu Văn Mùi tham gia bầu cử Quốc Hội và Hộ đông nhân dân các cấp

                                                        
Anh hùng Chu Văn Mùi chụp ảnh chung cùng Chủ tịch nước Trần Đức Lương


 Anh hùng Chu Văn Mùi sinh năm 1926 tại Thượng Lan Việt Yên Bắc Giang


Anh hùng Chu Văn Mùi và cựu chiến binh xã Thượng Lan nhớ lại trận đánh  Đồi A1 thời kỳ kháng chiến chống Pháp
tin tức liên quan