GƯƠNG SÁNG Ở HẠ LANG
Từ F344, hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ vùng biên giới phía Bắc, năm 1986 anh Nguyễn Xuân Quang phục viên về làm nông nghiệp và xây dựng gia đình (khu 10) xã Văn Lang huyện Hạ Hòa (Phú Thọ). Vùng đồi sỏi đá, quanh năm sống cảnh thiếu thốn, cuộc sống heo hắt đầy khó khăn, luẩn quẩn như "gà mắc tóc", chưa có cách tháo gỡ. Trong lòng anh luôn tâm niệm: phải làm gì đó thực sự có ích cho địa phương và xứng đáng với người cha thương binh nặng chống Pháp năm xưa.
Anh Nguyễn Xuân Quang được bà con trong khu bầu làm Trưởng khu dân cư Nam Sang, địa phương tín nhiệm, 3 năm sau trúng cử Hội đồng Nhân dân xã, chuyển lên Văn phòng Ủy ban nhân dân, vài năm sau là Phó Chủ tịch, năm 2015 lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.
Những năm công tác anh đã được nhận nhiều phần thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong vị trí công tác của Đảng giao cho. Ở một xã miền núi, giáp ranh ba xã, hai huyện, xã Tiên Lương (Cẩm Khê), xã Bằng Giã, qua Núi Am là huyện Yên Lập, một địa bàn phức tạp vắng vẻ, tệ nạn xã hội thường xẩy ra. Nguyễn Xuân Quang đã trải qua 5 năm mặc áo lính nơi biên cương của Tổ quốc, đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng vùng biên giới phía Bắc, nay về quê nhà, những việc làm được Đảng giao, vai trò người đứng đầu trong xã, anh không ngại, bởi vậy anh đã được chọn là tấm gương tiêu biểu thực hiện cuộc vận động "học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh".
Qua gặp gỡ tìm hiểu, chúng tôi được biết anh còn nhiều năm là Ủy viên BCH CCB xã kiêm Chi hội Trưởng CCB khu 10. Anh luôn thể hiện trách nhiệm cao trong công việc được giao, giữ vững phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", không quản ngại với công việc cực nhọc, vất vả nơi đồi núi, nơi vùng sâu, vùng xa, cách trung tâm văn hóa xã gần 10 km, đi lại khó khăn, đường xá những "ổ voi, ổ gà"... Anh cùng anh em tham gia tuần tra, giữ gìn bình yên cho khu, cho xã, xông xáo trong mọi thời tiết, trong công tác phòng chống tội phạm ở địa phương xã Văn Lang, giúp các xã bạn.
Anh hiểu rõ đây là sự tín nhiệm của cấp ủy và bà con trong xã. Anh nghĩ " Dân có no, kinh tế có khá chính quyền mới mạnh, các hoạt động mới sôi nổi được”. Những ngày vào vụ mùa, anh cùng nhân dân xuống đồng tham gia cầy cấy, vận động toàn dân gieo cấy hết diện tích, năm 3 vụ (hai lúa một mầu), những vụ bí đao, cà chua... Cuối năm đồng ruộng Văn Lang đã chuyển hóa vụ bí đao "thương hiệu". Nhiều gia đình thu đạt mức nổi trội, cuộc sống đã đủ no, dân làng 80% ngói hóa, nhiều nhà xây hai ba tầng, từ nguồn thu bí đao, cà chua...
Toàn xã phải có cuộc sống dư dật. Đó là điều luôn trăn trở trong anh. Nhìn vào cơ ngơi những hàng cây ăn quả, ngôi nhà xây kiên cố năm gian ẩn hiện nằm sâu trong cánh rừng bạt ngàn cuối đất xã Văn Lang mà tôi thầm khâm phục. Khu bên phải khuôn viên nhà anh là những đồi chè xanh ngắt cùng hơn 2 ha đồi bạch đàn vươn cao. Trước ngôi nhà là 2 sào ao thả cá. Bên trái là một khu chăn nuôi lợn, gà, vịt, trâu bò và khu mô hình nuôi con dúi, nuôi con dế. Đây là sự chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ hưu của anh… Nhìn cơ ngơi của gia đình anh ai cũng thấy mát mắt đầy kính nể. Năm nay CCB Nguyễn Xuân Quang đã sang tuổi 60, hơn 30 năm tuổi Đảng. Hằng ngày anh phải vượt qua hàng chục ki lô mét ra xã làm việc 4 lược. Đặc biệt anh còn là người hòa giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn nội bộ, bạo lực gia đình, tranh chấp đất đai, những sòng cờ bạc... Chính vì vậy với bà con địa phương coi anh là chỗ dựa vững chắc của mọi người, góp phần tạo mối quan hệ gắn bó tình nghĩa xóm làng. Là một cán bộ CCB, cán bộ Đảng, anh là gương sáng cho lớp trẻ về lối sống, đạo đức qua những việc làm đầy thuyết phục. Mô hình kinh tế gia đình anh đến việc làm ở khu, ở xã, sự gương mẫu giải quyết mọi công việc thấu tình đạt lý thể hiện sự am hiểu pháp luật, sự phân tích điều hay lẽ phải cho người dân nên làm, nên tránh… anh thật sự là tấm gương sáng đầy thuyết phục trước bà con xã Hạ Lang.
Hải Đường
Hội cựu giáo chức Phú Thọ