"Chị Bình Tuyên-Văn". TG: Lê Lợi

Ngày đăng: 05:57 07/03/2022 Lượt xem: 639
------------------------------------------------
CHỊ BÌNH TUYÊN-VĂN
TTUT, BSCKI. Lê Lợi
CCB sư đoàn 968 quân tình nguyện Nam Lào,
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam

 
       Ít ai nghĩ rằng người phụ nữ đã gần 70 tuổi, có dáng đi vạt tép nhẹ do di chứng của tai biến mạch máu não, năm mươi năm trước đây từng là con chim sơn ca của đội Tuyên-Văn của sư đoàn bộ binh 968 quân tình nguyện Nam Lào. Chị Trần Thị Bình, người chị cả của nhóm cựu chiến binh Nam Lào thành phố Nam Định, hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh của chúng tôi.
       Tháng 10 năm 1968, mới 16 tuổi vừa học hết lớp 7 chị khai tăng hai tuổi để vào làm công nhân nhà máy nước Nam Định. Thành phố Dệt hồi đó tuy nhỏ bé nhưng là thành phố quan trọng ở miền Bắc chỉ sau Hà Nội và Hải Phòng. Từng là thủ phủ của ngành dệt may lớn nhất Đông Dương, Nam Định là một trong những mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ trong chiến tranh. Ở độ tuổi bẻ gẫy sừng trâu, chị được phân công làm bảo vệ và trực chiến. Nhà máy nước ở ven đê sông Đào, đây là con sông nối liền sông Hồng và sông Đáy, công tác trực chiến và bảo vệ rất quan trọng bởi mối lo vỡ đê mỗi lần mùa lũ về, nước cứ cuồn cuộn, mấp mé mặt đê. Thêm nữa, ngay phía ngoài đê cạnh nhà máy nước có hai ụ pháo phòng không của bộ đội bảo vệ phía đông thành phố cho nên nhà máy nước luôn sẵn sàng chi viện con người cho họ khi bị máy bay Mỹ đánh phá. Chị nhớ mãi năm 1969, trong những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 mưa nhiều, nước từ sông Hồng đỏ ngầu cuồn cuộn dồn về tràn cả mặt đê sông Đào, mỗi hộ dân thành phố chuẩn bị sẵn một bao đất để góp phần hỗ trợ lực lượng chống lụt. Khi ấy chị 17 tuổi, nước mắt nhòa trong mưa khi được tin Bác Hồ qua đời, cùng với mọi người trong nhà máy biến đau thương thành sức mạnh cả ngày đêm quần quật chống đê vỡ. Với khẩu hiệu “Đội bom mà sản xuất”, cùng với người dân Thành Nam, chị tích cực tham gia với tinh thần sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu vừa hăng hái sản xuất, chi viện cho chiến trường miền Nam,
        Tháng 5/1971, đoàn văn công quân đội do thiếu tá Cường làm trưởng đoàn về tỉnh Nam Hà tuyển người để đào tạo sau đó chuyển về các đơn vị phục vụ cho chiến trường. Nhà máy nước Nam Định có ba người tham gia dự tuyển nhưng chỉ có chị Bình trúng tuyển. Mười lăm nữ của tỉnh Nam Hà cùng mấy chục nữ của một số tỉnh khác tập trung ở Mai Dịch (Hà Nội) chỉ sau mấy ngày đầu học điều lệ, các quy định của quân đội thì đã vơi đi một số…Thế là để quản lý quân số đề phòng việc đào ngũ, lãnh đạo đoàn văn công quân đội báo cáo và được cấp trên đồng ý cho di chuyển số còn lại lên xe bịt bùng hành quân về đơn vị ở Bố Trạch, Quảng Bình.
       Trong những ngày chờ giảng viên từ Hà Nội vào giảng dạy, đơn vị đón thêm các anh chị là bộ đội từ các nơi có năng khiếu được triệu tập về học. Làm quen với nhau thì được biết họ đến từ các binh trạm, các đoàn bộ 470, 471…với bộ quân phục bạc màu bởi lăn lộn ở các chiến trường từ mấy năm trước. Lúc này lớp đã tập trung được trên trăm người, chỉ huy tổ chức đi lên rừng lấy nứa về làm doanh trại. Thật may bởi dù là con gái thành phố nhưng ở nhà chị đã từng làm mọi việc, kể cả việc đan cót, đan rổ, rá để bán. Nam Định khi ấy tên các phố vẫn còn mang chữ “hàng” ở đầu như hàng Nâu, hàng Sắt, hàng Đồng, hàng Cót…Nhà chị ở phố Giá Nứa, đầu phố tiếp giáp với sông Đào, nơi ấy có bến thuyền neo đỗ tập kết những bè luồng, tre, nứa vv…được chở từ mạn ngược về. Từ bé, chị đã biết đan lát vì vậy dịp này được trổ tài, đập dập những cây nứa đan phên thưng doanh trại. Không nhiều người trong số học viên văn công biết làm như chị.
       Doanh trại đơn vị ở xóm Rẫy, chỉ cách thị trấn Hoàn Lão chừng ba cây số. Rảnh rỗi, các chị rủ nhau đi chợ cải thiện. Nơi đây gần phà Gianh nổi tiếng, cách không xa nữa là cảng Gianh, nơi xuất phát của những chuyến tàu không số âm thầm ra khơi, làm thành con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại chuyên chở vũ khí vào miền Nam.
       Khóa học kéo dài trong thời gian sáu tháng với các bộ môn hát, múa, nhạc, kịch. Giảng viên là các thầy cô Quang Phác, Thanh Loan, Trọng Khoát…Cuối tháng 11/1971 là báo cáo chương trình rồi phân đoàn đi luôn về các đơn vị, không cho về thăm nhà vì sợ đào ngũ. Thành phần mỗi đoàn đầy đủ các bộ môn như thanh nhạc, chèo, kịch, nhạc công. Đàn thì có đàn tranh, accordion (phong cầm), sáo, nhị. Phần lớn là ai đi từ đâu thì về lại đó, người thì trở lại các Bộ Tư lệnh 470, 471, 472, đoàn 565, riêng 20 người gồm 8 nữ và 12 nam giới trong đó chị Bình được phân công về đơn vị xa nhất, sư đoàn bộ binh 968 đang tác chiến ở Nam Lào. Hai mươi người ròng rã gần hai tháng hành quân bộ, vừa đi vừa biểu diễn phục vụ cho bộ đội đi vào, thương binh đi ra của các đơn vị dọc đường và ở các binh trạm.
       Những ngày hành quân qua khu vực đường 20 do binh trạm 14 phụ trách thật vất vả bởi liên tục bị bom của máy bay Mỹ rải. Trên trời thì máy bay trinh sát OV.10 quần đảo, nhòm ngó, cứ nghi ngờ là bắn pháo hiệu chỉ điểm, một lát sau là T28, B.59, B.52 ập đến rải bom, đất đá bật tung, đường xá bị quật nát, cắt đoạn, núi rừng chao đảo. Đã có nhiều thương vong của bộ đội và thanh niên xung phong. Trên đường đi chị Thanh bị sốt rét nên chị Xuyến và anh Lâm phó đoàn hai người được giao ở lại chăm sóc, còn đoàn vẫn tiếp tục hành quân. Ấy vậy mà đến tối khi đang nghỉ ngơi ở trạm giao liên mọi người đã thấy ba anh chị đuổi theo kịp. Thì ra lúc ở lại khi nghe tiếng máy bay ba người vừa kịp nhào vào hầm chữ A đã nghe rõ tiếng quả bom rơi cắm phập vào nóc hầm nhưng không thấy nổ, sợ quá cả ba vội vàng chui ra khỏi hầm chạy bán sống bán chết, cái sốt rét tự biến đâu mất. Đúng là phúc tổ bảy mươi đời vì quả bom mà máy bay địch thả thuộc diện bom nổ chậm.
       Gần hai tháng hành quân qua những vùng đất nham nhở do bom đạn máy bay Mỹ phá hoại, đoàn có thêm nhiều kinh nghiệm từ các đơn vị của Bộ Tư lệnh 559. Đang đi nghe tiếng máy bay trinh sát L.19 hoặc OV-10 thả pháo sáng liền tìm các hầm trú ẩn hoặc gốc cây to, hoặc nằm sát vào vệ đường dưới ta-luy dương tránh bom đạn. Một lát sau đã thấy máy bay C-130 đến thả bom phát quang, bom bi inh tai nhức óc, thấy đất rung chuyển như bị địa chấn. Dưới mặt đất các trận địa pháo phòng không 37 ly, 12 ly, 14 ly 5 của ta bắn lên bảo vệ xe và đường. Cứ dọc Trường Sơn mà đi, ăn, ngủ thì vào các trạm giao liên. Cũng chẳng biết khi nào đã vượt qua đất bạn Lào nữa.
Tết năm 1972 là Tết đầu tiên xa nhà của chị Bình và đồng đội là cái Tết đầy ắp kỷ niệm. Đó là cái Tết trên đường hành quân, cái cảm giác vừa bỡ ngỡ vừa nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ quê hương...làm số lính nữ òa khóc. Rừng Trường Sơn như tĩnh mịch, thâm u hơn. Sáng sớm mùng 1 Tết, đoàn quân được lệnh tiếp tục lên đường. Rừng Trường Sơn ở phía Tây này ngoài những chỗ bị bom Mỹ cày nát, còn lại chẳng chịt đường xe ô tô, đường mòn.
       Sau Tết cả đoàn cũng đã tới được binh trạm 35, Đoàn 559, đóng quân tại Bắc Sê Ta Mán thuộc Nam Lào. Từ đây có lính Pa-thet Lào dẫn đoàn đi thêm mấy ngày đêm đường đất nữa mới tới sư đoàn bộ sư đoàn 968 đóng quân ở bản Bạc gần suối Huội Ket và núi Phu Ket cao nhất của tỉnh Saravan. Gọi là suối nhưng nó khá rộng, hai bên bờ có những khu rừng, nhiều cây cao và to có những bãi rộng là bãi đón quân. Gần đấy có thác Na Hang, bờ không cao nhưng mặt rộng chia làm nhiều tầng. Mùa khô, dòng nước hiền hòa thích hợp cho việc tắm giặt và làm bếp nuôi quân. Lúc này sư đoàn 968 đang mở hai mặt trận, mặt trận X ở khu vực đường 9, Muang Phalan còn mặt trận Z ở Attopo, Boloven, Saravan…  Năm 1972, tại Saravan chiến sự vẫn diễn ra nhưng xa khu hậu cứ của sư đoàn.
       Suốt dọc dường mòn mà đoàn đi qua, có nhiều bản bị bỏ hoang. Chiến tranh khốc liệt, đạn bom cày xới làm người dân bản địa phải bỏ nhà chạy về Pakse. Cây cối cứ đến mùa mưa lại um tùm, chỗ là rừng tre bạt ngàn, chỗ lại có nhiều cây ăn quả như chuối, dứa, mít, xoài, đu đủ mặc sức phát triển phục vụ cho đám lính sư đoàn. Những đám xấu hổ và mâm xôi mọc bò lan khắp nơi, đi ngang qua cứ thấy nhoi nhói do chân quệt phải gai xấu hổ. Dân Lào ở đây hay đốt cà-boong, họ lấy nứa khô chẻ nhỏ trộn lẫn nhựa của cây khoọc thế là đã có cây đuốc để thắp sáng.
       Sau khi được Chỉ huy sư đoàn là Tư lệnh Hoàng Kiện và Chính ủy Nguyễn Ngọc Sơn gặp gỡ giao nhiệm vụ, các anh chị văn công được biên chế thành đội tuyên-văn thuộc Ban Tuyên huấn của Phòng Chính trị sư đoàn. Nhạc công có anh Dũng, anh Đạm kéo đàn accordion, chơi đàn nguyệt có anh Đản người Thanh Hóa, thổi sáo là anh Đảm, còn anh Thư kéo nhị và đàn bầu. Cũng chả có trống phách gì. Chị Bình hát đơn ca chính ngoài ra còn múa phụ họa cùng với chị Lý, chị Thanh khi có tiết mục hát chèo. Hát chầu văn có các chị Mận, Minh, Xuyến và các anh Yêng, Quang. Anh Lâm, anh Thư toàn đóng vai biệt kích trong những vở kịch ngắn. Còn có chị Phượng trong đoàn làm nhiệm vụ Y tế, anh Chi người Thuận Vi (Thái Bình) làm đoàn trưởng.
       Ổn định xong đội tuyên-văn đi biểu diễn suốt, ngoài phục vụ ở sư đoàn bộ còn đi về các trung đoàn 9, 19, 39 và xuống các tiểu đoàn cùng các đại đội, trung đội ở chốt lẻ. Sau này còn tới cả trung đoàn 102, 52, 59 do Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh 559 tăng cường cho mặt trận Nam Lào. Tất cả đều biểu diễn vo, không có loa đài vì không có điện, chỉ biểu diễn vào ban ngày bởi buổi tối không đốt lửa, sợ địch phát hiện bị lộ. Sân khấu thật đơn giản, lấy tăng làm cánh gà, phông sân khấu phía sau làm bằng dù mà lính sư đoàn 968 lấy được của máy bay địch khi thả dù. Chương trình bao giờ cũng vậy, giống nhau gồm: hát đơn ca nam, nữ, hợp ca, chèo, kịch ngắn…Hát mới có: Đường chúng ta đi; Trên đỉnh Trường Sơn ta hát; Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn; Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây; Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân; Người ở đừng về. Bài hát tiếng Lào có: Bộ đội bắn rơi máy bay; Lăm tơi, lăm tắc…Các làn điệu Chèo chủ yếu là tự sáng tác về quê hương, về chiến đấu, có một vài bài tủ, đến đơn vị nào thì thay tên đơn vị đó vào là xong. Còn kịch là các tiểu phẩm ngắn, diễn cảnh quân ta đánh biệt kích địch, lần nào ta cũng thắng, địch cũng thua.
       Khi mới vào Trường Sơn, chị em văn công ai nấy tóc mượt mà, thế nhưng chỉ sau vài trận sốt rét tóc rụng còn lưa thưa. Ở rừng không có bồ kết, xà phòng cũng hiếm. Do sốt rét nên chị em văn công ai cũng gày gò, ốm yếu, da xanh tái. Hát múa vo, không có loa đài hỗ trợ nên cũng không hay lắm. Ở các đơn vị, anh em bộ đội nhiều người có tài lẻ: hát, người thổi sáo, người đàn…lên biểu diễn cùng được hoan nghênh nhiệt liệt. Còn nhớ sau khi biểu diễn phục vụ bộ đội ở trung đoàn 9 đóng ở sát chân núi về phía đông đường 23, đội tuyên-văn di chuyển về phục vụ các tiểu đoàn đóng quân khu vực bản Bèng, bản La Vang và khu vực ngã ba Tha Teng. Nhân dân Lào ở các bản gần kéo nhau đến xem con gái Việt Nam thế nào, thấy các chị ốm o, gày yếu thì họ bảo: con gái Lào lấy chồng phải “biền to mu-đổi con trâu”, còn con gái Việt như thế này thì chỉ “biền to cay-đổi con gà” thôi.
       Vào năm 1972 bị địch đánh mạnh, đội trên đường đi phục vụ cho bộ đội phải chạy dạt gần về một đơn vị của BTL 471 gần biên giới Việt Nam hàng tháng.
       Mấy năm ở Nam Lào, cứ vào mùa mưa là đường đất sạt lở, đội không thể đi phục vụ ở các đơn vị được. Bị sốt rét, chị Bình được điều trị tại viện 49 sư đoàn, cứ hết cơn sốt, rảnh rỗi lại đi theo lớp đào tạo y tá do sư đoàn mở, vậy mà sau 2 tháng chị đã thành thạo công việc của một y tá sơ cấp, được cấp giấy chứng nhận của Quân Y sư đoàn 968 do bác sĩ Đỗ Hòe ký
       Cuối tháng 3/1973 các chị được lệnh trở về hậu cứ của sư đoàn 968 tập luyện để chuẩn bị biểu diễn cho đoàn cán bộ cấp cao của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, tuy nhiên buổi biểu diễn đã không được diễn ra. Ngày 3/4, chiếc xe ô tô chở Đại tá Đặng Tính, Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn trên đường ghé thăm một đơn vị của sư đoàn 968 chốt giữ Paksoòng, vị trí quan trọng mới giải phóng bị trúng mìn của địch. Cả năm người trên xe hy sinh, trong đó có Thượng tá Vũ Quang Bình, Chính ủy sư đoàn 968. Anh Bình là chồng của Bác sĩ Tố, Hiệu phó trường Y sĩ Nam Định.
       Tháng 7/1973, chị Bình cùng một số anh chị em của đội tuyên-văn được về nước tham dự hội diễn nghệ thuật toàn quân tại Lệ Thủy, Quảng Bình, gần phà Quán Hàu, được giải tập thể. Hội diễn xong được cấp trên cho về phép thăm nhà 3 tuần, sau đó lại vào Quảng Bình để được bồi dưỡng tiếp 3 tháng về nghệ thuật của Bộ Tư lệnh 559. Tuy nhiên căn bệnh sốt rét buộc chị phải nằm điều trị tại quân y viện của Bộ Tư lệnh 559 ở Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình. Tháng 11/1973 được ra Bắc đi ăn dưỡng bệnh binh và tháng 7/1974 do sức khỏe yếu, chị được chuyển ngành về lại nhà máy nước Nam Định công tác làm y tá cơ quan.


Nữ CSTS Trần Thị Bình trong lần gặp nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
 
       Sau ngày thống nhất đất nước, Chị Bình xây dựng gia đình với anh Thành nguyên là chiến sĩ trung đoàn 102 do Bộ Tổng Tham mưu tăng cường cho mặt trận Nam Lào. Anh chị vượt qua hết khó khăn này đến khó khăn khác để nuôi dạy hai đứa con cùng các cháu nên người.
       Vào tuổi 70 dù mang trong mình một số bệnh như tiểu đường, tăng huyết áp cùng di chứng của chất độc da cam thời chiến tranh do máy bay Mỹ rải xuống Trường Sơn nhưng chị rất tích cực làm thiện nguyện.
       Chị là hội viên của Hội Cựu Chiến binh, Hội Truyền thống Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh, tham gia Câu lạc bộ nghệ thuật Trường Sơn Nam Định.
       Ngoài việc tham gia Trung tâm tổ chức thăm chiến trường xưa (Quân tình nguyện Việt Lào - Bộ đội Trường Sơn), đơn vị trực thuộc Hội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam do chị Vũ Thúy Lành làm giám đốc, chị còn tham gia Câu lạc bộ nghệ thuật của Trung tâm nhiều lần biểu diễn trong nước và nước bạn Lào được gặp các nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang…
       Bằng công sức nhỏ bé của mình, chị nhiều lần tham gia cùng Trung tâm tổ chức thăm chiến trường xưa đi Tri ân các anh hùng, liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia đường Chín, Thành cổ Quảng Trị…
       Quá trình tham gia cách mạng, chị được tặng thưởng Huân chương Chiến sỹ vẻ vang, Huân chương Chiến sỹ giải phóng và Huân chương kháng chiến hạng III.
       Năm tháng quân ngũ ở chiến trường Nam Lào với chị mãi mãi là những khoảnh khắc đẹp nhất đời người, là nguồn động lực lớn để chị vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

 
tin tức liên quan