Nguyễn Văn Thiềng – Tấm gương tiêu biểu của Hội Trường Sơn tỉnh Bắc Ninh

Ngày đăng: 07:12 09/03/2022 Lượt xem: 815
NGUYỄN VĂN THIỀNG - TẤM GƯƠNG TIÊU BIỂU
CỦA HỘI TRƯỜNG SƠN TỈNH BẮC NINH.  
 

Chiến sỹ Trường Sơn – Nhà giáo Nguyễn Văn Thiềng
 
       Chiến sỹ Trường Sơn – Nhà giáo Nguyễn Văn Thiềng ở Khu phố 5, Thị trấn Phố Mới, huyện Quế - Võ.Nhập ngũ tháng 3 năm 1966 được bổ xung vào Binh trạm 14 thuộc đoàn 500. Nhiệm vụ vận chuyển quân lương đạn được từ đông Trường Sơn (Xuân Sơn - Phong Nha) vượt Tây Trường Sơn (nước bạn Lào) với trên 1.200 ngày đêm trên tuyến đường Trường Sơn. Từ một người chiến sỹ lái xe được giao chức Đại đội phó, anh cùng các đồng chí của mình ngày đêm cùng xe đi dưới mưa bom bão đạn giặc Mỹ. Hơn ngàn ngày đêm ấy đã có bao khó khăn ác liệt, chịu đói chịu rét chỉ có rau rừng nước suối. Ban ngày chốt ở dưới hầm, ban đêm mới lên tranh chấp từng mét đường với con ma thần sấm Hoa Kỳ. Đã thế lại bị muỗi rừng, vắt núi gây nên bệnh sốt rét đêm ngày dầy vò cơ thể.
       Gian khổ là thế, xót xa là thế, mà vẫn kiên cường cùng xe vượt giải Trường Sơn. Với anh đã hai lần bị thương (hiện giờ là thương binh 2/4) nhưng anh vẫn phát huy tính tiên phong của người Đảng viên, vẫn kiên trung chỉ huy đơn vị, qua bao chiến dịch hoàn thành suất sắc nhiệm vụ. Qua 4 năm anh được đoàn 500 khen ngợi, một năm là Chiến sỹ thi đua, hai năm là Chiến sỹ quyết thắng và được tặng hai Huân chương chiến công hạng 3 về thành tích “Dũng cảm ngoan cường cứu xe, cứu hàng” .Do thương tật trong chiến tranh sức khỏe của anh giảm sút, đầu năm 1970 anh được ra Bắc điều trị.
       Trong những ngày tháng ấy cả nước thương nhớ Bác, Sống lao động, chiến đấu ,học tập làm theo di chúc của Bác. Khi điều trị trong viện anh vẫn tự học, ôn luyện lại kiến thức văn hóa. Đến tháng 8 năm 1970 anh thi đỗ vào khoa vật lý trường Đại học Sư phạm 2. Năm 1974 tốt nghiệp ra trường anh được chuyển về ngành giáo dục làm giáo giảng viên trường sư phạm 10+3 Hà Bắc. Tháng 7 năm 1977 anh được bổ nhiệm làm Hiệu phó trường Vừa học vừa làm Quế Võ rồi đề bạt làm Hiệu trưởng của trường. Trong giai đoạn này nền kinh tế của cả đất nước có rất nhiều khó khăn. Trường thì tạm bợ lại không cố định, trong vòng 9 năm di chuyển 2 – 3 lần.
       Phát huy truyền thống Trường Sơn - Bộ đội Cụ Hồ,anh đã cùng đồng nghiệp lo toan xây dựng nhà trường chăm lo dạy học sinh. Đâu chỉ có bảng đen phấn trắng và giáo án. Anh còn phải gắn liền với cái cuốc, cái cày, con trâu, thửa ruộng biết bao vất vả và nhọc nhằn. Hơn 9 năm gắn bó xây dựng trường Vừa học vừa làm Quế Võ, anh được bổ nhiệm về làm Phó phòng giáo dục huyện Quế Võ tháng 8/1986 rồi làm Trưởng phòng giáo dục huyện Quế Võ đến hết tháng 8 năm 1992. Với 6 năm công tác tại Phòng giáo dục, anh luôn nêu cao ý thức trách nhiệm của người lãnh đạo .Đi sâu, đi sát các hoạt động của các trường trong toàn huyện hoàn thành các chỉ tiêu tỉnh giao. Do sức khỏe giảm sút khi anh mới trên 50 tuổi nhưng có 30 năm công tác, lại có 4 năm chiến đấu ở chiến trường B, nên được nghỉ hưu vĩnh viễn. Nghỉ hưu chưa đầy 2 năm trong mái ấm gia đình anh cùng người vợ hiền chăm nom con cháu. Bươn trải trong cuộc sống hàng ngày sớm tối sẻ chia động viên nhau. Vợ anh đồng nhất quan điểm và nguyện vọng của anh quyết tâm mở Trường dậy học . Với một suy nghĩ nung nấu: “Có Trường là đỡ các cháu thất học và có ích cho xã hội”. Noi theo tấm gương việc làm của Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Văn Như Cương - người khai lập trường Dân Lập Lương Thế Vinh. Thế là việc mở trường Dân Lập được khai thông. Với sự quyết tâm của ông lại được sự giúp đỡ của lãnh đạo huyện có nhà bảo trợ (Ủy ban mặt trận tổ quốc huyện Quế Võ) và có sự động viên của nhiều đồng nghiệp.Ngày 09/02/1995 ông nhận được quyết định số 12UB của UBND tỉnh Hà Bắc cho phép mở trường mang tên: Trường THPT dân lập Quế Võ (Nay gọi là trường THPT Phố Mới).
       Ngày đầu ấy có biết bao khó khăn trở ngại .Anh loay hoay tìm kiếm tài chính phần Nhà nước “quy định nghặt nghèo”.Phần bạn hữu bốn phương, giầu lòng nhưng nghèo. Tuyển mộ cán bộ, giáo viên,thuê nhà làm phòng học.Trăm ngàn khó khăn dồn ép lên đầu.Với bản chất người lính, người Đảng viên thấm nhuần lời dậy của Bác “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền....”.Anh lặn lội bươn trải mà đi đến thành công. Có giấy phép, anh thuê 2 phòng học khai giảng…
       Năm học thứ 11 của trường anh có một ngôi trường khang trang 3 dẫy nhà tầng kiên cố gồm hội trường, văn phòng, trên 30 phòng học và 4 phòng thí nghiệm (Lý, hóa và vi tính) tổng kinh phí xây dựng tính thời điểm năm 2016 tình tròn phải tới 45 tỷ. Có biết bao khó khăn về kinh tế song anh cùng đồng nghiệp đã gặt hái thắng lợi với 22 năm đã có 7.054 học sinh tốt nghiệp ra trường trên 2.100 em thi đỗ vào Cao đẳng và Đại học. Hiệu quả giáo dục to lớn, góp thêm vào việc nâng cao dân trí và đào tạo nhân lực. Hơn nữa tạo công ăn việc làm cho 50 – 60 cán bộ giáo viên có mức lương trung bình từ 5.000.000đ/người (ở thời điểm 2016). Còn hiệu quả kinh tế thì sao, nếu tính trung bình cho một học sinh tốt nghiệp ra trường ở trường công lập, riêng quỹ lương Nhà nước phải chi là 16 triệu trên một học sinh. Vậy 7.054 học sinh đã tốt nghiệp phải chi là: 112 tỷ 864 triệu đồng, số tiền trên đã tiết kiệm chi tiêu công cho Nhà nước…
       Việc làm trên minh chứng, anh là một trong những người tiên phong trong công cuộc xã hội hóa giáo dục, đúng hướng với quyết sách của Đảng và Nhà nước.
       Anh - Thầy Thiềng luôn quan tâm đến con em hộ chính sách con Thương binh bệnh binh, con hộ nghèo, cận nghèo . Vào hàng năm, các ngày tết âm lịch thầy trao quà trung bình là: 1.200.000đ/1 xuất. Năm 2018 anh Thiềng đã 77 tuổi có 30 năm công tác liên tục và 23 năm làm Hiệu trưởng của trường. Sức khỏe đã giảm sút do vết thương tái phát. Ngồi tâm sự cùng anh tôi thật cảm kích, anh nói “nay tôi tuổi đã cao, bệnh tật nhiều, rất tiếc tôi không có nhiều thời gian để giúp cho mọi người, đặc biệt lo các cháu học sinh chưa có chỗ học.”
       Tấm lòng nhân hậu anh luôn nghĩ về học trò và về mọi người. Gần anh tôi hiểu được anh xứng đáng nhận tấm Huân chương từ lòng dân . Sức khỏe kém, tóc bạc nhiều, nhưng ý chí và nghị lực thì thật sung mãn, tình yêu trong mái ấm gia đình thật lớn lao. Với anh, đói cho sạch rách cho thơm, tự bươn trải mưu sinh, truyền cảm kiến thức cho thế hệ trẻ chẳng màng nghĩ đến danh lợi, xóm giềng ai cũng mến phục.
       Xuân về có thêm hoa thơm trái ngọt, gia đình tiếng cười nhiều hơn. Hạnh phúc lớn của anh có người bạn đời: cô giáo Lại Thị Đề tâm đầu ý hợp sớm tối sẻ chia động viên cổ vũ đồng nhất quan điểm. Cùng anh trên 20 năm chăm lo dạy bảo học sinh đó là nguồn động lực lớn lao thúc đẩy đến thành công . Toại nguyện trong tâm anh: “ không muốn các cháu thất học, có kiến thức các cháu có ích cho xã hội.”
       Thể theo nguyện vọng của anh ngày 03 – 09 – 2018 .Anh được Sở Giáo Dục Đào Tạo tỉnh Bắc –Ninh cho nghỉ chức Hiệu trưởng “ hưu lần thứ hai ”.
       Chiến sỹ Trường Sơn – Nhà giáo Nguyễn Văn Thiềng xứng đáng là tấm gương tiêu biểu của hội Truyền Thống Trường Sơn - Đường Hồ chí Minh tỉnh Bắc Ninh.

Trung Phụng
(Ghi theo lời kể của đồng chí Trần Quang Tước
Khu phố 5 Thị trấn Phố Mói Quế Võ. Điện thoại 0976548046)

tin tức liên quan