ĐẠI TÁ ĐINH CÔNG TY CHIẾN SỸ TRƯỜNG SƠN
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO
TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC VÀ PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
Đức Dụ
Chân dung Đại tá Đinh Công Ty
Hội viên Hội truyền thống Trường Sơn Việt Nam Đinh Công Ty sinh ngày 1/5/1935 tại xã Quảng Châu huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa. Lớn lên trong một gia đình khá giả. Tuy là gia đình khá giả nhưng ngày ấy ông cũng chỉ được học đến hết lớp 7/10. Năm 1954 khi vừa tròn 18 tuổi, ông xung phong lên đường nhập ngũ. Sau 1 tháng huấn luyện ông được biên chế vào đại đội 145, tiểu đoàn 11, trung đoàn 141, đại đoàn 312 đơn vị chủ công tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông có vinh dự được tham gia trận đánh đồi A1, đây là trận đánh quyết định trên chiến trường Điện Biên Phủ. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ông tham gia làm bộ phim (Trên đường Thắng lợi), lên rừng khai thác vật liệu về xây dựng doanh trại. Ngày 11/7/1955 qua nhiều thử thách, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam, tham gia duyệt binh chào mừng ngày quốc khánh lần đầu tiên vào ngày 2/9/1955. Đặc biệt vinh dự là trong thời gian luyện tập tại sân bay Bạch Mai, ngày 19/8/1955 ông được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm; được nghe Bác căn dặn nhiều điều, ông như nuốt lấy từng lời. Đây là khoảnh khắc đáng nhớ nhất, là kỷ niệm sâu sắc nhất của cuộc đời ông.
Ông được đi học văn hóa, hoàn hiện chương trình lớp 10/10 vào năm 1957; ra trường vào học tại trường lái xe Tiến bộ, khi tốt nghiệp ông được điều về làm công tác giáo vụ của trường dạy lái xe 255. Năm 1965 trường lái xe 255 được giao nhiệm vụ đặc biệt, tuyển chọn cán bộ chiến sỹ có trình độ chuyên môn cao đi nhận 100 xe mới chở theo lương thực và vũ khí vào chiến trường, ông là Chính trị viên Đại đội 5 của đoàn xe. Đoàn xe có nhiệm vụ đưa xe và hàng vào bàn giao cho đoàn 559, khi đơn vị đã vượt suốt chiều dài tuyến lửa khu 4, có không ít tổn thất; tới huyện Lùm Bùm tỉnh Xa Va Na Khẹt của nước Lào, theo yêu cầu của chiến trường đoàn được lệnh bàn giao toàn bộ xe, hàng và cả lái xe cho đoàn 559. Tư tưởng anh em lái xe lúc ấy diễn biến phức tạp. Ông động viên chiến sĩ phải biết tự hào vì được Đảng và Quân đội tin, chọn là lực lượng tiên phong thực hiện nhiệm vụ vận chuyển bằng cơ giới, để chi viện lớn cho chiến trường Miền Nam, anh em lái xe đã thông suốt và vui vẻ nhận nhiệm vụ gắn bó với tuyến đường Trường Sơn.
Đoàn xe ngày ấy được giao cho nhiều đơn vị; ông Đinh Công Ty về làm Chính trị viên Tiểu đoàn 60 của Binh trạm 32. Những năm tháng ấy, Binh trạm 32 được coi là cổ họng của chiến trường, giặc Mỹ đánh phá vô cùng ác liệt. Xe của Tiểu đoàn 60 thường xuyên phải vượt qua các “cửa tử” dốc Đồng Tiến; Tràng An, U Bò, Khe Tum, A Ki, cua Chữ A, ngầm Ta lê, đèo Phu La Nhích, ngầm Chà là – Tà Lê, ngã ba Lùm Bùm, Đường 128; ra Binh trạm 14 để đưa hàng vào. Đây cũng là nơi ông đã cùng các đồng chí lãnh đạo Binh trạm tả xung hữu đột để mở đường tránh, đường kín, khắc phục hậu quả đánh phá của địch; cứu xe, cứu hàng, cấp cứu thương binh, phá bom nổ chậm, thông tuyến.
Mười năm từ năm 1965 đến ngày Miền Nam được giải phóng 1975, Ông Đinh Công Ty được giao nhiều nhiệm vụ như: Chính trị viên Đại đội xe; Chính trị viên Tiểu đoàn xe 60 của Binh trạm 32; chính ủy Trung đoàn xe 11 là lực lượng chủ công ở phía Tây Trường Sơn trong chiến dịch 1973- 1974. Nhiệm vụ nào được giao ông cũng hoàn thành xuất sắc, đơn vị ông phụ trách lập được nhiều chiến công, ông và đơn vị nhiều lần được tặng thưởng Huân chương, có chiến sĩ lái xe của đơn vị như Phan Văn Qúy được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày 12/7/1973 Sư đoàn 571, Sư đoàn vận tải ô tô đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Trung đoàn 11 do ông làm Chính ủy có vinh dự được đứng trong đội hình của Sư đoàn để chuẩn bị cho quân đội ta đánh lớn. Sau nhiều năm tung hoành ngang dọc trên những cánh rừng Trường Sơn, những lái xe Trường Sơn vui mừng chờ đón và tích cực chuẩn bị cho cơ hội mới này. Khi Đại tướng Tổng Tư Lệnh Võ Nguyên Giáp, ra mệnh lệnh tấn công thần tốc. Ông cùng lãnh đạo chỉ huy của Trung đoàn đã đưa hàng ngàn chiếc xe chở Quân đoàn 1 từ Miền Bắc vào Đồng Xoài; chở Quân Đoàn 2 vừa đi vừa đánh địch dọc các tỉnh Miền Trung tạo ra thế áp đảo quân địch, xô đổ chúng tại Dinh Độc Lập thành phố Sài Gòn vào ngày 30/4/1975. Với ông sự kiện lịch sử ngày toàn thắng 30/4/1975 như một giấc mơ. Hai mươi mốt năm kể từ ngày lên Điện Biên, vào Trường Sơn, nay về đến Sài Gòn, đồng đội của ông đã bao người ngã xuống không được hưởng giờ phút thiêng liêng này. Giũa lúc còn đang ngây ngất hưởng niềm vui chiến thắng, ông được Thượng tướng Trần Văn Trà Chủ tịch ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn, điều động ông tham gia lực lượng Quân quản thành phố, tiếp nhận sĩ quan quân đội Sài Gòn đăng ký trình diện.
Ngày 15/7/1975 khi nhiệm vụ kết thúc, ông nhận được quyết định về làm huyện đội trưởng, tham gia ban thường vụ huyện ủy, làm Bí thư ban cán sự huyện đội huyện Bình Chánh. Ngày mới giải phóng, huyện Bình Chánh là huyện vùng ven; thành phố Sài Gòn là nơi tiêu thụ, sống chủ yếu vào viện trợ Mỹ. Khi hòa bình lập lại tệ nạn xã hội dạt ra ngoại thành chờ thời; tình hình trật tự an ninh trên địa bàn hết sức phức tạp; tội phạm tràn lan, việc làm thiếu, đồng ruộng thì hoang hóa, trốn đi nước ngoài trở thành vấn nạn v.v.
Với bản lĩnh của một cán bộ từng trải. Nhớ lời Bác Hồ dạy: Giành được Chính quyền đã khó; giữ được Chính quyền còn khó hơn. Ông đã cùng tập thể thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ quan trọng, xây dựng được Chính quyền và lực lượng vũ trang, tổ chức các đoàn thể quần chúng ở cơ sở; làm tham mưu cho cấp ủy thực hiện công tác tuyển quân; động viên thanh niên ra nhập lực lượng Thanh niên xung phong phục vụ chiến tranh biên giới và mở các nông trường An Hạ, Phạm văn Hai trên địa bàn huyện Bình Chánh v.v…
Gần 10 năm làm công tác quân sự địa phương tháng 8/1984 ông được gọi trở lại lực lượng chủ lực, giữ chức vụ Chủ nhiệm chính trị Tổng cục Hậu cần phía Nam. Đầu năm 1985 ông ra Bắc làm Cục phó chính trị, Bí thư Đảng ủy cục Xăng dầu. Tháng 10/1990, sau 55 năm chấp hành các nhiệm vụ được Đảng và quân đội giao, Đại tá Đinh Công Ty được nghỉ hưu, ông đã chọn Sài gòn nơi tham gia trận đánh cuối cùng đưa tới ngày thống nhất đất nước, cũng là nơi ông đã cống hiến gần 10 năm cho sự hồi sinh của thành phố Hồ Chí Minh làm nơi sinh sống cuối đời.
Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đại tá Đinh Công Ty đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng; huân chương Quân công hạng ba, Huân chương kháng chiến hạng nhất; huân chương chiến công hạng nhì, hai huân chương chiến công hạng ba cùng với nhiều huân huy chương và các danh hiệu, phần thưởng cao quý khác.
Trở về với đời thường, Đại tá Đinh Công Ty đã có 7 năm từ 1995 đến 2002 tham gia Đảng ủy, làm Chủ tịch Uỷ ban mặt trận Tổ quốc phường 2 quận Tân Bình, ông góp phần xây dựng cấp ủy và Chính quyền địa phương, các đoàn thể quần chúng, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công, giáo dục thế hệ trẻ vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, tham gia các cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, làm nhà tình nghĩa tình thương, xây dựng đô thị văn minh v.v…của thành phố Hồ Chí Minh. Ông cũng là người đi đầu trong việc xây dựng và hoạt động của các hội truyền thống như Ban liên lạc truyền thống Trường Sơn, và Ban liên lạc truyển thống Điện Biên Phủ, Ban liên lạc truyền thống ngành Xăng dầu Tổng cục Hậu Cần.
Tám mươi bảy tuổi đời, sáu mươi tư năm tuổi Đảng, Đại tá Đinh Công Ty như cánh chim bằng bay không biết mỏi. Hiện nay ông vẫn đang đảm nhiệm các chức vụ ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội truyền thống Trường Sơn Việt Nam; Phó trưởng ban thường trực Ban liên lạc truyền thống Trường Sơn thành phố Hồ Chí Minh; thành viên ban liên lạc truyền thống cục xăng dầu; thành viên Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường 2 quận 12. Trong căn hộ số 201 tầng 2 của chung cư Thái An 1 nơi an cư của Đại tá Đinh Công Ty và phu nhân là bà Lã Thị Đông một Dược sỹ có bề dày nghề nghiệp, là nơi ông bà được tự tay chăm sóc cho nhau, nơi đồng đội cũ của ông thường xuyên viếng thăm. Ông tâm sự: “Tôi có được như ngày hôm nay là nhờ ơn Đảng, Bác Hồ. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác Hồ đã thấm sâu trong trái tim và huyết quản. ” Ông cảm thấy cuộc sống của mình thật sự hạnh phúc và viên mãn./.
Nguyễn Văn Dụ
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN
117/106B Nguyễn Hữu Cảnh
phường 22 quận Bình Thạnh T.P Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0903788893.