NGHỊ LỰC MỘT THƯƠNG BINH
Năm 1969 nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, Thanh niên Lê Văn Dũng quê ở Hoằng Hóa đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện trên đất Bắc, tháng 12/1969 được biên chế vào đơn vị Công bình thuộc Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Trong những năm tháng ấy ông đã cùng với đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viên cho chiến trường. Năm 1973 trong một trận đánh phá của máy bay B52 ông đã bị thương phải chuyển về truyến sau. Ông được Nhà nước cho vào điều trị tại Trại Thương binh xã Hà Đông. Huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1981 ông đã tìm được tổ ấm của mình và lập nghiệp tại xã Hà Đông, quê hương vợ.
Sau chiến tranh trở về địa phương, mang trên mình nhiều vết thương với tỷ lệ 81%. Mặc dù một phần cơ thể bị thương tổn và phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trong cuộc sống, nhưng với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đã tạo cho anh động lực vươn lên, tích cực tham gia lao động sản xuất, công tác xã hội, đóng góp trí tuệ, công sức cho công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
Bản thân là một Thương binh nặng, phải có người phục vụ, xong với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ không khuất phục khó khăn. Ông Lê Văn Dũng đã đi tìm hiểu khắp nơi tìm công việc làm hợp lý để phát triển kinh tế, làm giầu bằng chính bàn tay khối óc của mình. Năm 2016, được bạn bè giới thiệu ông đã ra tỉnh Hà Nam tìm hiểu công việc may gia công túi đựng hàng xuất khẩu. Thấy được tiềm năng công việc và nguồn lao động nhàn dỗi ở địa phương, ông đã về bàn bạc với gia đình, vợ con thành lập Công ty TNHH một thành viên Hà Liên, chuyên gia công túi dựng hàng siêu thị xuất khẩu đi nước ngoài. Đến nay Công ty của gia đình ông đã có gần 70 công nhân may túi xuất khẩu, trong đó tập trung tại xưởng 40 công nhân, còn lại ông đầu tư máy tại nhóm hộ gia đình ở một số xã lân cận như Hà Lĩnh, Hà Ngọc, Hà Sơn…vừa tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân không phải đi xa, tranh thủ làm việc lúc rảnh rỗi.
Ông Dũng cho biết: Thời gian đầu, Xưởng may hoạt động khá vất vả vì nhiều lao động vẫn làm việc theo thời vụ, khi nhà có việc hoặc vụ cấy, vụ gặt xin nghỉ hàng nửa tháng trời, không kịp đơn hàng giao cho đối tác. Tuy nhiên, không nản lòng, sau đó gia đình ông đã động viên công nhân tích cực làm để giao hàng đúng thời gian. Đến nay, nhờ uy tín giao hàng đúng thời hạn, nên đối tác đó tin tường và hợp đồng với số lượng hàng hóa sản phẩm mỗi năm đều tăng. Năm 2016, trừ mọi chi phí, Xưởng may cho thu lãi trên 300 triệu đồng và tạo việc làm ổn định cho hơn 70 lao động địa phương, với mức lương bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Nay tuổi đã cao, song Thương binh Lê Văn Dũng, vẫn còn rất nhanh nhẹn, vui vẻ với cuộc sống điền viên, xum vầy cùng con cháu. Đây có lẽ là niềm hạnh phúc lớn lao nhất đối với tuổi già như ông - một Thương binh giàu nghị lực, tàn nhưng không phế…
Bùi Văn Hoằng
CTV Trang TT&BT Trường Sơn