Những bàn tay "vàng"

Ngày đăng: 10:42 23/11/2022 Lượt xem: 182
NHỮNG BÀN TAY “VÀNG”
 
       Một ngày đầu Đông, những trận mưa phùn se lạnh đầu mùa. Chúng tôi, những Chiến sỹ xung phong năm xưa và những người lính, cùng chung chiến hào nơi Trường Sơn hùng vĩ giai đoạn 1965 - 1976... Đang ở tỉnh Yên Bái, Phú Thọ... Theo lời mời của vợ chồng CCB Trình Văn Thiệu, vợ Thanh niên xung phong Nguyễn Thị Thắng quê ở xã Lâm Lợi huyện Hạ Hòa tỉnh Phú Thọ, cùng hẹn nhau đến dự khai mạc Hội chợ những sản phẩm vùng Tây Bắc. Cái chính ở đây là CCB Trình Văn Thiệu muốn giới thiệu cho chùng tôi và nhân dân thị trấn huyện Yên Bình thành phố Yên Bái..., một mô hình quầy làm bằng tre nứa lá, xinh xắn được khai dựng nơi đô thị, phố xá sầm uất hai bên đường phố....
       Từ bàn tay của người lính về đời thường nơi thôn quê như ở xã Lâm Lợi miền núi với gần 10 ngày, sử dụng 8 lao động đã làm được 50 quán bằng tre nứa, lá với diện tích mỗi ngôi trên 9 m 2 , cao 4 mét, có sàn bầy hàng, ghế ngồi hoàn toàn đóng theo dạng sa lông tre hóp, không những làm quán (ky ốt) mà còn ghép tre luồng hình hộp dựng làm cổng vào ra của hội chợ bằng tre nứa hóp. Dựng 4 trụ cao 4m, rộng 8 m, phía trên có băng rôn hội chợ, trên cùng có lợp lá cọ mang “dáng đứng cây tre Việt Nam”; để kịp khai trương, ai ai nhìn cũng thấy mát mắt, lịch sự, thi nhau ghi hình ảnh kỷ niệm những ky ốt hàng hoa quả, thuốc nam bên quán làm bằng tre hóp, nứa lá nơi phố xá.
        Cùng gặp nhau theo lời mời của vợ chồng Thiệu Thắng và vợ chồng con gái út Trình Thị Hương ra đón đoàn.
Những anh em ở huyện Hạ Hòa được gia đình CCB Trình Văn Thiệu cho xe Hải âu 24 ghế đến từng nhà đồng đội đưa đón long trọng, còn những người gần Yên Bái đi xe đạp, xe máy... cùng gặp mặt hân hoan sát cánh đến thăm CCB Trình Văn Thiệu: - Đây là mô hình làm khẩn trương nhất, thời gian hoàn thành nhanh nhất - Tổng chi phí hơn 200 triệu. Trừ đi còn được 40 triệu, Tiền trả công lao động 8 người, mỗi ngày công 400.00đ/người.
       Nhân dịp này ông Thiệu kể thêm những năm 2021 đã làm cho Câu lạc bộ Hà Nội 40 ky ốt, chi hết 150 triệu đồng, trừ vật liệu, đi lại ăn ở còn thu được về 30 triệu đồng.
       Đặc biệt năm 2019, tham gia làm nhà thân thiện tại “Đền Hùng Vương” được giải nhất và nhiều năm trước đã làm 40 ky ốt đưa vào nam đảo Phú Quốc, 12 ky ốt ở Bến xe xã Vô Tranh, nút giao thông IC 11 đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.... chưa kể mỗi năm đóng hàng chục bộ bàn ghế sa lông bằng tre hóp cho khách đặt và nhân dân quanh vùng mua dùng.
       Năm nay CCB Trình Văn Thiệu sang tuổi 80, tuy nhỏ người nhưng rất sung sức, nhanh nhẹn. Ngồi ông kể:
Giữa những năm 80 từ chiến trường Miền Nam về, theo chân là một cô gái Thanh niên xung phong (Nguyễn Thị Thắng) quê ở huyện Thanh Trì Hà Nội về quê làm lễ cưới. Năm sau theo gợi ý của Bố vợ, tay nghề thợ mộc giỏi ở thủ đô Hà Nội định hướng. Mấy năm sau đôi vợ chồng Thiệu Thắng đã có ngay một xưởng mộc đứng nhất nhì tại thị trấn Hạ Hòa, cũng khá rôm rả một thời, nó rôm rả những năm đầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế.
       Thời ấy nó rôm rả bởi tạo dựng được hàng có uy tín về mẫu mã, chất lượng sản phẩm nên cơ sở này có tăm tiếng, khi sản phẩm xuất nhộn nhịp, sản xuất ra đến đâu cũng được các nhà thầu đặt hàng với số lượng lớn đến đấy, ngày làm ăn càng phát đạt.
       Do không ghi chép đầy đủ, chủ quan... vốn liếng cạn hẹp, cuối cùng đi đến cơ ngơi bị phá sản, đặt dấu chấm hết cho một kế hoạch những năm tháng về đời thường bị “giải ngũ” thợ mộc. Tuy bị “thua đau” trong “trận đầu” làm kinh tế, Thân phận con ong tìm về tổ cũ, vẫn một manh nha những dự định mới. Những năm 90 với chính sách giao đất giao rừng ổn định cho người nông dân, phong trào làm kinh tế trang trại ở nhiều nơi. Nắm bắt được cơ hội này, gia đình ông Thiệu nhận 10 ha đất bãi nửa rừng, nửanước nơi đầm lầy cách xa nhà một cây số để làm trang trại.
       Với hai nguyện vọng, chiến thắng nghèo đói của người lính và quyết tâm trả nợ trận thua cay nghề mộc. Bắt đầu tìm vay vốn liếng và công sức lao động trên trang trại. Những năm tháng trôi đi, những giọt mồ hôi, nước mắt đã đổ trên mảnh đất hoang vu đất cằn, sỏi đá này, giờ đây ông Trình Văn Thiệu đã làm chủ một khu đất 5 sào ao thả cá, một khu đồi hơn 3 ha cây lấy gỗ, tre mạnh tông, vườn hoa quả. Một ngôi nhà hai tầng làm bằng tre nứa lá, có cầu thang tre lên xuống, các phòng ngăn khép kín, bàn ghế tre sơn bóng lịch sự, ai đến nhìn thấy cũng phải kính nể ông bà có đôi bàn tay “vàng”, ngoài việc làm quán xá, bàn ghế sa lông.... tre nứa lá... thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. chưa kể mỗi năm thu về hàng tạ măng khô mạnh tông, chăn nuôi gà, lợn... 5 sào ao thả cá, 200 cây trám ăn quả, vải lục ngạn, hồng, bưởi diễn....
       Ngôi nhà hai tầng bề thế làm hoàn toàn bằng tre, nứa lá..nằm giữa hòn đảo nhỏ, bên cánh rừng “sơn thủy hữu tình” ai qua lại cũng thầm khen sức bật của một CCB Trịnh Văn Thiệu, có chung tay của người con gái út Trình Thị Hương hơn 30 tuổi, có hai cháu nhỏ ngày đêm giúp việc cho Ông Bà.
       Những gì hiện hữu hôm nay là một công sức có hậu vô cùng quý mến, với tấm lòng nhiệt huyết của CCB Trình Văn Thiệu chủ nhân trang trại hôm nay, nhân dân và đồng đội rất nể phục một con đường “người thợ” đi suốt gần 50 năm tại một trang trại ngút ngàn rừng vắng bóng người qua lại.
       Tạm biêt gia đình CCB Trình Văn Thiệu, ông cho biết kỳ tới sẽ dựng hơn 10 quán bằng tre nứa lá, trên khu du lịch sinh thái Ao Giời, Suối Tiên, quê hương Hạ Hòa Phú Thọ.
       Chúng tôi những người đồng đội, người lính năm xưa nơi chiến trường Trường Sơn hùng vĩ, xin chúc mừng những bàn tay “vàng” làm đẹp cho quê hương hôm nay và mai sau./.
 
Hải Đường

tin tức liên quan